Tìm hiểu xem nước Mỹ có phải là thiên đườngvới tác giả 8X?

Thứ hai - 30/10/2017 07:02 2.512 0
(Tổ Quốc) - Cùng trò chuyện, tìm hiểu xem 'nước Mỹ có phải là thiên đường' với tác giả Nguyễn Hữu Tài nhân cuốn sách mới nhất 'Thiên đường phải không anh?' của anh vừa xuất bản.

Nước Mỹ là “miền đất hứa” với một số người nhưng một số khác thì không. Có thể, có người ra đi và tìm được cho mình “thiên đường”, lại có người chỉ mãi mãi xem đấy là nơi “sống tạm”. Nhưng chắc chắn, bất kỳ một ai đã rời xa quê, đã có khoảng thời gian lắng mình lại, thì rồi đều ít nhiều có khao khát được trở về với đất mẹ, với nơi chôn nhau cắt rốn để tắm mình trong nắng, trong gió vốn không bao giờ có thể trở thành xa lạ.

Nguyễn Hữu Tài là cái tên khá quen thuộc với độc giả Việt Nam - một anh chàng mang nghiệp thiên di có vẻ ngoài khinh khỉnh, bất cần đời mà mang bên trong một trái tim lúc nào cũng khắc khoải yêu thương, buồn nhớ; kẻ mượn văn chương làm nơi gửi gắm tình cảm của mình dành cho quê hương. Nhân dịp tuyển tập truyện ngắn mới nhất của anh được xuất bản - “Thiên đường phải không anh?” - chúng tôi đã có dịp trò chuyện với tác giả xoay quanh tập sách thứ chín này.

Tìm hiểu xem Nước Mỹ có phải là thiên đường? với tác giả 8X - ảnh 1






















 

Tác giả Nguyễn Hữu Tài cùng cuốn sách mới xuất bản

Nước Mỹ và “giấc mơ Mỹ”

- Chào Tài! Anh nói qua về tập sách thứ chín này của mình, có được không?

Đây thật sự là một tập sách không nằm trong dự định (cười). Công việc bận rộn quá, những mối quan hệ xung quanh khiến tôi mệt mỏi - nào sếp, nào nhân viên, nào khách hàng… Mọi thứ vắt kiệt sức, khiến tôi thay vì trở về nhà, lao vào máy lọc cọc gõ cho thỏa mong nhớ thì chỉ còn đủ sức để lết đến và vật ra giường. Nếu không có những độc giả đã tin tưởng, thương yêu và ủng hộ tôi ngay từ tập sách đầu tiên nhắn rằng, họ mong tôi ra sách mới, có lẽ tôi đã không thể hoàn thành bản thảo này! Nên tình thật thì đây còn là một sự tri ân cho tất cả những ai đã luôn cổ vũ cho việc viết lách của tôi nữa!

- Anh nói đây là một bản thảo không nằm trong dự định? Vậy tại sao mọi câu chuyện đều có thể xâu chuỗi thành vấn đề liên quan đến những con người xa quê hương?

Tôi đã viết hàng trăm bài về nước Mỹ và “giấc mơ Mỹ”, kể về hành trình của chính bản thân tôi suốt 17 năm xa xứ cùng một nỗi nhớ kinh khủng! Có lẽ, nỗi nhớ đó là tiền đề lớn nhất để tự thân tôi luôn muốn hướng về quê nhà. Tập sách này, tôi vẫn nói về nỗi khắc khoải ấy, nhưng theo một cách khác - bằng chính thân phận và cuộc sống của các nhân vật khác nhau.

- Có vẻ, với anh, nước Mỹ không phải là “miền đất hứa” nhỉ?

Trong những năm tháng vừa qua, tôi chứng kiến nhiều bạn bè bất chấp tất cả rời bỏ quê hương sang đây tìm kiếm tương lai; và cũng có một vài người làm một dòng sông chảy ngược về nguồn, trở lại Việt Nam sống và làm việc sau nhiều năm bôn ba viễn xứ. Cuộc đời không hẳn lúc nào cũng màu hồng, nên “giấc mơ Mỹ” không phải lúc nào cũng sờ sờ hiện hữu; để chạm được vào nó người ta phải đánh đổi bằng cả mồ hôi, nước mắt, nỗi nhớ nhà dai dẳng…

Nhiều người vẫn hỏi sống ở Mỹ có sướng hơn so với ở Việt Nam không? Tôi chỉ cười và bảo, tùy mục đích và nhu cầu sống của mỗi người. Nhưng nếu đã quyết định sang đây, nghĩa là bạn phải sẵn sàng đánh đổi. Chỉ có hai mục đích mới khiến bạn gắn bó với đất nước này - một là để lao động vất vả kiếm tiền thoát khỏi năm tháng khó khăn nghèo khổ, hai là chấp nhận hy sinh vì thế hệ mai sau. Ngoài ra, mọi mục đích khác đều trở thành vô nghĩa khi bạn tự dứt mình ra khỏi những mạch máu quê hương.

- Nói thế, anh không sợ bị mang tiếng “phụ” nơi anh đang sống sao?

Tôi chưa bao giờ ghét nước Mỹ! Tôi càng chưa bao giờ so sánh hơn thua giữa Mỹ và Việt Nam! Vấn đề nằm ở chỗ, công danh - sự nghiệp - tiền tài - học vấn cũng có được trên mảnh đất này, vậy mà, cuối mỗi chuyến đi về thăm nhà vội vã, khi máy bay chuẩn bị rời Tân Sơn Nhất, tôi vẫn thường tự hỏi, không biết mình đang trở về hay sắp ra đi? Có nghĩa, tự lòng tôi không biết đâu mới là nơi mình thuộc về; và có lẽ đây là cảm giác chua chát nhất, dẫu nó rất khó tả.

Lúc nào tôi cũng canh cánh bên lòng một niềm đau và nỗi ám ảnh vô cùng to lớn, là không ở cạnh ba má ngày họ nhắm mắt lìa đời. Suốt bao nhiêu năm qua, mỗi khi cố vỗ về mình vào giấc ngủ, ánh mắt nhân hậu của ba, nụ cười hiền lành của má, từng giọng cười, tiếng nói, bước đi, dáng ngồi lẫn những lời trách móc, giận hờn của hai đấng sinh thành cứ hiện ra mồn một. Ba má thương tụi con không hết, chắc chẳng giận hờn gì. Nhưng suốt đời này tụi con mãi nợ ba má một lời hẹn sum vầy, thiên thu không bao giờ trả nổi. Mang trong lòng nỗi ám ảnh này, tôi nghĩ có lẽ ai rồi cũng sẽ lừng chừng như tôi mà thôi!

Tìm hiểu xem Nước Mỹ có phải là thiên đường? với tác giả 8X - ảnh 2





























 

Bìa cuốn sách thứ 9 của tác giả Nguyễn Hữu Tài

Còn hít thở là còn muốn quay về

- Cho các nhân vật có cùng một dòng tâm lý - đếm thời gian và mong được trở về quê - suốt cả tập sách, anh có sợ độc giả cảm thấy nhàm chán không?

Sự thật không phải chỉ nhân vật của tôi, mà tất cả mọi người - già trẻ, lớn bé, trai gái - đều sẽ có lúc nhớ nhà, nhớ quê và muốn tìm về; nhất là khi họ chịu đựng nỗi cô đơn nơi đất khách. Nỗi buồn ấy ray rứt lắm, nó ám ảnh con người trong cả hành động và suy nghĩ.

Tôi không chắc độc giả sẽ hoàn toàn ủng hộ, nhưng sự thật thì khi viết và tập hợp lại, tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng, con người nào - thân phận nào - hoàn cảnh nào thì cũng sẽ cùng một cảm xúc nếu phải rời bỏ quê hương của mình mà đi; vấn đề ở chỗ, mỗi người có cách giải quyết riêng mà thôi. Chính tôi cố tình làm điều này thì tôi nghĩ mình không nên e ngại hay lo sợ phản ứng trái chiều từ bạn đọc.

- Chẳng lẽ tất cả mọi người rồi đều muốn quay về hay sao?

Tôi tin chắc rằng, bất kỳ đứa con xa xứ nào cũng muốn “tìm về” - chứ không dám chắc tất cả họ đều muốn “quay về” - bởi không gì ý nghĩa và giá trị bằng quê nhà cả, cho dù chỉ là nắng, là gió, là sự nghèo nàn đi chăng nữa thì cũng không gì có thể sáng bằng.

Riêng tôi thì suy nghĩ “quay về” chưa từng bao giờ biến mất cả. Tôi bấu víu vào một đức tin, gìn giữ suy nghĩ nhất định sẽ trở về. Sáng thức dậy tự hứa với mình giờ không về được thì tháng sau về, tháng sau không về được thì năm sau về… như kiểu tự đặt cho mình một mục tiêu để trông ngóng, để hy vọng vậy. Và chắc điều này không thể thay đổi ở tôi đâu!

- Cứ tưởng nước Mỹ là “thiên đường” như nhiều người nghĩ…

Cũng có thể! Ở một mặt nào đó thì có vẻ nước Mỹ nghe sang hơn, giàu hơn và nhiều cơ hội hơn mà! Nhưng với tôi, kể cả khi nhìn về mặt tích cực nhất, thì nước Mỹ vẫn chỉ là “một nửa thiên đường” (tên truyện ngắn trong tập) mà thôi! Vì chẳng có thiên đường trọn vẹn nào lại khiến con người ta đau đáu nhớ mong về nơi chốn khác cả! Và càng chẳng có thiên đường nào lại khiến một gã đàn ông đã sống 17 năm lại nghĩ còn hít thở thì sẽ còn tìm đường về quê cả!

- Cảm ơn anh về những chia sẻ chân thật và đầy cảm xúc này!

 Trương Thanh Thùy

Nhân dịp cuốn sách “Thiên đường phải không anh” ra mắt độc giả, lúc 9g ngày 01/10 tới, Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ sẽ tổ chức buổi giao lưu, giới thiệu cuốn sách tới độc giả tại Sân khấu trung tâm Đường sách Nguyễn Văn Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

Buổi ra mắt sách có sự tham dự của Lãnh đạo Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ, tác giả Nguyễn Hữu Tài, các khách mời đặc biệt: nhà báo Nguyễn Bích Hạnh (báo Thanh niên), họa sĩ Đặng Huy (người thực hiện bìa sách) cùng các độc giả quan tâm tới nội dung cũng như tác giả cuốn sách. 

“Thiên đường phải không anh” là một tuyển tập gồm 10 truyện ngắn (do Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ in ấn và phát hành), khắc họa rõ nét hoàn cảnh của những nhân vật xa xứ, ôm nỗi cô đơn khắc khoải, cùng sự kiếm tìm cơ hội để được trở về quê nhà, về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tác giả khai thác cả nhóm nhân vật lớn tuổi - những người “mắc kẹt” ở nước Mỹ vì những lý do bất khả kháng, và loay hoay chắt mót từng đồng, đếm từng ngày để được trở về quê hương - và cả nhóm nhân vật trẻ tuổi - có thể là chạy trốn ám ảnh quá khứ về nạn lạm dụng tình dục, có thể là giấc mơ đổi đời, cũng có thể cũng chỉ bất khả kháng… Nhưng tựu trung lại, tất cả họ đều mang một nỗi nhớ khôn nguôi về những thứ rất gần gũi, rất mộc mạc mà chỉ có quê nhà mới có.

Sử dụng lối văn viết dung dị, nhẹ nhàng và giọng quê Ninh Hòa làm “đặc trưng” của mình, tác giả lồng ghép tài tình những câu thoại, những đoạn văn tả rất thật, mà bộc lộ toàn bộ xúc cảm, tâm lý của nhân vật, tạo nên một bức tranh hoàn hảo về sự thật nước Mỹ chỉ là “một nửa của thiên đường”. Rồi từ đó, anh gửi gắm thông điệp về tình cảm gắn bó, yêu thương, nhung nhớ dành cho quê hương, đất nước của những đứa con xa xứ luôn muốn được tìm về.

Tác giả: Trương Thanh Thùy

Nguồn tin: vanhocquenha.vn

 Từ khóa: tác giả 8x

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây