PGS.TS. Nguyễn Văn Dân: Cách đây 22 năm, khi đất nước vừa bước vào công cuộc Đổi Mới lịch sử, trong giới văn học đã dấy lên một cuộc tranh luận về vấn đề “Văn học phản ánh hiện thực”. Có lẽ đây là cuộc tranh luận đầu tiên trên báo chí về chủ đề này. Trong cuộc tranh luận, có người cho rằng “Văn học trước hết không phải là phản ánh hiện thực mà là sự nghiền ngẫm về hiện thực”. Tuy nhiên, theo chúng tôi, bản chất của nghệ thuật nói chung là nhận thức hiện thực bằng hoạt động phản ánh. Điều này không có gì phải bàn cãi. Song phản ánh như thế nào mới là vấn đề cần đặt ra. Đây chính là đặc trưng của nghệ thuật làm cho nó khác biệt với các hoạt động tinh thần khác. Cách đây hơn hai nghìn năm, Aristote đã nói: “Sử thi, bi kịch cũng như hài kịch và thơ ca tụng tửu thần (...) - nói chung đều là những nghệ thuật mô phỏng” (Nghệ thuật thơ ca). Nhưng chính Aristote cũng là người đầu tiên coi chức năng của nghệ thuật còn là sự thanh lọc tâm hồn. Như vậy, ngay từ rất sớm, Aristote đã coi phản ánh trong nghệ thuật không chỉ là mô phỏng mà còn là thanh lọc. Có nghĩa là nghệ thuật không chỉ phản ánh khách quan hiện thực (mô phỏng), mà còn là thanh lọc hay đào luyện tâm hồn con người mà nói theo ngôn ngữ hiện đại thì điều đó cũng có thể được coi là sự “nghiền ngẫm về hiện thực”. Cho nên, về bản chất, nghệ thuật hay văn học là sự phản ánh hiện thực để nhận thức chân lý, còn việc phản ánh như thế nào sẽ quy định các loại hình nghệ thuật khác nhau: có thể phản ánh khách quan, có thể phản ánh chủ quan; có thể phản ánh theo kiểu mô phỏng, tả thực, có thể phản ánh theo kiểu hướng nội, suy tư về hiện thực; có thể phản ánh trung thành với hiện thực khách quan, nhưng cũng có thể dựa vào hiện thực để phản ánh những suy nghĩ cá nhân. Điều đó làm nên sự phong phú và đa dạng của nghệ thuật.
Như thế thì hiện thực chính là đối tượng của văn học, và đã là đối tượng thì tất nhiên nó là “điểm khởi đầu” của văn học. Tuy nhiên, quá trình nhận thức không diễn ra vì mục đích tự thân, mà văn học nhận thức hiện thực còn vì hiện thực, còn để cải tạohiện thực. Văn học góp phần cải tạo hiện thực như thế nào thì lịch sử đã có quá nhiều bằng chứng cho thấy rõ điều này. Vì thế, hiện thực cũng là mục tiêu, là “điểm cuối” của văn học. Và cái hiện thực đó chính là hiện thực xã hội, trong đó có Con người.
Phùng Gia Thế: Tôi thấy bản thân cách nói trên đã hàm chứa một sự “nhắc nhở” rằng ta nên hiểu mục đích và bản chất của văn học khác đi rồi. Thực ra, văn học có nhiều cách thể để tồn tại. Phản ánh hiện thực chỉ là một trong số đó thôi. Trên bình diện lí luận, việc lí giải mối quan hệ “văn học và hiện thực” theo tôi là một vấn đề phức tạp. Cái khó trước tiên bắt đầu từ ngôn ngữ, đúng hơn là, bắt đầu từ tính chất “có vấn đề” của nó (sự đa nghĩa, “đỏng đảnh”, bất trắc). Ngôn ngữ Việt có vẻ càng như vậy. Chả thế mà các “chữ dùng” của chúng ta dường như luôn hàm chứa mâu thuẫn với đòi hỏi về sự sáng rõ của một thuật ngữ khoa học. Những khó khăn trong dịch thuật cũng thể hiện một phần thực tế này. Bỏ qua định kiến thường thấy về cụm từ “hiện thực vô bờ bến” của R. Garaudy hay cái mặc cảm “văn học chạy theo hiện thực” (câu phê phán cửa miệng của nhiều người), chúng ta đã “mắc míu” ngay với vấn đề: cái gì là “hiện thực”. Hiện thực là cái chúng ta nhìn thấy, hay là cái chúng ta nghe thấy, cảm thấy. Hiện thực là ăn uống, giết mổ, đánh nhau, làm tình,… vậy cái hư ảo, hoang đường, lãng mạn không phải là “hiện thực” hay sao. Hiện thực có chăng chỉ là đúng /sai, tốt/ xấu. Nếu chữ hiện thực được hiểu như là toàn bộ “cái thực tại” như trên thì mệnh đề “văn học phản ánh hiện thực” chẳng có gì sai cả. Phản ánh hiện thực (thực tại), theo đây sẽ là một thuộc tính của văn học, và cũng là chức năng quan trọng hàng đầu của nó (Cũng cần lưu ý là, văn học tự cổ chí kim hình như chưa bao giờ từ bỏ ý định này!). Chả thế mà bấy lâu, đã có bao luận điểm phủ định, chế giễu, thậm chí muốn thủ tiêu cái mệnh đề này, nhưng nó vẫn cứ “ngang nhiên” tồn tại như anh thấy đấy.
“Văn học và hiện thực” đã phức tạp, “văn học phản ánh hiện thực” còn có phần phức tạp hơn. Ngôn ngữ trong đây lại thêm một lần có nguy cơ thành “kẻ phản bội”. Bắt bẻ chữ nghĩa để chê, do thế, dễ bóp méo vấn đề, và không công bằng. “Phản ánh”, “bắt chước”, “mô phỏng”, “khai thác”, “nghiền ngẫm”,… đằng nào thì hay hơn? Nhìn từ góc độ triết học thì “phản ánh hiện thực”, tự nó đã bao hàm sáng tạo rồi. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử viết: phản ánh là sáng tạo, bởi đó là sự phản ánh các mối liên hệ bên trong, gắn với sự mã hóa, giải mã đối tượng, tức gắn với tính chủ thể. Nhân tiện, tôi xin nói thêm: gần đây, trên một số diễn đàn ở ta, thấy có hiện tượng không ít người có ý phủ định văn học quá khứ (và hình như còn lấy làm thích thú một cách lố bịch về điều nó nữa!). Chẳng hạn như cách người ta nói về văn học kháng chiến (1945-1975). Cứ làm như là không có văn học giai đoạn này thì văn học của ta đã cất cánh để sánh vai với năm châu rồi! Từ sau đổi mới, có thêm chút phương Tây vào rồi thì một số người lại ra sức giễu nhại lí luận phê bình marxist. Thực ra, quan điểm nào cũng có giới hạn của nó. Bản thân các thuật ngữ lí luận phê bình marxist cũng cần phải làm mới nội dung chứ đâu có dễ gì mà vứt bỏ như thế được. Cụm từ “văn học phản ánh hiện thực” tự nó đâu có tội tình gì. Huống hồ, nó đâu phải của riêng những người marxist. Từ thuyết “mô phỏng” của Platon, Aristote, đến “phản ánh luận” của V. Lenin đã khác nhau rất nhiều. Quan điểm của các nhà lí luận marxist “chính thống” và “phi chính thống” về vấn đề này cũng phân hóa phức tạp. Không xem xét cụ thể, cứ qui về một mối để rồi chê thì thật không thỏa đáng chút nào.
Giả định rằng “văn học phản ánh hiện thực” (chứ không phải phản ánh giống thực) là một mệnh đề đúng (dù không phải duy nhất đúng), thì việc đánh giá văn học cũng đâu chỉ dừng ở chỗ tác phẩm phản ánh đúng hay sai hiện thực. Đấy vẫn là một tiêu chí cực đoan. Vấn đề còn là cách nó phản ánh hiện thực, tức nó phản ánh theo lối nào. Nhiều tác phẩm dùng cái ảo để nói cái thực, dùng con vật, cỏ cây để nói con người mà lại rất hay, rất trúng. Nhiều tác phẩm có xu hướng mô tả hiện thực cho “giống thật” nhưng chất lượng rất tồi. Ở đây lại xuất hiện một vấn đề khác cần bàn luận: vấn đề “cái thực” và “tính chân thực” trong văn học. Văn học phản ánh hiện thực, nhưng ai đó mà có ý định biến văn học thành cái “túi càn khôn” để đựng cuộc đời thì thật ngây thơ. Rồi nữa: cái ta gọi là hiện thực thực ra và thường xuyên là những “bản thế vì” của hiện thực, là ý niệm về hiện thực, một thứ hiện thực “mất gốc”. Hiện thực bản thân nó không thuần nhất. Hiện thực trong văn học cũng đâu phải là hiện thực của tất cả mọi người. Còn nhà văn, anh ta nào phải một tấm gương. Anh ta quan sát được bao nhiêu hiện thực? Cái hiện thực đến anh ta phải chăng là một mớ chất chồng các văn bản khác nhau. Hiện thực có thật, và không chết. Nhưng các ý niệm về nó thì, theo thời gian, lại thay nhau chết. Chả thế mà Platon có ý nói văn nghệ chẳng qua chỉ là “cái bóng của cái bóng”, “bắt chước của bắt chước”. Nó cản trở sự nhận thức của con người về hiện thực. Cách nói của Platon hơi cực đoan, nhưng không phải không có cơ sở.
Hiện thực là tiền đề để văn học suy tư, là điểm tựa để nó cất cánh. Hiện thực không là điểm cuối của văn học, mà là sự khởi đầu. Hiện thực tốt hơn hiện thực ta đang sống mới là đích đến của nó. Mà nói như thế thì sẽ chẳng bao giờ có “điểm cuối” này. Hành trình của văn học, do thế, là một hành trình vô tận.
Hiện thực trong văn học nên được xem là một hiện thực khác, là cái hiện thực chỉ tồn tại trong thế giới nghệ thuật. Hiển nhiên đó là sự “giả định” về đời sống chứ không phải bản thân đời sống. Nói khác đi, hiện thực trong văn học là một bản “qui ước về hiện thực”, một qui ước ngầm giữa người sáng tác và bạn đọc. Nhà văn và bạn đọc chỉ có thể giao tiếp được với nhau khi “thỏa thuận” được các qui ước của trò chơi đó. Cái gọi là “hiện thực” trong văn học, do đó mang đầy ước lệ. Một vở kịch diễn trong hai tiếng đồng hồ có thể làm chết (một cách tự nhiên) cả mấy đời nhà người ta. Cầm cái chén không lên uống mà lại có thể say. Con người thì biến hóa, cái chổi có thể bay. Hóa ra, nghệ thuật vừa là sự phản ánh hiện thực vừa là thứ trò chơi mà con người nghĩ ra, bày ra để nới rộng cuộc đời, để ngẫm nghĩ cuộc đời, để phẫn nộ, bi ai, để cất cánh những giấc mơ hạnh phúc, và nhiều khi, chỉ để “chơi” thôi. Sống với hiện thực trong nghệ thuật là sống với một thế giới khác. Một thế giới nhiều khi chẳng có chi “giống” với thực tại hết. Tuy nhiên trên thực tế cũng có nhiều tác phẩm văn học gợi cho người ta cái cảm giác “giống thật” vì nó “phản ánh đời sống dưới hình thức như là bản thân đời sống” (N. G. Shernysevski). Nhưng nếu vì điều này mà phê bình bắt văn học phải “giống như thật” hay đem tác phẩm ra để đối chiếu giản đơn với thực tại thì ấu trĩ hết chỗ nói. Suy cho cùng, cái hiện thực trong văn học mà bạn đọc (kể cả nhà văn) cho là hiện thực chẳng qua là chỉ là một văn bản. Nó không thể phản ánh một cái gì giống y như thật được. Nó là sự chồng xếp của các loại kiểu nhìn trong một cái nhìn, nó mang tính liên văn bản trong một văn bản đặc biệt: cá nhân nhà văn. G. Lukacs cho đấy không phải là hiện thực mà chỉ là một hình thức đặc biệt của sự phản ánh hiện thực. L. Althusser thì khẳng định, rằng hiện thực, khi được phản ánh vào tác phẩm thì chịu sự chi phối của trí tưởng tượng, khả năng của nhà văn, nó vừa giúp chúng ta hiểu được thực tại, vừa đẩy chúng ta ra xa thực tại. Các cách hiểu phong phú về chủ nghĩa hiện thực như: chủ nghĩa hiện thực “vĩ đại” (của G. Lukacs), chủ nghĩa hiện thực “vô bờ bến” (của R. Garaudy), “chủ nghĩa hiện thực hiện đại (của E. Fischer),… cũng phản ánh một phần thực tế phức tạp này. Cũng không phải ngẫu nhiên mà R. William gọi F. Kafka, J. Joyce là các nhà “hiện thực tâm lí” để đối ứng với các nhà “hiện thực xã hội” thế kỉ XIX.
Trong nghiên cứu văn học, việc độc tôn chủ nghĩa hiện thực là cực đoan, cho dù ai nấy đều biết chủ nghĩa hiện thực đã tạo nên những tác phẩm, tác gia vĩ đại. Quan điểm phủ định chủ nghĩa hiện đại, coi chủ nghĩa hiện thực là “vĩ đại” của G. Lukacs từ lâu đã bị chính các nhà phê bình marxist phê phán. Tóm lại, “văn học phản ánh hiện thực” và “hiện thực trong văn học” là vấn đề phức tạp, cần được lí giải nhiều chiều. Còn văn học trong hiện thực phần nhiều lại thuộc về vấn đề văn hóa. Lí do tồn tại của nó trong hiện thực có vẻ đã quá rõ rồi, nhưng đó là một sự tồn tại đầy thăng trầm trồi sụt. Có lúc nó như là phương tiện để thực hiện ý đồ chính trị. Có lúc nó là hình thái ý thức thẩm mĩ thuần thành, một cuộc chơi tự thân. Có lúc nó ở trung tâm đời sống văn hóa nhưng có lúc lại bị dạt ra lề. Có lúc nó được suy tôn, có lúc bị khinh bỉ. Nhưng bất luận thế nào, các giá trị văn học vẫn là một tồn tại vĩnh cửu, vĩnh cửu bắt đầu từ khi nó được sinh ra, tức là, nói theo F. Engels, từ khi con người “thoát ra khỏi vương quốc của con vật”. Văn học không là phương tiện duy nhất, nhưng là phương tiện quan trọng bậc nhất để sáng tạo văn hóa thẩm mĩ, bồi đắp năng lực mĩ cảm và thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ cho con người. Mà nhu cầu thẩm mĩ, sự sáng tạo theo qui tắc của cái đẹp, theo K. Marx, lại là dấu hiệu quan trọng nhất thể hiện ‘bản chất người”, phân biệt con người với con vật. Con người thì hẳn là không muốn quay lại làm con vật nữa. Văn học đích thực là vĩnh cửu. Nó không bao giờ chết được nữa. Chỉ sự nhân danh văn học mới chết.
PV: Nói văn học phản ánh hiện thực là nói văn học thuộc thượng tầng kiến trúc, nếu văn học thuộc thượng tầng kiến trúc, phản ánh ý thức hệ, và duy trì thế giới quan của giai cấp thống trị thì tại sao lại có hiện tượng (Gogol, Balzac, Tolstoi...) phủ nhận giai cấp, chống lại ý thức hệ đương thời?
PGS.TS. Nguyễn Văn Dân: Văn học là một hình thái ý thức xã hội thuộc thượng tầng kiến trúc, cho nên nó phản ánh cái ý thức chung của xã hội là điều đương nhiên. Nhưng cái ý thức chung đó không chỉ bao gồm ý thức của giai cấp lãnh đạo, mà nó còn phản ánh cả những sự đụng độ ý thức trong xã hội. Chính vì thế mà văn học tham gia rất tích cực vào các cuộc cách mạng trong ý thức hệ và từ đó dẫn đến các cuộc cách mạng xã hội (ví dụ như các cuộc cách mạng ý thức hệ ở thời Phục Hưng và ở thời đại Ánh Sáng). Trong các cuộc cách mạng đó, nhà văn là một trong những người đi đầu. Vì thế, việc nhà văn phủ nhận một ý thứ hệ nào đó chính là sự phản ánh tình trạng mâu thuẫn trong xã hội mà họ là thành viên.
Phùng Gia Thế: Ý thức hệ trong văn học không thuần nhất và không giản đơn là sự bê nguyên ý thức hệ của thực tại xã hội vào. Theo G. Lukacs thì văn học và hiện thực không có quan hệ một đối một theo kiểu này. K. Marx có nói rất đúng rằng trong thời đại có phân hóa giai cấp, tư tưởng hệ của giai cấp thống trị sẽ thống trị tinh thần xã hội. Tuy nhiên, như anh thấy đó, quần chúng nhân dân (trong đó có các nhà văn tiến bộ) thì thời nào cũng vậy, nhiều hay ít, đậm hay nhạt, hoặc ngấm ngầm hoặc công khai, luôn chống lại ý thức hệ của giai cấp thống trị. Thời kì thối nát thì lại càng như vậy. Đồng ý là trong sáng tác của các nhà văn lớn, luôn có một “điểm nhìn tư tưởng hệ”, nhưng ý thức hệ của nhà văn đâu chỉ là ý thức hệ của giai cấp thống trị, cho dù anh ta có là “tiếng nói, con mắt, lỗ tai” của giai cấp này chăng nữa. Ý thức của nhà văn tiến bộ còn phản ánh tâm tư của nhân dân. Nghệ thuật chân chính, tự nó luôn đề kháng với tư tưởng hệ của giai cấp thống trị. Quan hệ giữa hình thái ý thức nhà văn với hình thái ý thức xã hội chung rất phức tạp. Nhà văn mà chỉ chăm chăm muốn tác phẩm trở thành thứ minh họa cho tư tưởng hệ của giai cấp thống trị thì sớm muộn cũng biến văn học thành công cụ thô thiển, biến mình thành thứ gia nô. Nhà văn lớn, bất luận thế nào, cũng không nằm trong trường hợp đó. Anh ta hiểu sứ mệnh chân chính của mình. Sự thống hợp tư tưởng nhà văn và tư tưởng hệ giai cấp thống trị chỉ có thể có trong trường hợp lí tưởng, khi ý thức hệ của giai cấp thống trị tương đối thống nhất với ý thức hệ của quần chúng nhân dân. Mà điều này thì rất ít. Và nếu có, thì một nền văn học hoan ca cũng hiếm khi cho ra đời tác phẩm lớn. Cũng không phủ nhận một thực tế là văn học từng bị biến thành công cụ biểu hiện tư tưởng hệ của giai cấp thống trị. Nhưng đấy là những quan điểm cực đoan, thậm chí dung tục. Văn học không phải là tấm gương phản chiếu, phản ánh giản đơn xã hội. Nếu văn học là tấm gương phản chiếu cuộc đời, như ai đó nói, thì đấy phải là một tấm gương lập thể, một tấm gương lồi. Lưu Hiệp nói mỗi người đều sáng tác theo tâm, tính của mình, khác nhau như từng khuôn mặt.
Tư tưởng, ý thức trong nghệ thuật không giản đơn là tư tưởng, ý thức chính trị. F. Engels cho rằng (so với nghệ thuật), chính trị, pháp luật dầu sao cũng thể hiện sáng rõ hơn những lợi ích giai cấp thống trị. Nghệ thuật có những qui luật riêng và sức mạnh riêng của nó với tư cách một hình thái ý thức thẩm mĩ. Nếu chính trị chỉ mang tính giai cấp thì nghệ thuật còn mang tính nhân loại. Nó chạm tới những giá trị nhân bản phổ quát mà không chính trị nào làm được. T. Eagleton nói văn học không chỉ phản ánh tư tưởng mà còn tạo nên hệ tư tưởng. I. Turgenev hiểu rằng: tái hiện sự thực, thực tại đời sống một cách chân thực và mạnh mẽ là hạnh phúc cao quí của nhà văn ngay cả khi sự thật ấy không phù hợp với thiện cảm riêng của nhà văn. C. Caudwell viết: Nghệ thuật có thể thay đổi thế giới cảm xúc, tức là thế giới hiện thực bên trong, còn khoa học thay đổi thế giới của các hiện tượng, tức là thế giới hiện thực bên ngoài. Nếu G. Lukacs yêu cầu về tính chân thực của sự phản ánh thì C. Caudwell nhấn mạnh đến tính chân thực lịch sử của thái độ và tư tưởng của nhà văn, tức là nhấn mạnh vai trò của chủ thể sáng tạo.
PV: Có ý kiến cho rằng phê bình xã hội - phê bình mác xit có vẻ giải thích tất cả nhưng chính vì thế mà chưa giải thích gì cả. Nói cách khác, khuynh hướng đó giải thích tất cả về kinh tế, xã hội, chính trị nhưng chưa giải thích về văn chương. Ông nghĩ sao?
PGS.TS. Nguyễn Văn Dân: Không có một phương pháp nào có thể giải thích được tất cả. Tôi không quan niệm phê bình marxit là một phương pháp, mà tôi coi nó là cơ sở phương pháp luận để từ đó nhà phê bình có thể vận dụng nhiều phương pháp cụ thể khác nhau trong việc lý giải văn học. Cái cơ sở phương pháp luận đó chính là chủ nghĩa duy vật biện chứng. Nó cung cấp các các nguyên tắc phương pháp luận để giúp nhà phê bình tiếp cận tác phẩm. Một trong những nguyên tắc đó là nhà phê bình phải nhìn nhận sự vật trong các mối quan hệ biện chứng. Nghĩa là trong khi vận dụng một phương pháp, thì không được tuyệt đối hoá nó cũng như không được tuyệt đối hoá bất cứ một điều kiện nào để lý giải văn học, cũng như không áp đặt thô thiển các điều kiện ngoài văn học để lý giải văn học. Ví dụ như khi có người nói cái triết lý “Tài mệnh tương đố” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là kết quả của điều kiện chính trị-xã hội Việt Nam thời Lê mạt Nguyễn sơ, thì tức là anh ta đã bỏ qua một sự thực là cái triết lý này là của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Quốc mà Nguyễn Du đã tiếp thu lại. Tuy nhiên, nếu một hiện tượng văn học chịu sự quy định rõ ràng của các điều kiện ngoài văn học mà chúng ta bỏ qua thì lại là một việc làm phi khoa học và dứt khoát sẽ dẫn đến những kết luận phiến diện, phi thực tế. Trong phê bình văn học, một phương pháp chỉ đưa ra được một góc nhìn, vì thế nhà phê bình phải kết hợp nhiều phương pháp thì mới có thể tìm ra được chân lý nghệ thuật.
Phùng Gia Thế: Tôi không nghĩ cực đoan như vậy. Theo tôi hiểu thì lí thuyết nào cũng có những khả năng và giới hạn nhất định của nó. Nếu lí thuyết marxist mà giải thích được tất cả về văn học thì những cái khác phải chết lâu rồi mới phải. Ngược lại, anh xem, ngay trong lòng phương Tây hiện đại, lí luận phê bình marxist vẫn tạo ra những bộ óc rất lớn đấy sao. Điều đó đích thị là một sự chứng minh hùng hồn, rằng các lí thuyết văn học phi marxist phương Tây cũng bất lực trong việc giải thích một số vấn đề văn học. Đồng ý là chúng ta không thể tìm hiểu bản chất văn học chỉ từ những nhân tố ngoài văn học, nhưng cũng không thể giải thích văn học như một hiện tượng văn hóa khi ta không nhìn nó từ những điều kiện lịch sử - xã hội cụ thể. Tôi cho rằng, việc lí giải căn nguyên ra đời của một hiện tượng văn học và việc phân tích văn học trong tương quan với lịch sử xã hội có ý nghĩa không kém gì việc phân tích cấu trúc của nó. Có lẽ nào hiện thực không hắt bóng mình vào văn học. Có lẽ nào văn học không liên quan đến tư tưởng hệ, đến lịch sử thời đại. Có lẽ nào văn học không phản ánh hiện thực. Có lẽ nào văn học không giúp chúng ta thẩm thấu lẽ đời. Có lẽ nào văn học không phải là một hiện tượng văn hóa. H. Matisse, một họa sĩ hiện đại chủ nghĩa nổi tiếng (phái “Dã thú”) nói: tất cả nghệ thuật đều thể hiện ảnh hưởng của thời đại lịch sử mà nó thuộc về, tác phẩm vĩ đại thì sự thể hiện đó càng sâu sắc. Phân tích cấu trúc mà không quan tâm đến hiện thực, đến tác giả tiểu sử, đến hoàn cảnh lịch sử đã làm ra nó thì thật thiếu sót. Mà, có phải phê bình marxist không quan tâm đến bản chất nghệ thuật của văn học đâu. K. Marx, F. Engels, V. Lenin, G. Plekhanop, L. Trosky, và sau này là L. Goldman, G. Lukacs… đều là những người cực kì nhạy cảm với nghệ thuật. Giữa họ cũng có bao nhiêu sự khác nhau. Điều này càng đúng hơn khi ta xem xét các nhà marxist trong tư cách một trường phái học thuật, không phải một trường phái chính trị. Nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận, việc lí giải bản chất văn học trên hai phương diện: hình thái ý thức xã hội và hình thái ý thức thẩm mĩ là thỏa đáng. Hiển nhiên, ai cũng biết, trong tiến trình tư tưởng marxist, có lúc người ta đã chính trị hóa văn học đến mức làm nó mất đi hay hư hao rất nhiều đặc trưng thẩm mĩ. Các nhà phê bình marxist, do bận bịu với việc đột xuất ưu thế trong hướng tiếp cận nghiên cứu của mình, vậy nên, trong một số tình huống nhất định, quả chưa quan tâm đúng mức đến tính nghệ thuật của văn học. Có lúc, phê bình marxist có vẻ nghi ngờ các trò chơi thẩm mĩ. Tuy nhiên, bản chất của lí luận phê bình văn học marxist không thể hiểu giản đơn như vậy được.
PV: Phê bình xã hội hay phê bình marxist đánh giá tác phẩm từ đặc trưng phản ánh, tức là xem văn chương như một bằng chứng về sự nhận thức lịch sử, xã hội của nhà văn, là đặt ra yêu cầu cần chú ý đến tính đúng/ sai của sự phản ánh đó. Phải chăng phê bình xã hội - phê bình marxist đã bỏ qua điểm độc đáo, khác biệt về phương diện nghệ thuật trong mỗi cá tính sáng tạo, mỗi tác phẩm.
PGS.TS. Nguyễn Văn Dân: Như tôi đã nói, tôi quan niệm phê bình marxist chỉ là cơ sở phương pháp luận. Điều đó không hề ngăn cản việc tìm tòi phát hiện những đặc điểm nghệ thuật độc đáo của các hiện tượng văn học. Việc tìm tòi đó phụ thuộc vào việc vận dụng các phương pháp cụ thể và vào óc nhạy cảm của nhà phê bình. Chỉ có người nào tuyệt đối hoá một phương pháp, kể cả phương pháp xã hội, thì mới làm nghèo công tác phê bình văn học và dĩ nhiên là sẽ có nguy cơ bỏ qua chân lý nghệ thuật. Yêu cầu về phản ánh đúng hiện thực là một yêu cầu đương nhiên và chính đáng, nhưng nó không hề mâu thuẫn với yêu cầu về việc sáng tạo Cái Đẹp. Bởi vì: như Mác đã nói: Con người khi sản xuất ra của cải vật chất cũng đã nhào nặn vật chất theo quy luật của Cái Đẹp.
Phùng Gia Thế: Ai cũng biết, phân tích cấu trúc văn bản mà không quan tâm đến tác giả tiểu sử, đến năm ra đời, thủ tiêu hoàn cảnh lịch sử xã hội làm nảy sinh tác phẩm thì rõ là một hạn chế. Nhưng phân tích văn học mà không đặt trọng tâm vào văn bản thì tự nó cũng đã là một hạn chế rồi. Điều này càng rõ hơn khi người ta đánh giá phê bình marxist chủ yếu từ phía các nhà tư tưởng chính trị, triết học (có quan tâm đến văn học) chứ không phải các nhà học thuật. Lí luận phê bình marxist hiển nhiên cũng có những hạn chế. Tuy nhiên, không thể vì điều này mà qui kết nó như một tội đồ làm hỏng văn học. Mà, phê bình marxist có phải là không chú ý đến các bình diện nghệ thuật, đến sự độc đáo của phong cách văn học đâu. Quan điểm của L. Trosky, G. Lukacs, B. Brecht, T.W. Adorno, M.B. Khrapchenko… là những bằng chứng cụ thể phủ định kết luận này. Hơn nữa, phê bình văn học marxist là một hệ thống phức tạp và có sự phân hóa rõ rệt. Qui hẳn họ vào một mối để đánh giá chung là điều không tưởng và sai lầm. Đấy là chưa nói đến chuyện có nhà phê bình mà ta gọi là marxist, nhưng tự họ (với những lí do khác nhau) lại không cho là như thế, và ngược lại. Do vậy, nói phê bình marxist bỏ qua điểm độc đáo, khác biệt về phương diện nghệ thuật trong mỗi cá tính sáng tạo, mỗi tác phẩm là chưa thỏa đáng.
Lí luận phê bình marxist không phải một hệ thống đóng kín. Sức sống của phê bình marxist hôm nay thể hiện ở chỗ nó biết giữ lấy các hạt nhân hợp lí, tự phản tỉnh, tỉnh táo tiếp thu ưu điểm của các trường phái nghiên cứu phê bình văn học khác để làm giàu có thêm cho mình. Đặc trưng thẩm mĩ của văn học, các bình diện nghệ thuật, các vấn đề cá tính sáng tạo, phong cách, ngôn ngữ, do thế, theo thời gian, ngày càng được quan tâm thỏa đáng hơn. Nhà phê bình văn học người Anh T. Eagleton đã đúng khi ông cho rằng chủ nghĩa Marx đã để lại “một di sản phê bình vô cùng giàu có, phong phú”, nhưng là “một đối tượng phức tạp”, “phê bình văn học marxist phân tích văn học trong phạm vi những điều kiện lịch sử đã tạo ra văn học”, và như thế, thay vì sự bóp méo hay đồng qui vào để phê phán, nó cũng “cần phải được nhận thức về những điều kiện lịch sử của chính nó”.
* Trân trọng cảm ơn!
Trần Thiện Khanh(thực hiện)
Nguồn: Văn học quê nhà
Ý kiến bạn đọc