Nguyễn Việt Chiến trong hoạn nạn ‘gặp’ Nguyễn Du

Thứ năm - 02/08/2012 05:43 5.237 0

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.
Trong tập thơ vừa ra mắt thơ “Trăng và thơ đọc chậm”, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến cho biết, trong tập này có nhiều bài thơ được anh làm trong thời gian hoạn nạn.

Tác giả cũng tâm sự, trong cơn mưa gió lớn của đời người ấy, chính thi ca, cái đẹp và lẽ phải đã cứu rỗi anh. eVan có cuộc phỏng vấn tác giả “Tổ quốc nhìn từ biển” về tập thơ này.

Làm mới không gian thơ lục bát

- Thơ vốn thường đọc chậm, những người đến với thơ cũng thường với tâm thế chậm rãi, sao anh còn phải lưu ý họ “đọc chậm” ngay từ tên tập thơ mới?

- Người đọc thơ hôm nay thường rất ít khi đọc kỹ một tập thơ đáng đọc, đọc kỹ một tác giả cần đọc, họ thường đọc lướt qua các trang thơ, bởi thế thể loại văn học “ý tại ngôn ngoại” này đang mất dần đất sống trong tâm thế con người hiện đại. Cũng có thể, bởi thời gian qua, thơ lạm phát như tiền giấy, người người làm thơ, nhà nhà in thơ mà in toàn loại thơ làng nhàng nên số lượng thơ in thì nhiều quá mà chất lượng thơ thì xuống quá. Do vậy, người đọc bỏ thơ đi khá nhiều. Đây là một thực trạng, nhưng có lẽ chúng ta cũng không cần quan tâm vấn đề này, bởi chỉ có những bài thơ hay, những tập thơ hay mới đọng lại được qua thời gian. Tên đề tập thơ của tôi là “Trăng và thơ đọc chậm” với ý tưởng: Trăng là cái đẹp, thi ca nhiều khi cũng mang vẻ đẹp của trăng và cách sống chậm, đọc chậm, cảm nhận chậm khi thưởng ngoạn vẻ đẹp của trăng và thi ca có lẽ sẽ giúp chúng ta phát hiện được nhiều điều thú vị hơn nhất là trong đời sống đô thị công nghiệp ngột ngạt, xô bồ hôm nay.

- Tạo nhịp điệu cho thơ bằng những dấu chấm là cách anh quen dùng. Anh có thể nói rõ hơn về thủ pháp này?

- Trong những bài thơ lục bát của tập “Trăng và thơ đọc chậm” tôi thường dùng dấu chấm để tạo nhịp điệu cho mỗi câu thơ. Những năm qua, người đọc đã quen với lối thơ lục bát mới, thường bẻ câu, xuống dòng để tạo nhịp điệu ví như đoạn thơ sau:

Đêm
Mưa
Gặp Nguyễn
Trên sông
Đầu đội nón lá
Chân không mang giày
Ông ra câu cá
Sông này
Một chiếc cần trúc
Phất đầy mưa đêm
Ông
Dốc bầu rượu
Tưới lên
Dòng sông mặt sách
Còn thiêm thiếp nằm
 Các người ngủ
Suốt trăm năm
Nguồn thơ đã cạn
Nguồn văn đã mòn

Với kiểu thơ lục bát bẻ câu, xuống dòng như trên, nó cũng đã tạo ra một hiệu ứng “làm mới không gian thơ lục bát”. Tương tự như thế, nhưng tôi không bẻ câu, không xuống dòng, tôi vẫn giữ nguyên khổ thơ truyền thống “trên sáu chữ, dưới tám chữ” và dùng dấu chấm để ngắt và biến đổi nhịp thơ theo kiểu:

  Đêm. Mưa. Gặp Nguyễn. Trên sông
Đầu đội nón lá. Chân không mang giày
  Ông ra câu cá. Sông này
Một chiếc cần trúc. Phất đầy mưa đêm
  Ông. Dốc bầu rượu. Tưới lên
Dòng sông mặt sách. Còn thiêm thiếp nằm
  Các người ngủ. Suốt trăm năm
Nguồn thơ đã cạn. Nguồn văn đã mòn

Với những câu thơ lục bát dạng này, người đọc thường phải “đọc chậm” lại vì mỗi một đơn vị chữ khi đứng độc lập lại thường có sự “ngân vang” và liên tưởng riêng của nó. Và tôi coi đấy như một thủ pháp mới của mình để “làm mới” thơ lục bát. Vì thực ra, với thể thơ cổ điển này, sự mòn mỏi quen thuộc về mặt nhịp điệu thi pháp trong cả trăm năm qua cũng đã đến lúc cần phải có những chuyển đổi mới về mặt cấu trúc nhịp điệu câu thơ để có thể tạo ra một âm hưởng làm tươi mới thơ lục bát mà vẫn không làm mất đi vẻ đẹp quyến rũ truyền thống của nó.

Trang bìa tập thơ mới của Nguyễn Việt Chiến.

- “Ta đã chìm rất sâu trong một đêm mưa lớn / không ai đến được với ta / nhưng ở nơi tận cùng của đáy sâu kia / ta vẫn nhận thấy hơi ấm của em…”. Đọc những câu thơ anh viết người ta rất dễ liên tưởng đến chuyện đời, nhất là những gì anh đã trải thời gian qua. Anh có thể nói rõ hơn về hình tượng “em” trong đoạn thơ trên?

- “Trăng nơi đáy sâu” là một bài thơ tình viết ở giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời cầm bút của tôi. Em trong bài thơ này được ví với ánh trăng, với cái đẹp và dĩ nhiên được ví với thơ. Nhưng có lẽ chỉ có nhà thơ nào buộc phải sống “ở nơi tận cùng của đáy sâu kia” mới có thể cảm nhận được vị mằn mặn của ánh trăng, thứ ánh sáng không bị hủy hoại bởi bùn tối của những đáy sâu. Và như tôi đã tâm sự trong bài thơ này, khi ở nơi tận cùng đáy sâu kia, tôi đã được cứu thoát bởi chất muối ấy.

Nỗi đau lớn sinh ra những bài thơ lớn

- “Ta nói điều này cho anh biết. Chỉ có trong những đêm mưa lớn của đời người như anh đang từng trải qua, người thơ mới có thể ra sông văn câu được những bài thơ, tứ thơ, những câu chuyện văn chương hay nhất trong cuộc đời cầm bút của mình…”. Đó là một đoạn lời của Nguyễn Du trong bài mở đầu tập “Trăng và thơ đọc chậm” mới ra mắt của anh. Có vẻ như nó cũng giống một lời tự vấn về nghề. Anh nghĩ sao?

- Giấc mơ gặp cụ Nguyễn Du đi câu trên sông đêm là một giấc mơ có thật trong chuỗi ngày hoạn nạn gặp “tai nạn nghề nghiệp báo chí” của tôi. Cũng từ giấc mơ kỳ lạ đêm mưa lớn ấy, tôi viết được bài thơ lục bát “Gặp Nguyễn Du trên sông đêm” với những câu thơ không thể viết được lần thứ hai trong đời. Sau này khi đọc bài thơ của tôi in trên báo, một nhà thơ nói vui: “Mình cũng muốn vào trong ấy ít ngày để thử viết một bài thơ như vậy xem có được không?”. Tôi cười bảo: “Ấy là ông nói vui như vậy, chứ vào thì cũng khó lắm mà ra thì còn khó hơn nhiều!?”. Đúng ra, lời khuyên của cụ Nguyễn Du đối với tôi trong giấc mơ đêm ấy như một sự động viên, vỗ về, an ủi đối với một người thơ đang gặp hoạn nạn, tôi nghĩ như vậy và có vẻ nó cũng giống như một lời tự vấn về nghề như bạn nói, bởi tôi cho rằng nỗi đau lớn thường sinh ra những bài thơ lớn.

- Cũng trong tập thơ mới nhất của anh có một số bài ở thể loại “truyện-ngắn-thơ” khá lạ. Đây là một bắc cầu để Nguyễn Việt Chiến chuyển sang văn xuôi?

- Hoàn toàn không có chuyện bắc cầu để chuyển sang văn xuôi. Trong tập “Trăng và thơ đọc chậm” của tôi có 4 bài ở thể loại “Truyện-ngắn-thơ” (tôi cứ tạm gọi như vậy) là các bài: Gặp Nguyễn Du trên sông đêm, Sự nổi loạn của tranh, Nước mắt của trăng, Mùi Tiên. Đây là những bài thơ viết theo dạng truyện ngắn, cả câu chuyện là một bài thơ, được kể lại bởi một nhà thơ không hề có ý định làm văn xuôi trong thơ. Chất thơ và nhạc điệu của thơ trong 4 truyện-ngắn-thơ này chính là cái chất - nền của những câu chuyện mở ra một không gian thơ kể cả về hình ảnh, sự suy tưởng và chiêm nghiệm. Tôi đang có ý định sẽ viết tiếp những truyện-ngắn-thơ như vậy.

- Phùng Quán từng viết “Có những phút ngã lòng / Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”, còn anh, trong những thời khắc sóng gió đời người, ngoài thơ, điều gì khiến anh có đủ niềm tin và nghị lực sống?

- Có thể nói tôi đã vượt qua được những thời khắc khó khăn ấy bằng một niềm tin lớn, bằng một khát vọng sống mãnh liệt rằng thi ca và cái đẹp, và lẽ phải sẽ cứu rỗi con người như những câu thơ tôi đã viết trong bài “Gửi bạn bè” trong tập “Trăng và thơ đọc chậm”: “Xin đừng hỏi vì sao ta gục ngã/ Ta yêu thương như Mẹ - núi sông này/ Khi ngay thẳng sống làm người thật khó/ Ta dọn mình cho bữa tiệc đắng cay/ Xin đừng hỏi vì sao ta phải sống/ Ta bản năng không chay tịnh thánh thần/ Ta bụi bặm ta hồn nhiên đến thở/ Trên chiếc giường của mộng mỵ ăn năn/ Khi số phận chọn ta làm ngọn bút/ Phất lên đầu sóng dữ một bài ca/ Ai biết được ta sẽ chìm tận đáy/ Rồi vượt lên bao bất hạnh, trầm kha/ Ngày lại ấm từng câu thơ con viết/ Mùa vẫn dài trong mắt mẹ buồn thương/ Khi mẹ nhắc chiều muộn rồi-con biết/ Bài thơ kia đã ở sát chân tường/ Khi bạn hỏi bóng tôi trên mặt sách/ Câu thơ nào viết dưới đáy thời gian/ Trong tuyệt vọng chỉ còn thơ là bạn/ Chỉ còn thơ cứu rỗi mọi suy tàn/ Nghe bạn hỏi bóng hoa trên mặt sách/ Mùi hương nào thấm đẫm một chia phôi/ Mai hay cúc, hay thuỷ tiên tưởng tượng/ Bóng hoa đen ám ảnh chúng ta rồi/ Trên gương mặt thời gian năm tháng ấy/ Có một phần gương mặt của chúng tôi/ Trán kiêu hãnh mang vẫn thơ hy vọng/ Dẫu trái tim đa cảm bị thương rồi”.

- Từng đoạt giải nhì cuộc thi thơ hay về biển năm 1992, có vẻ như cảm hứng sáng tác về biển xuất hiện trong anh từ khá sớm. Gần đây anh cũng có nhiều bài thơ được sự cộng hưởng của đông đảo bạn đọc như “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Đất nước thời gian lao”, sao anh không lấy tên những bài thơ này để đặt cho tập thay vì cái tên khá cổ điển “Trăng và thơ đọc chậm”?

- Đúng là cảm hứng sáng tác về biển đã xuất hiện trong thơ tôi khá sớm, cách đây hơn 20 năm, tôi bắt đầu bằng bài thơ dài “Những cư dân của biển cả” đăng trên báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn VN năm 1991 với những câu thơ: “Những cư dân của biển cả/ Chim trời và các bạn là một phần của tự do/ Sóng ngầm và các bạn là một phần sức mạnh của trái đất/ Cá và mồ hôi của các bạn nuôi dưỡng cuộc đời này/ Muối của các bạn là kết tinh mặt trời và nước mắt/ Ngọc trai của các bạn là ánh sáng được nuôi từ nỗi đau…” và bài thơ “Biển chiều”của tôi đã được trao giải nhì cuộc thi thơ hay về biển năm 1992. Đến thời gian gần đây, bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” (bài thơ đầu tiên khi tôi trở lại cầm bút) đã nhận được sự cổ vũ của hàng triệu độc giả trong và ngoài nước, còn bài thơ “Tổ quốc bên bờ biển cả” của tôi đã được trao giải nhì của cuộc thi thơ nhạc “Đây biển Việt Nam” đầu năm 2012. Có thể nói, đề tài biển đảo đã trở đi, trở lại trong thơ tôi suốt hai chục năm qua với rất nhiều trăn trở và tôi sẽ tiếp tục viết về đề tài này, trước mắt, tôi đang hoàn thành một trường ca về biển. Còn tôi đặt tên tập thơ mới là “Trăng và thơ đọc chậm” là vì trong tập có gần một chục bài thơ tôi viết về trăng và nhiều bài tôi viết theo kiểu thơ-đọc-chậm. 

Nguyễn Việt Chiến sinh năm 1952 tại Thạch Thất, Hà Nội. Năm 1992 về làm việc tại báo Thanh Niên. Tác phẩm đã xuất bản: Mưa lúc không giờ (1992); Ngọn sóng thời gian (1998); Cỏ trên đất (2000); Những con ngựa đêm (2003); Thơ Việt Nam, tìm tòi và cách tân (2007); Trăng và thơ đọc chậm (2012). Đã đoạt các giải thưởng: Giải nhì cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1989-1990; Giải nhì cuộc thi “Thơ hay về biển” năm 1992; Giải nhì cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2000 và năm 2008-2009; Giải thưởng thơ Hội Nhà văn Hà Nội năm 2004; Tặng thưởng thơ Hội Nhà văn VN năm 2004; Giải ba cuộc thi thơ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội năm 2010; Giải nhì cuộc thi thơ “Đây biển Việt Nam” năm 2012.

Năm 2008, do những thông tin báo chí liên quan đến vụ PMU-18, Nguyễn Việt Chiến bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt 2 năm tù giam. Đầu năm 2009, sau khi được đặc xá, anh tiếp tục trở lại làm việc tại báo Thanh Niên cho đến nay.

Tác giả: Dương Tử Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây