Nguyễn Đình Tú: Bạn đọc sẽ không chết chìm trong 'Kín'

Thứ hai - 25/10/2010 09:10 2.135 0

Nhà văn Nguyễn Đình Tú với cuốn tiểu thuyết thứ ba trong vòng ba năm.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú với cuốn tiểu thuyết thứ ba trong vòng ba năm.
Sau 'Nháp' (2008), 'Phiên bản' (2009), nhà văn Nguyễn Đình Tú cùng với Phương Đông Book vừa cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết tiếp theo với tên gọi khá lạ tai: 'Kín'.

Đây là cuốn tiểu thuyết viết về giới trẻ với các hiện tượng xã hội dị biệt và độc đáo như lên đồng, chầu văn, thuốc lắc, quần hôn, sự chối từ cái tôi hiện tại, những khắc khoải hiện sinh, sự tìm về những giá trị văn hóa trầm tích, khát vọng thay đổi cái tôi suy đồi, mặc cảm lạc loài cùng sự đánh tráo bản ngã... được lồng ghép dưới nhiều lớp mã bí ẩn.

eVăn.vnexpress.net có cuộc trò chuyện với tác giả của "Kín" xung quanh cuốn tiểu thuyết này.

- Các nhan đề tiểu thuyết gần đây của Nguyễn Đình Tú có phần kỳ dị: “Nháp”, “Phiên bản”, rồi lại đến “Kín”. Anh có thể nói đôi chút về ý tưởng của tiêu đề này?

- Nếu bạn thấy những tiêu đề đó là kỳ dị thì bạn cũng sẽ đồng ý với tôi rằng sự kỳ dị bao hàm trong nó yếu tố lạ, đúng không? Độc giả cũng như bạn thôi, thấy lạ, sẽ cầm sách lên xem và đọc. Đọc xong rồi nhất định sẽ có cách hiểu về những tiêu đề này. Còn việc tôi nói ra ý nghĩa của tiêu đề cuốn sách này như thế nào thì đơn giản quá. Cái quan trọng là bạn đọc gợi ra được điều gì từ nó cơ.

- Nguyễn Đình Tú có vị trí trên văn đàn với những đề tài như chiến tranh cách mạng, người lính hôm nay. Giờ đây, anh đã ngừng chủ đề này và bắt đầu đi sâu vào những đề tài đương đại. Tại sao thế?

- Thực ra cái gọi là “đương đại” chỉ là tâm thế sáng tác thôi, chứ tác phẩm của tôi có một diện đề tài khá rộng. Các cuốn tiểu thuyết gần đây của tôi về mặt bề nổi có vẻ là những ngổn ngang của hiện thực cuộc sống hôm nay đang hắt vào. Nhưng cái hiện thực đó luôn có những gốc rễ sâu xa và đặt trong nhiều nhiều chiều liên tưởng khác nhau. Tôi vẫn yêu thích đề tài chiến tranh, hay nói đúng hơn, viết về cái gì trên đất nước này, dù muốn hay không thì cũng vẫn động đến chiến tranh. Vì thế trong Nháp cũng có những trang viết về chiến tranh với chuyện đi tìm hài cốt liệt sĩ, trong Kín cũng có những trang viết về khởi nghĩa Bãi Sậy, về người nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi…

- Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho rằng “Nháp, Phiên bản và Kín đều viết về giới trẻ. Nếu Nháp quá sex, Phiên bản quá bạo lực thì ở Kín là một giới trẻ hoang hoải, lạc loài, hoài nghi và vỡ mộng”. Tại sao lại không phải là một lớp trẻ khác, tự tin và làm chủ cuộc sống này, trong những tiểu thuyết của anh?

- Văn học nhìn cuộc sống bằng cách riêng của nó. Xét cho cùng thì ai cũng làm chủ cuộc sống của mình cả, nhưng đó là một cuộc sống như thế nào? Hoang hoải, lạc loài, hoài nghi và vỡ mộng chỉ là những trạng huống tinh thần của con người chứ không phải một khúc cắt rời của hiện trạng xã hội. Ở một phương diện nào đó, hoài nghi và vỡ mộng không phải không có ý nghĩa tích cực trong cuộc sống đối với mỗi con người. Văn học nói về cái mất mát để giữ gìn, nói về nước mắt để hạnh phúc, nói về khiếm khuyết để hoàn thiện. Lớp trẻ đọc Kín sẽ không chết chìm trong sự lạc loài và vỡ mộng mà từ những hoang hoải ấy, họ sẽ có những phút giây chiêm nghiệm về bản thân mình để tin yêu hơn cuộc sống này.

Bìa cuốn "Kín".

- Anh nghĩ sao nếu có ý kiến cho rằng người đọc đang bị tác giả của "Kín" tung hỏa mù vào những chiêu thuốc lắc, lên đồng và chuyện giường chiếu đến nỗi quên cả chất văn chương của câu chuyện?

- Chất văn chương là gì? Một câu chuyện phức tạp, một kết cấu lạ, một cốt truyện cuốn hút, những kiểu nhân vật mới, những trang văn thăng hoa, những chi tiết độc đáo…? Tôi lại sợ rằng bạn đọc sẽ “chết đuối” trong chất văn chương của KínKín có tất cả những thứ ấy. Bạn đọc sẽ gặp nhiều trang viết về đạo Mẫu, về lên đồng, về bụi đời, về quần hôn, về cái chết, về sex… nhưng đó không phải là những chiêu hỏa mù, đó là đời sống được tái tạo dưới góc độ nghệ thuật tiểu thuyết mà nói như nhà văn Nguyễn Bình Phương là “Gấp cuốn sách lại, nhận thấy chỉ có tình thương là không bị chối từ bởi tình thương vốn rất hiếm hoi trong thời này”.

- Không thể phủ nhận một điều, sex trong các cuốn sách của anh thời gian qua đã làm cho dư luận chú ý. Sex trong văn học không có gì là lạ nhưng với những gì anh triển khai trong "Nháp" và "Phiên bản" đã khiến độc giả bất ngờ, ở "Kín" sex lại nâng lên một mức độ khác với yếu tố quần hôn. Anh sẽ tiếp tục khai thác yếu tố này trong tiểu thuyết đến bao giờ?

- Thời gian qua tôi đã phải trả lời rất nhiều những câu hỏi liên quan đến sex trong tác phẩm của mình. Ở đây tôi chỉ xin trả lời một cách ngắn gọn như thế này: Chỉ khi nào sex không tồn tại trong đời sống thì nó sẽ không còn được đề cập trong tiểu thuyết của tôi nữa.

- Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét: “Kín là một nỗ lực thoát hiểm của Nguyễn Đình Tú, khi người viết cố không sa vào cách kể chuyện theo tuyến tính, mà để mặc lòng cho các tuyến nhân vật luôn di chuyển đan bện vào nhau, các sự kiện đẩy đưa quá khứ - hiện tại, các nhân vật chan chát va chạm và xung đột, biến chuyển, thay hình đổi dạng”. Tại sao anh lại phải tự làm khó mình khi chọn cách viết với ba tuyến truyện song song?

- Bạn đọc luôn đòi hỏi sự mới lạ của văn chương cho nên nhà văn luôn phải đổi mới cách kể chuyện. Ở mỗi cuốn tiểu thuyết của mình, tôi đều cố gắng trình ra những cách kết cấu khác nhau. Dĩ nhiên là khó. Nhưng chọn một cách dễ thì ý nghĩa của sự sáng tạo không còn nữa. Mà với nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng, không sáng tạo đồng nghĩa với… chết!

- Dự định cho việc viết lách sắp tới của anh?

- Tôi từng cảm thấy phiền phức khi tuyên bố ba năm viết ba cuốn tiểu thuyết liền. Tôi vừa thoát ra khỏi sự phiền phức này và không muốn dính vào một sự phiền phức khác. Vì thế, đừng bắt tôi phải nói về những điều mới diễn ra trong dự định.

 

Tóm tắt nội dung tiểu thuyết "Kín":

Quỳnh, một cô gái trẻ, vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 20 của mình đã quyết định bỏ đi để tìm lại những gì mà cô cho là phần đời đẹp nhất của cô ở thành phố Hải Thành.

Đúng thời điểm đó, Quỳnh cũng là đối tượng được bố thuê vệ sĩ bảo vệ vì nghi ngờ địch thủ kinh tế có thể ra tay với cô hòng gây áp lực với ông. Quỳnh bỏ nhà ra đi cũng là lúc một thanh niên vừa ra tù được địch thủ kinh tế của bố cô thuê bám theo, hễ có cơ hội thì ra tay bắt cóc, tống tiền.

Tại sao Quỳnh từ chối hiện tại của mình? Tại sao cô lại bỏ ra đi vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 20 sau khi đã tổ chức một buổi lễ quần hôn kinh hồn táng đởm?

Đó là cả một câu chuyện dài, chỉ được hé lộ theo từng chặng đường bỏ đi của cô gái con nhà giàu này. Xen kẽ vào đó còn là những trích đoạn nhật ký của một phóng viên trẻ công tác ở báo Ngọn lửa hồng. Phóng viên này trong một lần đi thực tế lấy tin đã xô xát với bọn lưu manh côn đồ và bị chúng sát hại. Lần theo các trích đoạn của cuốn nhật ký, một loạt những thân phận khác của cuốn tiểu thuyết có liên quan đến nhân vật Quỳnh lần lượt lộ diện. Nhóm trẻ bụi đời của bảy năm về trước với những tháng ngày đọa đầy tại khu xóm liều gần nhà ga Hải Thành dần hiện lên như đầu mối quan trọng của các tuyến nhân vật có phần dằng dịt và nhiều ẩn chìm thân phận. Tiểu thuyết còn được xen kẽ bởi một mạch kể nữa của nhân vật xưng tôi với 10 năm đầu đời gắn với các thiên thần và nhân thần của đạo Tứ phủ như Tam tòa thánh Mẫu, Tứ vị chầu Bà, Ngũ vị quan lớn, Thập nhị vương cô, Cậu Quận, ông Hổ, ông Lốt, Quan Trần Triều...

Đây là một cuốn tiểu thuyết có kết cấu phức tạp, ẩn giấu nhiều thông điệp về đời sống con người hiện đại trong một xã hội không ngừng đổi thay và rạn nứt.

Diệu Linh thực hiện
Nguồn: eVan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây