Nhà văn Chu Lai - người gọi tên phố

Thứ tư - 22/06/2011 23:31 3.778 0

Nhà văn Chu Lai.

Nhà văn Chu Lai.
Nổi tiếng là người hào hoa và... đào hoa, nhà văn Chu Lai, người con của Hà Nội có những tâm tình về mảnh đất nghìn năm với những trắc ẩn của kẻ vẫn được coi là thiên di phóng túng.

Góc phố - Đời người

- Mảng sáng tác của ông bên cạnh những tác phẩm rất thành công về đề tài người lính thì vẫn có một góc dành cho Hà Nội. Đã gần 20 năm từ khi tiểu thuyết “Phố” ra đời, sao góc đó có vẻ bình lặng vậy?

 - Chà! Vậy mà cũng đã 20 năm rồi kia à? Nếu bạn không nhắc thì tôi cứ tưởng nó mới gần đây hoặc nó đã xa xa lắm. Biết làm sao được khi cái quy luật sáng tạo là vô cùng nghiệt ngã. Sống ở Hà Nội suốt chặng dài tuổi thơ, còn sống trở về sống tiếp thêm ba bốn chục năm nữa mới thấm được cái hồn Hà Nội để cho ra đời được mấy trăm trang sách về nó, thế cũng là nhiều và thế cũng là ít. Nhưng thôi, tình yêu Hà Nội được tỏ bày bằng một cuốn sách, một vở kịch, một bộ phim, dăm ba truyện ngắn viết thao thiết, hết mình, tự nghĩ cũng không lấy gì hổ thẹn, bởi nó như tiếng sét mối tình đầu, nổ ngang trời một cái rồi thôi luôn, nếu còn lai rai nổ nữa, có khi cái tình đó nhạt phai, nhàm chán dần… Mà tôi cũng già rồi. Có chúi đầu vào viết nữa chắc cũng chỉ đến thế, có khi còn tệ hơn.  

- Phố Lý Nam Đế, vốn là nguyên mẫu trong tiểu thuyết “Phố”, gắn bó với ông bằng những kỷ niệm sâu sắc nào?

- Cuộc đời tôi có hai mảng đời gọi là sâu sắc thì một là căn phố lính này, mảng kia là những cánh rừng trận mạc. Trận mạc thì cũng nhai vài nghìn trang rồi, căn phố lính này mới chỉ dừng ở một cuốn. Cũng có chút thú vị để khoe, hình như từ khi cuốn Phố, rồi kịch Hà Nội đêm trở gió, rồi bộ phim Người Hà Nội, đều chuyển thể từ cốt lõi văn học ra đời, người ta không còn gọi nhiều căn phố 1200 thước này là phố Lý Nam Đế nữa mà thường thuận miệng gọi bằng cái danh xưng quân sự hơn: Phố nhà binh. Tại đây, tôi đã bắt đầu vào nghề, sáng tạo, làm việc, sinh sống, lấy vợ, đẻ con, buồn vui, hy vọng, tuyệt vọng và… về hưu. Ấy vậy mà phải đi qua đi lại nó hàng ngàn lần thì các cảnh đời, con người, mùi vị của nó mới đủ ngấm để bắt đầu ngồi vào bàn viết về nó. Bắt đầu chỉ là viết thử bằng một cái truyện ngắn Phố nhà binh, sau thấy phí, thấy cảm xúc, vốn sống còn chứa chan nên mở tuyến mở luồng cho nó thành tiểu thuyết, một thứ tiểu thuyết đời thường và đậm chất Hà Nội.

- Từ cuốn sách này mà nhạc sĩ Trọng Đài đã cho ra đời tới hai ca khúc nổi tiếng. Ông nghĩ sao về điều này?

- Cái từ trường văn học khi đã nhập được vào hồn âm nhạc thì sẽ trở thành một sự cộng hưởng thú vị, từ Phố nhạc sĩ Trọng Đài đã cho ra đời được hai ca khúc khá ấn tượng. Một, Hà Nội đêm trở gió cho vở kịch cùng tên. Hai, Chị tôi cho phim Người Hà Nội. Và cũng từ hai ca khúc trữ tình có mùi văn học sâu đậm này, ca sĩ Mỹ Linh bắt đầu đặt chân lên con đường để trở thành một Diva.

Đôi khi chất hào hoa phát lộ

- Người ta hay nói đến cái “chất hào hoa” của người Hà Nội. Chất hào hoa ấy đã được thể hiện trong những tác phẩm của Chu Lai như thế nào?

- Khó nhỉ, nhưng vẫn có thể thấy được. Đó là trong những cuốn sách về chiến tranh, thế nào cũng có một nhân vật chính là dân Hà Nội. Chỉ có dân Hà Nội mới nửa đêm vượt qua một nghìn mét nước đầy mìn bẫy của kẻ thù để được ghé tai vào vách nghe giọng một cô bác sĩ người Hà Nội nghe đâu mới hành quân vào. Chỉ thế thôi, chỉ thế là tâm hồn được tưới ướt, là bỗng như có cả một Hà Nội hiển hiện trong giọng nói, có gió thổi vi vu ở đầu lưỡi đó, để rồi lại bơi một nghìn mét nước trở về, vật mình trên võng ngủ mộng mơ. Rồi cả cái anh chàng tên là Hùng, đội trưởng đặc công đã về già trong Ăn mày dĩ vãng kia nữa, nếu không có chất Hà Nội thì khó có thể để cả quãng đời còn lại chỉ nhọc nhằn, bẽ bàng đi tìm một bóng giai nhân đã chết, đã chôn, đã bắn một tràng AK lên trời vĩnh biệt mà sao giờ đây em lại sống, lại đang là một bà quan đầu tỉnh cứ khăng khăng một mực chối bỏ người thân, chối từ dĩ vãng…

- Ông có thấy mình là một người hào hoa?

- Không, chả có một tý hào hoa nào. Những năm tháng trận mạc phải gồng hết sức mình lại, những năm tháng viết lách còn gồng mình khốn khổ hơn, đầu óc, tâm hồn, hình dáng con người đã úa tàn, bụi bặm, thô rám đi nhiều lắm, còn chỗ nào cho sự hào hoa ẩn trú nữa!

Tuy vậy, nếu rơi vào một hoàn cảnh nhạy cảm, một tình huống đòi hỏi chất trữ tình như lang thang trên những dặm dài đất nước hay ngồi giữa những cô gái thị thành, sơn cước hoặc sinh viên chẳng hạn, chả biết tôi ăn nói, mặt mũi, mắt nhìn thế nào mà sau đó lại thường nhận được những lời nhận xét khá đáo để: Ông ấy, chú ấy, già rồi mà vẫn còn tỏ ra đa tình, lãng mạn và có duyên nhỉ? Thôi thế cũng là được, là cái chất Hà thành vẫn chưa bị cuộc sống nhai mất, vẫn có thể phát lộ chỗ này chỗ khác nếu có văn cảnh, gọi là “cà cuống chết đến đít còn cay”.

Đàn bà là đêm hôm bí ẩn

- Ông đã dành không ít những lời hoa mỹ để ca tụng cái đẹp của phụ nữ. Với những thiếu nữ Hà Nội, phải nói như thế nào để toát lên hồn cốt của họ?

- Có lẽ chỉ nên nhận xét một câu thế này: Hà Nội có hai niềm tự hào mà khó ở nơi nào có được, đó là cây xanh, hồ nước và nhan sắc con gái. Cái nhan sắc dường như luôn đi ngược lại cơ chế kinh tế như một sự chống lại, một sự thách thức, kinh tế càng khó khăn, vẻ đẹp càng sâu sắc, một vẻ đẹp buồn buồn, hướng nội, làm lay động hàng triệu trái tim đa tình. Thời thị trường mở cửa, các cô gái Hà Nội vẫn đẹp, càng đẹp hơn, đẹp chói chang nhưng là cái đẹp hướng ngoại, dễ chóng mặt nhưng ít bâng khuâng. Bởi cái đẹp hướng nội xa xăm ấy đã toát lên một triết lý mơ hồ: Đàn bà là đêm hôm, là bí ẩn, là để cho đàn ông chống gậy lọ mọ đi tìm suốt đời nhưng… không tìm được. Và một khi đã tìm được là hết, là cả hành tinh sẽ không còn hội hoạ thi ca. Cũng như tôi, tôi đã tận ngôn cạn chữ ca ngợi vẻ đẹp thánh thiện của họ nhưng sau hàng ngàn trang tôi vẫn chưa hiểu họ là gì cả, bởi thế cho nên có thể tôi… vẫn còn viết được.

- Khi xa Hà Nội, ông nhớ nhất điều gì?

- Nhớ về tất cả. Nhớ the thắt. Nhớ hàng sấu, nhớ mái ngói cổ kính, nhớ ngọn gió heo may thu về, nhớ con đường xanh những tán cây, nhớ dáng hình con gái, nhớ mặt nước màu chì… Và lạ quá, nhớ cả những cái tưởng chừng như không đáng nhớ, không muốn nhớ như cái nóng nung lửa mùa hè, cái rét tê tái mùa đông, cái chật chội bụi bặm không chịu được.

- Đã bao giờ ông có ý định rời xa Hà Nội?

- Cũng có lúc ngột ngạt quá, muốn tìm đến một nơi thanh vắng để mơ mộng, để viết thêm một cái gì, và cũng để sống nốt nhưng năm tháng cuối đời như một bãi biển xa, một đỉnh núi sương mù chẳng hạn…

- Vợ chồng ông đã tậu một căn hộ ở Đà Nẵng để “mơ về nơi xa lắm”. Sau đó mọi chuyện ra sao?

- Thực tình tôi đã có một căn hộ ở vùng Sơn Trà, Đà Nẵng, mảnh đất chiến đấu xưa của bà xã. Nhưng hỡi ôi, mới sống được ít ngày, chừng hai tháng gì đó, lại cô đơn, lẻ loi, trống vắng không chịu nổi. Thế là lại khăn gói làm nước mã hồi. Cũng chỉ vì đã quen, đã nhớ cái nơi mình đã định bỏ đi đấy thôi. Thì ra Hà Nội nó không chỉ là một mảnh đất thông thường mà nó còn là một nơi hội tụ tất cả kỷ niệm, hồn khí của mình. Xa, coi như kẻ mất hồn, trở về là lẽ đương nhiên. Và không ít kẻ đã trở về.  

Văn chương là hồn vía căn nguyên

"Phố" của Chu Lai.

- Từng từ chối những chức sắc bên mảng văn học, nhưng tại sao ông lại tham gia BCH của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam?

- Chức sắc ư? Ai bảo đó là chức sắc? Làm gì có chức sắc trong nghệ thuật. Kể cả cái Đại hội nhà văn vừa rồi kia, đã có người nói vừa đúng vừa không thật đúng rằng, đó là một Đại hội để bầu bán, để mưu cầu quyền lực. Khổ, làm gì có cái gọi là quyền lực ở đó, lập thân tối hạ thị văn chương kia mà, nói thế thiên hạ người ta cười cho. Và nếu có một ai đó khao khát quyền lực ở đó thật thì đúng là đáng thương. Tôi cũng vậy. Có ý định vào Ban chấp hành này Ban chấp hành nọ đâu. Đang đi chấm giải ở liên hoan phim ở Sài Gòn thì Đại hội sân khấu toàn quốc nhóm họp ở Hà Nội người ta đưa tên tôi vào. Đưa tiếp vào Thường vụ phụ trách mảng sáng tác, thế là không cưỡng được, chỉ định thì còn có thể từ chối nhưng lá phiếu của gần nghìn người, nỡ lòng nào phụ tình lại họ. Để rồi, xin nói thực lòng nhé, không ngày nào là không nghĩ đến chuyện tìm cách xin thôi cho nó ngọt vì mất thì giờ quá, lại khá tổn hại sức lực nữa…

- Thế tại sao ông vẫn dan díu và còn có vẻ nặng lòng với nó?

- Tham gia bên sân khấu cũng có những cái vui, đi nhiều, tiếp xúc nhiều, bạn bè tăng lên, một sân chơi ấm ấp và nghĩa tình, một sân chơi tung tẩy và ngập tràn mỹ nữ. Dù vẫn nhớ cái bàn viết đến cồn cào, cái bàn mà không một ai có thể dám vỗ ngực nói rằng, tôi đã xong sứ mệnh văn học và bây giờ là nghỉ ngơi, là khoả chân sang một lĩnh vực khác. Bởi văn chương là nghiệp chướng, là mối tình đầu, là cõi thiền tâm thiền định của mình mất rồi. Và trước sau tôi cũng sẽ trở lại với nó như trở lại với hồn vía căn nguyên.

Tác giả: Dương Tử Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây