Huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu có phần lớn diện tích đất sản xuất bị nhiễm phèn, mặn, trồng cây gì cũng chết. Thế rồi, người ta phát hiện có một giống lúa cấy trên đất mặn không những phát triển tốt, lại cho năng suất cao. Lúa mỗi năm chỉ trồng một vụ, xen canh giữa lúa với tôm sú, hạt gạo vốn có màu vàng sẫm ánh đỏ, cơm thơm, nở mềm nên nông dân đặt tên là gạo một bụi đỏ. Từ năm 2008, gạo một bụi đỏ Hồng Dân đã được cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn thương hiệu độc quyền. Gạo có những đặc điểm ưu việt như: hạt chắc, đều, không bị vỡ khi xay xát; đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, gạo có hàm lượng sắt, kẽm, canxi cao...
Gạo đỏ vốn quý nên người dân miền Tây chỉ dùng trong một số trường hợp đặc biệt. Với trẻ em hoặc người lớn tuổi, có thể nấu cháo gạo đỏ ăn với cá bống kho tộ. Khi nấu phải để nhỏ lửa và đun lâu, hạn chế khuấy đảo để hạt gạo nở to, mềm nhưng không bị nát.
Cơm gạo huyết rồng nấu hạt sen là một trong những món chỉ dành để đãi khách phương xa. Trước hết mua gạo đỏ về nhà nấu cơm. Mè rang xong trộn vào, hạt sen nấu cho mềm và trộn vào chung với cơm, thêm một chút muối nữa là được. Ăn cơm phải nhai từ từ mà không ăn với thứ nào khác. Nghe vị béo của mè, bùi bùi thơm thơm của hạt sen, cùng cái vị ngọt đậm đà của gạo một bụi đỏ mới thấm thía giá trị giọt mồ hôi của người nông dân xứ mặn.
Tác giả: Như Trần
Nguồn tin: SGTT
Ý kiến bạn đọc