Báo động về đại dịch thơ: Gì mà phải um xùm lên thế!

Chủ nhật - 10/10/2010 05:34 2.175 0

Báo động về đại dịch thơ: Gì mà phải um xùm lên thế!

“Bây giờ có vị trong túi lúc nào cũng chất năm bẩy thẻ hội viên các hội, văn thơ nhạc họa sân khấu, thậm chí cả Hội văn nghệ dân gian, hội cây cảnh cũng có tên luôn. Di dỉ dì di cái gì cũng có, nhưng rốt cuộc là thế nào? Chả thế nào cả. Chả sao cả. Nghệ thuật có người bảo tôi làm chơi, lại có người bảo phải "múc óc" , "moi tim” ra để trên bàn viết mới có. Cũng chả sao cả. Cái gì hay thì chả ai cấm được mà cái gì dở thì...tự nó biến.”
 · Xin chào nhà văn Trung Trung Đỉnh! Hôm nay tôi xin phép được phỏng vấn ông với tư cách Giám đốc Nxb Hội nhà văn Việt nam, và nội dung trò chuyện xin được bàn về thơ, cũng như việc xuất bản thơ hiện nay. Xin ông cho biết năm 2009, Nxb Hội nhà văn đã cấp phép cho bao nhiêu tập thơ? Trong đó có tập thơ nào được ông đánh giá là đáng đọc?

Không phải năm 2009 mà hơn hai chục năm trước rồi, kể từ ngày đổi mới cơ chế, không còn bao cấp, người yêu thơ làm thơ ngày càng đông, các câu lạc bộ thơ phát triển rầm rộ, từ thôn quê đến thành thị, đi đến đâu cũng gặp câu lạc bộ thơ. Đó là một thực tế đáng vui hay đáng buồn? Tôi cứ hay tếu táo, hồi năm 1999, có lần nói vui với bạn bè: "người người làm thơ, nhà nhà làm thơ, ta nhất định thắng, thơ nhất định thua", bây giờ nghiệm ra thấy mình ăn nói hồ đồ, chả ai thắng thua ở chỗ này cả. Người làm thơ thì nhiều mà thơ hay thì lúc nào cũng hơi bị...hiếm, đó là quy luật của tự nhiên. Ở ta có nhiều người không chỉ tài thơ, mà còn hàng chục thứ tài. Thơ làm vạn câu, văn viết tính bằng mét, bằng thước, in ra trông như những hòn gạch Bát Tràng, người ta có tiền người ta còn tổ chức những cuộc "ra mắt" hoành tráng. Nhạc tớ tự tớ phổ từ thơ tớ thành bài hát theo kiểu thơ nhạc "cây nhà lá vườn", anh em tớ hát cho vui. Chưa đã! Vậy tớ làm đĩa làm băng. Chưa đã! Muốn hoành tráng hơn hả? : Vậy thơ tớ, tớ thuê nhạc sĩ lừng danh phổ nhạc, ca sĩ lừng danh ca, văn tớ chuyển thể kịch bản điện ảnh, chuyển thể kịch nói cải lương, tuồng chèo...Nói tóm lại, văn thơ nhạc họa cái gì tớ cũng làm được hoành tráng. Thì đã sao nào? Siêu như cụ Văn Cao, cụ Nguyễn Đình Thi cả mấy thế hệ mới có vài người. Bây giờ có nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thơ hay, văn giỏi, nhạc tài, cũng oách đấy chứ? Viết văn hay như văn họa sĩ Đỗ Phấn, Vũ Đình Giang, Nguyễn Ngọc Thuần... cũng hiếm và đáng nể phục lắm chứ? Để có mấy vị kể trên thì "các cụ" cũng phải "vượt qua" hàng chục "cụ" tài năng hơn người đa tài khác. Bây giờ có vị trong túi lúc nào cũng chất năm bẩy thẻ hội viên các hội, văn thơ nhạc họa sân khấu, thậm chí cả Hội văn nghệ dân gian, hội cây cảnh cũng có tên luôn. Di dỉ dì di cái gì cũng có, nhưng rốt cuộc là thế nào? Chả thế nào cả. Chả sao cả. Nghệ thuật có người bảo tôi làm chơi, lại có người bảo tôi đêm đêm ngồi viết, thực ra là phải "múc óc" , "moi tim” ra để trên bàn viết mới có. Cũng chả sao cả. Cái gì hay thì chả ai cấm được mà cái gì dở thì...tự nó biến. Bạn hỏi trong số thơ in trong năm có tập nào đáng đọc? Bạn đã đọc mấy tập thơ của các vị trước đây hơi bị ...nhạy cảm, khó in như cụ Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường chưa? Những tập thơ này đều in vào năm 2009 ở NXB Hội nhà văn cả đấy. Bạn cũng nên tìm đọc các tuyển thơ của các anh Phạm Tiến Duật, Nguyễn DuyLưu Quang Vũ, và chúng tôi đang in thơ của nhà thơ Ý Nhi, nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà thơ Hữu Thỉnh, Nhà thơ Thi Hoàng ... Rồi một số các cây bút thơ đã và đang "hot" như Việt Phương, Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều, Trần Anh Thái, Mai Văn Phấn, Những cây bút quen thuộc như, Kim Chuông, Y Phương. Từ Ngàn Phố, Trương Ngọc Lan, Nguyễn Hữu Quý, Văn Công Hùng ... Đấy là tình cờ tôi nhớ ra thôi nhé. Rồi các tác giả trẻ như Trần Tuấn, Nguyễn Phan Quế Mai, Phạm Phú Hải, Đồng Chuông Tử, ... Họ đều oách cả đấy. Cũng phải nói luôn kẻo cuống lên rồi quên; có nhiều Công ty sách, Hội nhà văn địa phương lấy sách in từ nhà xuất bản chúng tôi để trao giải, họ trao giải thì quá mừng, nhưng lẽ ra họ cũng nên ò e í ới chúng tôi tới cùng chung vui mới phải nhẽ. Đằng này các vị cứ bơ đi như củ khoai củ ráy, như là do các vị trồng nên. Vừa rồi tôi thấy Hội nhà văn Hà Nội oai thế mà cũng làm như thế. Ba tác phẩm được giải đều in ở Nhà xuất bản Hội nhà văn chúng em mà quý vị oai quá quên mất chúng em là người… trồng cây cho quý vị …hái trái. Nhân tiện đây chúng tôi cũng xin cám ơn quý vị Hội nhà văn Hà Nội và công ty sách Bách Việt, mặc dù công ty này cũng xử sự y như Hội nhà văn Ha Nội, rất oai phong, thậm chí còn quên luôn cả sách…nộp lưu chiểu, khiến chúng em thỉnh thoảng phải nhắc nhỏ. Thiệt hổng biết nói sao cho đặng. Chơi với nhau phải có thủy có chung mới bền được. Bạn hỏi có ai đáng đọc? Thật sự mà nói, đa số người yêu thơ làm thơ thì đều là thơ thù tạc, hồi ức kỷ niệm bạn bè, đồng đội... Người ta in một trăm hai ba trăm cuốn, nhằm có quyển sách tặng bạn bè nhân dịp nào đó, chứ không phát hành rộng được, cái hay lặn vào trong, cái dở cứ lộ ra ngoài, thơ viết cho người viết đọc với nhau, khen với nhau, thế là chén chú chén anh, vui nội bộ ấy mà, ai cao ngạo thì cứ việc cao ngạo, cũng chả ảnh hưởng đến "chúng cháu". Cuộc sống cứ hồn nhiên và nói như bác Nguyên Ngọc, nó cứ tự nó lừng lững đi lên.

· Ông có biết người ta đang xôn xao về một “đại dịch thơ” đang xuất hiện?

Thì đấy, tôi biết quá đi chứ. Thực ra chả có ai xôn xao ngoài mấy vị có vẻ mặt lúc nào cũng "nghiêm trọng hóa", cái gì cũng vu cho người ta "đang có vấn đề" rồi "nâng quan điểm". Thời xưa "nâng quan điểm" kiểu ấy là mắc vào tội giết người không gươm không dao đấy. Bạn hãy hình dung, vào một ngày xấu trời nào đó, có một “nhà thơ chân chính” hét lên trên mạng, rằng: Hãy cấm in thứ thơ "câu lạc bộ" đi! Đó không phải là thơ. Đại dịch thơ đang đe dọa chúng ta! Thơ là sang trọng không thể để cho bọn quần chúng làm, chỉ có chúng ta mới được la...à...àm...àm!

Đó là một sen bi hài kịch khá hay đấy. Hơn nữa, thơ làm sao lại coi nó như đại dịch. Người ta nói đến đại dịch HIV, đại dịch H5N1, sao có thể coi thơ ca “đồng đẳng” với những thứ này? Việt Nam là một dân tộc yêu thơ, và sản sinh ra nhiều nhà thơ từ trong nhân dân mà ra. Vậy chẳng lẽ với thế giới, Việt Nam đang có một đại dịch? Tôi tự hỏi, việc gì mà phải um xùm lên thế!

·Vâng, cái từ “đại dịch” này, được một số người dùng để nói về việc xuất bản thơ tràn lan hiện nay. Điều đáng nói là trong cái sự tràn lan này, những tập thơ hay thì thưa thớt, trong khi những tập thơ “câu lạc bộ”, với những “thợ ghép vần” lại quá nhiều. Và Nxb Hội nhà văn Việt nam cũng góp một phần không nhỏ trong việc “đỡ đầu” những tập thơ như vậy. Một số người đang nói như vậy đấy. Với vai trò là người đứng đầu Nxb Hội nhà văn, xin ông cho biết quan điểm của mình?

Nhất trí như quả bí! Bên trên tôi đã nói, thơ hay thì bao giờ cũng là của quý hiếm. Còn thơ của người yêu thơ làm thơ thì nhiều, không thể lấy tiêu chí của người này ghép vào việc làm của người kia. Dù bạn có "nâng quan điểm" thì tôi cũng phải nói thật là, trong văn học nghệ thuật, chẳng ai "đỡ đầu" được cho ai đâu. Giúp đỡ nhau lúc này lúc khác "một tí" thì còn có nghĩa lý, chứ mà nói chuyện "đỡ đầu" là sự thể lại khác rồi. Tôi đã đọc được một số bài coi việc một số nhà thơ có nhiều tìm tòi sáng tạo trong cách biểu hiện bị coi là “thơ tắc tị”. Cứ vu cho nhau những từ đao to búa lớn quá, thời nay nghe không ổn? Tôi là người rất hay thích sự thay đổi, sáng tác mà không có gì mới thì coi như là làm một việc vô nghĩa, thế nên tôi cũng hay làm “cổ động viên” cho các nhà văn nhà thơ có nét gì mới, có ý gì mới, tóm lại là có cái gì mơi mới.

Trên báo Sức khoẻ đời sống, tác giả Văn Tình viết: “Có thể nói, hầu hết các NXB vô trách nhiệm với người làm thơ, kể cả những NXB có tiếng.” Sự vô trách nhiệm này được tác giả lý giải ở việc cả hai đơn vị cấp phép và những người biên tập dường như chỉ làm cho qua, để lĩnh mấy trăm nghìn tiền giấy phép, mà không tự hỏi là những tập thơ như thế đã đủ để được gọi là thơ và đáng xuất bản hay chưa. Hàng trăm tập thơ kém chất lượng như thế vẫn được duyệt in. Trong bài viết đó, Nxb Hội nhà văn cũng được nêu tên. Ông có thể nói gì về điều này?

Cái này cũng co có đấy. Nhưng không phải vô trách nhiệm nặng nề “ để lĩnh mấy trăm nghìn” nghe thảm quá! Ở đời đôi khi ta bức xúc cái này cái kia, cứ hay nói vống lên, sau nghĩ lại lại ân hận, có khi ân hận không kịp. Chúng tôi cũng rất bức xúc vì chuyện bất cập chuyện này bất cập chuyện kia và đang có những “quyết sách”. Phải nói thật, trong số những người làm thơ dở lại thích in thơ ở NXB Hội nhà văn để “giải quyết khâu oai”, tức là họ có biết thơ mình dở, nên mới “tranh thủ ông cơ chế” cho phép . Rốt cuộc thì, khâu oai chả thấy đâu, chứ thơ dở thì lồ lộ ra để cho thiên hạ la ó um sùm! Lại phải nói thêm, thiệt tình...có những câu thơ, bài thơ dở, biên tập viên bó tay, xoay qua xoay lại, nâng lên đặt xuống nó vẫn “vũ như cẫn”, tuyền lời hay ý đẹp nhưng nói là câu thơ thì nó nhất quyết dở, chỉ có mỗi cách là bỏ. Bỏ chỗ này thì chết tui rồi, tác giả năn nỉ. Đây là kỷ niệm xương máu, sống chết của tui, bố mà bỏ thì tui ... buồn đến chết mất thôi! Mà tui mần thơ là để làm cho bạn bè, đồng đội tui thôi mà... Đấy, sự thể nó cũng bi hài như thế đấy. Cơn cả nể lan sang cả cái anh …cầm trịch! Thậm chí có “bố” thủ sẵn phong bì vài trăm ngàn “tế nhị” tặng Giám đốc, thiệt tình, lấy cũng dở mà không lấy cũng dở. Ai lại đi lấy tiền của những người chân lấm tay bùn, đã nghèo thì chớ lại còn mang cái tội si mê nàng thơ, đến cái đận này! Sự thật là như thế, có cụ bảy tám mươi tuổi, mò từ quê ra, chỉ để “xin” Giám đốc … thông cảm…

· Đương nhiên việc làm thơ là quyền tự do của mỗi người. Thơ hay hay thơ dở phụ thuộc vào tài năng, trình độ của người làm thơ. Không ai có quyền cấm người khác làm thơ. Vậy theo ông, liệu có phương thức nào để việc xuất bản thơ hiện nay vừa tôn vinh được các tác phẩm có giá trị, vừa khuyến khích động viên được những người yêu thơ và thích làm thơ?

Chúng tôi đã nghĩ nhiều tới việc làm thế nào hài hòa được giữa việc in nhiều những tập thơ "câu lạc bộ" mà không ảnh hưởng gì đến các nhà thơ hay lo "đại dịch". Kể từ tháng 10 năm 2010 này, chúng tôi thành lập TỦ SÁCH NGƯỜI YÊU THƠ và TỦ SÁCH NGƯỜI YÊU VĂN, có quy chế hẳn hoi. Chúng tôi cũng đã và đang chuẩn bị cho việc khôi phục lại giải thưởng "sách hay của nhà xuất bản Hội nhà văn". Giải trao hàng năm, nhằm, nói như bạn là "Tôn vinh những tác phẩm có giá trị". Tôi quan niệm thơ hay thơ dở thì chỉ có ông cụ Thời Gian và bạn đọc yêu quý mới có quyền năng cao nhất, chứ còn khen chê nhất thời thì chỉ là việc...nhất thời ở ...làng thơ.

· Những tập thơ nào không có cơ hội được Nxb Hội nhà văn cấp phép, thưa ông?

Những tập thơ vi phạm những điều mà luật xuất bản đã cấm thì không có cơ hội in ở chỗ chúng tôi

· Với tư cách là một người sáng tác, xin ông chia sẻ vài điều cùng những bạn yêu thơ và thích làm thơ xuất hiện ngày một nhiều hiện nay? Họ có nên tiếp tục làm thơ nữa hay không?

Cái quan trọng nhất là yêu thích, yêu thích là yếu tố hàng đầu cho việc sáng tác thơ văn, hay làm bất cứ chuyện gì, sao lại còn phải khuyên họ. Tôi kể cho bạn nghe, ở quê tôi, hay nói đúng hơn là làng tôi, có ba câu lạc bộ thơ: Một câu lạc bộ thơ giáo chức. Một câu lạc bộ thơ Cựu chiến binh và một câu lạc bộ thơ người cao tuổi. Hãy tưởng tượng một ngôi làng có chừng năm sáu trăm nóc nhà, chia làm 4 xóm, có 3 câu lạc bộ thơ, một đội văn nghệ, chủ yếu là hát chèo, tất cả đều tự cung tự cấp, thì bạn thấy cuộc sống xóm ấp thời nay vui hay buồn? Và phải nói, dân mình hồn nhiên trong sáng và yêu văn nghệ đến chừng nào? Thế mà bảo khuyên họ? Khuyên thế nào được? Mỗi lần tôi về quê, thế nào các “nhà thơ xóm” cũng “triệu” được “nhà văn trung ương” tới, họ rất khoái kêu tôi đến, không đòi hỏi gì, chỉ để nghe thơ. Nếu bạn là tôi bạn có đến không? Lại nữa, bà mợ tôi năm nay 86 tuổi, mỗi ngày làm một bài...thơ, và bà tự thuộc hàng trăm bài, mỗi bận tôi về tôi phải ngồi nghe mợ tôi mà tôi gọi là “nhà thơ trẻ” đọc ít nhất mười bài mới “thoát” được. Mà nghe phải có thái độ hẳn hoi chứ nếu lễnh lãng là coi chừng! Ở quê tôi họp xóm họp làng râm ran tiếng hát chèo và … ngâm thơ. Thế mà lại bảo tôi khuyên họ đừng làm thơ nữa? Họ mà nghe lời khuyên của tôi của bạn thì họ chả lcòn là họ nữa. Bố cháu chả dại đi khuyên răn ai thế!

· Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thẳng thắn này.

Phong Điệp thực hiện
Nguồn: phongdiep.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây