Thể loại ‘Light Novels’ từ góc nhìn của một dịch giả 9X

Thứ năm - 02/08/2012 04:59 4.465 0

Dịch giả trẻ Nguyễn Phương Bảo Châu.

Dịch giả trẻ Nguyễn Phương Bảo Châu.
“Light Novels” là thể loại tiểu thuyết chuyển thể từ truyện tranh đang rất ăn khách tại Nhật Bản và các nước Âu Mỹ. Lần đầu tiên thể loại này ra mắt độc giả Việt Nam qua các ấn phẩm "Conan" của NXB Kim Đồng.

Dịch giả của bộ tiểu thuyết "Conan" gồm bốn tập là Nguyễn Phương Bảo Châu, sinh viên trường Đại học Ngoại thương - người đã có những năm tháng ấu thơ sống và học tập tại Nhật Bản. Cô gái 9X chia sẻ với bạn đọc eVan.vnexpress.net về thể loại tiểu thuyết mới lạ tại Việt Nam cũng như công việc dịch thuật của mình.

- Chị có thể giới thiệu đôi chút về thể loại “Light Novels”?

- Thể loại “Light Novel” (“raito noberu”, trong tiếng Nhật được gọi tắt là “ranobe” hoặc “rainobe”), hay có thể dịch là tiểu thuyết ngắn, là dòng tiểu thuyết của Nhật Bản dành cho học sinh trung học. Dòng “Light Novel” có độ dài 40.000 - 50.000 từ và thường có tranh minh họa.

Thể loại tiểu thuyết ngắn đã có mặt tại Nhật Bản từ rất lâu và khoảng năm 1990, các tác phẩm “Light Novel” đầu tiên đã được xuất bản. Đến năm 2006, “Light Novel” bắt đầu phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những thể loại được ưa thích nhất như hiện nay. Sau sự phổ biến rộng rãi này, thể loại “Light Novel” được lựa chọn để chuyển thể các manga, anime, phim truyền hình Nhật Bản.

Với mục đích phục vụ nhu cầu giải trí, “Light Novel” được viết bằng bút pháp khác biệt so với các tiểu thuyết dành cho người lớn. Cụ thể, các tác giả “Light Novel” thường dùng cách viết ngắn gọn, với chỉ hai đến ba câu trong đoạn văn và sử dụng đối thoại làm cách dẫn dắt truyện chủ yếu.

- Theo chị, vì sao thể loại này lại được người đọc ở Nhật Bản và nhiều nơi trên thế giới yêu thích?

- “Light Novel” được yêu thích có lẽ vì cấu trúc tiểu thuyết ngắn gọn, nội dung tương đối đơn giản, thích hợp cho việc đọc giải trí hàng ngày. Riêng bộ phận “Light Novel” dựa trên các tác phẩm manga, anime hay phim truyền hình đón nhận một lượng lớn độc giả từ các tác phẩm nguyên tác.

- Chị bắt đầu đến với con đường dịch thuật thể loại “Light Novel” như thế nào?

- Đầu tiên tôi dịch bộ truyện tranh “Conan” cùng một nhóm bạn. Những ngày đầu tiên dịch thuật đã cho tôi khá nhiều kinh nghiệm, từ việc dùng từ đến cách tra cứu thông tin ở các nguồn khác nhau. Sau khi đỗ Đại học, tôi liên lạc lại với nhà xuất bản với mong muốn được duy trì cộng tác. Vì biết tôi từng tham gia dịch truyện tranh “Conan” nên nhà xuất bản đã cho tôi cơ hội dịch bộ "Light Novel" này.

Bộ tiểu thuyết "Conan" của dịch giả Nguyễn Phương Bảo Châu.

- Khó khăn lớn nhất của chị trong việc dịch tác phẩm này là gì?

- Khó khăn lớn nhất là khi bắt gặp những đoạn mật mã tiếng Nhật, mà cách giải cần phải sử dụng lối chơi chữ. Những lúc như vậy, việc đầu tiên là phải đọc đi đọc lại nguyên tác để hiểu cách giải, rồi mới nghĩ cách truyền tải nó sang tiếng Việt. Việc dịch sao cho sát với nghĩa gốc nhất là rất quan trọng, vì thế tôi thường xuyên cho thêm các chú thích vào bản thảo. Có những lúc dịch xong thấy nhiều chú thích quá thì lại lo lắng, không biết các bạn độc giả có còn hứng thú và kiên nhẫn đọc hết hay không?

- Chị có thể chia sẻ về việc đọc sách của giới trẻ Nhật Bản hiện nay?

- Ở Nhật, có rất nhiều thư viện dành cho người dân ở địa phương (chứ không chỉ là thư viện thuộc các trường đại học), với số lượng và thể loại sách dành cho học sinh, sinh viên khá phong phú. Giáo dục Nhật Bản chú trọng đến văn hóa đọc, thể hiện ở hệ thống thư viện ở mỗi trường tiểu học và các tiết đọc được tổ chức định kỳ. Tại Nhật Bản còn có nhiều tập san (cả truyện tranh và truyện chữ) phục vụ lứa tuổi thanh thiếu niên. Việc sáng tác văn học tại Nhật Bản cũng được ủng hộ và tạo điều kiện (ví dụ, một số nhà xuất bản tổ chức các cuộc thi thường niên dành cho các cây bút "Light Novel"). Vì thế có thể nói, các bạn trẻ Nhật Bản có cơ hội tiếp xúc với số lượng lớn các tác phẩm văn học thuộc nhiều thể loại, của nhiều lứa tác giả khác nhau.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng Nhật Bản đang lo ngại về văn hóa đọc ở một bộ phận giới trẻ. Nhật Bản nổi tiếng là “thế giới manga”, vì thế nhiều bạn trẻ Nhật Bản hiện nay thường chọn đọc các bộ truyện tranh thay vì truyện chữ.

Tác giả: Ngọc Nữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây