Văn chương có thể biến ước mơ nổi tiếng thành sự lố bịch
Thứ sáu - 26/03/2010 23:372.3520
Sự kiện cuốn sách “Sợi xích” của ca sĩ Lê Kiều Như bị tạm ngưng phát hành, sau khi gây xôn xao trên báo chí lại tiếp tục nóng bỏng trên các diễn đàn internet. Bên cạnh sự lúng túng của đơn vị cấp giấy phép là Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, công chúng cũng một phen ngỡ ngàng trước thái độ riết róng của giới truyền thông. Để bạn đọc có cái nhìn thấu đáo hơn quanh sự cố ầm ĩ này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà phê bình văn Nguyễn Hòa.
Khó có thể coi Sợi Xích là “sách sex”!
@ “Sợi xích” khiến anh đọc vì những tuyên bố rùm beng trước đó của tác giả, hay vì những ồn ào dư luận quanh cuốn sách khi tạm ngừng phát hành? Nguyễn Hòa: Có lẽ là cả hai. Từ năm ngoái, tôi đã đọc trả lời phỏng vấn có tính chất quảng bá trước cho tập sách của cô ca sĩ và tôi thấy hơi kỳ kỳ, vì vẫn nghĩ viết văn thường là công việc âm thầm, viết trước nói sau. Đến khi báo chí rùm beng lên, với những nhận định như “lạm dụng yếu tố sex”, “dâm thư”, “sách sex”, “tiểu thuyết ba xu” thì tôi tìm đọc, trước hết là mấy đoạn đã công bố trên internet. Mấy đoạn đó có vẻ rất sex nhưng chưa đủ cứ liệu để tôi đưa ra kết luận của riêng mình. Có người bảo tôi: “Sách ba xu, quan tâm làm gì”, nhưng do có thói quen quan sát, suy nghĩ về các sự việc - hiện tượng xảy ra trong đời sống văn chương, trong quan hệ tác phẩm với người đọc, trong sinh hoạt văn hóa nói chung, nên tôi vẫn đọc. Đọc trong các liên hệ, đọc để đánh giá. Từ góc độ tiếp cận của nguyên lý về mối liên hệ phổ biến, trên đời này chẳng có sự việc nào tồn tại đơn lẻ cả, bao giờ cũng có các mối liên hệ, và từ các mối liên hệ có thể tìm hiểu, khám phá về những sự việc khác.
@ Thực sự, anh có thấy rằng, “Sợi xích” là sách sex không? Nguyễn Hòa: Nếu chỉ đọc mấy đoạn trích công bố trên internet thì sẽ dễ đi tới nhận xét là cuốn sách sex, nhưng nếu đọc cả cuốn sẽ thấy chỉ có vài ba đoạn như vậy thôi. Mà vài ba đoạn ấy vẫn chưa sex hơn một số đoạn trong mấy cuốn sách do tác giả Việt Nam viết, hoặc vài cuốn sách nước ngoài đã dịch và xuất bản. Một vài đoạn không có nghĩa là cả cuốn, nên tôi nghĩ, khó có thể coi Sợi xích là “sách sex”. Còn những trang mô tả ám ảnh về sex thì phần nào đó có thể thể tất. Với một phụ nữ đã yêu và đã lấy được người mình yêu, lại bị chồng “quên” ngay trong đêm tân hôn thì nhiều khả năng có thể xảy ra: có người sẽ nghĩ tới chuyện bỏ chồng, có người lo toan để chữa trị cho chồng, thậm chí lại có người toan tính “cặp bồ”, nên khó có thể loại trừ khả năng về tình trạng bị ám ảnh sex ở người vợ. Ngay đến mấy đoạn sex, cũng có thể tiếp cận khác nhau, như đoạn ở trang 106 - 107 đã được ai đó post la liệt trên internet chẳng hạn. Có thể sẽ có người đọc mấy dòng diễn tả cảm xúc về sex rồi cho là phản cảm. Cũng có thể sẽ có người đọc mấy dòng đó trong quan hệ với sự thật phũ phàng mà nhân vật phải đối mặt ở ngay sau đấy mấy dòng thì lại ghê sợ. Điều này tạo ra một tương phản, đẩy nhân vật đến chỗ bẽ bàng, đáng thương.
@ Là một người làm phê bình, đọc “Sợi xích”, anh có hy vọng tìm thấy chút giá trị văn chương nào không? Nguyễn Hòa: Năm ngoái, đọc Lê Kiều Như trả lời phỏng vấn về cuốn sách cô ấy đang viết, tôi đã hình dung ra đó là sản phẩm gì, nên ngay từ đầu không có ý định đi tìm giá trị văn chương trong Sợi xích. Nếu xét theo logich hình thức thì khi mà cô ấy hát, chụp hình, trả lời phỏng vấn đều “sến” như thế rất dễ kết luận rằng cô sẽ khó có thể viết được một tác phẩm văn chương. Đọc cô trả lời phỏng vấn: “Tính tôi kỳ lạ lắm. Tôi không làm thì thôi, đã làm thì phải làm cho thật lạ, thật sốc. Nói trắng ra không chấn động là tôi không làm” tôi nghĩ, chẳng hóa ra Sợi xích nằm trong chuỗi các việc làm “lạ, sốc, chấn động” mà cô ấy muốn? Với Sợi xích, muốn đọc - đánh giá một cách thật độc lập, muốn gạt sang một bên những bức ảnh nude, lời tuyên bố và mấy bài hát “sến” do Lê Kiều Như trình diễn đang trôi nổi trên internet cũng khó, vì các bức ảnh nửa kín nửa hở được tác giả “bán kèm” lại cứ nằm chềnh ềnh trong cuốn sách. Nhưng dù sao vẫn nên xét trên cơ sở văn bản. Theo tôi, văn của Sợi xích rất hời hợt, về thể loại thì tôi chịu, chẳng biết nên gọi là gì. Cái “tứ” Lê Kiều Như phác họa cho tác phẩm đã bị “giết chết” vì sự non tay của người viết.
Ngộ nhận “cái điếu cày ủy ban”!
@ Ca sĩ Lê Kiều Như viết yếu, đó là sự thật và cũng là điều nhiều người đã có thể tiên liệu. Tuy nhiên, cái ý tưởng của “Sợi xích” cũng đáng trân trọng phải không? Nguyễn Hòa: Ý tưởng của Sợi xích là điều tôi quan tâm. Ý tưởng về tình trạng bị trói buộc và tự trói buộc trong cuộc sống gia đình kể cũng hay, song Lê Kiều Như giải quyết ý tưởng ấy bằng sex thì chẳng có gì mới và cũng chẳng độc đáo. Do đó, việc văn chương hóa ý tưởng vẫn nằm ngoài khả năng của Lê Kiều Như. Hẳn vì trước khi sử dụng văn chương để gây “chấn động”, cô ấy chưa hiểu mối liên hệ giữa ý tưởng với cốt truyện. Bằng chứng là khi trả lời phỏng vấn, cô nói về cốt truyện quá nhiều, trong khi tác phẩm lại chưa mang chuyển được ý tưởng do cô phác họa. Dường như khi viết, Lê Kiều Như chỉ cố kể cho xong cốt truyện và... hết chuyện! @ Anh có tin rằng, nếu có bút lực khá hơn thì “Sợi xích” cũng là một tác phẩm văn chương phản ánh được góc khuất bất hạnh của người phụ nữ? Nguyễn Hòa: Tôi nghĩ, ý tưởng mà Lê Kiều Như phác họa cho tác phẩm cần tới một người viết có khả năng phân tích tâm lý sắc sảo, có khả năng mở rộng không gian sống của nhân vật với những mối liên kết bản chất hơn để không rơi vào tình thế “cô lập hóa” sự kiện, “giản đơn hóa” những suy nghĩ nội tâm... Với một người viết như thế, có thể sẽ có một tác phẩm không đến nỗi nào. Xin nói thêm, Lê Kiều Như viết văn như học sinh phổ thông trung học, nhiều đoạn trong Sợi xích rất vụng về. Tóm lại, Sợi xích đã cung cấp thêm một bằng chứng cho thấy lao động văn chương khó khăn ra sao. Có ý tưởng, nhưng chắc gì sẽ có tác phẩm. Thích viết, nhưng chắc gì sẽ viết ra văn. Văn chương đâu phải là “cái điếu cày ủy ban” để ai cũng có thể hút!
Cuộc PR ngọt ngào và man trá
@ Từ trường hợp “Sợi xích”, anh có chạnh lòng trước sự rộn ràng quá mức cần thiết của giới truyền thông? Nhiều đồng nghiệp của chúng ta không hiểu sao lại đột ngột… hồn nhiên trong những màn chê bai ríu rít! Nguyễn Hòa: Tôi nghĩ, để đánh giá một cuốn sách, người viết cần đọc kỹ, trước khi đánh giá hãy diễn tả đúng những gì đã có trong cuốn sách. Nhiều khi, người đọc căn cứ vào đánh giá của báo chí mà tìm đọc hay không tìm đọc, hoặc “nói theo”. Đọc Sợi xích trong tương quan với các đánh giá đã đăng trên báo chí tôi đồ rằng, có tác giả chưa đọc sách vẫn bình luận như đọc kỹ lắm rồi. Như một người nhận xét: “Có thể thấy Sợi xích chỉ dừng lại ở ngưỡng miêu tả tâm lý nhân vật hời hợt nhưng lại dành “cao trào” gần như từ đầu đến cuối cho chuyện phòng the”. Nếu đã đọc cuốn sách sẽ thấy, dù là tương đối thì trong Sợi xích làm gì có tình trạng “dành “cao trào” gần như từ đầu đến cuối cho chuyện phòng the”. Lại có người trách cuốn sách in sai tên Giám đốc NXB Hội Nhà văn là Phạm Trung Đỉnh nữa chứ. Đến bài Lê Kiều Như: Sợi xích... xích chân ai? thì tôi chán hẳn. Bằng vào giới thiệu của tòa soạn đã đăng bài báo và tác giả tự giới thiệu đây là bài viết “cận cảnh chỉ tiết, khách quan nhất”, tôi lại thấy tác giả tỏ ra có năng lực hành văn ngang ngửa với Lê Kiều Như, còn phân tích tác phẩm thì như đang chuẩn bị... dự thi đại học khối C!
@ Xem xét diễn biến của các sự kiện liên quan đến Sợi xích kể từ ngày Lê Kiều Như thổ lộ với báo chí về ý định viết văn đến những ngày qua, liệu có thể coi đó là một chuỗi các sự kiện được tiến hành có chủ ý, chứ không ngẫu nhiên? Nguyễn Hòa: Vì theo dõi việc xuất bản trong những năm gần đây, tôi thấy một số cuốn “có vấn đề” đều trở thành “sự kiện” theo cùng một kịch bản. Đầu tiên, hình như người ta giả vờ không biết nên tổ chức họp báo để ra mắt và tặng sách, hay phát hành cuốn sách trước khi hết hạn lưu chiểu. Như thế là phạm luật, cơ quan chức năng phải nhập cuộc, đình chỉ phát hành rồi phạt tiền, hoặc cấm luôn. Vậy là lập tức ầm ĩ lên rằng sách đã “bị cấm”, mà sách “bị cấm” bao giờ chẳng gây tò mò. Đi đầu trong việc này thường là báo chí, với hai xu hướng chủ yếu: hoặc ca ngợi đến tận mây xanh, hoặc “oánh” cho tơi bời khói lửa. Với hai xu hướng ấy, thông tin về cuốn sách được đẩy lên tới mức bất thường; mà thường thì xu hướng “oánh” đi kèm với mạt sát, “vụ Sợi xích” vừa rồi là một ví dụ điển hình. Giữa mê hồn trận, người đọc cả tin nô nức tìm mua, rồi đâu đó lại có tiếng la thất thanh “bị” in lậu nữa chứ (tôi nói là “bị”, vì chẳng biết có in lậu thật hay không?). Đọc xong, người nào có cảm thấy bị “lừa” thì cũng đành chịu. Và như thế là, không biết vô tình hay hữu ý (?), báo chí đã trực tiếp làm cuốn sách trở nên “nổi tiếng” theo hai ý nghĩa: hay hoặc dở. Ngày 6.1, đến L’Espace dự buổi ra mắt cuốn sách mới ra lò đang được báo chí tung hô như tuyệt phẩm, thấy mấy “đại gia” lý luận - phê bình ca tụng hết lời, tôi nói với người bạn ngồi cạnh: “Cuốn này khá lắm sau ba tháng sẽ không còn ai nhắc đến”, vậy mà gần hai tháng nay, dư luận đã quên rồi. Nếu tin theo báo chí, hoặc tin theo đánh giá các “đại gia” thì có nên mua sách không? Riêng với việc xuất bản Sợi xích cũng cần nhắc tới 100 triệu VND bản quyền Youbooks đã mua. Tin tức về 100 triệu VND bản quyền Sợi xích được báo chí tung ra, bạn đọc được cung cấp thêm một thông số hấp dẫn, vì chẳng có ai lại đầu tư vào một cuốn sách không hay hoặc dễ “chết yểu”, do vậy mà dư luận về Sợi xích càng “nóng” hơn, cũng là một chiêu thức của kinh tế thị trường đấy chứ!
Khôn chốn văn chương là khôn dại
@ Ở đây, có lẽ chúng ta cũng nên bàn một chút về vai trò của ngành xuất bản? Mỗi khi xảy ra sự cố gì thì hầu như những người đặt bút ký quyết định in sách đều tỏ ra lúng túng một cách tội nghiệp! Nguyễn Hòa: Với sự rùm beng quanh Sợi xích, nếu có ý định, thì những người làm sách có vẻ đã đạt được mục đích, xin dẫn một đoạn từ bài Sợi xích: Bị cấm càng sốt hàng! mới đăng trên vnmedia.vn ngày 21.3: “Chỉ trong khoảng 15 phút đứng ở quầy sách Huyền Thuỷ trên phố Nguyễn Xí, tôi chứng kiến tới ba vị khách cả thanh niên và trung niên hỏi mua cuốn Sợi xích (trung bình 5 phút/người). Chị Thuỷ, chủ hiệu lắc đầu “Chưa có đâu” rồi quay sang than “Tý tý lại có người hỏi. Trả lời phát mệt ra”. Đi thêm mấy hiệu sách và cả quầy sách vỉa hè quanh Đinh Lễ… thấy cuốn truyện mới bị ngưng phát hành này tràn trề triển vọng trở thành một best-seller nếu chẳng may được ra sạp”. Trong kinh tế thị trường, sách văn học cũng trở thành một loại hành hóa, và chúng ta coi đó là “hàng hóa đặc biệt”. Nhưng từ thực tế của việc xuất bản, tôi thấy khái niệm hàng hóa lại có vẻ quyến rũ hơn khái niệm đặc biệt. Để cân bằng cái phương trình hàng hóa và đặc biệt, về lý thuyết thì các nhà xuất bản và người làm sách phải biết hy sinh, để xuất bản những cuốn sách hay và nghiêm túc chứ không phải sách thương mại, rẻ tiền. Nhưng (vâng, lại nhưng!), vào thời buổi thói vị kỷ và sự vô cảm lên ngôi thì “hy sinh” lại như là khái niệm nằm ngoài bộ nhớ của nhiều người trong chúng ta, nên đề nghị doanh nhân phải biết hy sinh, có khi bị coi là “IC có vấn đề”! Đừng nói doanh nhân nào đó kinh doanh sách mà không quan tâm đến lợi nhuận. Để có lợi nhuận cao và ngày càng cao hơn, thì phải bán được nhiều sách, mà hiệu quả nhất là “tấn công” vào xu hướng tiếp nhận thụ động và thị hiếu dễ dãi của số đông. Còn về nhà xuất bản, để tồn tại, họ cũng phải xông vào sách trường, họ phải liên kết. Mà ít vốn, không có vốn, thì làm sao có toàn quyền định đoạt chất lượng sách, quyết định in bao nhiêu, bao giờ phát hành... Các việc đó chủ yếu nằm trong tay người làm sách hoặc cá nhân bỏ tiền ra in, thậm chí bản thảo duyệt một đằng, người ta in một nẻo, thêm bớt tùy ý. Bình thường chẳng sao, nếu có chuyện gì thì nhà xuất bản mới té ngửa, vội vàng phân bua, chữa cháy bằng lệnh này lệnh khác, nên đôi khi tôi lại thấy cái gọi là mối “liên kết” giữa nhà xuất bản và người làm sách cũng lỏng lẻo. Chưa nói, nếu biên tập viên của nhà xuất bản kiêm luôn việc làm sách thì thử hỏi: Họ sẽ lấy chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản, lấy chất lượng tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm làm mục đích chủ yếu, hay lại lấy lợi nhuận từ kinh doanh là mục đích chính? Liệu họ có đủ lạnh lùng để gạt sang một bên sự cám dỗ của lợi nhuận? Trước tình cảnh phải loay hoay vật lộn giữa một mớ bòng bong của tập hợp các yếu tố khách quan - chủ quan, có trường hợp, ngành xuất bản cũng cần tới sự chia sẻ của xã hội. Nhưng muốn được chia sẻ thì chí ít người làm xuất bản, nếu coi người đọc cũng là người tiêu dùng, cần quan tâm tâm tới quyền lợi của người đọc; cho dù ở nước ta lâu nay, với không ít trường hợp, “quyền lợi của người tiêu dùng” như chỉ là một khẩu hiệu đầu lưỡi!
@ Sau Lê Kiều Như, nhiều người đẹp khác cũng đang “dọa” viết sách. Anh có dự cảm hay lời khuyên nào chăng? Nguyễn Hòa: Các người đẹp cứ việc viết sách, có ai cấm họ đâu nhỉ. Viết là quyền của mọi người, song viết thế nào để thành văn chương lại là chuyện khác. Họ viết được tác phẩm hay thì càng tốt, chỉ e họ không làm nổi mà thôi. Tôi không dám khuyên, chỉ xin mạo muội nói rằng, nếu là ca sĩ hãy hát cho hay, nếu là diễn viên hãy diễn cho xuất sắc, rồi hay và xuất sắc sẽ đem lại sự nổi tiếng. Thêm nữa, văn chương không phải là nơi thỏa mãn thói háo danh, văn chương có thể biến ước mơ nổi tiếng thành sự lố bịch, nên đừng vội rùm beng về điều mình viết ra. Nếu nhiều người đẹp viết sách và công bố, thì biết đâu danh sách những người “đa tài” ở Việt Nam sẽ được nối dài, và biết đâu họ sẽ góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng hời hợt của văn chương. Và như thế, văn chương xứ ta sẽ đi ngang, chứ không đi xuống hay đi lên, vì theo tôi, lâu nay văn chương xứ ta đang ở trong tình trạng hời hợt!