Lãng Thanh - 10 năm cách biệt tình không cũ

Thứ năm - 02/08/2012 05:48 5.836 0

Trang bìa tập thơ của Lãng Thanh.

Trang bìa tập thơ của Lãng Thanh.
10 năm trước (20/7/2002), Lãng Thanh ra đi giữa mùa hè oi ả. Tập thơ đầu tay của anh được NXB Thanh Niên in sau đó đã nhận được giải thưởng cao nhất về thơ của Hội Nhà văn VN năm 2004.

Nhờ sự nhiệt tâm của các bạn anh, cùng sức mạnh từ chính những câu thơ để lại, Lãng Thanh đã sống trong lòng người yêu thơ. Dường như tất thảy những ai đã đọc thơ Lãng Thanh, đã biết về đời thơ ngắn ngủi và sự ra đi đột ngột của tác giả đều tiếc thương cho một con người tài hoa mệnh bạc.

Người đi hoa ở lại

Lãng Thanh tên thật Lê Quốc Tuấn, sinh ra và lớn lên trên vùng quê Phú Thọ. Anh tốt nghiệp một lúc 2 trường đại học là Học viện ngoại giao và Đại học Ngoại thương Hà Nội, và về làm việc tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển tỉnh Vĩnh Phúc (trụ sở tại Vĩnh Yên). Lãng Thanh thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc. Anh đam mê nghệ thuật thư pháp và có năng khiếu hội họa. Nhưng ở thơ ca, anh bộc lộ mình rõ nhất.

Sự kiện dẫn đến cái chết của Lãng Thanh cũng khá đặc biệt và chứa đựng nhiều tình tiết khó tin. Trong một ngày chủ nhật, ngay trong bữa cơm trưa tại gia đình, anh và bố đã bị một kẻ nghiện, cũng là một người bà con trong họ sát hại bằng dao. Đời văn và đời người ngắn ngủi, dừng bước ở tuổi 25 nhưng Lãng Thanh đã để lại tài sản tinh thần giá trị. Đến nay bạn bè anh đã sưu tập được 24 bài thơ của Lãng Thanh cùng với nhiều tản văn, tiểu luận, thơ dịch tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, và thơ chữ Hán, trong đó có bài anh sáng tác từ năm 16 tuổi.

Đây là một đoạn trong bài “Thơ trước tuổi 21”, một bài thơ mà nhà thơ Trần Mạnh Hảo đánh giá rất cao lúc nó mới được in ra sau khi Lãng Thanh mất: “Em đến bàng hoàng như cơn sốt / Bỗng môi tôi bất lực / Nụ hôn ơi người khoá cả linh hồn / Em đến bất ngờ như dao sắc / Không đùa tựa những vết thương / Bởi gai hoa lặng chán chường”.

Ở Lãng Thanh luôn đầy ắp những ý tưởng và dự định. Đam mê nghệ thuật thư pháp, Lãng Thanh còn có dự định viết sách về thư pháp và thành lập trường phái thư pháp mang tên mình. Đây là những vần thơ anh viết về môn nghệ thuật này: "Nét cuồng thảo vọt như máu, ngưng như lệ / Sóng bút điên cuồng nương theo áng thơ / Cánh tay dịu dàng của thơ bao la như tình biển mẹ / Điên cuồng chữ bay, điên cuồng chữ bay, điên cuồng chữ bay...".

Tranh tĩnh vật của Lãng Thanh.

Theo nhà văn Thiên Sơn - một người bạn, người mười năm nay luôn chăm chút những gì Lãng Thanh để lại - thì ngoài thơ và thư pháp, Lãng Thanh cũng có nhiều khát vọng cải cách trong hội họa. Tranh Lãng Thanh trau chuốt và mang đến một trực cảm sung mãn... Lãng Thanh vẽ nhiều hoa, nhưng đó không còn là những đóa hoa cụ thể mà là hoa của tâm tưởng. Hoa mang một triết lý sâu xa: Hoa là tinh tuý của thiên nhiên. Là biểu trưng cái đẹp của sự sống. Hoa cũng là biểu tượng những ước mơ, khát vọng không bao giờ tắt của con người. Hình tượng Hoa xuyên suốt trong các họa phẩm và thi phẩm của Lãng Thanh. Đó là một ám ảnh lớn lao và cũng là một cảm thức đau đớn: “Mẹ ơi! Ngòi bút của con mềm dịu như gió, / Con phiêu đãng cùng non tận thủy, / Nhưng những đóa hoa đánh con đau quá, / Con trở về nhà băng vết máu đầy tay.”

Những tấm lòng bè bạn

Lãng Thanh có dự định in thơ từ khi còn sống nhưng dự định ấy không thực hiện được. Có lần anh tâm sự với anh em Câu lạc bộ Chí Tâm: “Năm 1998, khi tròn 21 tuổi em đã muốn in thơ nhưng không thực hiện được, năm 2001 em lại muốn in nhưng Nhà xuất bản vẫn chưa chấp nhận, họ ái ngại sự mới lạ của tập thơ…”.

Ngày ấy trong những lần gặp mặt của nhóm, Lãng Thanh thường nói chuyện thơ và có lần đã đọc thơ mình. Đây là những bài thơ có tên “Nhật ký” mà Lãng Thanh đã đọc trước bạn bè nhóm Chí Tâm trong một lần gặp mặt: "Ngôi nhà lạnh toát như một thứ vũ khí / Đi trên đường như bước giữa hàng họng súng" / "Sông chảy dài như oan hồn / Mảnh trăng hóa thạch". / "Cỏ đang bắt rễ vào nhau, nắng vẫn lục tìm ô cửa / Lời của tôi đang nói trên môi em"... Nhà văn Thiên Sơn, chủ nhiệm Câu lạc bộ Chí Tâm mười năm trước nhớ lại: Có lần Lãng Thanh bảo tôi, “đời em chỉ in một tập thơ thôi”, ngừng một lát, cậu nói thêm, “dĩ nhiên, mỗi lần tái bản sẽ bổ sung thêm”.

Sau khi Lãng Thanh mất, bản thảo tập thơ “Hoa” do anh để lại được anh chị em trong nhóm Chí Tâm nhiệt thành tìm cách in ấn. Năm 2003, khi tập thơ “Hoa” được NXB Thanh niên xuất bản, Thiên Sơn cùng một thành viên khác là Việt Hưng mang tập thơ lên Phú Thọ cùng với Thúy Phượng và Thanh Thủy đem ra mộ Lãng Thanh thắp hương tác giả. Ngay sau khi ra đời, tập thơ “Hoa” gây dư luận và nhận được sự quan tâm của giới sáng tác cùng bạn đọc. Năm 2004, tác phẩm nhận tặng thưởng cao nhất về thơ Giải thưởng Hội Nhà văn.

Sau đó, năm 2006, bản thảo cuốn sách “Tập thơ Hoa và những trang viết để lại” gồm tập hợp những bài thơ đã in của Lãng Thanh cùng những bài mới tìm thấy, bên cạnh đó là gần 200 bài thơ dịch, lời các ca khúc, tranh và thư pháp của Lãng Thanh được tập hợp. Nhờ có sự trân trọng một tài năng trẻ của NXB Thanh Niên, cụ thể là tấm lòng của nhà thơ Phạm Đức và biên tập viên Nguyễn Hằng Thanh, cùng sự cố gắng của gia đình Lãng Thanh và của những người bạn, tập sách thứ hai của Lãng Thanh đã ra đời.

Năm 2011, hướng tới kỷ niệm 10 năm ngày mất của Lãng Thanh, tập sách “Hoa và những những trang viết để lại” của anh cũng được vợ chồng nhà văn Thiên Sơn phối hợp cùng bạn bè tổ chức in tái bản. Tháng 7/2011, tại “Ngôi nhà nghệ thuật” của nghệ sĩ Nguyễn Nga (Maison Des Arts, 31A Văn Miếu, Hà Nội) diễn ra chương trình tưởng niệm và giới thiệu tác phẩm của Lãng Thanh với sự tham dự của nhiều nhà văn nhà thơ, báo chí và những bạn bè yêu mến tác giả.

Mười năm tình không cũ

“Chí Tâm” là câu lạc bộ được một nhóm bạn trẻ lập ra năm 1996 tại Hà Nội gồm một vài người đã tốt nghiệp đại học và hầu hết là sinh viên. Câu lạc bộ tập hợp được khoảng hơn 30 thành viên xuất sắc gồm những người có tấm lòng và chí hướng. Sau này vì nhiều lý do, chủ yếu là do mỗi người một công việc, một lĩnh vực, một nơi ở khác nhau nên Câu lạc bộ sinh hoạt không được thường xuyên. Hiện tại có nhiều người đã thành đạt, có người là nhà văn, nhà báo, giáo sư, tiến sĩ, doanh nhân… Một số thành viên của Chí Tâm hiện vẫn làm việc tại Hà Nội như anh Ôn Quang Thiên ở Hội VHNT dân tộc thiểu số, anh Từ Khôi ở báo Đại Đoàn Kết, anh Nguyễn Văn Hiệu, chị Kim Chi ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, anh Việt Hưng làm ở báo Việt Nam đầu tư nước ngoài, anh Phan Phúc Thành, chị Thúy Hạnh, Kim Anh, Hồng Trang làm doanh nhân…

Nhà văn Thiên Sơn, một người bạn của Lãng Thanh trong Câu lạc bộ Chí Tâm xưa, cũng là một trong số ít ỏi những người theo đuổi con đường văn chương nghệ thuật. Anh cũng là người có công tập hợp và gắn kết các thành viên của Chí Tâm trong các hoạt động, đặc biệt là trong việc sưu tầm tư liệu, vận động mọi sự đóng góp ủng hộ về mọi phương diện để những tác phẩm của Lãng Thanh được đến với đông đảo công chúng. Chị Thanh Thủy, vợ anh cũng vốn là một người bạn học phổ thông cùng với Lãng Thanh ở Việt Trì. Cũng chính từ những lần qua lại gặp gỡ để lo việc cho Lãng Thanh mà anh chị đã nảy nở tình cảm, sau này họ thành vợ chồng. Ngày ấy, chị Thanh Thủy (cùng với chị Thúy Phượng) đứng ra quyên góp tiền từ các bạn trong lớp gửi xuống Hà Nội để hỗ trợ nhóm Chí Tâm in thơ cho Lãng Thanh.

Mười năm sau ngày mất của Lãng Thanh, nhà văn Thiên Sơn xúc động nhớ lại những kỷ niệm về người bạn vốn là niềm tự hào của Câu lạc bộ Chí Tâm. Chiều 20/7/2002, Việt Hưng, một thành viên nhiệt huyết của Chí Tâm, tìm đến nơi ở của Thiên Sơn báo tin Lãng Thanh vừa mất. Thiên Sơn không thể tin đó lại là sự thật, bởi đúng một tuần trước đó, Lãng Thanh còn đến thăm anh. Thiên Sơn thông báo tin dữ cho anh em Chí Tâm, tất cả đều sững sờ. Họ đã có một đêm thức trắng, và sáng hôm sau tất cả cùng lên Việt Trì để viếng Lãng Thanh. Thúy Hạnh, một thành viên nữ, mang theo một bó hoa dại màu tím đặt lên quan tài người bạn xấu số. “Ngay lúc đứng trước mộ Lãng Thanh, tôi có hứa với linh hồn bạn rằng sẽ cùng anh em Chí Tâm in tập thơ mà Lãng Thanh để lại. Cả ngôi mộ đầy hoa trắng như xao động, những cây hương cháy bùng lên thành ngọn lửa…”, nhà văn Thiên Sơn xúc động nhớ lại thời khắc diễn ra mười năm trước.

 “Cảm giác của tôi là Lãng Thanh không hề chết. Lời Lãng Thanh vẫn còn hiện hữu đâu đây bên tai tôi. Trái tim anh vẫn đập từng nhịp đập mãnh liệt trên trang sách, khát vọng của anh vẫn còn in dấu trong tâm tưởng bạn đọc và những người thân yêu. Vần thơ, nét hoạ của anh vẫn còn đồng hành cùng những tâm hồn đồng điệu, cùng họ đi mãi về con đường tít tắp…”, nhà văn Thiên Sơn bồi hồi chia sẻ.

Năm 2004, sau khi tập thơ “Hoa” của Lãng Thanh được Hội Nhà văn VN trao giải, đã có ý kiến nghi ngại về sự ưu ái dành cho một tác giả trẻ mới qua đời, trả lời Báo Thể Thao và Văn Hóa, nhà thơ Trúc Thông, thành viên của Hội đồng thơ, Hội Nhà văn VN nói: “Hội Nhà văn VN đã làm đúng chức năng của giải là tôn vinh những tài năng sáng tạo. Nếu văn chương thiếu sức thuyết phục thì làm sao một cái tên mới tinh và lặng lẽ như Lãng Thanh lại có thể gây được sự chú ý đến như vậy”. Còn nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cho rằng: “Cứ đọc Hoa thì nghi ngại kia chắc chắn sẽ hết. Hoa này đúng là thứ hoa hiếm quý thật đấy, không cần ai phải “nương tay” đâu!”.

Tác giả: Dương Tử Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây