Từ văn học mạng, nghĩ về văn hóa đọc và tranh luận

Thứ bảy - 26/03/2022 05:36 742 0
Một tác phẩm nghệ thuật có giá trị thì dù nó được công bố ở trên mạng hay đã in thành sách báo đều được người đọc đón nhận. Đọc văn học mạng hay đọc văn học giấy, theo chúng tôi, đều rất quan trọng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
1. Thời buổi công nghệ, chẳng cần tay xách nách mang lỉnh kỉnh, chỉ cần một chiếc máy tính xách tay hay một chiếc iPad, hay một chiếc điện thoại thông minh, dù ở đâu, trên tàu hay trên xe… có thể lướt web thoải mái. Kể ra cũng tiện. Cần thông tin gì cứ gõ Google. Nhất là, sự phát triển văn học mạng đã góp phần đa dạng diện mạo văn học từ cổ chí kim đến đương đại. Mặc dầu cái gì cũng có hai mặt, nhưng không nên xem toàn bộ những tác phẩm đăng ở trên mạng là thứ văn chương mạng, còn non kém, còn tác phẩm nào in thành sách báo thì mới gọi là văn chương thứ thiệt, đích thực.

Bản thân mỗi văn bản văn học mạng là mỗi văn bản mở, chưa hoàn kết. Nếu văn học giấy (được in ra giấy), văn bản điện tử đặt người đọc trong tâm thế “giấy” (cách gọi của nhà thơ Inrasara), nghĩa là ở tâm thế thụ động thì văn học mạng lại mang đến tâm thế bình đẳng giữa người viết và người đọc. Người viết có thể bổ sung, thêm bớt ở bất kỳ thời gian, không gian nào, còn người đọc thì tự do góp ý. Tạo ra sự tương tác dân chủ giữa người viết và người đọc, văn học mạng buộc người viết không ngừng phấn đấu tạo sinh những “đứa con khỏe mạnh”, buộc người đọc phải thận trọng trước những tác phẩm dễ dãi, èo uột. Những lời đánh giá, nhận xét thuận chiều hay trái chiều, tích cực hay tiêu cực, một mặt, tự họ thể hiện ý thức trong việc đọc và tiếp nhận tác phẩm, mặt khác, còn tạo ra môi trường đối thoại trực tiếp, dân chủ, bình đẳng, giúp người viết có thể chỉnh sửa, hoàn thiện sản phẩm của mình.

Qua các trang đọc sách online miễn phí hoặc sách điện tử chính thống, cộng đồng mạng tha hồ tận hưởng và bồi đắp kiến thức văn học. Sách điện tử so với sách giấy có nhiều lợi thế hơn về độ gọn nhẹ. Người đọc có thể tùy ý chỉnh sửa lại font chữ, cỡ chữ, màu sắc… để thuận lợi cho việc đọc. Chỉ cần gõ tên tác phẩm muốn đọc, ebook sẽ đáp ứng sở thích ngay tức thì. Người đọc có thể tải về máy hoặc đọc online. Vì vậy, rất nhiều người đọc, nhất là các bạn trẻ thường chọn internet làm cầu nối để tiếp cận văn chương. Ở một góc độ, văn học mạng đã định hướng cách đọc tích cực cho người đọc nói chung và giới trẻ nói riêng.

2. Văn học mạng ra đời, đặt người đọc trong tâm thế mới nhưng nó cũng tạo ra rất nhiều hệ lụy với không ít mặt hạn chế. Chỉ cần ngồi lướt phím, nhấp chuột, mọi thông tin cần tra cứu, khai thác đều có. Tuy nhiên, nếu đọc sách in, người đọc tập trung, chuyên tâm tham dự vào tác phẩm, thẩm thấu từng con chữ, còn với cư dân mạng, ngoài việc đọc, còn có thể tranh thủ nghe nhạc, lướt Facebook, thậm chí xem phim. Nhanh nhạy, tức thời, dễ dàng, song, tâm thế mạng chi phối nên người đọc khó lòng khai thác được vẻ đẹp ngôn từ của tác phẩm. Mặt khác, nếu người đọc cần tra cứu, tìm kiếm thông tin, không ai đứng ra bảo đảm độ tin cậy, chính xác từ mạng xã hội cả. Bởi lẽ, văn học mạng như một bức tranh dang dở, chưa hoàn thành, người đọc phải hết sức cẩn thận trước những “dị bản”.

Bạn đọc sách như thế nào thì biểu hiện văn hóa của bạn như thế ấy. Văn hóa đọc thể hiện ở kỹ năng chọn, đọc, tiếp thu, lĩnh hội sách của bạn. Tính chất tự do của văn học mạng cho phép người sáng tạo không phải chịu trách nhiệm trước những sản phẩm do mình viết ra. Tình huống ấy đặt người đọc trước vô vàn thử thách trong việc tiếp nhận. Không phải người đọc nào cũng tiếp nhận tác phẩm một cách nghiêm túc, mà rất nhiều độc giả đọc chỉ để giải trí, thỏa mãn tâm lý, sở thích cá nhân. Một vấn đề đặt ra, cần tiếp nhận trên tinh thần đồng sáng tạo, có tầm nhìn bao quát, thái độ khách quan để lọc thải, lựa chọn những tác phẩm nghệ thuật đích thực, sẵn sàng loại trừ, tẩy chay những sản phẩm hời hợt, không có giá trị về mặt nội dung lẫn nghệ thuật giữa bạt ngàn rừng sách. Chỉ có tinh thần lao động khoa học, sức mạnh của bản lĩnh, trí tuệ thì chúng ta mới thu về được khối lượng tri thức cần thiết.

3. Văn hóa tranh luận cũng là một khía cạnh biểu hiện văn hóa đọc. Sự tự do của văn học mạng không chỉ tạo không gian tự do cho người viết mà còn tạo không gian rôm rả, dân chủ cho người đọc. Trên các trang mạng xã hội, rất nhiều đánh giá, bình luận thể hiện sự tranh luận nghiêm túc, văn minh nhưng cũng không thiếu những cuộc tranh luận như một cuộc hỗn chiến, có khuynh hướng công kích, tư thù cá nhân. Ẩn giấu bằng những cái tên nặc danh, người đọc tung hết chiêu trò, đôi khi hết sức phản văn hóa. Khen thì khen hết cỡ. Chê thì chê đến tận cùng. Va chạm với những cuộc ẩu đả ngôn từ trên mạng, nếu không tỉnh táo, vội vã, cảm tính, hùa theo số đông, người đọc sẽ khó lòng phân biệt đâu là giá trị đích thực của tác phẩm. Với văn học mạng, mỗi người đọc hãy phát huy tính chủ động, trách nhiệm cao trước những phát ngôn của mình. Trước tiên, hãy là một biên tập viên khó tính.

Văn học mạng chứa đựng một khối lượng thông tin to lớn, khổng lồ. Vấn đề đặt ra, mỗi người đọc phải kiếm tìm, định hướng cho mình phương pháp, cách đọc tốt nhất. Bởi, đọc là việc học suốt đời.

Tác giả: Hoàng Thụy Anh

Nguồn tin: VanVN

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây