Nguyễn Thị Thu Huệ: 'Người tốt đang co ro'

Thứ năm - 02/08/2012 05:23 5.484 0

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.
Giống như cô gái trong truyện ngắn được lấy làm tên của tập - “Thành phố đi vắng” - dường như đã có một Nguyễn Thị Thu Huệ khác ở cuộc trở về cùng văn chương lần này với những bàng hoàng trước sự đổi thay của đời sống.

Đã có một “tư cách công dân” mạnh hơn trong từng trang viết của chị, cho dù người đọc có phần tiếc nuối cái cảm giác phập phồng của những rung cảm khi chạm vào con chữ để làm quen với giọng văn sắc lạnh, lý tính, đa tầng. Và nếu như đã quen với cách đọc “Nguyễn Thị Thu Huệ mới” độc giả sẽ thấy những xót xa âm thầm len lỏi sau những lạnh lùng câu chữ. Tác giả “Hậu thiên đường” chia sẻ với eVan xung quanh tập truyện ngắn mới nhất của chị.

Sự hào nhoáng tỷ lệ nghịch với văn hóa sống

- Chị đã có một cuộc di trú khá dài ở Sài Gòn với 4 năm “đi vắng” khỏi Hà Nội thân thuộc. Là phụ nữ, lại không còn trẻ, điều gì đã dẫn chị đến quyết định đi xa ngày ấy?

- Bốn năm đấy, tôi sống ở Sài Gòn và đi nhiều nước. Đến mỗi một nước tôi thường ở lại khá lâu vì đấy là một thói quen từ nhỏ. Di chuyển liên tục cho tôi cảm giác mới mẻ, yêu quý hơn những nơi mình đã đi qua. Vào Sài Gòn sống mấy năm thực ra là tôi về quê. Họ nội của tôi sống dọc từ Sài Gòn tới mũi Cà mau, nên việc thay đổi nơi ở với mọi người có thể là lớn, nhưng với tôi thì bình thường. Hơn nữa, với người viết, việc có nhiều nơi chốn để mình gắn bó, yêu thương và nhớ nó khi chia tay luôn là những cảm xúc quý giá. Tôi đang ước mơ sẽ ở mỗi vùng miền khoảng 2 tháng dọc đất nước Việt Nam mình.

Những năm xa Hà Nội, tôi thấu hiểu cảm xúc người Hà Nội xa quê là thế nào. Và ngược lại, bây giờ ra sống hẳn ở Hà Nội, lại nao lòng nhớ những chiều mưa bất chợt, những cơn gió mang mùi biển và hương thơm của trái cây Sài Gòn. Di chuyển, với tôi, là sự nuôi dưỡng tinh thần, giữ gìn cảm xúc và cảm giác bình yên cho riêng mình.

- Xuyên suốt các câu chuyện chị kể trong “Thành phố đi vắng” là cảm thức về sự mất mát trong đời sống con người. Đó là sự lạnh lùng thờ ơ, thói vô cảm và tội ác với nhiều bộ mặt khác nhau. Con người sống với nhau ngày càng mất đi những sợi dây kết nối, họ đã thực sự “đi vắng” trong chính sự tồn tại của mình. Chị có thể chia sẻ về tác phẩm mới nhất?

- Đời sống những năm tháng này khiến người tốt sống co ro như rét không có áo ấm, mưa không có ô che… Tôi luôn bị ám ảnh về những dòng chảy đang xoay chuyển những thế hệ người Việt theo hướng xấu đi, đang đi xuống. Sự thanh cao, phẩm chất đáng quý của người Việt một là dần bé lại, hai là bị đè nén trước sự trần trụi và thô tục, sự suy cấp đạo đức, bế tắc không lối thoát trong khi vẫn phải sống chứ không chết hay tìm ra một giải pháp khác. Sự bất an, đời sống khó khăn, đơn điệu, những thói quen sinh hoạt văn hóa cộng đồng ít dần làm người ta mất cảm xúc… Những giá trị tốt đẹp bị triệt tiêu từ từ, thay bằng sự hào nhoáng phô trương của trang phục, đồ dùng tỷ lệ nghịch với văn hóa sống…

- Có điều gì tác động để chị nhận ra những điều ấy?

- Tôi luôn ám ảnh về một buổi chiều ở Thụy Điển, vào cuối mùa xuân. Tôi và một người thân ngồi trên ghế đá, trước mặt là một ngã tư nhỏ. Bên này đường, có chiếc cột nháy số điện tử để đếm những chiếc xe đạp chạy qua. Bên kia, trên vỉa hè, có một cái bơm xe đạp. Rất nhiều người, đủ mọi lứa tuổi, đi một mình hay đi cùng nhiều người đã đạp xe qua ngã tư đó. Những con số đếm tăng nhanh. Nhiều người dừng lại bơm căng thêm lốp xe và đi tiếp. Những tiếng cười, những câu đối thoại, tiếng ai hát lẫn trong tiếng nhạc đường phố. Ba tiếng ngồi lặng. Và tôi đã nghe được hơi thở đời sống ở nơi này, sự thanh bình, thói quen sống văn minh, và trùm lên tất cả, là ý thức công dân - cái mà đất nước chúng ta đang thiếu một cách sâu sắc.

Trang bìa tập truyện ngắn mới của Nguyễn Thị Thu Huệ.

Khinh bỉ những kẻ dùng tiền chùa đi chơi cave

- Phải đến hai phần ba số truyện trong tập “Thành phố đi vắng” là những câu chuyện đầy ẩn dụ về hai thứ: Giả và thật. Cái giả đang giết cái thật, và người ta không muốn giữ những giá trị, vì có giữ cũng chẳng được bởi luôn có sự đánh tráo. Chị muốn nói điều gì?

 - Tôi luôn loay hoay với những câu chuyện về sự đánh tráo các giá trị. Ví dụ truyện “Không thể kết thúc” nói về một gia đình nhiều đời sưu tập đồ cổ, như sự hiện diện của dòng tộc qua mấy trăm năm. Đến một ngày, bà dâu trưởng về, bán đồ cổ, mua đồ mới thay vào. Sự tráo đổi này chỉ có mẹ chồng biết, nhưng già rồi, không làm gì được, đành tỏ thái độ bằng cách đi vệ sinh lên giường êm đệm ấm của con dâu cho bõ tức! Một cách phản kháng đầy bế tắc, bất lực. Chỉ khi những con bọ mọc ra, vây kín lên tất cả, họ phải đập lũ bọ nhung nhúc đó, bình vỡ, mới biết là tất cả đã bị đánh tráo. Tôi nói về những giá trị lớn lao đời xưa để lại cho chúng ta, nay đã mất dần, hoặc được “làm mới” - bởi sự tráo đổi. Từ cái nhỏ nhất là những phong tục tập quán văn hóa, giá trị đạo đức, thói quen tốt, lòng tốt... đến những cái lớn như những di tích… Tại sao ngày xưa cha ông ta thiếu phương tiện hiện đại nhưng họ làm ra những giá trị vô giá, cái gì ra cái đấy, trong khi ngày nay, chúng ta có phương tiện vô cùng hiện đại, lại không thể làm được như vậy, thậm chí là kém rất xa, chưa nói đến phá bỏ cái cũ để làm cái mới đầy lố bịch? Vậy có nên kỳ vọng vào việc, mình muốn giữ lại những giá trị cho đời sau, thì đời sau sẽ nối tiếp việc giữ gìn hay lập tức bị đánh tráo hoặc phá hủy? Xã hội nói chung và mỗi người dân nói riêng, cần lên án, chống lại sự đánh tráo bởi sớm hay muộn, sẽ phải trả giá cho những việc làm tàn nhẫn đó.

- “X-Men có mùi trường đua” là sự song hành của cái ác và sự tầm thường. Với bối cảnh một miền biển, cô cave khá đặc biệt yêu anh mê trò đua chó. Truyện rất ám ảnh, nhưng người đọc hoang mang với cảm giác ai cũng có nguy cơ thành nạn nhân của cái ác, chị có thể chỉ cho họ một cách hiểu khác?

- Tôi nghĩ, nhiều người dù xuống tận đáy xã hội vẫn không tin cái ác nằm chung giường với mình. Trong truyện trên, có nhiều mảng đối lập, tương phản, người tốt phải tự vệ bằng cách... cứ gặp mất dạy khốn nạn là giết! Một chàng ác thơm tho, đẹp đẽ, quý chó già, chó bệnh vì thấy ở chúng sự bình yên hơn gặp những tên lừa đảo mang vẻ mặt trí thức. Nhưng giết người dù vì lý do gì, dù anh có thơm và đẹp, cũng là người ác...

- Những nhân vật cave xuất hiện không chỉ trong một truyện (ít nhất trong “Xmen có mùi trường đua” và “Của cha, của con và những cành vạn niên thanh”). Hình như chị không căm ghét, khinh bỉ những cô cave, ngược lại còn khá ưu ái họ. Chị nói sao?

- Những cô mà xã hội gọi là cave, tôi không khinh ghét họ. Tôi khinh bỉ những kẻ dùng tiền “chùa” đi với cave trong bóng tối, và bảnh bao, đạo đức đi với vợ con ngoài ánh sáng. Xã hội mình nhiều lắm những kẻ như vậy. Lâu lắm rồi, tôi nói với một người bạn bên tòa án là, phải công bố ảnh, tên những lão “chơi cave”. Một tuần, tivi đưa tổng hợp các vụ vui chơi đó lên sóng truyền hình, 10 phút thôi, 2 tối một tuần. Sự thật về những kẻ đạo đức giả đó sẽ phơi bày, và cảnh tỉnh những ai chưa bị phát hiện, để họ dừng lại. Bạn tôi cười, bảo nếu thế có đủ quan tòa, đủ thẩm phán để xử các vụ ly hôn không?

Không hiểu sao, tôi luôn nghĩ, làm cave, lấy được tiền của đàn ông, nhất là những lão giả dối thì khổ nhục lắm, không sung sướng gì. Thử tưởng tượng những lão đàn ông phải kìm nén ở với vợ dù mất cảm xúc, rồi lao bổ vào cave, ném tiền ra nhằm chứng minh sức mạnh, thì người chịu đựng sự trút bỏ đó là những cô cave. Làm cave khổ chứ!

Bạn nói đúng, tôi khinh bỉ đàn ông giả dối và ưu ái cave hơn!

Chân dung Nguyễn Thị Thu Huệ của họa sĩ Đặng Xuân Hòa.

Lạnh lùng câu chữ, xa xót tâm can

- Nếu ai theo dõi chị từ những năm 1990, thì đến tập truyện mới này sẽ thấy rõ sự thay đổi trong tiếp cận xử lý câu chuyện, lý tính hơn nhưng cũng… lạnh lùng hơn. Điều gì dẫn đến sự thay đổi đó?

 - Ngày trước, những câu chuyện của đời sống đến với tôi, và tôi kể lại chúng theo cách nhìn của một người trẻ, trong một xã hội ít bất an, đâu đó còn nhiều góc bình yên. Bây giờ, đời sống của đám đông, của những thân phận bị trồi lên trụt xuống quẫy đạp nhằm tồn tại trong những cơn sóng táp thẳng, khiến tôi chao đảo, buồn bã và đau đớn. Và tôi đã kể những chuyện qua lăng kính của tôi, những ngày tháng này. Lạnh lùng ở câu chữ, nhưng xa xót trong tâm can. Tuy vậy, tôi chưa mất hẳn niềm tin vào con người. Rải rác ở đâu đó vẫn còn những người đau đáu làm điều tốt, làm ra những thứ có ích cho cộng đồng. Và thế hệ 7x, 8x, tôi tin rằng họ biết cách lách qua những điều tồi tệ để làm ra được những giá trị.

- “Đi vắng” 5 năm và trở lại bằng tập truyện ngắn “Thành phố đi vắng” với dòng chữ “Nguyễn Thị Thu Huệ” được mạ vàng. Đó là ý tưởng của chị hay đơn vị xuất bản?

- Đó là ý tưởng của NXB Trẻ. Cách trình bày từ trang bìa cho tới giấy in, cách người biên tập chăm chút cuốn sách… làm người viết như tôi thấy được tôn trọng. Riêng tranh bìa và những bức tranh, minh họa trong cuốn sách là tôi chọn. Bìa sách là tranh của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

- Mỗi nhà văn đều có một vị trí nhất định của mình trong lòng bạn đọc, nhưng ở góc độ tác giả, chị tự đánh giá thế nào về cái tên Nguyễn Thị Thu Huệ trong làng văn?

- Tôi hy vọng mình là bạn với người đọc. Còn tôi, trong làng văn có lẽ là… một cây bút nữ chuyên viết truyện ngắn, thế hệ 6X.

Nguyễn Thị Thu Huệ sinh năm 1966, tại Hà Nội. Chị từng đoạt giải A cuộc thi tiểu thuyết và truyện ngắn Hà Nội; giải thưởng Tác phẩm Tuổi xanh của Báo Tiền phong, Giải nhất truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội. Chị là Ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam Khóa VIII. Hiện Nguyễn Thị Thu Huệ công tác tại Đài Truyền hình Việt nam - Ban thư ký biên tập. Tác phẩm đã xuất bản: Cát đợi; Phù thủy; Hậu thiên đường; Nào, ta cùng lãng quên; 37 truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ. Thành phố đi vắng là tập truyện ngắn mới nhất của chị, do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 2012.

Tác giả: Nguyễn Xuân Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây