Vi Thuỳ Linh – Tôi hẳn nhiên thừa nữ tính!

Thứ tư - 13/07/2011 05:29 5.805 0

Vi Thùy Linh

Vi Thùy Linh
Chúng tôi bắt đầu cuộc phỏng vấn với một thoả thuận nho nhỏ: sẽ chỉ nói chuyện về Linh - Đàn bà, còn nhà thơ Vi Thuỳ Linh - đừng "động" đến cô ấy! Nhưng khi vào chuyện, cuối cùng Linh vẫn vòng về thơ say sưa, như một phẩm tính mãnh liệt. Linh bảo, đó là tình yêu nhiều khổ luỵ và nồng nàn tuyệt đối của cô…
  • Linh và ám ảnh tình mẫu tử: Sinh con để kéo dài sự sống

  *** Cách đây 10 năm, Vi Thuỳ Linh 20 tuổi bị dư luận phiến diện “đánh tơi tả” vì những bài thơ khát yêu đến mức bạo liệt, kèm theo vô số bình luận, tin đồn của những người chưa hề tiếp xúc và đọc nghiêm túc tập thơ nào của Vi Thuỳ Linh. Thật khó tin nữ thi sĩ được coi như một “icon” của sự nổi loạn trong thơ, vẫn sống chung cùng bố mẹ, đi đâu cũng về lúc 11h đêm, ở nhà là lau dọn, bếp núc… theo nề nếp của một gia đình gia giáo truyền thống. Không giống với hình ảnh dễ tổn thương của người nữ trong thơ Linh, cô gái trước mặt tôi bồn chồn và hơi nóng tính. Tác giả 5 tập thơ riêng có cách nói chuyện quyết liệt, cô cẩn thận nhắc lại từng câu mà cô không yên tâm rằng người nghe đã thấu đáo - một phản xạ có điều kiện của thi sĩ  qua hơn 15 năm không ít bão giông.

Con ơi... con ơi
Không biết bao lần, mẹ đặt tay lên bụng, gọi con
Mẹ khao khát mang con, mặt trời đang phôi thai trong mẹ
Mẹ muốn có thật nhiều mặt trời
Con ơi!Con ơi!
Con đang ở đâu
Hãy theo tình yêu của cha, đậu vào lòng mẹ...”.

(Những mặt trời đang phôi thai, 10/1/1999)

Nhà thơ Thanh Thảo viết: "Vi Thuỳ Linh là một hiện tượng của thơ VN đương đại, chín sớm trong thơ và cả trong đời. Cô gái mới 20 tuổi có khát khao dữ dội và nghĩ một cách thâm trầm sâu sắc đến không ngờ về thiên chức làm mẹ trong thế giới. Như Icare bay về mặt trời". Cảm xúc về tình mẫu tử luôn trở lại trong các tập thơ sau này của Linh, phải chăng đó là một ám ảnh? Linh đã nghĩ đến việc mình trở thành người mẹ hiện thực?

+ Tôi thấy những cây bút nữ thường mang nữ tính vào sáng tạo. Còn tôi, khi sáng tác, không mang giới tính và đặc điểm phái tính vào cảm quan, tư duy nghệ thuật. Tôi nhìn thế giới bằng con mắt nghệ sĩ. Người đọc phổ thông hay có thói quen áp đặt cái "tôi" luôn là tác giả và chỉ hiểu nhân vật "em" trong thơ tôi là Linh. Nếu tôi là một người đàn ông, tôi cũng thích nhiều con như vậy. "Thiếu phụ 20 tuổi" (bài Chân dung năm 2000) đã ám ảnh về cái chết. Nên tôi coi việc sinh con như một cách để kéo dài sự sống, đến khi tôi chết đi, máu của tôi vẫn đang chảy trong huyết quản các con trên mặt đất này. Vì vậy, cha của con tôi phải là người đàn ông có gen ưu tú. Đứa con trong quan niệm của tôi không phải là kết quả của kết hợp sinh lý, mà là cùng thụ tạo tác phẩm - ước mơ  tượng hình của người đàn ông và người đàn bà yêu nhau.

Tôi tin mình đủ phẩm chất làm mẹ, song chậm việc lấy chồng, sinh con hơn bạn bè thông thường. Chỉ vì tôi cần trang bị sự tự tin của một đấng sinh thành có tri thức, bản lĩnh chở che, nuôi dạy con. Tôi cũng muốn tạo dựng được gì đó để con mình tự hào.

Nói Linh là người đàn bà nổi loạn, đúng không?

+ Tôi không nổi loạn, mà có thái độ sống mãnh liệt. Nổi loạn thường gây xáo trộn, bạo động, phản kháng nhằm lật đổ, phá bỏ, làm gì đó khác mình. Tôi chỉ bạo động trong nghệ thuật, riêng với nghề thì tôi quyết liệt đến cùng, không nhân nhượng. Thực tế, đời tôi là một phụ nữ khá cổ điển, hay mủi lòng, đa cảm và thuỷ chung. Tôi cố gắng giữ lời hứa, đúng hẹn với mọi người. Chơi với bạn thì chủ trương mình chịu thiệt, lúc nào tôi cũng muốn đền đáp, chăm chút một cách chi tiết, với những người tử tế.

Chăm chút người khác đến mức tận tụy, Linh cần người ta đối lại với mình thế nào? Đôi khi được nhận nhiều tình cảm, được đối xử tốt quá, người ta có lúc sẽ  thấy phiền vì cảm giác bị mang nợ?

+ Sống là một món nợ lớn, mỗi chúng ta đều là con nợ- mãi mãi. Tôi tốt với ai đó không đòi đáp trả, mà tin rằng cuộc sống luôn cần mỗi con người tử tế, trung thực hơn. Không nai lưng ra hy sinh vô cớ, song hay làm quá lên- vì tôi tín chấp tình cảm. Cảnh giác và đề phòng là cái tôi không thể cố gắng có. Chơi thì phải tin nhau. Nghệ sĩ thực sự luôn nhân hậu, lãng mạn, cực đoan. Không phải ai cũng biết chắt chiu tình cảm như mình. Đã có những dối lừa, bội phản. Song không vì thế mà cay nghiệt, thế thủ. Cứ sống tốt, làm nhiều việc tốt, tôi tin nhân quả Á Đông.

  • ViLi in love: Thi sĩ của Ái quyền.

   *** Tập thơ thứ tư của Vi Thuỳ Linh có tên ViLi in love. Gần Linh, có lúc ngạt thở như đứng gần lò lửa nóng quá độ. Biểu hiện cảm xúc của cô luôn ở mức cực đoan và quá chiều kích. Thân nhiệt tinh thần của Linh không ở mức 37oC, mà hẳn lên tới ngưỡng 39oC – tức là thường trực “ tấy sốt”. Tôi có lần băn khoăn, không biết người đàn ông chịu nổi nữ tính ngùn ngụt, tình yêu luôn quá độ và cách chăm chút đầy “chiếm đoạt” của Vi Thuỳ Linh- anh ta hẳn phải có thần kinh và trái tim với “chất liệu” khác thường....

Tôi biết rất nhiều đàn ông ngại ngùng với cách yêu kiểu phong toả bằng chăm sóc của người tình, họ lo sợ mình bị đẩy về làm đứa trẻ, bị tước mất quyền tự quyết định. Linh yêu thì sao nhỉ?

+ Tôi là người biết yêu văn minh. Không bao giờ ''phong tỏa'' mà tôn trọng sự tự nhiên, cảm xúc thành thật. Tôi có thể thấu hiểu, gánh vác những điều lớn, cũng có thể cắt móng tay và làm gì bé nhỏ như cách âu yếm thường hằng. Người đàn ông biết yêu sẽ nhớ,  thích sự ân cần tinh tế. Tôi nghĩ, đàn ông đích thực không sợ phụ nữ thông minh và nồng nàn. Họ chỉ sợ những người lục ví, kiểm tra điện thoại, tra vấn họ đi đâu ở đâu với ai suốt mỗi tiếng đồng hồ. Tôi là kẻ lãng mạn cuối cùng của thế hệ 8X, luôn tự nguyện bé nhỏ để người đàn ông của tôi mạnh mẽ.

Tôi thích nằm thảm cỏ, hay căn phòng trên cao yên tĩnh, tâm tình hoặc nghe nhạc thâu đêm trong mùi hương của hoa. Điều quan trọng nhất là tinh thần thuộc về nhau. Tôi đề cao sự trọn vẹn của tinh thần, không cần luôn hiện diện, vẫn say đắm tương tư nhau mọi nơi, lúc xa hay khi đang bên cạnh. Ý nghĩ dành cho nhau, khao khát thuộc về nhau, lấy nhau rồi vẫn là người yêu của nhau, ý nghĩa hơn ràng buộc hôn thú và "giám sát" chung thân. Số tôi thế nào toàn yêu người ở xa, vẫn cứ dành đức tin cho người đàn ông của mình. Đã yêu- là tín chấp!

Trả lời trung thực nhé, Linh có đa tình không?

+ Đã đành! Mà không phải đa tình kiểu yêu nhiều, kiểu hễ thấy đàn ông hay hay là đổ. Tôi đa tình vì yêu sâu, hàm lượng cao. Sa vào yêu thì si tình lắm. Đa tình, và rất trọng danh dự. Nguyên tắc của tôi là chỉ yêu người tự do. Vì tôi cần được tự do và kiêu hãnh với tình yêu của mình.

Những người đàn ông đến với chị, chị sẽ cảm động vì họ yêu cô gái tên Linh hay vì họ si mê nhà thơ Vi Thuỳ Linh?

+ Tôi chán từ "nổi tiếng", "ngôi sao" đang bị dùng lạm phát, sai lạc, ẩu. Tôi không bị thuyết phục bởi kẻ yêu sự nổi tiếng, mà trân trọng người biết giá trị. Đàn ông tài năng và thông minh, hài hước có sức hấp dẫn lớn với phụ nữ Phương Tây, tôi không ngoại lệ. Chẳng cần giấu che nếu mình ngấm ngầm "bị mê hoặc" bởi người thông minh, sẽ bị quyến rũ nếu người đàn ông ấy hiểu sâu sắc tôi và mê phụ nữ thông minh một cách độc đáo.

Tôi thích câu thơ này của Linh: “Em luôn muốn hôn Anh cẩn thận”. Đó là khao khát hòa quyện của tình yêu, cô gái nâng niu mình và người yêu, coi cái hôn, đợt hôn như một nghi lễ. Nhưng đó chỉ là một scene rất nhẹ nhàng trong dày đặc những câu và tổ hợp hình ảnh  nóng bỏng của thơ Vi Thuỳ Linh. Nhiều người nói Vi Thuỳ Linh là biểu tượng sex trong thơ, và đây đó suy diễn về sự “sành sỏi” trong tình trường của nhà thơ. Linh nói sao về điều này?

+ Cảm ơn chị! Tôi không chỉ biết hôn cẩn thận, mà còn cẩn thận khi sáng tác, lựa từng từ, hình ảnh. Tôi căm ghét sự lừa bịp, cẩu thả, bừa bãi, đạo chích trong nghệ thuật và đời sống. Mấy năm gần đây, tôi không quan tâm tới cái gọi là "dư luận" mà không có nguồn tin xác tín, những kẻ gièm pha, đố kỵ luôn đầy rẫy. "Nhiều người" là ai? Tôi không thích cách nhân danh đám đông phiếm chỉ. Tài năng của nhà thơ khác người thường ở khả năng hư cấu và tưởng tượng. Độc giả hiểu biết, sẽ hiểu tác phẩm không phải là trần thuật đời tư của tác giả. Nguyên Hồng viết Bỉ vỏ khi 17 tuổi, chả lẽ ông phải đi  móc túi trên tàu hỏa mới tả được Tám Bính? Kinh nghiệm là file nén những gì đã trải qua, còn linh giác là xuất thần trời cho, chỉ thế mới xuất hiện những câu thơ lạ thường. Độc giả của chúng ta hiểu mọi thứ rất thông tục, thậm chí vẩn đục! Những độc giả như thế, họ có gì xứng đáng với nhà thơ? Thói quen áp đặt chụp mũ, bài xích, né tránh hoặc phủ nhận thường ở những người không có tài sáng tác và không hiểu được sự cách tân. Họ mặc cảm kéo dài thành phản ứng "chống trả". Thật thiệt thòi cho những ai không chịu mở mang và thay đổi. Đất nước mở cửa 25 năm, kinh tế đã gia nhập WTO; mà văn chương VN vẫn quá đông những người viết và đọc bằng nếp nghĩ 40 năm trước. Tôi thương cho các tác giả sử dụng kỹ thuật viết hiện đại- khi độc giả của họ nhất định khăng khăng: đó là kể lại câu chuyện cá nhân. Tôi không viết thơ tình dục bao giờ, tôi viết về tình yêu. Tôi coi thơ và tình yêu là Vùng Thiêng, mà tình yêu đích thực luôn hoà quyện giữa thể xác và tâm hồn. Thông qua tình yêu - cái “vỏ” mà tôi luôn dùng như một thông điệp, để giải quyết những ý tưởng về Ái quyền (quyền yêu và cách yêu) về tự do, dám làm mình, hãy sống cật lực và nên thơ hơn, bảo vệ thiên nhiên, loài vật và giá trị tinh thần. Tôi rất mong lớp độc giả cố cựu ấy hãy thay đổi tư duy và thanh khiết hoá tâm hồn mình, đừng đến với thơ dung tục như thế. Khách hàng là thượng đế. Khách hàng của sản phẩm văn học cũng vậy. Công chúng đòi hỏi quá nhiều ở các nghệ sĩ, tác giả, trong khi họ không trang bị kiến thức, kiến văn hay chí ít một tâm hồn trong sáng để tiếp nhận, thưởng ngoạn, tôn vinh đúng lúc những tác phẩm nghệ thuật đích thực một cách xứng đáng. Cần sự sòng phẳng và công bằng trong đòi hỏi với cả tác giả lẫn độc giả!

  • Gia tài ViLi: 220 bài thơ và sự lãng mạn bất tận

*** Cũng 10 năm trước, khi viết "Hiện tượng Vi Thuỳ Linh", nhà văn Nguyễn Huy Thiệp phán đoán rằng "Vi Thuỳ Linh luôn nhạy cảm với sự bỏ rơi, Thơ Linh đầy rẫy phiền muộn vì bị phụ bạc, vì bị thiếu kinh nghiệm lựa chọn". Còn tôi, đọc những bài thơ tình nồng nàn nhất của Linh, tôi vẫn thấy tổn thương đâu đó. Có phải vì cô đơn và nỗi buồn là gia tài bền bỉ nhất của Linh, như cô từng nói???

Thơ Linh ăm ắp buồn và không ít hoang mang, phải chăng đó là đặc điểm nhận dạng của thế hệ “8X  đời đầu”- lứa người có phần bị mất phương hướng, thiếu thốn và chịu thiệt thòi ấu thơ thời bao cấp? Hay vì những trải nghiệm từ đời sống cá nhân Linh?

+ Buồn là di sản của nhân loại. Khi mọi thứ qua đi, nỗi buồn là cái còn lại cho người ta dằn vặt và có khát vọng. Con người lớn lên và để lại cái gì đó trong nỗi buồn và bi kịch, chứ không phải trong tưng bừng và hoan lạc. Vừa nhìn thấy người yêu đã sợ chia tay, đang ôm nhau tôi đã sợ lúc phải về. Tôi buồn không tuyệt vọng, bải hoải hay u ám. Mà vì quá thiết tha với điều mình yêu, lo bị đổ vỡ, thất tán. Ngay cả khi ngồi bên Anh tôi nghĩ: sẽ còn bao nhiêu lần, bao nhiêu xúc cảm để chúng tôi bên nhau như thế này, và thường là muốn khóc như khi xem bộ phim nghe bản nhạc quá hay làm mình rung động dữ dội… Tôi thường trực cảm giác cuộc đời rất ngắn và phải nỗ lực mỗi ngày, luôn cố gắng để mỗi đêm khi mệt mỏi ngả lưng, thanh thản thấy mình qua một ngày đầy.

Tôi đã nghe Linh nói về sự cô đơn giống như nói về một quà tặng. Đẩy mình vào thế cô đơn, phải chăng là lựa chọn cố tình?

+ Tôi làm gì cũng cần tập trung, ích kỷ, quý giá từng khoảng khắc cô đơn hoàn hảo của mình. Ngồi với bạn hay, tôi cũng chỉ thích riêng mình với người ấy. Tôi kiên quyết chối từ những cuộc tụ tập ô hợp. Sự cô độc luôn thường trực trong bất cứ người sáng tác nào. Tôi có thể đi tham quan tập thể mà không thể hợp với các trại sáng tác. Chúng ta đồng phục nhiều thứ, quần áo, tư duy, nụ cười… mà ít tôn trọng cái tôi và những riêng tư. Tôi không có nhu cầu sống để vừa lòng đám đông hỗn hợp. Với tôi, sự cô đơn sẽ không bao giờ kết thúc. Tôi không tự muốn và cố tình cô độc. Có lẽ tôi để phần nghệ sĩ chiếm đoạt mình hơi nhiều. Hơn 220 bài thơ, chị thử tính xem- sẽ là bao nhiêu đêm, bao nhiêu ngày cô độc? Người nghệ sĩ thời đại nào cũng cô đơn, dễ tổn thương. Song tương lai, gia tài vô giá của con là bầy con bụ bẫm, đẹp và sáng láng.

Là nhà thơ trẻ từng chịu nhiều nhất “đòn vọt” dư luận, Vi Thuỳ Linh đã vượt qua để có một vị trí không thể phủ nhận. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói: "Vi Thuỳ Linh khiến những người định bỏ thơ đi, phải ngoảnh lại". Còn PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp khẳng định: "Chính VTL khuấy động thi đàn và làm đời sống thơ sôi động, được chú ý". Ngay Xuân năm nay, chị đã làm cuộc ra mắt "Phim đôi - Tình tự chậm" 10/1 và đêm "Tháng Tư Link" 3/4. Tôi đồng tình với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khi ông thốt lên: Chưa tập thơ nào in đẹp và có những cuộc ra mắt thành ngày hội, điểm hẹn của nhiều nghệ sĩ tài danh các lĩnh vực đến thế. Chị tự tin bởi khả năng thơ, lôi kéo khán giả tinh tuyển bởi chủ tích liên tài hay chị giỏi công nghệ PR?

+ Để lôi kéo và thuyết phục được người khác thì phải sống tốt và viết hay. Người ta có thể yêu hoặc ghét tôi, không có trạng thái mờ nhạt. Tôi quan niệm, một người yêu đương lung tung hời hợt không thể có được cuộc tình lớn. Cũng như anh qua loa với nghề, thì không thể có tác phẩm có tầm. Tôi sống bằng nghiệp chữ, giữ gìn mình để không viết bình dân, thiếu đầu tư. Tôi tham những cái lớn: tham độc giả tinh tuyển, tham nhuận bút cao, tham kết bạn với người tài…Muốn thế, tôi dặn mình phải nhịn những vụn vặt, phải nghiêm khắc trong chuyên môn. Còn việc chê Linh ư? Tôi thấy người Việt mình mất phẩm tính công nhận người khác. Ngoài miệng họ không muốn khen, nhưng tôi biết tôi làm gì họ không thể thờ ơ, như họ không thể kìm không đến xem các cuộc trình diễn của Đào Anh Khánh, dẫu thường xuyên xúc xiểm anh. Chúng ta có một nền văn nghệ cực hiếm người biết liên tài. Tôi thấy ngán ngẩm lắm, việc họ trích đi trích lại những câu thơ cũ. Họ không đọc, không có tác phẩm của tôi trong tay thì lấy tư cách gì bình thơ? Những câu thơ tôi viết 10 năm rồi, tới giờ họ vẫn trích qua tai người khác theo kiểu cắt rời chắp vá. Không cần những độc giả chuyên "nghe", tôi chỉ quan tâm tới người đọc thực sự và trân trọng những người đã tin, yêu mến Linh và thơ Linh. Ở tuổi 31, bạn nghề và độc giả của tôi đang tăng lên. Trong thơ trẻ đương đại, nếu không đọc Vi Thuỳ Linh- thì hỏi còn đọc ai? Có ai điên cuồng và đắm say hơn Linh nữa? Tôi không nói đến số 1 hay số 2, tôi thấy mình ngoại hạng trong tình yêu và nỗ lực với nghề. Để cống hiến những giai phẩm và cuộc trình diễn sang trọng nhất có thể. Với tôi, nghệ thuật là một tình yêu lớn.

Chị muốn dành điều gì riêng cho độc giá báo Phụ nữ?

+ Tôi chúc các độc giả nữ của chúng ta luôn đẹp, thanh  xuân trong tâm hồn, yêu và được yêu. Hãy vị tha và nữ tính thuần khiết, sẽ được đáp đền bởi người đàn ông đích thực. Tôi cũng xin gửi lời nhắn tới phái mạnh. Hãy biết nâng niu phái đẹp hơn! Nếu chúng ta sống kỹ và tận lực hiến dâng, chúng ta sẽ sống dài hơn cuộc đời sinh của mình. Xin tặng độc giả báo Phụ nữ đoạn thơ trong bài ''Ngưng lại mùa Xuân'' (12/12/2006) với lời chúc những người đang yêu và sẽ yêu có được tình yêu nồng nàn mãi mãi: ''Hít gió bấc mùi hoa táo trắng/ Và hương em/ Thứ hương luôn quyến rũ Anh về căn phòng dập dìu đêm nào trên tay Anh tóc em cũng ngủ.../ Trên da thịt đôi ta, theo hơi thở Anh, mưa Xuân đang ấm/ Gió lên tình, vờ không phân biệt nổi mùi nàng với ngàn hoa".

Cảm ơn Vi Thuỳ Linh, cầu chúc chị luôn mạnh mẽ và đủ đức tin để giữ được tình yêu ngoại hạng của mình!

Quỳnh Hương (thực hiện)
Nguồn: Hội Nhà văn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây