Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Văn chương là một đời sống khác

Thứ năm - 12/07/2012 05:48 5.230 0

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Văn chương là một đời sống khác

Trong đời mình, chị đã nếm trải nhiều thăng trầm mà nhiều phụ nữ khó có thể vượt qua. Ẩn sau vẻ nhu mì, nhỏ nhẹ, vốn là đặc trưng tiêu biểu của người con gái Huế, là sự mạnh mẽ, quyết liệt của một người sinh ra lớn lên ở Hà Nội, không khoan nhượng với chính mình, trên con đường đi tìm kiếm ý nghĩa đích thực của đời sống, trong tình yêu và trong văn chương.

Võ Thị Xuân Hà đang ngồi ghế Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn. Cái ghế ấy xem ra rất oách. Không phải thế thì sao lúc chị mới nhậm chức, không ít kẻ đã nhắn tin nặc danh vu khống chị vào máy các quan chức bên Hội, nhằm hạ bệ chị. Gặp chị hỏi chuyện, chị cười bảo: “Ai muốn làm Tổng biên tập, tôi nhường ngay. Đối với tôi, chả có chức vụ nào to hơn hai chữ Nhà văn mà tôi đang gánh”.

Tổng biên tập một tờ tạp chí chuyên về sáng tác, chẳng nói thì ai cũng biết, thời buổi kinh tế suy thoái, khó khăn trăm bề. Lương bổng của anh chị em cán bộ thì thấp, tài chính của tòa soạn gần như bằng không, thực tế ấy khiến chị khi mới về nhận nhiệm vụ cũng có chút sốc. Không biết mình sẽ xoay xở ra sao trong hoàn cảnh cơ quan như vậy. Chị bắt tay vào cải thiện đời sống cho anh chị em bằng nỗ lực kêu gọi quảng cáo, tài trợ, giúp đỡ nhờ các mối quan hệ của mình, với khá nhiều sáng kiến cùng hợp tác. Chị “quy hoạch” lại bộ máy tổ chức cơ quan, gọn nhẹ nhất có thể.

Theo đó, chị vừa làm Tổng biên tập kiêm luôn Thư ký tòa soạn, Trưởng ban Hành chính trị sự, phụ trách biên tập văn xuôi, văn học thế giới… Phó Tổng biên tập thì kiêm luôn phụ trách trang web. Trưởng ban biên tập thì kiêm luôn hành chính thủ quỹ… Rồi đồ dùng trong cơ quan, chị tận dụng mọi thứ, hạn chế sắm cái mới. Chiếc bàn cũ để họp cơ quan, có từ thời nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú làm Tổng biên tập, nhà thơ Lê Huy Quang “xung phong” giúp chị dán lại cái mặt bàn cho mới. Các vật dụng phòng Tổng biên tập, chị bỏ tiền túi tự sắm, hoặc là mang từ nhà mình tới. Biết chuyện, nhiều người cứ cười lăn ra, ôi, cái chức Tổng biên tập của chị… Và bảo, đúng là chỉ có phụ nữ làm Tổng biên tập thì mới có thể “thu vén” khéo léo thế.

Chuyện thu vén khéo léo thì Võ Thị Xuân Hà đã quen rồi. Quá nửa cuộc đời sống với nhiều công việc khác nhau, “di cư” từ nơi ở này sang nơi ở khác, chị không ngại chuyện sắp xếp lại mọi thứ thuộc về cuộc sống của mình. Trong số những người phụ nữ cầm bút viết văn mà tôi gặp, có lẽ không mấy người quyết liệt đổi thay, sòng phẳng với bản thân như chị. Quyết liệt để được làm điều mình thích, được sống với người mình yêu. Trong công việc, đang là cô giáo dạy Toán, chị thu xếp bằng được để thi vào Đại học Tổng hợp Văn.

Rồi khi gần tốt nghiệp Khoa Văn, nghe tin Trường Viết văn Nguyễn Du tuyển sinh, chị lại bỏ không thương tiếc để sang học. Chị quan niệm học để lấy kiến thức, lấy nghề và kinh nghiệm, không quan trọng chuyện bằng cấp. Sau này lặn lội đi làm báo để nuôi văn chương, chị “xê dịch” hết tòa soạn này đến tòa soạn khác, rồi chuyển về làm công tác chuyên môn văn chương ở Hội Nhà văn Việt Nam. Hình như ngoài Hội Nhà văn Việt Nam, chưa nơi làm việc nào chị dừng chân quá 5 năm.

Còn trong đời riêng, chị cũng từng trải qua mất mát. Chị sẵn sàng thay đổi khi nhận ra mình sai lầm, dù biết là đau khổ. Trong cuộc sống chúng ta không thể nào chối bỏ những thuộc tính của khổ đau và hạnh phúc, như là một phần của cuộc đời mình. Rồi chị học bước qua khổ đau bằng cách đối diện với mọi điều. Như nhân vật nàng Thê trong Câu chuyện của nàng Thê in trên Văn nghệ quân đội mới đây của chị, can trường chịu mọi khổ nạn, đối diện với khổ nạn, không than van, trách móc. Chị kể, khi cuộc hôn nhân đầu tan vỡ, có giai đoạn cuộc sống rất vất vả thiếu thốn, tiền ăn không có, mẹ con phải tạm xa nhau, phải viết thư xin chị gái “viện trợ”. Nhưng chính trong những tháng ngày khó khăn ấy, chị đã viết không ngừng, như một cách tự cứu mình…

Chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện cơ quan, công việc, cộng thêm nhiều phiền muộn mà cuộc đời vô tình thường dồn lên đôi vai người đàn bà ở vào hoàn cảnh như chị, đều như những thử thách mà chị kiên trì bước qua. Chị sẵn sàng nhún xuống, ai hiểu sai mặc kệ, cốt yếu nhất là lo chu toàn cho hai đứa con gái còn nhỏ dại. Rồi chị mở quán cà phê, như mở ra một lối thoát cho mình, dù lúc đó chị còn chưa biết phân biệt thế nào là cà phê ngon.

“Từ lúc ra bán quán cà phê, tôi đúng như là chết đi sống lại. Công việc này cho tôi một nhãn quan khác về cuộc sống, không còn chìm đắm u mê vào những thứ nhỏ nhặt công chức nữa. Mặc dù phải đối mặt với biết bao thứ tiêu cực ngoài xã hội, khi chính mình bị cuộc sống đẩy ra bên lề. Giống như người đàn bà đi bán thuốc lá dạo để nuôi con. Nhưng lại nhận chân được rất nhiều sự trên đường đời…”.

Thuở ấy, lâu lâu gặp Xuân Hà, lại đã thấy chị chuyển địa điểm quán cà phê đến nơi khác. Làm kinh doanh có cái mệt, khi quán mình đông khách, đến thời điểm thu hồi vốn thì chủ nhà đòi lại nhà để mở quán. Vất vả, và tiền cũng không nhiều như người ta nghĩ, nhưng Xuân Hà dường như không quá bận lòng. Và cái được lớn nhất, như chị đúc kết, chính là: “Thời gian này tôi viết được nhiều tác phẩm được độc giả tìm đọc, quán cà phê còn cho tôi rất nhiều bạn bè, và còn gặp được người bạn đời sau này…”. Thế cũng là được quá lớn rồi còn gì.

Phần đa người viết thường viết về những thứ liên quan đến mình, gần gũi nhất với mình. Còn Võ Thị Xuân Hà lại thường không viết cái liên quan đến mình. “Nếu có liên quan đi nữa, thì khi vào tác phẩm của tôi, tất cả đã trở thành những cuộc đời khác”.

Trong mỗi giai đoạn cuộc đời, ngòi bút của Võ Thị Xuân Hà ít nhiều có những thay đổi về phong cách, nhưng xuyên suốt và nhất quán trong sự nghiệp của chị là bút pháp hiện thực trữ tình (về sau này có thiên hướng hiện thực huyền ảo). Văn của chị vừa đàn bà, vừa dữ dội, nhưng đồng thời cũng rất mê hoặc bởi yếu tố hư thực đan xen. (Trung tâm Văn hóa Pháp 24 Tràng Tiền, Hà Nội từng có cuộc Tọa đàm giao lưu “Không gian đa chiều trong bút pháp Võ Thị Xuân Hà”).

Ngay từ những truyện ngắn cách đây hai thập niên của thời kỳ đầu như Lúa hát, Đàn sẻ ri bay ngang rừng, chị đã bỏ bùa trái tim người đọc, và từ đó tạo nên một chân dung riêng của mình, không lẫn vào đâu trong số các nhà văn nữ thời kỳ đổi mới. Truyện của chị có thể gây ám ảnh bạn đọc bằng những chi tiết rất nhỏ. Chẳng hạn như hình ảnh chiếc bật lửa - món quà người phụ nữ trẻ nhận được từ tay người lái xe trong Lúa hát. Nó giống như một thông điệp nhắc người ta khi cầm bất cứ vật gì trên tay đừng nghĩ rằng nó chỉ là vô tri vô giác. Nó có thể là một lời tỏ tình, nhưng cũng có thể là hiện thân của một mối tình (bên ngoài cuộc đời người phụ nữ trẻ) đã tan vỡ. Hay hình ảnh mơ hồ của Nẫm, người lính đã chết ngoài chiến trường và không bao giờ tìm thấy xác trong Đàn sẻ ri bay ngang rừng.

Một nhân vật có thật mà như không có thật, không hiện hữu mà như hiện hữu. Và rất khó để trả lời rằng có hay không một mối tình âm dương giữa người lính - người anh chồng đã chết với cô em dâu trong gia đình nhà người chồng tên Thản. Chỉ biết rằng câu chuyện vẫn còn vương vất quanh ta mãi, khi ta gấp cuốn sách lại rồi. Hay gần đây nhất là nhân vật nữ trong tác phẩm Một đóa không, người đi kiếm tìm hạnh phúc trần gian và những câu ca ám ảnh; “Anh ơi hoa ngày cưới/ Hãy giữ tặng cho em/ Một bông màu đỏ thắm”... (Một bài phỏng vấn Võ Thị Xuân Hà gần đây đã bật mí cho độc giả biết: rất nhiều câu thơ được chị dùng trong tác phẩm truyện ngắn hay tiểu thuyết của mình, đều là thơ của chính chị).

Văn chương, với Võ Thị Xuân Hà, có lẽ là câu chuyện của ước mơ, của cõi khác, về một đời sống khác, vừa liên quan lại vừa chả liên quan gì đến đời sống thực mà chị đang trải nghiệm. Có cảm giác như không hề có dấu ấn can thiệp của nhà văn trong các trang viết của chị. Luôn có một khoảng cách nhất định nào đó giữa chị với văn chương, giống như khoảng cách giữa mộng mơ và thực tế. Và chính chị đã vạch ra khoảng cách đó.

Võ Thị Xuân Hà chia sẻ: “Tôi vốn là dân học Toán học, đầu óc tư duy rất rõ ràng, không phải lúc nào cũng mây mây gió gió như người ta thường nghĩ về nhà văn. Khi viết, không khi nào tôi rơi vào trạng thái mộng mị. Tôi thậm chí còn không thể viết khi ốm đau, đầu óc đang đau khổ hay vướng bận chuyện phiền lòng. Tôi thường viết trong trạng thái áp lực tự mình đề ra, một cách sảng khoái, chứ không phải đợi cảm xúc đến”.

Viết nhanh là đặc điểm nổi bật của nhà văn Võ Thị Xuân Hà. Chỉ với chiếc máy tính nhỏ, chị có thể viết ở bất cứ đâu. Nhiều người không tin là tiểu thuyết Tường thành chị chỉ viết trong nửa tháng, dù chị đã nói quá lên thành tháng rưỡi. Nhiều truyện ngắn hay được ra đời cũng chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Chị kể với cánh đàn em báo chí chuyện thật như đùa: đôi lần, vì nguyên cớ hết tiền tiêu vặt, chị tự bảo lòng, phải ngồi vào bàn và viết một cái truyện gì đó (chứ không viết báo). Và bắt đầu ngẫm nghĩ. Bí quá thì lăn ra ngủ. Ngủ một giấc trở dậy, ý tứ bỗng từ đâu ập đến, thành hình thành hài. Thế là viết, như thể không viết nhanh thì không kịp với tốc độ của ý nghĩ. Các nhân vật lần lượt hiện ra trên trang giấy, đòi một đời sống của chính nó, mà ngay cả người viết cũng không can thiệp được. Cuốn tiểu thuyếtTường thành chị cũng viết trong trạng thái như vậy.

Nhưng Tường thành thì sự hối thúc “kiếm tiền” rất đơn giản: dự thi cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn VN, biết đâu được giải bét thì cũng có tí tiền cho con học thêm, Lúc đầu hoàn toàn mờ mịt về đường dây câu chuyện, nhưng rồi càng viết càng sáng tỏ, càng mạch lạc. Giống như có một sự sắp xếp vô thức nào đó, rất khó lý giải…

Bây giờ thì Võ Thị Xuân Hà đang sống một cuộc sống khác những năm tháng bươn chải nuôi con một mình. Một người đàn ông từng là nhân vật trong truyện ngắn của chị, rồi sau đó đã bước ra khỏi trang sách, bước vào cuộc đời chị, san sẻ những gánh nặng lo toan cùng chị. Nhân duyên cũng là nhờ những năm tháng đi bán cà phê. Chị đã dường như bước sang một kiếp khác ngay trong chính đời sống thực của mình…

Ngồi giữa bạn bè văn chương, chị thường ít nói ít bộc lộ nhất, nhiều khi chỉ lắng nghe bạn bè nói, không tranh luận hay tò mò. Nhưng lần này thì chị nói rõ ý định của mình: trong khoảng những tháng cuối năm 2012 này, nhất định sẽ viết lại Câu chuyện của nàng Thê thành một truyện dài. Nàng Thê sẽ trải qua bao nhiêu kiếp nạn? Nàng có kiếm tìm được tình yêu đích thực trong một tầng kiếp nào? Tôi thật muốn đọc tiếp câu chuyện này.

Và tôi tin, nếu tự viết cuốn sách về cuộc đời mình, Võ Thị Xuân Hà sẽ luôn để cho nhân vật nữ được hạnh phúc, dù họ phải trải qua rất nhiều sóng gió cuộc đời. Giống như hôm nay, hạnh phúc đang hiện diện trên gương mặt chị…

Tác giả: Bình Nguyên Trang

Nguồn tin: ANTGCT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây