Nguyễn Phan Quế Mai và điều ước cho năm 2011

Thứ năm - 27/01/2011 11:25 2.802 0

Nguyễn Phan Quế Mai và điều ước cho năm 2011

Nguyễn Phan Quế Mai sinh năm 1973 tại Ninh Bình, lớn lên tại Bạc Liêu. Tốt nghiệp khoa truyền thông Đại học Monash, Úc. Hiện làm tư vấn truyền thông cho các tổ chức Liên Hiệp Quốc tại khu vực châu Á. Trưởng nhóm tình nguyện Chắp Cánh Ước Mơ. Tác phẩm đã xuất bản: Trái cấm (thơ, 2008) và Cởi gió (thơ, 2010); Sau mưa thôi nã đạn (Văn học dịch, 2010). Nhân dịp đầu năm mới, Nguyễn Phan Quế Mai đã có một cuộc trò chuyện cởi mở và đầy cảm xúc.

  • Chị đã đi qua một năm “đại phát”, với hai vòng nguyệt quế văn chương (giải nhất cuộc thi Thơ về Hà Nội do báo Văn nghệ và Đài PTTH Hà Nội tổ chức; giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội 2010), ra mắt 1 tập thơ và một cuốn sách dịch, cảm xúc của chị sau một năm gặt hái nhiều thành công như vậy?

Trước tiên, tôi xin gửi độc giả báo Văn Nghệ lời chúc năm mới tốt lành, sức khỏe và sáng tạo. Năm 2010 đối với tôi là một năm ắp đầy niềm vui và bất ngờ. Văn chương thực sự là một lĩnh vực mới mẻ đối với tôi, và những giải thưởng vừa qua là những vinh dự và là sự khích lệ rất lớn. Nhận những giải thưởng uy tín vừa qua cũng là nhận những trách nhiệm lớn lao. Vì thế tôi đang nỗ lực học hỏi và trau dồi, để có thể viết hay hơn, chuyển ngữ tốt hơn. Thế giới văn chương rất mênh mông, và tôi chỉ mới chạm tay vào. Tôi còn phải học hỏi rất nhiều.

  • Kỉ niệm nào trong năm qua khiến chị ám ảnh nhất?

Trong năm 2010, tôi đã đi nhiều nơi và có những kỷ niệm khó quên. Với công việc chuyên môn là tư vấn truyền thông cho các tổ chức quốc tế, tôi đã đến những vùng quê nghèo và hẻo lánh. Kỷ niệm ám ảnh nhất là trong một lần đi thực tế để thực hiện một nghiên cứu truyền thông, tôi đã gặp 4 đứa trẻ trong một cơ sở sản xuất. Cháu lớn nhất 14 tuổi, cháu nhỏ nhất 7 tuổi. Tất cả đều mù chữ vì cha của các cháu đã bỏ đi, mẹ của các cháu phải bươn chải tự nuôi mình và bốn đứa con thơ. Tôi hứa với bọn trẻ là sẽ quay lại và giúp chúng có cơ hội đến trường. Vậy mà, khi tôi quay lại, mẹ của các cháu đã dẫn con đến một phương trời khác, không ai biết đi đâu. Nếu có một điều ước cho năm mới 2011, tôi sẽ ước tất cả trẻ con trên thế giới này không phải thất học. Ánh mắt trong veo của những đứa trẻ trong cơ sở sản xuất ấy, như những câu hỏi lớn, vẫn thức trong những giấc mơ của tôi, đến tận hôm nay.

  • Chị tham gia vào rất nhiêu lĩnh vực: tư vấn truyền thông, công tác xã hội, làm thơ, viết báo và dịch thuật. Chị làm việc với cường độ kinh khủng, mà đến nhà thơ Mỹ Bruce Weigl cũng phải… kêu trời. Điều gì khiến chị làm mọi việc đều với “tối đa nhiệt huyết” như vậy?

Từ khi ra trường vào năm 1998, tôi luôn làm việc trong môi trường quốc tế, với các chuyên gia trong và ngoài nước - những người có chuyên môn rất giỏi. Nếu không làm việc hiệu quả, tốc độ thì tôi sẽ bị đào thải. Tôi luôn tâm niệm rằng cuộc sống quá ngắn ngủi, nếu có cơ hội tốt, tôi sẽ luôn hết mình. Không chỉ trong văn chương, trong cuộc sống và công việc tôi vẫn luôn luôn như thế. Tôi nghĩ rằng khả năng con người là vô hạn. Khi có niềm tin và ý chí, cùng với sự tập trung và khả năng quản lý thời gian, chúng ta sẽ làm được nhiều việc hơn cả sức tưởng tượng của chính mình.   

  • Chị luôn nhiệt tình với bạn bè và đồng nghiệp. Tôi tự hỏi: việc gì người khác nhờ mà Quế Mai sẽ từ chối đây?

Thực ra, trong nửa cuối năm 2010, tôi đã từ chối rất nhiều hợp đồng tư vấn mà các tổ chức quốc tế mời tôi tham gia. Lịch làm việc của tôi đã kín đến tháng 5/2011 vì thế tôi cũng rất tiếc khi phải từ chối hợp đồng mới, vì khi được chọn là được trao gửi niềm tin. Cũng có nhiều nhà văn, nhà thơ nhờ tôi dịch tác phẩm của họ, nhưng tôi đành hẹn đến khi có thời gian. Tôi có thói quen là tự chọn tác giả để dịch, và không bao giờ nhận nhuận bút dịch từ tác giả. Việc dịch thuật với tôi dù chỉ là đam mê, nhưng tôi luôn cố gắng thể hiện trách nhiệm cao nhất với tác phẩm, với bạn đọc. Ví dụ khi chọn dịch một ai, tôi sẽ nghiên cứu tất cả các tác phẩm của người đó để biên soạn một quyển sách mới, tập hợp chân dung văn học của người đó. Trong quá trình dịch, tôi cũng cần phải trao đổi về các trải nghiệm của tác giả xung quanh tác phẩm – nhất là các tác phẩm thơ. Vì thế công việc dịch thuật của tôi rất tốn thời gian, và có thể nói rằng rất “điên rồ”. Nhưng dịch văn học là một ngọn lửa đam mê khó có thể dập tắt. Tôi chỉ ước rằng mình có nhiều thời gian hơn, và mỗi ngày mình chỉ cần ngủ ít hơn để không phải từ chối bất cứ ai (cười).

  • Hội nhà văn Việt Nam đang có kế hoạch mở một trung tâm dịch thuật. Là người có ít nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, theo chị, điều chúng ta cần làm trong việc đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài là gì?

Chúng ta đã có một số yếu tố cần và đủ để đẩy mạnh việc giao lưu giữa văn học Việt với bạn đọc quốc tế. Trước tiên, tôi tin rằng qua nhiều thế hệ văn chương, chúng ta có nhiều tác phẩm hay, có tính nhân loại mà bạn đọc quốc tế sẵn sàng đón nhận. Thêm vào đó, chúng ta có sự ủng hộ, đầu tư tài chính của chính phủ và quyết tâm của Hội nhà văn. Chúng ta cũng có những dịch giả giỏi, tâm huyết với văn học và văn hóa Việt, cùng với những mối quan hệ sẵn có với các nhà xuất bản, dịch giả, nhà văn, nhà thơ quốc tế.

Để việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài thành công, điều quan trọng nhất là yếu tố con người: Đội ngũ lãnh đạo giỏi, năng động; đội ngũ dịch giả giỏi, tâm huyết; mạng lưới đối tác, cộng tác viên uy tín. Quan trọng không kém là chính sách: cần phải có chiến lược để giới thiệu văn học Việt một cách bài bản, hệ thống và minh bạch. Các tác phẩm được chọn để giới thiệu phải đáp ứng nhu cầu của bạn đọc quốc tế. Uy tín của trung tâm dịch thuật phải được khẳng định qua chất lượng của tác phẩm được chọn dịch và sự đón nhận của bạn đọc quốc tế chứ không phải qua số lượng tác phẩm được dịch một cách ào ạt. Chiến lược hoạt động của trung tâm dịch thuật Việt Nam cũng nên được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của các trung tâm dịch thuật đã tồn tại nhiều năm nay ở một số quốc gia. Và tôi nghĩ trung tâm dịch thuật của chúng ta cũng nên tìm kiếm sự hỗ trợ của các trung tâm trao đổi văn hóa của các nước, để họ hỗ trợ cung cấp các dịch giả, nhà văn, nhà thơ bản xứ cho chúng ta – những người sẽ giúp hiệu đính tác phẩm. Tôi có một người bạn là một nhà thơ danh tiếng người Úc. Trong năm 2010, anh ấy đã được chính phủ Úc trả tiền để sang sống, làm việc ở Hàn Quốc, để giúp đỡ trung tâm dịch thuật Hàn Quốc trong việc dịch các tác phẩm văn học Hàn Quốc sang tiếng Anh.       

  • Chị đã làm thật nhiều việc trong năm 2010. Khép lại một năm nhiều sự kiện xảy ra với mình, bắt đầu một năm mới, điều đầu tiên chị nghĩ đến là gì?

Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là sức khỏe cho gia đình tôi và cho bản thân tôi. Cũng như mọi người, tôi mong năm mới, cha mẹ tôi khỏe mạnh, sống lâu. Với riêng tôi, tôi nghĩ rằng người cầm bút cần phải sống khỏe mới có thể viết khỏe và viết hay. Tôi cũng muốn dành thời gian nhiều hơn để chăm sóc gia đình, vì tôi nghĩ nền tảng của hạnh phúc không phải tiền tài hoặc danh vọng, mà là hạnh phúc mỗi chúng ta đang cầm trên tay: đó chính là gia đình và tiếng cười của những đứa con.

  • Lâu nay, chị chưa kể nhiều về gia đình của mình. Nhân dịp đầu năm mới, chị có thể chia sẻ về chồng và các con chị?

Trước khi gặp chồng tôi, tôi đã học tập và làm việc trong thời gian 5 năm ở Úc. Trong cả quãng thời gian đó, tôi luôn mong mỏi được trở về quê hương và chưa từng có ý định lấy chồng nước ngòai. Nhưng, như một câu chuyện cổ tích, một chàng trai người Đức đã thay đổi mọi ý định của tôi. Chúng tôi gặp nhau ở Hà Nội, trên hai chiếc xe đạp, giữa mùa thu năm 1998, dưới những chiếc lá vàng bay. Anh ấy đã thuyết phục được tôi cũng vì tình yêu của anh ấy dành cho văn hóa và con người Việt Nam, nhất là tình yêu và sự tôn trọng anh ấy dành cho gia đình tôi. Anh ấy hiểu rất nhiều về lịch sử Việt Nam và hiện đang làm công tác ngoại giao cho Phái đòan Ủy ban Châu Âu tại Việt Nam. Chúng tôi kết hôn năm 1999 và con gái của chúng tôi vừa thổi nến sinh nhật lần thứ 11. Con trai của chúng tôi sẽ lên 9 vào tháng 4/2011. Con của chúng tôi nói ba thứ tiếng: tiếng Đức, tiếng Việt và tiếng Anh. Chúng tôi luôn ý thức được việc giữ gìn ngôn ngữ và mối quan hệ khắng khít của các cháu với gia đình nội ngoại.  

  • Công việc bận rộn, thời gian dành cho gia đình chị thường làm gì?

Cũng như rất nhiều phụ nữ khác, tôi thích trở về với thiên chức làm vợ, làm mẹ của mình. Sự bình an của cuộc sống lại về mỗi khi tôi được ngồi dạy cho con học, nấu ăn cho gia đình, mua sắm, dọn dẹp nhà cửa. Tôi thích nấu ăn và mẹ chồng của tôi đã dạy cho tôi rất nhiều món ăn của Đức. Nhà chồng của tôi ở gần Munich, ở vùng Bavaria nơi có nhiều truyền thống văn hóa lâu đời và các món ăn rất ngon. Nếu được thử các món ăn Đức mà tôi nấu như salad khoai tây, rau cải chua, thịt gà nướng kiểu Bavaria, bánh táo truyền thống, chắc chắn bạn sẽ … yêu nước Đức (cười). Ngoài ra, đều đặn mỗi tuần tôi đều đi bơi cùng hai con. Lịch bơi của chúng tôi ít khi nào thay đổi vì tôi luôn coi trọng việc rèn luyện thể lực. Chúng tôi cũng thường hay khám phá những địa danh mới bằng những chuyến du lịch cùng cả gia đình.

  • Kế hoạch cho năm Tân Mão của chị?

Tôi có rất nhiều việc phải làm và nếu tĩnh tâm nhìn vào lịch làm việc trong năm 2011, tôi sẽ … hoảng sợ. Riêng tháng 1.2010, tôi sẽ là giảng viên cho 5 khóa học về lồng ghép bình đẳng giới cho công tác hỗ trợ phát triển, cho các tổ chức Liên hiệp quốc tại Việt Nam. Sau đó tôi sẽ viết kịch bản và tham gia đạo diễn cho 3 bộ phim tài liệu ngắn về gương điển hình trong hỗ trợ phát triển. Rồi công việc xây dựng chiến lược truyền thông cho các dự án cũng đang đợi tôi. Tôi cũng đang hoàn thành bản thảo để ra mắt một số tác phẩm văn học trong năm 2011. Hiện nay đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội cũng mời tôi dẫn chương trình cho chương trình truyền hình “Câu chuyện Văn nghệ”. Trong năm 2011, tôi cũng sẽ bắt đầu học tiếng Pháp và cũng rất có thể, tôi sẽ trở lại giảng đường với tư cách là một sinh viên. Tôi muốn được đào tạo bài bản về văn chương.

  • Quả là một kế hoạch dày đặc! Tôi tò mò muốn hỏi: Người chị muốn chia sẻ nhất khi thành công cũng như khi thất bại?

Tôi là con gái út nên có sự gần gũi đặc biệt với cha mẹ. Cha mẹ tôi là người ở bên tôi, chia sẻ mọi niềm vui và khó khăn của cuộc sống, mặc dù từ lúc học lớp 11, tôi đã phải xa gia đình. Chồng tôi cũng luôn là người bạn thân của tôi, luôn ở bên tôi, động viên, giúp đỡ và chia sẻ. Nếu không có sự hậu thuẫn và giúp đỡ của gia đình, chắc chắn tôi sẽ không có thời gian và năng lượng cho việc sáng tác và dịch thuật.

  • Cho đến bây giờ, khi đã dấn bước với thơ ca,  và cũng gặt hái được thành công, thì điều ý nghĩa nhất mà chị thu nhận cho mình là gì?

Điều ý nghĩa nhất là thông qua thơ ca nói riêng và văn học nói chung, tôi đã có cơ hội giúp đỡ những hoàn cảnh thiếu may mắn. Số tiền thưởng của Giải thưởng Thơ Hội nhà văn Hà Nội và Giải Nhất cuộc thi thơ về Hà Nội đã giúp tôi trao học bổng cho 10 cháu nhỏ là con của các anh Trần Văn Lý, Trần Vĩnh Diễn, Nguyễn Văn Dung, Trần Văn Bình – những người cha nông dân nghèo tại xã Thanh Hóa huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình đã thiệt mạng do  lũ cuốn trong khi khai thác song mây trên rừng, trong trận lũ vừa qua. Số tiền thưởng cũng giúp tôi mua sách vở để tặng cho các học sinh khuyết tật tại trường trường tiểu học Thuận Thành, đường Nguyễn Thái Thân, Huế. Ngoài ra, với sự ra đời của tác phẩm mới nhất do tôi biên sọan và chuyển ngữ (Sau mưa thôi nã đạn, NXB Trẻ, 2010), tác giả Bruce Weigl và tôi đã quyết định dùng nhuận bút của quyển sách để thành lập chương trình học bổng Nguyễn Weigl. Chương trình đã trao học bồng đầu tiên cho họa sĩ sinh viên Lê Anh Đức, nguyên quán Nam Đàn, Nghệ An, sinh viên trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Mẹ của Đức mất vì bệnh ung thư, bố mất vì tai nạn. Dù phải tự nuôi sống bản thân mình và kiếm tiền nuôi hai em ăn học trong quá trình học tập, Đức vẫn học tốt, và thường xuyên giúp đỡ các bệnh nhi ung thư tại bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Trong thời gian tới, tôi và nhà thơ, giáo sư Bruce Weigl sẽ đầu tư nhiều thời gian cho việc phát triển chương trình học bổng Nguyễn Weigl. Chương trình học bổng của chúng tôi sẽ không nhận tiền trực tiếp mà sẽ kết nối các mạnh thường quân trực tiếp với các sinh viên tài năng vượt khó. Tôi và giáo sư Bruce Weigl cũng sẽ trực tiếp tư vấn và giúp đỡ những sinh viên tài năng nhận được học bổng, với sự tin tưởng rằng họ sẽ đóng góp rất nhiều cho xã hội về sau.

Tôi luôn tâm niệm, văn học phải gắn liền với cuộc sống. Và vì thế, tôi cảm thấy công việc viết văn và dịch thuật của mình có ý nghĩa hơn nếu các tác phẩm của mình có thể giúp được bất cứ ai đó có hoàn cảnh khó khăn, cần được giúp đỡ.

  • Tôi rất tâm đắc với điều chị vừa chia sẻ: “văn học phải gắn liền với cuộc sống”. Vâng, văn học sẽ không là gì nếu không hóa giải được những nỗi đau, giúp con người đến gần nhau hơn và thắp lên khát vọng sống. Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này. Chúc chị và gia đình một năm mới an lành.

Phong Điệp (thực hiện)
Nguồn: phongdiep.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây