Nguyễn Phan Quế Mai: “Bài thơ hay khiến tôi choàng tỉnh”

Chủ nhật - 17/10/2010 10:42 2.205 0

Nguyễn Phan Quế Mai trong đêm trao giải cuộc thi Thơ về Hà Nội (15/10/2010)

Nguyễn Phan Quế Mai trong đêm trao giải cuộc thi Thơ về Hà Nội (15/10/2010)
Cuộc thi Thơ về Hà Nội do Tuần báo Văn nghệ và Đài PTTH Hà Nội tổ chức sau hai năm phát động đã thu hút hàng nghìn tác giả với trên hai vạn tác phẩm dự thi. Kết quả cuộc thi đã được BTC công bố đúng dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, với 01 giải nhất thuộc về tác giả Nguyễn Phan Quế Mai, 03 giải nhì thuộc về các tác giả Đoàn Mạnh Phương, Khuất Bình Nguyên, Đặng Huy Giang; cùng 07 giải ba và 12 giải tư đã được trao cho các tác giả xứng đáng. Nhân dịp này, Phong Điệp đã có cuộc trò truyện với tác giả Nguyễn Phan Quế Mai.

Nguyễn Phan Quế Mai sinh năm 1973 tại Ninh Bình, lớn lên tại Bạc Liêu, tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh chuyên ngành truyền thông trường Đại học Monash, Australia. Hiện đang tư vấn truyền thông của các tổ chức Liên Hiệp Quốc, tham gia cố vấn và xây dựng các chương trình truyền thông quốc gia để nâng cao năng lực phụ nữ, phòng chống buôn bán người, xóa bỏ lao động trẻ em, tạo cơ hội việc làm cho nông dân nghèo tại địa phương…

  • Xin chào nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Chúc mừng chị đã đoạt giải cuộc thi Thơ về Hà Nội do Tuần báo Văn nghệ và Đài PTTH Hà nội tổ chức. Chị cũng vừa đoạt giải của Hội nhà văn Hà Nội với tập thơ Cởi gió (NXB Hội nhà văn 2010). Có người nói rằng năm nay chị đã “gặp may”. Tôi thì nghĩ rằng văn chương  không phải là một trò chơi của sự may rủi. Còn chị, chị có thể nói gì về hai giải thưởng mình vừa được nhận?

Cuộc thi Thơ về Hà Nội là một cuộc thi được tổ chức với quy mô lớn, với sự tham gia của rất nhiều tác giả trong và ngoài nước. Đoạt giải cuộc thi thơ này là một vinh dự lớn đối với tôi. Tôi rất vui vì trong chùm thơ đoạt giải, ngoài bài thơ “Hà Nội” và “Ta phố” còn có bài thơ “Những ngôi sao hình quang gánh”. Qua bài thơ này, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến những người lao động đang ngày đêm vất vả để tạo nên những nét đẹp trinh nguyên và thanh khiết của của Hà Nội.

Vài tuần trước giải thưởng cuộc thi Thơ về Hà Nội, tập thơ thứ hai mang tên Cởi gió của tôi cũng nhận được số phiếu 11/12 của hội đồng chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2010. Kể từ khi bắt đầu làm thơ năm 2006, tôi đã có lúc chán nản vì nghĩ rằng còn quá ít những người đọc thơ nghiêm túc. Trong tôi luôn có câu hỏi: Tại sao bạn đọc quay lưng lại với thơ? Thơ còn giá trị gì nữa không? Cũng vì những câu hỏi và sự trăn trở đó mà đã có lúc tôi không muốn viết, và cũng không phát hành rộng rãi tập thơ Cởi gió. Vì thế, tôi cảm thấy hạnh phúc vì những bài thơ của tôi nhận được sự sẻ chia từ các nhà văn, nhà thơ đi trước, cũng như những nhà phê bình và độc giả.

Tôi không phải là người Hà Nội nhưng đã bắt đầu gắn bó với thành phố này từ năm 2008. Hai giải thơ Hà Nội có ý nghĩa rất lớn với tôi, như một sự khai sinh tinh thần, để tôi có thể tự hào rằng mình đã trở thành một người con của Hà Nội, được viết và được sống trong môi trường văn học nghệ thuật Hà Nội.

  • Trên văn đàn, chị xuất hiện khá muộn. Có thể nói, phải đến năm 2008, với tập thơ Trái Cấm, cái tên Nguyễn Phan Quế Mai mới được người ta biết đến. Và như chị vừa nói thì từ năm 2006 chị mới tìm đến với thơ. Sau 4 năm, với những giải thưởng danh giá “cầm trong tay”, chị nghĩ gì về con đường thơ trước mắt mình?

Người làm thơ rất nhọc nhằn.  Hiện nay chưa có nhà thơ nào sống được bằng việc làm thơ cả. Có quá ít bạn yêu thơ ra hiệu sách để tìm những tập thơ hay. Tôi xác định được điều đó và cũng không để giải thưởng tạo ra những ảo tưởng cho mình. Tôi vẫn viết như trước, vì tình yêu tôi dành cho cuộc sống này, chứ không phải vì áp lực của giải thưởng. Điều quan trọng là hướng về phía trước, viết gì trong thời gian tới.

  • Thông thường những giải thưởng cao được người ta chú ý và cũng sẽ gây ra những tranh cãi. Hẳn chị cũng đã nghe những phản hồi trái chiều  về tác phẩm của mình. Chị tiếp nhận những ý kiến này ra sao?

Tôi tôn trọng những quan điểm nghệ thuật của mỗi cá nhân. Những phản hồi trái chiều của một giải thưởng là điều bình thường. Thế giới sẽ nhàm chán nếu con người ai cũng nghĩ và cũng cảm như nhau.

  • Hà nội có ý nghĩa như thế nào trong hành trình SỐNG của chị?

Hà Nội cũng là chốn bình yên của tôi, là nơi tôi gặp tình yêu lớn nhất của đời mình, là nơi hai con của tôi cất tiếng khóc chào đời, và là nơi tôi biết được rất nhiều tấm lòng nhân ái, sống vì người khác. Mỗi góc phố, mỗi hàng cây, mỗi cảnh vật đều thân thương như máu thịt của mình. Hà Nội đã đóng một vai trò rất quan trọng trong hành trình sống của tôi, đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm để tôi có được những kiến thức và cảm xúc của ngày hôm nay.

  • Rất nhiều người khi gặp chị, chứng kiến cuộc sống của chị, sự bận rộn của chị đã cùng có chung câu hỏi: làm sao chị có thể làm được thơ giữa sự đủ đầy ấy, giữa những lịch bay kín mít ấy?

Chính vì sự bận rộn và những chuyến đi đến nhiều quốc gia, nhiều vùng đất xa xôi, nghèo khó mà tôi có nhiều trải nghiệm, nhiều cảm xúc để viết. Từ khi làm thơ, tôi sử dụng nhiều hơn các giác quan cảm xúc của mình, để học hỏi, tiếp thu và ghi nhận. Khi cảm xúc đủ chín thì tôi mới ngồi vào bàn viết và những bài thơ ra đời rất nhanh. Thơ là sự giải thoát tinh thần, làm cho tôi sống hết mình hơn, yêu hơn cuộc sống này. Nó giúp tôi cân bằng giữa áp lực công việc và đời sống tinh thần.

  • Nhiều nhà thơ có chung nhận xét rằng thơ chị chinh phục người đọc bởi sự tự nhiên, giản dị và chân thành. Nhưng có một nguy cơ với những người trẻ dấn thân vào thơ như là một con đường chuyên nghiệp, đó là họ bắt đầu sử dụng kỹ thuật, thậm chí lạm dụng nó để tạo hiệu ứng mới lạ với độc giả. Liệu bạn đọc của Nguyễn Phan Quế Mai hôm nay có nên lo lắng rằng 5 năm tới, thơ Quế Mai sẽ không còn hồn nhiên, chân chất nữa?

Tôi nhớ khi tập thơ Trái Cấm của tôi ra mắt tại khoa Viết Văn trường Đại Học Văn Hóa (tháng 10 năm 2008), nhà phê bình Chu Văn Sơn và nhà văn Văn Giá đã căn dặn tôi rằng phải giữ được sự trong lành trong thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Gần đây, nhà thơ Bruce Weigl, một trong những nhà thơ đương đại nổi tiếng của Mỹ cũng nói với tôi rằng sau hơn 20 năm tìm kiếm, ông mới đến được sự giản dị và trong lành của thơ. Tôi ý thức được sự quan trọng của việc gìn giữ ngôn ngữ giản dị trong những tác phẩm sắp tới của mình. Nhưng những tác tác phẩm sắp tới chắc chắn sẽ có nhiều nỗi đau nội tâm hơn, có nội dung sâu hơn.

  • Tôi rất thích những bài thơ viết cho con của chị. Những bài thơ của tấm lòng người mẹ, viết cho con mà cũng là viết cho chính mình. Những đứa con của chị, chúng đã đón nhận những bài thơ âý thế nào?

Cảm ơn sự chia sẻ của chị. Nhiều người mẹ cũng chia sẻ với những bài thơ tôi viết cho con, đặc biệt là bài thơ “Nói cùng con”. Tôi biết ơn các con tôi vì sự hồn nhiên, trong trẻo của chúng. Gia đình chính là điểm tựa vững chắc để tôi sáng tác. Tôi đã viết rất nhiều cho con, và hai đứa nhỏ thích nghe tôi đọc những bài thơ này trước khi chúng ngủ. Tôi cũng viết những lời ru con bằng thơ của mình, và lúc con tôi còn bé, tôi thường hát ru con bằng những lời thơ ấy. Tôi nghĩ thơ ca có thể nuôi dưỡng tâm hồn, giúp con người nhân ái, vị tha và sẻ chia hơn.

  • Chị đã từng giúp nhiều nhà thơ, nhà văn dịch tác phẩm của họ ra tiếng Anh. Với lợi thế về ngoại ngữ và các quan hệ ở trong và ngoài nước, chị có kế hoạch dịch và quảng bá chính tác phẩm của mình ra nước ngoài hay không ?

Tôi có cơ hội được đi đến nhiều vùng đất, nên đối với tôi, sự giao lưu văn học ở các quốc gia khác không quan trọng lắm. Tôi đã và đang ưu tiên dịch các tác phẩm của những nhà thơ đi trước, đặc biệt là tôi đang dịch những tác phẩm của các nhà thơ Việt Nam về đề tài chiến tranh và hòa bình, để những bài thơ này được trình bày trong những sự kiện thơ được tổ chức trong khuôn khổ triển lãm nghệ thuật và thơ ca vòng quanh nước Mỹ “Hãy nói lời hòa bình”.

Tôi cũng có thói quen làm thơ bằng tiếng Anh nên cũng thuận lợi trong việc giới thiệu thơ mình ở nước ngoài. Gần đây một nhà xuất bản châu Âu và một số báo, tạp chí ngỏ ý muốn in các bài thơ của tôi bằng tiếng Anh, đặc biệt là các bài thơ viết về nỗi đau chiến tranh.

Dù rất bận rộn, tôi không ngần ngại giới thiệu các tác phẩm hay của các nhà thơ khác cho bạn bè quốc tế. Khi nhận được một bài thơ hay, tôi có thể bỏ hết công việc để dịch mà không nhận một chút bù đắp công sức nào. Một bài thơ hay khiến tôi choàng tỉnh. Thơ có ma lực rất lớn đối với tôi. Tôi chỉ ước  có nhiều thời gian hơn cho công việc dịch thơ, vì tôi đang có trong tay rất nhiều bài thơ hay của các tác giả gửi gắm cho tôi.

  • Tại đêm thơ đặc biệt nằm trong khuôn khổ Dự án hàn gắn vết thương tâm hồn sau cuộc chiến thông qua nghệ thuật do tiến sĩ - chuyên gia về điều trị tâm lý Edward Tick (Mỹ) phụ trách,  chị đã sát cánh cùng các cựu chiến binh, những nhà thơ Mỹ  đọc lên những vần thơ về thân phận con người, về những nỗi đau sau chiến tranh. Cảm xúc của chị khi tham dự chương trình này?

Tháng 7-2007, tôi sang thành phố Washington và được đưa đến trước Khu tưởng niệm các Cựu binh Chiến tranh Việt Nam tại trung tâm thủ đô Washington D.C. Tôi đã không muốn vào khu tưởng niệm, vì cũng như bao người Việt khác, gia đình tôi có người mất đi trong chiến tranh. Sau khi các đồng nghiệp thuyết phục, tôi vào và đứng trước Bức tường Chiến tranh Việt Nam, một đài tưởng niệm dài 75 m, cao 3 m, bằng đá hoa cương đen, khắc tên hơn 58.000 chiến binh Mỹ đã thiệt mạng hoặc mất tích khi tham gia chiến tranh Việt Nam. Dưới chân bức tường là rất nhiều hoa tươi và những bức thư của con, cháu những người đã chết viết gửi họ. Những lá thư này làm tôi rơi nước mắt. Lần đầu tiên tôi cảm nhận thấy nỗi đau từ phía bên kia.

Đoàn nhà thơ/cựu chiến binh do Edward Tick dẫn đầu thuộc tổ chức Trái tim người lính trở lại Việt Nam hàng năm để xây dựng trường học, nhà tình thương, giúp đỡ nạn nhân chất độc màu da cam…. Tôi giúp họ dịch những bài thơ mà họ đã viết bằng máu, nước mắt và sự hối hận tột cùng.

Tôi hiểu nỗi đau của họ vì tôi đang mất nhiều tháng trời để hoàn thành bản dịch tập thơ Bài hát bom Na-pan, bao gồm những bài thơ viết về Việt Nam của nhà thơ và cựu binh Mỹ Bruce Weigl, trong đó có đoạn “Tôi đã quan sát những người Mỹ tụ tập trên đường biểu tình phản đối chiến tranh/ Đó là cuộc chiến tranh chống lại chính chúng ta/Chống lại những đứa trẻ tập luyện việc nhận dạng máy bay của chúng ta/Trước khi chúng bị nổ tan tành thành cát bụi” (Cửa ngõ)

Trong bài thơ Thứ một nghìn, Bruce Weigl cũng viết “Sự hy sinh và sự tàn sát không hề giống nhau: Những người mẹ khổ đau có ngôi sao đỏ trên cửa sổ sẽ đi ra khỏi nhà để nói với ta điều đó bằng hàng ngàn ngôn ngữ, từ hàng ngàn thành phố, và bằng hàng ngàn trái tim tan nát/Và chúng ta nói gì với họ”?

Người ta có thể nói những nhà thơ đang phí thời gian vì thời nay có ai mua thơ, ai đọc thơ nữa. Nhưng những giọt nước mắt tôi đã nhìn thấy trên khuôn mặt những cựu binh  cho tôi biết rằng thơ ca có giá trị cho cuộc sống này. Và giá trị tinh thần, giá trị nghệ thuật của nó cần được bảo tồn.

  • Tôi rất thích câu này của chị: điều quan trọng là hướng về phía trước, viết gì trong thời gian tới. Có vẻ như chị đã tìm ra được con đường cho riêng mình?

Chỉ có một con đường duy nhất của thi ca: đó là con đường đến với trái tim bạn đọc. Vì thế, nếu thơ của tôi tiếp tục được sẻ chia và đón nhận, tôi sẽ tiếp tục viết.

Tác giả: Phong Điệp

Nguồn tin: Văn nghệ trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây