Võ Diệu Thanh: Tôi yêu cuộc sống, dù nước mắt đang chảy...

Chủ nhật - 05/09/2010 19:31 2.572 0

Tác giả Võ Diệu Thanh - Ảnh: Thuận Thắng

Tác giả Võ Diệu Thanh - Ảnh: Thuận Thắng
Gọi người cùng trò chuyện là "cưng" như cách gọi của người miền Tây thuần hậu, cô giáo dạy mỹ thuật đến từ An Giang chia sẻ về mình một cách nhẹ nhàng mà xúc động, từ chiếc cầu nối duy nhất của cuộc trò chuyện - tập truyện ngắn "Cô con gái ngỗ ngược".

* Viết vài lời mở đầu cho tác phẩm, chị tâm sự rằng chị đã tốn nhiều nước mắt với cuộc sống này từ thời năm tuổi cho đến khi thành người lớn, hẳn giai đoạn đó để lại dấu ấn rõ trong con đường sáng tác của chị?

- Đúng vậy, tôi từng có khoảng thời gian chịu đựng nhiều xung đột trong gia đình đến mức chỉ biết khóc. Ba tôi là một người thất chí, đâm ra nghiện rượu, càng uống lại càng buồn bực và mẹ tôi rất khổ sở. Tôi đã từng tự tử lúc thấy cuộc sống này bế tắc quá, nhưng giờ thì tôi biết đó là một sai lầm. Con người ta có quyền sai lầm, nhưng quan trọng là mình học được điều gì từ sai lầm đó. Dũng cảm nhìn nhận sai lầm là một điều rất khó, bản thân tôi cũng đang học. Tôi bắt đầu viết cũng là để bày tỏ những ẩn ức, phiền muộn không nói được với ai. Rồi tôi cũng bận bịu nhiều thứ của một người phụ nữ có gia đình nên định từ bỏ văn chương nhưng không thể. Để đầu óc không chật hẹp, tôi quay lại viết.

* Trải qua một tuổi thơ ít nhiều rất không suôn sẻ như vậy, điều gì khiến chị vẫn tin rằng "cái bụng" của cuộc sống này "quá quảng đại"?

- Càng viết, càng tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống, tôi mới thấy xung quanh còn rất nhiều người khổ hơn mình, và nhận ra cuộc sống này vẫn còn rộng lượng với mình. Trong tận cùng ruột gan của sự việc là những điều rất nhân hậu, chỉ cần mình nhìn sâu một chút, đừng chỉ nhìn vào các góc khuất, có thể nhận ra rất nhiều điều đáng quý. Tôi yêu cuộc sống, dù nước mắt có đang chảy...

* Điều đáng quý đó, có thể nhìn thấy trong tập Cô con gái ngỗ ngược, bởi đằng sau một câu chuyện dù dữ dội thế nào của chị, cũng còn lại một vị ngọt. Nhân vật của chị, dù là những nhân vật xấu xa, tầm thường, vẫn luôn có một chút tính thiện trong người...

- Trong mỗi con người đều có hai mặt, kể cả tướng cướp, kể cả những tên ác ôn. Có những điều như vậy tôi đã chứng kiến trong đời nên tôi tin là mọi hành động đều có lý do. Thế nên tôi luôn tìm cách thông cảm với những cái xấu đó. Đừng bắt ai phải giống mình, khi không khí thở khác nhau, chén cơm ăn cũng khác nhau, hoành cảnh sống khác nhau.... Vì vậy, tôi không thích phơi bày cái gì đó chỉ có một bề...

* Và vì vậy mà chị tin, đối đãi với tất cả bằng yêu thương là sẽ có hạnh phúc? Như cô giáo Nhương trong truyện Hạnh phúc của người đàn bà, sau bao khó khăn vẫn nhận ra mình "đủ yêu thương để giữ lại tất cả" những điều đáng quý trong đời?

- Yêu thương ở đây không chỉ là yêu thương những người hiền, mà có thể là yêu thương cả quỷ dữ. Đó là điều tôi luôn muốn hướng đến, dù cũng không chắc mình làm được hay không. Sự yêu thương tạo ra một từ trường khiến cái ác khi chiếu rọi vào mình cũng không xâm hại được. Nếu người ta cứ nhìn nhau qua lăng kính cái tôi cá nhân và dễ nảy sinh ác cảm thì cái từ trường tiêu cực ấy cũng cứ luân chuyển qua lại. Tôi tin ai được yêu thương sẽ đối đãi lại bằng yêu thương. Tất nhiên, không phải ai cũng đón nhận nhưng người gửi đi thường không mất gì.

* Chị có thể nói thêm về truyện ngắn Đứa trôi sông - một truyện ngắn có lẽ gây ấn tượng mạnh và đáng nhớ nhất trong các truyện ngắn đoạt giải của lần này?

- Đứa trôi sông tôi viết cách đây ba năm, rồi cứ để đó, cần thì lấy ra chỉnh sửa, đến gần đây mới hoàn thiện. Trong xóm tôi ở cũng có đứa bé trôi sông thật, không biết thuộc dân tộc nào, mọi người trong xóm cũng cưu mang, đùm bọc, nhưng cũng có người kỳ thị. Những nhân vật trong truyện cũng là những nhân vật có ở địa phương tôi. Lúc đầu tôi định viết một truyện dài về những đứa trẻ miền sông nước, nhưng lại không đủ vốn cho một truyện dài.

Tác giả: Linh Thoại

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây