Mario Vargas Llosa, Nobel văn học 2010: Văn chương giúp ta thính nhạy

Chủ nhật - 10/10/2010 00:45 2.070 0

Ông Mario Vargas Llosa - Ảnh: Reuters

Ông Mario Vargas Llosa - Ảnh: Reuters
Là "một trong 20 đóng góp lớn cho sự phát triển tư tưởng của nhân loại", Mario Vargas Llosa vừa được Viện Hàn lâm Thụy Ðiển quyết định trao giải Nobel văn học 2010.
Tới thăm nước Nga vào tháng 7-2010, ông từ chối tiếp xúc với báo chí ngoại trừ trả lời phỏng vấn của tờ Tin Tức do nữ ký giả Natalia Kochetkova thực hiện. Thơ Trẻ xin được trích đăng.

"Văn chương giúp ta thính nhạy lên rất nhiều đối với tất cả, từ khổ đau đến hạnh phúc. Và với ý nghĩa đó, tôi hết sức nghiêm túc mà tin rằng văn chương nghệ thuật có một ý nghĩa to lớn đối với cuộc sống"

MARIO VARGAS LLOSA

* Ông là người luôn giữ quan niệm nhà văn cần phải gắn bó mật thiết với đời sống xã hội, thậm chí năm 1990 còn ra tranh cử tổng thống Peru. Ðến bây giờ, liệu ông có còn tin là nhà văn vẫn cần dấn thân vào những cuộc đấu tranh chính trị?

- (Cười) Này, trước hết thì tôi vẫn là nhà văn chứ không phải nhà chính trị chuyên nghiệp. Tuy nhiên tôi vẫn quan niệm nhà văn có trách nhiệm, có bổn phận đạo lý tham gia các cuộc tranh luận trong xã hội, đặc biệt là ở những nước mà mọi chuyện chưa phải đã êm thắm, mà đấy (cười) lại là phần lớn của cả thế giới.

Tôi nghĩ nhà văn ở một mức độ nào đó chỉ chứng tỏ được mình bằng việc tham gia đời sống chính trị - xã hội, bằng cách nêu chính kiến của mình, phê phán những gì cần phải phê phán. Sau đó, nếu như đụng phải ngôn ngữ chính trị, ta sẽ thấy nó gồm toàn những thứ cứng nhắc. Và đây là điều quan trọng - phải bảo toàn sự tươi mới và độc đáo của ngôn ngữ. Chính chỗ này nhà văn có thể đóng góp.

Nhưng, xin nhắc lại, tôi không phải nhà chính trị. Sự tham gia đời sống chính trị Peru của tôi là trường hợp ngoại lệ. Ðó là cái thời nền dân chủ đang bị lâm nguy, vì thế tôi mới bước chân vào chính trường. Phải vào để bảo vệ nền dân chủ, và trong việc đó tôi vẫn coi mình là nhà văn.

* Thế thì làm một nhà văn mà dấn thân vào chính trị sẽ như thế nào?

- Tôi có cảm giác trong nhiều trường hợp, ngay cả khi anh chẳng ưa gì chính trị, anh vẫn cứ phải có cách nào đấy thử sức mình trong đó: đưa ra một ý tưởng, tham gia những cuộc tranh luận về những vấn đề quan trọng - chiến tranh, hòa bình, quyền con người, nạn tham nhũng, đời sống văn hóa... Có rất nhiều vấn đề nhà văn có thể phát biểu. Tôi không cho rằng họ cứ phải chúi mũi trong thư viện hoặc lảng tránh những gì giúp họ tự làm nên lịch sử.

Tôi cũng thấy nếu văn học bị hoàn toàn mất liên lạc với những gì đang diễn ra trong đời thực thì nó sẽ trở thành bèo bọt, hời hợt. Những tác phẩm văn học vĩ đại bao giờ cũng khắc họa được những gì đang diễn ra trong đời sống xã hội, những vấn đề chủ yếu của nó và những mong đợi của con người.

* Tức là ông đề xuất rằng tác phẩm văn chương có thể tạo nên sự thay đổi nào đó trong thế giới xung quanh?

- Ðúng. Nghệ thuật có một ảnh hưởng to lớn đến đời thực. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ: chúng ta không cách nào, không thể nào đo đếm được sức ảnh hưởng đó. Chúng ta không thể nói rằng một pho tiểu thuyết tương tự Chiến tranh và hòa bình tạo nên hiệu ứng như thế nào. Cái này không sờ được, không thấy được đâu. Nhưng tôi tuyệt đối tin tưởng rằng mình đã có được sự hình dung hoàn chỉnh về con người và thế giới, bởi vì mình đã đọc pho sách vĩ đại đó.

Văn chương giúp ta thính nhạy lên rất nhiều đối với tất cả, từ khổ đau đến hạnh phúc. Và với ý nghĩa đó, tôi hết sức nghiêm túc mà tin rằng văn chương nghệ thuật có một ý nghĩa to lớn đối với cuộc sống.

Văn chương nghệ thuật là sự hỗ trợ đắc lực cho tự do, mà tự do lại là mục đích bí ẩn nhất của bất cứ nền nghệ thuật vĩ đại nào. Tất nhiên, về văn chương nghệ thuật, người ta thường nhắc tới trước hết là chức năng hấp dẫn, giải trí, nhưng văn chương nghệ thuật còn làm được nhiều hơn nữa, chứ không giải trí đơn thuần.

* Môtip loạn luân trong Lời ca tụng người dì ghẻ khiến người ta liên tưởng đến tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của Marquez.

- Ðấy không phải là hiện thực huyền thoại theo lối Marquez. Trong văn học Mỹ Latin, chất huyền thoại cực kỳ cần, đó là sự thật. Gabriel Garcia Marquez, Jorge Luis Borges, Julio Cortazar. Các cuốn sách của tôi gần với thế giới hiện thực hơn là thế giới huyền thoại, mặc dù tôi không quen thói coi văn mình là nhất.

* Ðã nhắc đến Marquez, bỗng nhiên muốn hỏi ông một câu: nghe đâu hai ông đã từng ẩu đả trong một lễ ra mắt phim ở Mexico, rồi sau đó vẫn dàn hòa được với nhau. Thật thế không?

- Về chuyện đó, tôi sẽ không nói gì nữa đâu. Nếu như sau này có ai viết tiểu sử tôi và Marquez thì còn có cái để cho người ấy phải nặn óc chứ. Chính vì thế cả tôi, cả Marquez đều có bình luận gì về tình huống ấy đâu! (cười lớn).

* Ông có viết một cuốn sách về Flaubert phải không?

- Ðúng, về Madame Bovary.

* Ông có gì gắn bó với Flaubert?

- Tôi đến nước Pháp năm 1951, và ấn tượng từ Madame Bovary (Bà Bovary)đã khiến tôi phải tìm đọc toàn bộ tác phẩm của Flaubert. Việc này có ích cho tôi rất nhiều, đặc biệt là thư từ ông viết trong năm năm sáng tác tiểu thuyết đó. Khi bắt tay vào viết Madame Bovary, ông là một nhà văn trung bình, hay bắt chước người khác.

Trong những tiểu thuyết đầu tay của ông, Flaubert đã không đích thực là mình, ông công nhiên vay mượn từ những cuốn sách mà ông từng đọc. Nhưng ông có tính kiêu hãnh lớn - ông muốn trở nên một nhà văn vĩ đại, ông là nhà phê bình nghiêm khắc nhất đối với chính mình. Flaubert đã viết đi viết lại, chăm chút từng câu. Ông quyết định trở thành một thiên tài. Và Madame Bovary đủ chứng minh là tất cả đều có thể.

Tính nguyên tắc, thái độ phê phán đối với những gì mình viết ra có thể khai sinh tác phẩm vĩ đại. Thiên tài có thể là bẩm sinh, nhưng tự rèn luyện thành thiên tài thì phức tạp vô cùng. Flaubert đã biến mình thành nhà văn vĩ đại chính là nhờ ý chí và khát vọng. Ông là tấm gương lớn cho những ai sinh ra không phải thiên tài. Tôi sinh ra vốn không phải thiên tài, nhưng tôi đã học được Flaubert.

Bậc đại thụ của văn học Mỹ Latin

Cùng với Gabriel Garcia Marquez (Mexico), tiểu thuyết gia Mario Vargas Llosa (Peru) được coi là bậc đại thụ của văn học Mỹ Latin. Sinh năm 1936, là tác giả của những tiểu thuyết Dì Hulia và nhà văn quèn, Thời của anh hùng, Ngôi nhà xanh, Cuộc chiến tranh nơi tận cùng thế giới, Đời thực của Alejandro Mayta...

Ở VN, người đọc đã tìm đọc ông từ năm 1986 qua bản dịch Dì Hulia và nhà văn quèn của dịch giả Vũ Việt...

Nguồn tin từ Công ty văn hóa Nhã Nam cho biết sắp tới Nhã Nam sẽ cho ra mắt độc giả VN hai tác phẩm nổi tiếng của Mario Vargas Llosa, đã được mua bản quyền từ năm 2008: Trò chuyện trong quán Cathedral và Thành phố và những con chó.

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây