Trao đổi về văn học đồng tính Việt Nam

Thứ ba - 19/07/2011 23:34 4.397 0

Nguyễn Quỳnh Trang (ảnh Lưu Quang Phổ)

Nguyễn Quỳnh Trang (ảnh Lưu Quang Phổ)
Văn học đồng tính được nhà văn Việt Nam khai thác từ năm 1999(*). Sau hơn một thập niên đầu thế kỷ XXI đã có khá nhiều sách về đề tài đồng tính ra đời làm cho đời sống văn học thêm phong phú đa dạng, phản ánh phần nào cuộc sống đương đại.
Có thể coi hơn mười năm qua là một độ lùi để nhìn lại văn học đồng tính ở Việt Nam, dù chưa thật thấu đáo. Để rõ hơn về mảng đề tài sáng tác này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn với cây bút trẻ Nguyễn Quỳnh Trang - người đã từng quan tâm đến đề tài này khi mới ngoài đôi mươi. Bài phỏng vấn không có tham vọng đánh giá văn học đồng tính sau một thập niên mà chỉ là quan điểm cá nhân.

PV: Chị nhìn nhận như thế nào về “thế giới thứ ba” đã và đang tồn tại trong cuộc sống và trong văn chương?

Nguyễn Quỳnh Trang: Khi đã nói về “thế giới thứ ba” thì bạn đã hiểu, đó là một thế giới bao gồm nhiều cá nhân, mỗi cá nhân lại có bản sắc riêng biệt về tâm lý, quan điểm tình yêu, tình dục. Tôi không phân chia đâu là người dị giới, đâu là người đồng giới, bởi có mang quan điểm tâm lý hay tình dục giống hoặc khác nhau như thế nào, thì cũng là do “trời sinh ra thế”, tất cả đều thuộc về tự nhiên. Đã thuộc về tự nhiên, thì sự tồn tại của họ trong cuộc sống là điều đương nhiên.

Người viết văn có khả năng viết lên không chỉ những cái hiện hữu tồn tại mắt thấy tai nghe tay sờ trong cuộc sống, mà còn cần biết tìm ra nhiều góc khuất ẩn giấu phía sau những hiện tượng, hành động, sự lựa chọn cách sống của từng cá nhân. Khi chúng ta còn thiếu thốn từ bữa ăn, manh áo, thì nhu cầu viết/ nói ra những ẩn ức tâm lý cá nhân là điều xa xỉ. Khi vật chất đủ đầy, con người được sống giữa tự do ngôn luận hơn hẳn so với ngày trước, thì vấn đề đồng tính được phơi bày.

PV: “Thế giới thứ ba” đã trở thành đề tài văn học: “Văn học đồng tính”. Ngay từ cái tên đã chứa đựng sự hấp dẫn, lôi cuốn những tò mò… liệu đó có phải là một mảnh đất mới, hứa hẹn sự khai phá đầy tiềm năng của văn học không?

Nguyễn Quỳnh Trang: Mong muốn tìm hiểu về “Thế giới thứ ba” rốt cuộc vẫn chỉ là sự tò mò thoáng qua của những người bên ngoài thế giới ấy khi chưa biết gì về nó. Dần dà, khi mọi việc được chấp nhận như một lẽ tự nhiên, thì chẳng còn gì để nói/ viết. Người đọc không có nhu cầu muốn biết, thì người viết ra nên chỉ dành riêng cho mình. Cứ xoáy mãi vào chuyện “đồng tính” hay “dị tính” sẽ thành nhàm, nhảm. Trừ phi, nêu được ra một vấn đề mới mà chưa ai biết tới, sau đó biết cách chuyển tải thành văn chương với sáng tạo linh hoạt ngôn từ.

PV: Văn học đồng tính Việt Nam đã phản ánh được đầy đủ, toàn diện về “thế giới thứ ba” đã và đang tồn tại chưa?

Nguyễn Quỳnh Trang: Đó là thế giới đầy màu sắc của mỗi cá nhân riêng biệt. Không thể phản ánh toàn diện, đầy đủ cuộc đời của mỗi cá nhân, chứ đừng nói tới việc phác họa hình ảnh cho cả một thế giới. Chưa kể, những người viết văn ngày nay thì nhiều, nhưng có tài năng để cho ra tác phẩm thuyết phục được lòng người thì hiếm. Trên thực tế, người viết chạm bút vào mảng “đồng tính” lại là người ngoài cuộc, cố gắng phán xét bằng lý trí chủ quan, và số lượng thì đếm không hết số ngón trên một bàn tay. Nếu muốn biết rõ hơn về tâm tình hay câu chuyện cá nhân của người đồng tính, bạn nên đến với các diễn đàn dành riêng cho họ. Những câu chuyện đó còn thật hơn những gì mà nhà văn viết ra. Tất nhiên đó là Chuyện, không phải là Truyện.

PV: Văn học đồng tính có sự khác biệt bởi có thể chính chủ thể không viết thành tác phẩm và ngược lại, một người bình thường lại viết về thế giới thứ ba đó mà không có sự trải nghiệm. Vậy có thể chúng ta chỉ có những trang viết đề tài đồng tính dạng mô phỏng, tư liệu hay chấp bút, tự truyện mà chưa thành văn học? Điều kiện nào để coi đó là văn học đồng tính? Bởi rất có thể sau vài năm nữa nhìn lại những cái gọi là văn học đồng tính hôm nay, chúng ta sẽ thấy nó chưa hẳn là văn học thì sao?

Nguyễn Quỳnh Trang: Đề tài là lựa chọn của từng nhà văn. “Đồng tính” chỉ là một trong muôn đề tài. Còn có thành một tác phẩm văn chương không thì phụ thuộc vào tài năng người viết.

PV: Theo chị thì văn học đồng tính ở Việt Nam đã được chấp nhận chưa?

Nguyễn Quỳnh Trang: Bạn đọc của ta đa phần dễ dãi, cái gì cũng có thể đọc và bàn luận được, càng những chuyện “nhảm” càng thu hút lắm người (?!) Nhưng theo tôi, nếu nhà văn viết với cái nhìn nghiêm ngắn thì vẫn có người đọc.

PV: Theo chị, tương lai của đề tài này thời gian tới sẽ ra sao?

Nguyễn Quỳnh Trang: Bất cứ đề tài nào được đề cập tới mà thiếu tài năng cùng cái tâm của người cầm bút, thì nó cũng chết trước khi chưa kịp thành hình. Tương lai của đề tài này còn được nói tới hay không phụ thuộc hoàn toàn vào chủ quan, khả năng của người viết. Lúc này, chưa thể nói có một dòng chảy gọi là “văn học đồng tính” được. Mỗi tác phẩm chạm tới đề tài đồng tính hiện nay chỉ mới là vài con lạch nhỏ lắm khi tù đọng.

PV: Chị có định tiếp tục viết đề tài này nữa không? Nếu có thì chị nghĩ mình có nên thay đổi gì khi viết? Ví dụ cách nhìn nhận, cách thể hiện…

Nguyễn Quỳnh Trang: Ngay từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên, 1981, tôi “được” khoác trên mình tấm áo ghi dòng chữ “nhà văn của giới đồng tính” dù đề tài đồng tính không phải là sự lựa chọn tối ưu trong sáng tác của tôi. Khi đề cập đến vấn đề chuyển giới, đồng tính hay dị tính, đó chỉ là hình thức để nói lên nhu cầu khám phá, thể hiện con người bên trong của mình của mỗi cá nhân. Tôi vẫn tiếp tục khai thác về đời sống nội tâm, bước chuyển biến từ dạng này sang dạng khác. Còn vấn đề “đồng tính” đề cập tới, đã và sẽ là một phương tiện mà thôi.

* Cảm ơn chị đã tham gia trao đổi!

Hiền Nguyễn (thực hiện)
Nguồn: Văn học quê nhà

--------------
(*) Năm 1999 với sự ra đời cuốn “Một thế giới không có đàn bà” của Bùi Anh Tấn đã gây ra nhiều tranh luận. Hai năm sau đó, tác phẩm được giải A của cuộc thi tiểu thuyết năm 1999-2001 và Giải thưởng văn học 1995-2005 của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Tiểu thuyết cũng được chuyển thể thành phim truyền hình.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây