Lê Anh Hoài dù ‘vô vọng’ vẫn lội ngược dòng

Thứ hai - 18/06/2012 05:36 4.621 0

Nhà thơ Lê Anh Hoài.

Nhà thơ Lê Anh Hoài.
Với suy nghĩ, mỗi ngôn ngữ là một thế giới, trong đó, từng thứ trong vạn vật và muôn loài hiện ra với những dạng thể không hề giống chính nó tại thế giới ngôn ngữ khác, Lê Anh Hoài đã gửi 16 bài thơ vào 5 thứ tiếng.

Đó cũng là lý do anh đã kỳ công thực hiện tập thơ đa ngữ có tên “Mảnh mảnh mảnh”. Giải thích về việc “bỏ qua” những cộng đồng sử dụng các ngôn ngữ áp đảo để đến với những cộng đồng thiểu số, anh nói: “Mọi thứ ngôn ngữ vốn đều bình đẳng. Vậy tại sao không tìm đến những cộng đồng ở gần mình nhất?”.

Làm nghệ thuật là sáng tạo cái mới

- Anh có thể nói một chút về tập thơ mới nhất của mình, “Mảnh mảnh mảnh” tại sao nó lại có cái tên khá lạ này?

- Đây là tên một bài trong tập thơ của tôi. Trong đó, tôi bày tỏ sự băn khoăn của mình với các mảnh đời sống, mảnh ký ức… Nó lại hoàn toàn phù hợp trong tư cách tên tập thơ với 5 ngữ cùng đồng hiện ở đó. Tôi quan niệm đây là 5 mảnh thế giới ngôn ngữ mà thơ tôi được sống.

- Ở Việt Nam mới có thơ song ngữ, nhưng tập thơ của anh đa ngữ với 4 ngôn ngữ các dân tộc khác nhau, cộng thêm một tử ngữ là chữ Nôm, từ ý tưởng nào để anh thực hiện tập thơ?

- Tôi nghĩ đã bỏ công ra làm thì làm cho nó xứng. Hơn nữa, ngôn ngữ các dân tộc ít người ở Việt Nam rất nhiều, tôi mới chỉ nhờ dịch được chừng đó thì đã thấm tháp vào đâu?!

- Nhiều người làm thơ có xu hướng tìm ra “biển lớn” với những cộng đồng ngôn ngữ phổ biến nhất, còn anh lại tìm về với “sông suối ao hồ”, anh giải thích cho cú bơi ngược dòng này thế nào?

- Tôi thấy khi thơ được dịch ra thứ tiếng có một tỷ người nói thì vẫn không đồng nghĩa với việc bản dịch thơ ấy sẽ có một tỷ người đọc. Và ngược lại, dịch thơ ra tiếng của một dân tộc ít người thì không có nghĩa là sẽ không có người đọc. Đây là điểm dễ nhầm lẫn, dường như là thế, với nhiều người.

Điều thứ hai, tôi thấy ngôn ngữ (tiếng nói và cả chữ viết) của các dân tộc ít người đang ngày bị mai một, đang bị ngôn ngữ của các cộng đồng lớn hơn áp đảo, bào mòn với một tốc độ rất cao trong cái thời đại toàn cầu hóa này. Chữ Nôm cũng vậy, giờ đây chỉ còn rất ít người đọc được nó. Việc tìm về với “sông suối ao hồ” như anh nói, nó là một cố gắng - dù hơi vô vọng - của tôi, để những “sông suối ao hồ” ấy bớt khô cạn, và thêm tươi nhuần hơn.

- Biết là vô vọng, nhưng anh vẫn lao tâm khổ tứ với nó, có một động lực nào khác cho anh năng lượng để làm việc?

- Biết là có ích thì dù nhỏ cũng phải cố. Cũng muốn nói thêm: Vấn đề tôi hướng tới khi làm tập thơ đa ngữ này không phải là tăng lượng người đọc thơ mình (trong chuyện này, không làm con tính kiểu số học được); Mà thông qua một việc làm có vẻ lạ lùng, tôi muốn công chúng lưu tâm đến vấn đề ngôn ngữ các dân tộc ít người nói riêng và vấn đề văn hóa, nói chung. Tạm gọi là đưa phản đề để nhấn mạnh chính đề. Đây cũng là một kiểu làm nghệ thuật ý niệm.

- Cùng với những trình diễn nghệ thuật đương đại anh vẫn làm, có vẻ như Lê Anh Hoài luôn thích “khác người”?

- Tôi nghĩ đơn giản thôi, làm nghệ thuật là sáng tạo ra cái mới.

Cám ơn những tấm lòng bè bạn

- Mỗi ngôn ngữ là một thế giới, anh có nghĩ rằng mình quá tham lam khi cùng một lúc khám phá những… 5 thế giới khác nhau?

- Không hiểu như vậy có phải là tham lam không nhỉ! Nhưng quả thật khi nhìn những dòng chữ Nôm và chữ của các dân tộc khác nhau, mà nội hàm vẫn là thơ mình, tôi thích lắm. Và càng thích nữa khi tôi được nghe âm thanh những bài thơ đó vang lên bằng tiếng dân tộc. Tôi thấy như thơ mình đang được sống trong nhiều thế giới, với nhiều cuộc đời khác nhau.

- Chỉ có vẻn vẹn 16 bài thơ nhưng phải mất đến hơn một năm việc chuyển ngữ mới hoàn tất chắc hẳn có nhiều chuyện “hậu kỳ” xoay quanh việc thực hiện tập thơ, anh có thể tiết lộ?

- Việc mệt mỏi nhất trong quá trình thực hiện tập thơ này là vấn đề… chính tả. Font chữ trong một số trường hợp không chuẩn lắm nên chuyển qua chuyển lại qua internet bị sai hết. Rút cục tôi phải nhờ gửi bản cứng ra, rồi dò từng chữ một. Nhưng tôi rất vui khi biết nhà thơ Thạch Đờ Ni (anh đang ở Bạc Liêu) đã công phu chuyển thơ tôi từ thơ tự do thành các thể thơ truyền thống của người Khmer. Rồi bản dịch tiếng K’ Ho do nhạc sĩ, nhà thơ K’ Thế đảm nhiệm (anh đang ở Tây Nguyên), khi xong đã được già làng “ấn chứng” - theo đúng luật tục của người K’ Ho. Cũng dịch giả K’Thế đã giúp tôi tổ chức một cuộc trình tấu theo phong tục dân tộc của anh tất cả các bài thơ trong tập bằng tiếng K'Ho, cuộc trình tấu do các nghệ nhân dân tộc đảm nhiệm, với trang phục, không gian theo truyền thống. Tôi vẫn nhớ, tập thơ trong lúc xin giấy phép thì xuất hiện vài vấn đề nhỏ, tất cả những anh em cộng tác với tôi như GS-TS Lò Giàng Páo (người dịch tiếng Lô Lô), Thạc sĩ Nguyễn Quang Thắng (người chuyển chữ Nôm và viết thư pháp), họa sĩ Nguyễn Trung Hiếu (người thiết kế), rồi tất nhiên cả các anh Thạch Đờ Ni, K’ Thế đều lo lắng cùng tôi, như đây là quyển sách của chính họ. Với tôi, những tình cảm ấy của anh em thật không thể nào quên.

Bìa tập thơ.

- 5 ngôn ngữ trong “Mảnh mảnh mảnh”, ngôn ngữ nào là khó khăn nhất trong việc chuyển tải thưa anh?

- Việc so sánh chắc là bất khả. Tôi thấy tất cả dịch giả đều làm việc hết sức trách nhiệm, quan tâm đến từng chữ một. Tôi biết ơn họ.

- Nghe nói anh phải làm việc với dịch giả tiếng dân tộc thiểu số khá vất vả? Rồi lại còn chữ Nôm…?

- Vâng. Nhưng cơ bản là niềm tin, vì thực ra tôi không hề biết một thứ tiếng dân tộc nào. Chữ Nôm cũng không. Nhưng tôi tin vì uy tín cả về tài và đức của họ trong giới đã được khẳng định.

Việc vất vả nhất lại là việc đi tìm dịch giả. Tôi đã liên hệ với hơn mười người đều là nhà thơ, nhà văn các dân tộc ít người khác nhau. Nhưng người thì từ chối vì bận việc, người thì e ngại điều gì đó, lại có người nói thẳng: dân tộc mình còn ít chữ lắm, không làm đâu - khuyến khích, nhờ vả cách nào cũng không được.

 Tôn vinh từng con chữ

- Mỗi dân tộc đều có một mã văn hóa riêng, liệu những dịch giả của cuốn sách có làm cầu nối tốt, mở được mã đó để đưa thơ anh đến với dân tộc của họ?

- Tôi tin. Hơn nữa tôi nghĩ ở bất cứ đâu cũng có thể có người hiểu và đồng cảm với thơ mình.

- Anh nghĩ độc giả của các thứ ngôn ngữ còn lại ngoài tiếng Kinh sẽ tiếp nhận thơ anh thế nào?

- Tôi cũng không rõ nữa, thời gian sẽ trả lời.

- Bìa, minh họa, và cả tập thơ chỉ có 2 màu đen - trắng đối lập, anh có gửi gắm gì về mặt thị giác tới bạn đọc?

- Ngoài hai màu đen trắng là cơ bản, thỉnh thoảng còn có một điểm son trong phần thư pháp. Tập thơ được họa sĩ Nguyễn Trung Hiếu trình bày rất công phu. Anh Hiếu đã rất nhập tâm khi làm giúp tôi tập thơ này. Có thể nói họa sĩ Nguyễn Trung Hiếu đã rất hiểu tôi và hiểu tinh thần của tập thơ.

- Đọc “Mảnh mảnh mảnh” thấy sự ảnh hưởng của nghệ thuật sắp đặt khá rõ, có sự ảnh hưởng qua lại giữa nghệ sĩ thị giác Lê Anh Hoài và nhà thơ Lê Anh Hoài. Hay anh chủ định làm một cuộc sắp đặt ngôn từ?

- Vâng. Toàn bộ cuốn sách từ việc bố trí các bài, cho đến phong cách trình bày, đều là một cuộc tôn vinh con chữ. Đối với tôi, ngôn ngữ của dân tộc nào cũng hay và các con chữ dù là mẫu tự Latin hay tượng hình đều có vẻ đẹp riêng.

Lê Anh Hoài sinh năm 1966 tại Hà Nội. Đã xuất bản: Những giấc mơ bên đường (thơ, NXB Văn học, 1999); Chuyện tình mùa tạp kỹ (NXB Đà Nẵng, 2007); Tẩy sạch vết yêu (tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2010). Anh cũng là tác giả thể hiện cuốn sách Không lạc loài”, là tự truyện của một người đồng tính (NXB Hội Nhà văn, 2008). Ngoài viết văn, làm báo Lê Anh Hoài còn đam mê nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, video art. Anh là một trong số ít nghệ sĩ thị giác hiện nay với một số tác phẩm như Tôi là cột điện, Tiến lên, Đồng cu, Nhu cầu, WC.doc… Hiện anh làm việc tại Báo Tiền phong Chủ nhật.

Tác giả: Dương Tử Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây