Nobel Văn học 2010: 'Tôi sẽ viết đến hết cuộc đời'

Thứ bảy - 09/10/2010 02:44 2.088 0

Nhà văn Mario Vargas Llosa. Ảnh: Guardian.

Nhà văn Mario Vargas Llosa. Ảnh: Guardian.
Trong cuộc họp báo ngắn tại New York (Mỹ) sau khi đoạt giải Nobel, tiểu thuyết gia Mario Vargas Llosa khẳng định, giải thưởng của Viện Hàn lâm sẽ không làm thay đổi phong cách, đề tài cũng như quan điểm nghề nghiệp của ông.

Với sự nghiệp văn học gồm hơn 30 đầu sách, trong đó có những kiệt tác như The Time of the Hero, Conversation in the Cathedral, The Feast of the Goat…, Vargas Llosa trở thành người Peru đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học.

Mở đầu cuộc họp báo, cây bút 74 tuổi nhấn mạnh: "Đây không phải là giải thưởng dành riêng cho một nhà văn, một tác phẩm mà cho cả nền văn học viết bằng tiếng Tây Ban Nha. Tôi hy vọng mình sẽ còn sống sót được lâu dài sau giải Nobel. Tôi sẽ viết cho đến ngày cuối của cuộc đời. Tôi không nghĩ giải Nobel có thể thay đổi phong cách, đề tài của mình. Tôi hy vọng, giải thưởng chỉ có thể thay đổi cuộc sống thường nhật của tôi".

Vargas Llosa từng giành được rất nhiều giải thưởng văn học. Trong đó có giải Cervantes - giải thưởng danh giá nhất dành cho các tác giả viết bằng tiếng Tây Ban Nha. Ông cũng luôn được đánh giá là ứng viên giải Nobel trong hàng chục năm trời. Tuy nhiên, khi được Viện Hàn lâm vinh danh, Vargas Llosa không tránh khỏi cảm giác ngạc nhiên: "Tôi rất bất ngờ. Đến bây giờ tôi vẫn còn chưa tin nổi. Nhiều năm qua, họ không đả động đến tôi, nên tôi nghĩ mình không có cơ hội. Lúc mới nhận được tin, tôi còn tưởng họ đùa", ông nói.

Vargas Llosa nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của các thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển. Peter Englund - Thư ký thường trực Viện Hàn lâm - khẳng định, nhà văn Peru là một trong những tác giả vĩ đại nhất của nền văn học Mỹ Latin. Ông so sánh Vargas Llosa với thiên tài văn học Victor Hugo

"Vargas Llosa là cây bút gắn bó với cuộc sống. Ông cho rằng, nhà văn không nên coi nhiệm vụ giải trí là chức năng đầu tiên và trên hết của mình mà phải đặt ra câu hỏi, nói lên sự thật, chỉ ra con đường và thức tỉnh ý thức cho xã hội", Englund nhận định.

Nhà văn cũng từng tâm sự: "Tôi, về cơ bản, là một nhà văn chứ không phải một giáo viên. Nhưng vì sinh viên, tôi thích đi dạy. Tôi thích trò chuyện với họ về văn chương đích thực.

Văn chương đích thực không chỉ là giải trí mà là một hình thức giải trí cao cấp. Nó còn cung cấp cho chúng ta sự hiểu biết lớn lao về thế giới chúng ta sống".

Thất bại trong cuộc tranh cử Tổng thống Peru năm 1990, Vargas Llosa rời bỏ quê hương và nhập quốc tịch Tây Ban Nha vào năm 1993 - một quyết định khiến rất nhiều người Peru tức giận.

Trước giải thưởng Nobel dành cho Llosa, nhà vua Tây Ban Nha Juan Carlos khẳng định: "Đây là tin tuyệt vời với người Tây Ban Nha, bởi đã từ lâu, ông ấy là người bạn tốt của Tây Ban Nha".

Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero cũng ca ngợi, Vargas Llosa là "một nhà văn vĩ đại", tác giả của những cuốn sách "bộc lộ sự thông minh và trái tim giàu tình cảm".

Khác với nhiều đồng nghiệp thích ẩn dật, lánh đời, Vargas Llosa là người tham dự tích cực vào cuộc sống. Ông đều đặn viết bài cho các báo, tạp chí và thường xuyên đi thỉnh giảng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

"Nhà văn không nên biến mình thành một bức tượng. Tôi không thích làm một nhà văn chỉ chúi mũi vào thư viện, tách biệt khỏi thế giới bên ngoài kiểu Marcel Proust. Tôi luôn muốt đặt một chân vào thế giới thực, để biết rõ điều gì đang xảy ra. Đó là lý do tôi đi làm báo", ông nói trong một cuộc trò chuyện với AFP.

Ngay sau khi có công bố của Viện Hàn lâm, nhiều đồng nghiệp đã lên tiếng chúc mừng Vargas Llosa. "Tôi cho rằng, Mario Vargas Llosa hoàn toàn xứng đáng với giải Nobel từ nhiều năm qua", nhà văn Carlos Mueller nói.

Còn nhà văn Leonardo Martinez Ugarte thẳng thắn chia sẻ: "Tôi có mối quan hệ lúc nóng lúc lạnh với Llosa, bởi tôi bất đồng quan điểm với ông về mặt chính trị. Nhưng ở phương diện một nhà văn, tôi phải ngả mũ trước ông".

Carmen Caffarel, chủ tịch Học viện Cervantes ở Tây Ban Nha cho rằng, đây là một quyết định đúng đắn nhất trong số các giải thưởng Nobel Văn học được trao những năm gần đây.

"Ông là một ví dụ hoàn hảo về một nhà văn đúng nghĩa. Llosa đã lao động không biết mệt mỏi để mang đến cho chúng ta những kiệt tác dưới nhiều hình thức như tiểu thuyết, kịch, báo chí", Caffarel nói.

Tác giả: Hà Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây