Một quãng đời...

Thứ hai - 16/12/2013 14:18 12.754 0

(Tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL 2013)

Buổi sáng chủ nhật 2-9-1972. Hai người đàn ông vận quân phục quốc gia rời khỏi căn nhà ở Lộ 2. Chủ căn nhà này là bác sui của một người - tên Bảy Phước, đồng thời là mẹ của người kia - tên Vũ. Theo kế hoạch, hai người sẽ đến một quán cà phê trên đường Đồng Khởi bên hông chợ Sóc Trăng để gặp một người phụ nữ...

Vừa đi ngang cầu Boong, Bảy Phước trông thấy chiếc xe Jeep chở bốn tên lính, trong đó có một tên ở phòng phản gián, biết anh. Anh nói nhanh với Vũ “Tới đầu dãy nhà vựa, mình tách ra nghe, tao đi thẳng vô chợ...”. Không lâu sau, Bảy Phước nghe tiếng súng nổ, chẳng biết tình hình Vũ ra sao, anh hy vọng bọn chúng chỉ bắn hù dọa. Như thường lệ, anh bước nhanh, vòng vô sân Nhà việc Khánh Hưng. Chủ quan với bộ đồ lính, không dè vừa bước ra khỏi gốc còng sát dãy tường rào khu Nhà việc, Bảy Phước bị ba bốn tên lính phục sẵn hồi nào không biết, nhào vô bắt. Không kịp rút súng, anh đạp mạnh gót giày vào chân bọn chúng, cố vùng vẫy... nhưng không thoát!

Vậy là Bảy Phước bị tống giam với tang vật là một số tài liệu, một bản đồ quân sự tiểu khu Ba Xuyên, hai cuộn phim chụp sân bay Sóc Trăng đã tráng xong. Hôm ấy, anh đi gặp cơ sở - chính là người mẹ ruột, vừa là giao liên vừa là cán bộ binh vận tỉnh - để trao toàn bộ các món ấy cho má chuyển về căn cứ.

Vào tù, anh không ngừng tự trách mình chủ quan, khinh địch. Bởi anh đã bị “lộ” vào khoảng đâu một năm trước, từ sau ngày đồng chí tham mưu trưởng tỉnh đội Sóc Trăng hy sinh tại Cạnh Đền - nơi tiếp giáp giữa Cà Mau - Rạch Giá. Hôm ấy, đồng chí tham mưu trưởng đi dự hội nghị ở quân khu, đồng thời cũng nhằm làm công việc “chuyển giao” cơ sở. Đoàn công tác đi trên ba chiếc xuồng, đồng chí ấy đi xuồng giữa cùng hai chiến sĩ... và bị địch bất ngờ tập kích. Đồng chí tham mưu trưởng bị địch bắn chết, toàn bộ tài liệu mang trên người bị tịch thu, do chúng chiếm giữ được trận địa. Trong số tài liệu ấy có hồ sơ lý lịch của Bảy Phước!

Thoạt tiên, chúng đưa anh vào Ty An ninh quân đội, đánh anh rất dữ, thậm chí đóng đinh vào hai đầu gối, hầu moi cho được những cơ sở ta cài cắm trong quân ngũ bọn chúng... Nhưng, Bảy Phước khéo léo, chỉ khai báo ậm ừ hoặc toàn những thông tin chúng đã biết, tuyệt đối không đá động đến các đồng chí lãnh đạo, hoặc bất cứ ai trong lưới điệp báo của anh, mà chính anh là tổ trưởng!

Sau bảy tháng ở Trung tâm thẩm vấn Mỹ, chúng đưa anh qua Khám lớn Sóc Trăng. Chính nơi đây, Bảy Phước được gặp một số lãnh đạo nhà lao, được làm quen với các cuộc đấu tranh “không bạo động” về dân sinh dân chủ, phản đối đánh đập cùng kiểu ăn nói mất dạy của bọn cai ngục đối với những nữ tù. Tiếp theo là một tháng ở Trại tù binh Trà Nóc (Cần Thơ). Ở đây, tất cả người tù đều mặc áo tù binh. Bảy Phước nghe nói mình cùng các đồng chí khác đã có tên trong danh sách đưa ra Phú Quốc. Nhưng, không hiểu sao, chúng bỗng chuyển tất cả về Khám lớn Cần Thơ... Lãnh đạo nhà lao nhận định chúng sẽ cho ra tòa, đưa các chú, các anh vào diện án thường phạm, nhằm “vô hiệu hóa” tù chính trị, để khỏi phải trao trả theo tinh thần Hiệp định Paris (ngày 27-1-1973)... Và mọi người đều không chấp nhận cái tội danh “gian nhân hiệp đảng” mà chúng gán cho, nhằm biến những người tù chính trị thành những phạm nhân thường, can tội trộm cắp, hiếp dâm, giết người, cướp của v.v... Cũng tại Khám lớn Cần Thơ, Bảy Phước gặp gỡ thêm nhiều người tù chính trị “có vai vế”, trong đó có Mười Đại (Chín Đoàn, tên thật Đỗ Văn Lai - nguyên thành đội trưởng Cần Thơ; thời đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư Khu ủy).

Một hôm. Bảy Phước ngỡ ngàng khi khám lớn “tiếp nhận” một người là “quân phạm”, bị gãy chân. Anh biết rõ người này. Đó là Lê Văn Dũng, thuộc đội phòng thủ Phòng chính trị Tỉnh đội Sóc Trăng, quê Gia Hòa, Mỹ Xuyên - hai người vốn rất thân nhau từ hồi công tác trong rừng... Dũng kể, khi ra Thạnh Quới thu đảm phụ, anh bị giặc bắn gãy chân và bị bắt. Lúc ấy, Dũng “khai” trước đây là lính 408, bị Việt cộng bắt, rồi đưa đi thu đảm phụ... Vậy là chúng tin, ghi tội danh của Dũng là quân phạm. Bảy Phước báo với chú Mười Đại căn nguyên chuyện vào tù của Dũng - người bạn thân gắn bó cùng anh suốt từ Khám lớn Cần Thơ cho đến khi ra Côn Đảo, và sau giải phóng được trở về đất liền...

Ở Khám lớn Cần Thơ vài tháng, Bảy Phước bị đưa ra tòa án quân sự mặt trận lưu động, lãnh án hai mươi năm khổ sai! Chỉ vài ngày sau, anh và Dũng (địch kêu án năm năm) bị đưa lên nhà lao Chí Hòa cùng đông đảo tù nhân khác. Chú Mười Đại bị giải lên nơi ấy vào đợt sau. Lúc này nhà lao Chí Hòa đông đúc tù nhân đến từ nhiều nhà tù khắp bốn vùng chiến thuật... Khi vào đây, mọi người phải trải qua thủ tục nhập trại, như lấy lời khai, lăn tay, chụp hình... Lúc Bảy Phước làm xong thủ tục thì qua sáng sớm hôm sau, chúng đã gọi anh lên, hỏi:

- Mầy có chấp hành nội qui này không? Bảy Phước im lặng.

- Trong đó có chào cờ, mầy có chịu chào cờ không? Lúc tụi tao hát quốc ca, tụi mầy trong phòng phải đứng lên...

Như có luồng điện xẹt nhanh qua dần, Bảy Phước đáp trả ngay:

- Không!

- Lý do?

- Tui là nhân viên dân sự của Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, diện trao trả, không lý do gì phải chào cờ của mấy ông...

Ngay lập tức chúng đẩy anh sang chỗ khác, treo ngược hai chân lên và đánh quyết liệt vào khắp người anh, nhất là vào hai đầu gối! Anh cắn răng nén chịu vì hiểu rõ thâm ý bọn chúng muốn “dằn mặt” người khác, nếu anh “chịu”, ắt nhiều người sẽ hoang mang, thậm chí ngã nghiêng theo. Sau đó chúng lôi anh qua khu D, còn được gọi là khu điện ảnh - nơi trước đây từng giam giữ anh Nguyễn Văn Trỗi. Dưới hầm chỉ một bóng đèn điện tròn ánh sáng lờ mờ, trong đó người tù bị quyện cả hai chân trong những còng tra vào một thanh sắt dài suốt bệ ngồi. Bảy Phước nhìn thấy trong hầm đã có nhiều người, sau này mới biết gồm có ông Vũ Hồng (tên thật Nguyễn Đình Liệu, người Nghệ An), Thành ủy viên, phụ trách Công vận thành phố, và một số đồng chí khác. Qua thăm hỏi chuyện trò với Bảy Phước, rồi hội ý gì đó, mấy ông chỉ định anh làm bí thư. Anh ngỡ ngàng:

- Tui chỉ là đoàn viên, chưa phải đảng viên...

Ông Vũ Hồng:

- Bữa nay coi như kết nạp Đảng cho chú mầy luôn! Và, đồng chí được chỉ định làm bí thư!

Đó là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mà Bảy Phước không thể nào quên. Lúc kiên quyết nói không chịu chào cờ với bọn cai tù, anh hoàn toàn chưa có ý thức gì về Đảng, càng không nghĩ đến việc được kết nạp vào Đảng. Chỉ đơn giản một điều, khi phải tạo vỏ bọc thông qua bộ đồ lính, đứng chung trong hàng ngũ địch thì anh không thể không chào cờ... Còn khi đã vào đây, là người tù chính trị, việc gì anh phải chào cờ theo nội qui nhà lao? Đó là anh nghĩ, và đã làm như thế, không ai dạy biểu, hay chuẩn bị cho điều gì...

Ở hầm điện ảnh như ở trong địa ngục, chẳng biết ngày hay đêm, chỉ có thể đoán giờ khi chúng đưa cơm vào. Sau khi ở đây khoảng ba mươi ngày, anh (cùng tất cả người tù dưới hầm) được đưa lên OC3, vẫn là bí thư, trưởng phòng. Những lúc đi nhận cơm, cấp ủy nhà lao tranh thủ hội ý. Trước mắt dựa vào tinh thần Hiệp định Paris đấu tranh buộc chúng phải thi hành Nghị định thư trao trả Nhân viên dân sự (tù chính trị). Thứ nữa tìm cách đấu tranh để “gom” những người tù chính trị bị địch âm mưu đưa vào các phòng thường phạm về OC3, trong đó có chú Mười Đại (khi mới lên Chí Hòa, chú Mười Đại bị giam ở phòng thường phạm). Lúc này, phong trào đấu tranh của những người tù chính trị ở Chí Hòa đã “bài bản” hơn - có ba phòng chống chào cờ, gồm: 2G4 do đồng chí Ngô Tấn Kháng, nguyên bí thư Thành đoàn Đà Nẵng là trưởng phòng; tương tự, OC2 do đồng chí Nguyễn Văn Tư, cán bộ tình báo thuộc Cục Nghiên cứu (Cục TB), Bộ Quốc Phòng; và OC3 do Bảy Phước, bí thư chi bộ kiêm trưởng phòng; phong trào hô la, phản đối, đòi thực hiện trao trả theo tinh thần Hiệp định Paris 1973... diễn ra liên tục. Cộng với sự đấu tranh của chính bản thân, nên số người tù chính trị được trả lại đúng tên gọi, một số người được đưa về OC3, trong đó có chú Mười Đại. Chú Mười tuy lớn tuổi nhưng tinh thần đấu tranh rất mạnh mẽ, góp phần đáng kể vào phong trào đấu tranh trong tù ngày càng lên cao.

Rồi một ngày, nhiều đồng chí hoạt động trong phong trào sinh viên học sinh bị chúng cách ly, đưa ra khu vực Bệnh xá (mới) bên hông khám (xưa là trường bắn Nguyễn Văn Trỗi). Không chỉ vậy, chúng không ngừng đàn áp những người tù chính trị. Quyết không để chúng thao túng, ngay khi phòng 2G4 bị tấn công, anh em các phòng OC2, OC3 quyết liệt hô la phản đối, chúng tiếp tục đánh sang phòng khác, mọi người vùng lên đánh trả... lần đó Bảy Phước bị chúng đánh gãy tay!

Tháng Mười năm 1973 phong trào đấu tranh ở khám lớn Chí Hòa càng quyết liệt, mỗi ngày thông báo, đọc qua loa tay (làm bằng giấy) 3 lần. Trong đó, buổi sáng lúc 5 giờ (vì giờ này thành phố Sài Gòn còn yên ắng, chưa hoạt động nhiều, âm thanh thông báo, hô “loa” như vậy, chung quanh trại giam Chí Hòa có thể nghe được)…

Cho đến một ngày, chúng “lùa” hết tù nhân qua khu vực quân sự Cổng số 5 sân bay Tân Sơn Nhất. Ở đó có sẵn 2 chiếc máy bay vận tải lớn của Mỹ loại C130 với sức chở khoảng hai trăm người. Anh em nhận định, chúng sẽ đưa tất cả ra Côn Đảo! Mọi người vẫn bị còng tay, và tiếp tục bị đánh dữ dội vì phản đối, đòi thực hiện trao trả. Bỗng, trong đám đông vang lên một câu nói đanh gọn:

- Mấy ông đưa tui lên máy bay, tui đốt máy bay!

Bảy Phước la lên theo. Tiếp theo là nhiều giọng nói khác đòi “đốt máy bay”, âm thanh tràn lên tiếng sóng...

Ngay lập tức, không biết từ đâu ra, bọn an ninh sân bay, quân cảnh, cảnh sát dã chiến... có cả mấy trăm ào ào dồn tới, súng lăm lăm. Bọn chúng kéo dây chì gai bao vây lực lượng tù nhân. Xe cứu hỏa hú còi inh ỏi kéo tới. Tụi phi công Mỹ chạy nháo nhào...

Cũng buồn cười. Trong tay “người mở màn” làn sóng đấu tranh “đòi đốt máy bay” không hề có hộp quẹt. Mà cũng không ai có. Sau điều tra, khám xét, biết đã “an toàn”, chúng gọi đám phi công quay lại, tụi nó cũng “bái bai” luôn.

Vậy là, mấy trăm con người bị nhốt trong vòng vây chì gai suốt ba bốn tiếng đồng hồ giữa sân bay, dưới ánh nắng ngày càng thêm thiêu đốt. Nhiều người đói lã. Nhiều anh em bị khủng bố. Các trưởng phòng nhà lao hội ý tìm giải pháp chống phân hóa... Đến hơn một giờ chiều, chúng mới cho gỡ dây chì gai, “lùa” mọi người lên xe, đưa trở về khu Bệnh Xá (mới) - thực chất đây là trại giam trá hình. Nơi đây, chúng cũng vừa hoàn thành việc đưa những người tù chính trị thuộc nhóm sinh viên, học sinh thành phố Sài Gòn - Gia Định chuyển sang nơi khác (trong đó có bà Ngô Bá Thành và anh Lê Văn Nuôi). Bệnh xá có hai dãy phòng lớn, mỗi phòng chứa mấy chục người. Ai cũng được mở còng, và ai ở phòng nào thì được trả về phòng nấy. Riêng Bảy Phước vẫn bị còng và bị tách rời, một mình sang phòng khác… Đến gần tới giờ cơm chiều, chúng mở cửa lấy cơm, Bảy Phước nhanh chóng tranh thủ tráo người trở về chung nhóm OC3!

Sau ba đêm ở tại đây, khoảng một giờ khuya chúng lại đưa tù nhân đi - mà sau đó các anh mới hiểu là chúng đưa các anh qua cảng Sài Gòn, rồi sẽ chuyển mọi người ra Côn Đảo bằng tàu. Từ dãy phòng nhà lao ra xe, chúng xếp các anh theo hai hàng dọc, tụi cảnh sát dã chiến và quân cảnh đứng dàn đều, khít rịt hai bên... Mỗi người tù tay vẫn bị còng, lần lượt bị mỗi tên cảnh sát đánh bằng ma trắc và đẩy, xô đi tới. Có mấy trăm tên cảnh sát hôm ấy thì mỗi người tù phải hứng chịu chừng ấy cây ma trắc giáng lên đầu, lên vai, hay bất cứ nơi nào trên cơ thể. Nói ngay, cũng có tên cảnh sát thỉnh thoảng ngừng tay, không phải bất cứ người tù nào cũng bị đánh liên tục. Riêng Bảy Phước cùng những người có “số má” trong lực lượng đấu tranh thì dường như được “chăm sóc” kỹ càng hơn!

- Uống nước đi em.

Kể đến đây, anh Bảy Phước lại ân cần mời tôi dùng trái cây, uống nước. Rồi anh cười, nói:

- Chính thời gian ở tù làm anh hiểu biết về Đảng, giúp củng cố thêm quan điểm lập trường, giống như thép đã tôi... Nếu không, trong tình hình kinh tế xã hội hiện nay cũng không biết mình sẽ ra sao nữa...

Câu nói thiệt lòng của anh khiến tôi thêm cảm kích. Thêm ngưỡng mộ anh và gia đình - mà cả má, ba, và chín trong tổng số mười một anh chị em của anh đều đi làm cách mạng. Không kể ba anh từng tham gia kháng chiến thời chống Pháp; giai đoạn chống Mỹ, má anh là đảng viên, một người anh của anh trở thành liệt sĩ, trong số anh chị em anh có năm sáu người là đảng viên. Tôi hiểu rõ, không cứ ai là đảng viên cộng sản cũng đều vững vàng, không sa ngã (về nhiều mặt) - nếu bản thân họ thiếu thường xuyên phấn đấu, trui rèn phẩm chất, đạo đức theo lời dạy Bác Hồ! Và, tôi cũng tin, đa số những người tù kháng chiến biết “giữ mình” trong cơn lốc quay cuồng, vàng thau lẫn lộn của cuộc sống hiện nay. Hơn thế, họ luôn cố gắng sống gương mẫu, để dạy dỗ con cháu mình nói riêng, thế hệ trẻ nói chung - về truyền thống yêu nước, giữ nước, về cách sống tốt đẹp, đạo đức!

Do đặc thù nghề nghiệp, tôi có dịp làm quen, học hỏi nhiều về từng mảng lịch sử, về những tấm gương, những nhân cách sáng ngời... trong đó có chú Mười Đại - người đã kể với tôi về anh, Lưu Hồng Phước (Bảy Phước), người con xứ Thạnh Phú, Mỹ Xuyên. Đó cũng là lý do của buổi gặp gỡ, để tôi được viết về một quãng đời hoạt động của anh... Tôi thầm cảm ơn chú Mười Đại, cảm ơn anh, đã trao tôi cơ hội đền đáp ân tình cho Sóc Trăng thân thương - bởi từ khá lâu rồi, tôi ít viết về con người, vùng đất quê mình!

Tiếp nối câu chuyện, anh Bảy Phước cho biết thêm, vốn biết âm mưu địch nên các lãnh đạo nhà lao Chí Hòa đã chuẩn bị sẵn nhiều tờ rơi với nội dung “Chúng tôi là nhân viên dân sự Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tù chính trị khám Chí Hòa. Đồng bào ơi, bà con ơi, địch phản bội, không thực hiện nghị định thư trao trả theo Hiệp định Paris 1973, chúng đang đưa chúng tôi đi thủ tiêu!”. Những tờ rơi ấy được những người tù rải trắng đường trong cái đêm gần cuối tháng bảy năm một ngàn chín trăm bảy mươi ba ấy!

Khoảng hơn bốn giờ sáng, xe chở tù cập bến cầu tàu cảng Sài Gòn, “đổ” mọi người (khoảng hơn bảy trăm người) xuống, tống vô hầm chiếc “Dương vận hạm 500 Cam Ranh”. Chừng ấy con người tay bị còng, bị nhốt trong cái hầm tàu kín bưng, ngột ngạt,... Lãnh đạo (các phòng nhà lao Chí Hòa) hội ý, thống nhất tiếp tục đấu tranh, chống chào cờ, không chấp hành nội qui. Thời gian càng trôi, sự phân hóa diễn ra càng rõ. Có người cằn nhằn “Theo mấy ông đấu tranh giờ không được đi máy bay, phải đi tàu khổ sở, tàu chở người không thua gì chở heo...”. Đến bảy tám tiếng đồng hồ sau, tất cả mới được mở còng...

Sáng sớm hôm sau, ra tới Côn Đảo, chiếc tàu đậu ngoài xa do không cập bến được. Ra “đón” tù là đám tội phạm dữ dằn đi trên chiếc ghe cui to - loại dùng “lòi” hàng hóa từ tàu lớn vào bờ - mỗi thằng cầm sẵn khúc cây bự chảng. Bọn chúng gầm gừ, hăm dọa:

- Đây là Côn Nôn, không phải như trong đất liền đâu nghe mấy con. ĐM mấy con, ra đây bỏ xác cho cá mập ăn nghe con...

Những người tù lần lượt vào bờ. Mưa lất phất. Càng não nuột, Bảy Phước càng nung nấu quyết tâm giữ gìn khí tiết. Anh nghĩ, biết chừng nào mới được về đất liền, má nếu vậy thì... chết là cùng, sợ gì bọn cai tù với đám thường phạm hung ác, tay sai ấy! Bọn chúng tống tất cả xuống chuồng cọp trại bảy, dồn bốn người vô một phòng nhỏ xíu, không ai nằm xuống được.

Hôm sau, cũng diễn ra những thủ tục “nhập trại” như ở những nhà lao trước. Rồi, quãng thời gian sau đó là những trận đòn hiểm ác, những trận đàn áp đấu tranh, những khủng bố - trời nắng nóng thì hắt vôi bột xuống, trời mưa thì xịt nước xối xả, thậm chí còn hắt đổ nước phân người xuống chuồng cọp. Trong thời gian này, anh bị bọn trật tự đánh đập dã man không thua gì khi bị điều tra, thẩm vấn! Gần như hằng ngày, chúng lôi anh ra hành hạ trước những anh em chống chào cờ, nhằm gây rúng động, lung lay ý chí sắt đá của người cộng sản. Chúng dùng củi đốt lò quất anh túi bụi - ít thì khoảng chục cây, nhiều thì khoảng gấp đôi. Mỗi lần như vậy, máu tươi từ da thịt anh chảy ra, thấm ướt quần áo. Cũng mỗi lần như vậy là Dũng khóc, mặc dù Dũng không bị đánh (do đã gãy chân)! Và, sau mỗi lần Bảy Phước bị đánh, Dũng lại xát muối vào vết thương cho anh để khỏi bị nhiễm trùng. Bộ quần áo màu nâu anh mặc ngày càng dày, cứng bởi những vệt máu khô. Chính nó đã giúp anh càng tôi luyện, nung nấu sức chiến đấu và sự chịu đựng dẻo dai, bền bĩ... Ngày qua ngày, sau hơn một tháng, lực lượng đấu tranh chỉ còn khoảng chưa đầy ba mươi người - tất cả bị đẩy lên trại năm; mấy trăm người khác cùng chung chuyến tàu ra Côn Đảo lần ấy, đã lần lượt “được” ra ngoài lao động khổ sai!

Thời gian ở Côn Đảo, lãnh đạo nhà lao giao cho Bảy Phước nhiệm vụ đánh moọc những bản tin (nghe từ chiếc radio được bí mật mua vào), hay những thông báo, kế hoạch đơn giản, dễ hiểu - bằng cách gõ vào tường, truyền tin cho những phòng gần, hoặc leo lên cửa sổ... để truyền tin cho những phòng xa hơn. Mỗi khi lực lượng tù chính trị đấu tranh, nêu rõ các yêu sách, đều bị bọn cai ngục phong tỏa (không cho ra ngoài tấm nắng, giặt giũ như thường ngày), và đàn áp, đánh đập chẳng nương tay. Bảy Phước hầu như mỗi đợt đấu tranh đều bị đánh. Thậm chí đến ngày 25-4-1975, trong đợt đấu tranh cuối cùng anh vẫn bị đám trật tự đánh cho mấy cây... Theo chú Mười Đại, do Bảy Phước hay đứng mũi chịu sào. Khi tiếp xúc với bọn lãnh đạo trại giam, anh luôn tỏ ra không khoan nhượng nên bọn chúng chú ý - từ đất liền đến ra Côn Đảo!

Trong số lãnh đạo nhà lao tại Côn Đảo lúc bấy giờ cũng có người nêu quan điểm: lẽ ra không nên đấu tranh, để tránh bị tổn thất lực lượng. Nhưng, theo Bảy Phước, những người trực diện đấu tranh như Bảy Phước cũng không sai! Bởi, khí tiết người cộng sản, chết bỏ, quyết không chào cờ địch! Nếu có thể quay lại lịch sử, anh cũng nhứt quyết không có chọn lựa nào khác!

Về chuyện này, tôi cũng có lần được nghe chú Mười Đại kể. Chú còn cho tôi xem hai lá thư kiến nghị của chú về “xin bổ sung tư liệu cho lịch sử nhà tù Côn Đảo ngày 30-4-1975 được đầy đủ, chính xác hơn” (viết từ tháng tư năm hai ngàn lẻ hai, và tháng tư hai ngàn lẻ tư). Cho mãi đến nay, chú đã ngấp nghé tuổi chín mươi, vẫn đau đáu, kiên trì nguyện vọng ấy! Theo đó, chú cho biết: Trại 5 Côn Đảo (riêng chú ở đó từ 31-8-1973 đến 1-5-1975) là một trại có 100% tù chống đối. Trại này có tổ chức lãnh đạo Đảng do anh em bầu ra, tồn tại từ trước cho đến ngày 1-5-1975. Ban chỉ đạo bí mật trại 5 ngày 1-5-1975 có ba đồng chí, do chú làm trưởng ban; ngoài ra còn có cấp ủy và đại diện các phòng (có cả phòng bệnh xá, nhà bếp). Có sự tổ chức và lãnh đạo chặt chẽ nên năm trăm tù chính trị trại 5 thống nhất tiến hành đấu tranh liên tục, từ ngày 23-4-1975 đến 1-5-1975. Hơn năm giờ sáng ngày 1-5 ấy, toàn trại vẫn cử hành lễ chào cờ, hát quốc ca, và đòi các yêu sách, trong tư thế chuẩn bị chống đàn áp, do không biết tình hình chiến sự đã diễn ra (chiếc radio đã bị chúng “soát phòng”, tịch thu từ trước đó) - kể cả việc đồng đội mình ở Côn Đảo đã được giải thoát. Sau đó ít lâu mới là cuộc tự phá ngục (của trại 5) ùa ra trước sân bệnh xá và phòng 2 để chính thức chào cờ Tổ quốc, mừng đất nước hoàn toàn giải phóng. Lúc ấy, ánh mặt trời Biển Đông sáng rực.

Chú Mười Đại còn cho biết thêm, về thời khắc ấy, sau này có bài báo tác giả nêu rõ lãnh đạo nhà lao Côn Đảo nhận định: địch có chủ trương tàn sát tù chính trị vào giờ chót, bằng cách gài mìn và phân phối tạc đạn cho bọn cai ngục các nơi. Và, cũng chính sáng hôm 1-5-1975 ấy, tên cai ngục trưởng trại 5 còn đến trước song sắt trại mặc cả, dọa dẫm “Nếu các anh còn hô la, chúng tôi sẽ trừng trị thẳng tay. Nếu chịu êm, thì sẽ được tăng thêm nước uống, không phải mỗi người nửa ca như bây giờ đâu”...

Và, sau đó vài ngày, anh Bảy Phước, chú Mười Đại cùng đông đảo người tù chính trị khác được tàu hải quân rước về tại Cần Thơ hôm 4-5-1975 - sau hai ba chuyến tàu trước dành ưu tiên rước những người tù án tử hình, hay ốm đau kiệt sức! Qua thời gian kiểm điểm “sàng lọc”, anh được giao về Tỉnh đội, rồi Tỉnh ủy Sóc Trăng, và được phân công làm phó ban truy lùng thuộc ủy ban quân quản tỉnh...

Lúc ở ngoài Côn Đảo, duy nhất một lần anh nhận được thư của người em trai gởi, báo tin “ba má đã thôi đóng đáy, nhà mình bị bom đánh tan hoang hết rồi...” Nên khi được trở về Sóc Trăng, anh cứ tưởng cả gia đình chẳng còn ai, bước chân như không phải của mình, cứ trôi đi, trôi đi... không biết về đâu, và bắt đầu từ đâu để tìm lại tình thân! Nhưng, ông trời đã không giáng cho anh những điều bất hạnh nhứt - cho dù về sau này, hành trình cách mạng tiếp theo của anh cũng không ít gian nan, lận đận!

Bảy Phước đã gặp lại đông đủ người nhà, chỉ vắng một người anh, vì anh ấy đã hy sinh!

Phần má anh, trước đó cũng thường nghĩ anh đã chết không toàn thây ngoài Côn Đảo. Nên khi gặp lại anh, bà vừa khóc, vừa cười, và sau đó thì... xuống tóc - “đáp ơn trời phật” đã cho con của má được bình an, sống sót trở về!

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây