Trong một lần lên Sa Pa, ông Lý Nhất Hiếu, chủ nhà hàng Hàng Dương cũng vô tình được ăn món này. Thưởng thức dĩa cải mầm đá xào thơm phức trong khung cảnh thiên nhiên hoang sơ dưới tiết trời se lạnh khiến ông Hiếu đâm… tương tư. Vậy là ông hì hục tìm cho được đầu mối cung cấp để mang món cải mầm đá này về giới thiệu với thực khách Sài Gòn.
Ông Hiếu thích thú: “Cải xào vừa chín tới có hương thơm như cơm tấm nhưng đậm hơn, vị ngọt dịu, giòn giòn quyện với mùi gỗ pơmu cháy, thiên nhiên thì hoang sơ… Thiệt khó quên!”
Cải mầm đá thường mọc trên các đỉnh núi đá cao, chỉ phát triển vào mùa lạnh, có nhiều vào khoảng tháng 11 đến tháng 2 – 3 dương lịch. Theo một số người truyền miệng, hầu hết dân leo núi đều ăn cải mầm đá để bồi bổ xương khớp, đang đau hay mệt mỏi ăn mầm đá vào là khoẻ ngay. Cải mầm đá có hình dáng giống như rau cải ngồng nhưng có thêm nhiều nhánh mọc xung quanh như hình tháp nhọn, có màu xanh tươi non.
Ông Hiếu cho biết: “Thời tiết càng lạnh cải mầm càng ngon vì không ra lá nổi, noãn dài to, ngọt thơm”.
Cải mầm đá giòn ngọt, dễ ăn nên thường dùng để xào, luộc hoặc ăn kèm lẩu đều được. Tuy nhiên, cải mầm đá xào với mỡ heo, trên lửa củi pơmu được dân sành ăn tôn là đệ nhất món. Vì ở Sài Gòn không có pơmu, không có thiên nhiên hoang sơ nên món cải mầm đá được đem xốt với dầu hàu theo kiểu thành thị cũng giòn, ngọt đáo để. Hiện nay, giá bán sỉ đúng mùa của loại cải mà không giống cải này trên dưới 100.000đ/kg.
Tác giả: Minh Cúc
Nguồn tin: SGTT
Ý kiến bạn đọc