Trần Hoài Dương nhàn đàm giải thưởng văn chương

Thứ ba - 25/01/2011 05:40 2.474 0

Trần Hoài Dương nhàn đàm giải thưởng văn chương

Cả đời dành dụm chi tiết hồn nhiên và trong sáng để viết cho thiếu nhi, nhà văn Trần Hoài Dương chọn một lối sống yên ả và giản dị. Giữa nhịp điệu đô thị hối hả, ông lúc nào cũng như co mình lại, cô đơn, bơ vơ và cam chịu. Chỉ có đôi mắt hiền hòa vẫn ánh lên những nét nhìn lấp lánh của ông mới ít nhiều nói cho người đối diện biết rằng ông luôn trân trọng quan sát nhân tình. Phố xá Sài Gòn cuối năm càng trở nên chộn rộn và náo nhiệt, Trần Hoài Dương ngồi nơi góc vắng quán nhỏ bên đường với khuôn mặt lặng lẽ. Thế nhưng, khi bàn về văn chương, ông bỗng trở nên sinh động khác thường. Khoảng khắc ấy, ông không chỉ là tác giả của những cuốn sách thấm đẫm vẻ đẹp trẻ thơ như “Miền xanh thẳm”, “Cỏ hoang, “Nàng công chúa biển”... mà còn là một nhà văn ưu tư trước trang viết và thời cuộc...

Thưa nhà văn Trần Hoài Dương! Giải thưởng Hội nhà văn VN vừa công bố coi như khép lại hoạt động văn học một năm. Giải thưởng đầu tiên của một Ban chấp hành mới và mở ra một thập niên mới, có làm ông bận tâm không?
Trần Hoài Dương: Tôi có theo dõi kết quả giải thưởng, nhưng thú thật là chưa có điều kiện đọc hết. 

@ Tuy nhiên, nhàn đàm đôi câu vẫn được chứ?
Trần Hoài Dương: Tất nhiên, rất có thể chưa thật chính xác và đầy đủ, nhưng tôi vẫn tin rằng mình là người luôn có trách nhiệm trước những phát biểu của mình.

Nghe nói có một giải thưởng cho văn học thiếu nhi bị hủy vào phút cuối...
Trần Hoài Dương: Đúng, ban đầu cuốn “Chiếc vé vào cổng thiên đường xanh” của nhà văn Quế Hương được công bố đoạt giải thưởng chính thức. 

Vâng, một số báo giấy, báo mạng đã đăng tin này...
Trần Hoài Dương: Khi được tin, tôi vô cùng ngạc nhiên, sao Hội nhà văn VN lại trao giải thưởng cho một cuốn sách tái bản? Hoàn toàn trái với quy chế chấm giải. Cuốn sách của chị Quế Hương ghi rõ ở trang bìa lót là “tuyển tập truyện ngắn thiếu nhi”, chẳng lẽ cả chục người của Ban sơ khảo, Ban chung khảo và Ban chấp hành đều không trông thấy? Qua đó, tôi hơi nghi ngờ về cái sự đọc của quý vị. Liệu quý vị có công tâm, hết lòng vì trách nhiệm cao quý mà mọi người đã hy vọng ở quý vị không?

Chắc có người đã cứu Hội nhà văn VN một bàn thua ngoạn mục?
Trần Hoài Dương: Thì chính tôi đã gọi điện thoại cho hai nhà văn trong Ban chấp hành là Nguyễn Quang Thiều và Trần Đức Tiến, yêu cầu kiểm tra sự việc ấy. Và Ban chấp hành đã họp lại, hủy bỏ quyết định trao giải thưởng cho “Chiếc vé vào cổng thiên đường xanh”. Như vậy Ban chấp hành đã thực sự cầu thị, rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, tôi vẫn rất mong muốn những sai sót như trên không bao giờ tái diễn nữa, và Ban chấp hành nên chấn chỉnh lại các hội đồng chuyên môn, nhất là các hội đồng xét duyệt các giải thưởng của Hội.

@ Sau khi loại “Chiếc vé vào cổng thiên đường xanh” thì tập truyện ngắn “Dị hương” trở thành tác phẩm sáng tác duy nhất được Giải thưởng Hội Nhà văn VN 2010. “Dị hương” được khen lắm, cả 9 vị trong ban chung khảo đều tán thưởng. 
Trần Hoài Dương: Vì thấy hiếm có cuốn sách nào được sự nhất trí cao từ phía giám khảo như vậy nên tôi náo nức đi mua cho bằng được “Dị hương”. Truyện ngắn được chọn đặt tên cho cả tập, chắc phải là truyện ưng ý của tác giả, nên tôi đọc kỹ và hơi băn khoăn...

@ À, cái truyện ngắn “Dị hương” viết về Nguyễn Ánh, vị vua đầu tiên của triều Nguyễn...
Trần Hoài Dương: Tôi quan niệm khi viết truyện lịch sử hay có liên quan đến lịch sử, không nhất thiết nhà văn quá lệ thuộc vào chính sử. Nhà văn hoàn toàn có quyền hư cấu, tưởng tượng, nhưng cái cốt lõi là bản chất của nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử phải được tôn trọng. Mọi hư cấu, tưởng tượng của nhà văn rốt cuộc cũng chỉ để đạt được yêu cầu tối thượng sao cho nhân vật lịch sử ấy, sự kiện lịch sử ấy bộc lộ đúng nhất bản chất cốt lõi của mình. Trong “Dị hương”, Nguyễn Ánh hiện ra là một nhân vật rất xấu, có thể nói là thô bỉ, hiếu sắc, hiếu sát... Tôi không tin là một nhân vật như thế có thể dựng nên một vương triều mà hôm nay hậu thế còn cần đánh giá một cách nghiêm túc và khoa học về công lao lẫn tội lỗi... Tất nhiên, chỉ qua một truyện ngắn không thể đòi hỏi quá nhiều, nhưng dẫu sao, qua một truyện ngắn tâm huyết của tác giả, người đọc vẫn mong muốn được thấy chân dung xác thực của một nhân vật lịch sử có tầm cỡ như Nguyễn Ánh. Tôi không biết những nhà viết sử, những người quan tâm đến lịch sử triều Nguyễn với vị vua khai sáng là Nguyễn Ánh, sẽ nghĩ gì về “Dị hương”!?

@ “Dị hương” được trao giải, nghĩa là có nhiều người cùng quan điểm lịch sử với tác giả đấy chứ!
Trần Hoài Dương: Nếu có, thì theo tôi, rất đáng bàn bạc. Tôi rất muốn biết quan điểm chính thức của Ban chấp hành Hội nhà văn VN về vấn đề này!

Nhân không khí đề cập đến chuyện văn chương viết về lịch sử, xin được hỏi ý kiến của ông về cuốn “Hội thề” cũng được trao giải nhất cuộc thi tiểu thuyết của Hội nhà văn VN?
Trần Hoài Dương: Ừ, ờ... Kể ra cũng hơi tế nhị, vì liên quan đến nhà văn Nguyễn Quang Thân, một bậc đàn anh của tôi, lâu nay tôi vốn rất quý trọng. Tôi luôn nói với bạn bè là hiếm có một nhà văn nào có sức viết bền bỉ, dẻo dai như anh Nguyễn Quang Thân. Suốt mấy chục năm nay, anh Thân viết liên tục, hầu như một hai năm lại cho ra một cuốn sách mới. Mà cuốn nào cũng đọc được, tối thiểu từ trung bình trở lên, có những cuốn xuất sắc...

@ Tài văn Nguyễn Quang Thân thì lão luyện rồi. Ở đây chúng ta chỉ nói đến sự phản ánh lịch sử trong “Hội thề” về cuộc kháng chiến chống quân Minh thời Lê Lợi – Nguyễn Trãi...
Trần Hoài Dương: Tôi đã đọc ngốn ngấu “Hội thề”. Phải công nhận anh Thân viết rất già dặn, rất sinh động. Trong lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử, không mấy ai viết được như anh. Còn về quan điểm lịch sử, về hình tượng các nhân vật, đặc biệt là các nhân vật kẻ thù trong “Hội thề’ khiến tôi rất ngỡ ngàng. Tôi không hiểu nổi, sao anh Thân lại viết tác phẩm này...

Thì như ông đã nói về “Dị hương”, tác giả có quyền hư cấu, tưởng tượng...
Trần Hoài Dương: Nhưng không thể hư cấu đến mức để cho bạn đọc, ít nhất là tôi, khép cuốn sách “Hội thề” lại bỗng thấy sao mà quan quân Lê Lợi đáng buồn thế! Một lũ tướng tá nông dân quê mùa ganh ăn tức ở, đầu óc tăm tối, ghét cay ghét đắng giới tri thức, quanh quẩn chỉ nghĩ chuyện hại nhau, mưu chước lật đổ nhau, tranh công hám lợi... Còn giặc Minh sao mà “đáng yêu” đến thế! Thái Phúc, tên hàng tướng của giặc Minh chạy sang hàng Lê Lợi, được tác giả dành cho những trang đầy ưu ái, y như một “hiền nhân quân tử”, học vấn uyên thâm, nói năng lịch sự, cư xử hòa nhã khiêm nhường... Đặc biệt là Vương Thông, không hiểu với quan điểm lịch sử nào mà tác giả lại thêu dệt cho tên tướng giặc có một nhân cách phải nói là không thua kém gì các danh tướng xưa nay, có một mối tình gần như huyền thoại. 

Theo nhà văn Nguyễn Quang Thân viết, thì Vương Thông trong thời gian chinh chiến ở Đại Việt có ăn ở như vợ chồng với một người đàn bà Việt, và yêu chiều hết mực. Đến khi phải đầu hàng, chuẩn bị giao lại Thăng Long cho Lê Lợi, Vương Thông đã vô cùng áy náy, thương xót cho số phận người đàn bà kia và sợ rằng quan quân Đại Việt đồng bào ruột thịt sẽ chà đạp, giết hại người đàn bà kia. Vì vậy, đang đêm, Vương Thông cùng hai trăm tướng sĩ mở đường máu, phá vỡ phòng tuyến của quân Đại Việt, chỉ với mục đích duy nhất là bế được người đàn bà kia về tận làng quê, trao tận tay gia đình cô ta tấm thân kiều diễm của người đẹp...
Trần Hoài Dương: Hành động lãng mạn đó của Vương Thông đã nướng chết 75 lính và 50 con ngựa chiến của quân Minh, chưa kể số quân sĩ Đại Việt hy sinh trong cuộc tình rực lửa ấy... Tôi cứ cố nghĩ hết cách để lý giải vì sao nhà văn Nguyễn Quang Thân lại viết tiểu thuyết như thế này, với những vấn đề đặt ra khó hiểu như thế này, các nhân vật lịch sử được tô vẽ kỳ lạ như thế này... Tôi chịu, không tìm được lời giải đáp...

Có lẽ vì sự khó hiểu mới tạo nên giá trị sáng tạo của một giải nhất văn chương?
Trần Hoài Dương: Trong bối cảnh biển Đông đang gặp nhiều thử thách, lòng dân đang sôi sục ý chí bảo vệ tổ quốc, tác phẩm “Hội thề” xuất hiện và lại được giải thưởng, liệu có nên chăng? Hay người viết và những người trao giải có những ý tưởng thâm hậu gì khác mà tôi tài hèn sức mọn không thể lĩnh hội được? Giá mà nhà văn Nguyễn Quang Thân và Ban chấp hành Hội Nhà văn VN có lời phúc đáp, giải tỏa thắc mắc thì tôi vô cùng biết ơn!

PV (ghi)
Nguồn: lethieunhon.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây