Văn học tuổi 20 lần 7: Kỳ vọng từ những gương mặt quen
Thứ tư - 23/03/2022 05:331.7690
Ban tổ chức Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7 vừa công bố danh sách 12 tác phẩm vào chung khảo. Mặc dù số lượng này ít hơn so với lần 6, nhưng vẫn có nhiều điều để kỳ vọng về văn chương của người trẻ hiện nay.
Sân chơi được trông chờ
Kể từ sau lần 6, cuộc thi Văn học tuổi 20 đã được chuyển thành giải thưởng. Dù với tên gọi khác nhau, nhưng đây vẫn được xem là sân chơi bổ ích và hấp dẫn cho những người trẻ yêu thích văn chương. Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7 đã nhận được 511 tác phẩm dự thi. Con số bài dự thi tăng dần đều qua 3 lần thi gần đây, chứng tỏ sức sống bền lâu của một cuộc vận động sáng tác cho người trẻ.
Văn học tuổi 20 vốn được xem là nơi tìm và phát hiện những cây bút mới. Tuy nhiên, trong số 12 tác giả có tác phẩm vào chung khảo của Văn học tuổi 20 lần 7, ngoài 2 tên tuổi mới là Phã Nguyện và Duy Ân, các tác giả còn lại là những cái tên quen thuộc của giải thưởng này. Có thể kể đến: Nguyễn Dương Quỳnh với 3 lần vào chung khảo; Hiền Trang từng đoạt giải 3 lần 6 với tập truyện ngắn Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa; Nguyễn Nguyên đoạt giải Tác phẩm được yêu thích nhất do bạn đọc bình chọn trong lần 6 với truyện dài Cánh đồng ngựa; Mai Thanh Nga có tác phẩm Chộn rộn xứ người vào chung khảo lần 5…
Trở lại với Văn học tuổi 20 bằng truyện dài Chopin biến mất, Hiền Trang chia sẻ: “Tất nhiên, tôi cũng từng suy nghĩ lỡ lần này không được giải, hoặc được giải thấp hơn, thì có thành “bước lùi” không. Nhưng suy nghĩ ấy vụt đến rồi đi ngay. Sự tưởng thưởng dành cho người viết văn đến từ rất nhiều điều. Chẳng hạn, với tôi, khi đọc bản biên tập cực kỳ kỹ càng và tâm huyết của nhà xuất bản, tôi đã thấy đó là sự tưởng thưởng rất lớn”.
Lý do trở lại với Văn học tuổi 20 của Nguyễn Dương Quỳnh có lẽ cũng là lý do chung của nhiều cây bút trẻ: “Văn học tuổi 20 là cơ hội tốt để mình có thể xuất bản sách. Bản thân tôi hầu như lúc nào cũng viết, nên luôn có sẵn một bản thảo nào đó. Với tôi, việc có giải hay không không quan trọng, điều quan tâm chính là có một cơ hội để tác phẩm được ra mắt”.
Kỳ vọng
Bên cạnh những tác giả quen thuộc của Văn học tuổi 20, nhiều tác giả xuất hiện tại lần 7 cũng là những tên tuổi quen thuộc trong đời sống văn chương như Nguyễn Thu Hằng, Hoàng Công Danh, Lê Quang Trạng, Hoàng Khánh Duy, Phạm Anh Tuấn (bút danh Yang Phan)… Các bạn đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, như Hoàng Khánh Duy (thạc sĩ văn học), Duy Ân (năm cuối tiến sĩ tại Đại học Johns Hopkins, Mỹ), Hoàng Công Danh (tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus), Hiền Trang (tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội)…
Trong một chia sẻ trước đây, nhà phê bình Mai Anh Tuấn cho rằng, họ chững chạc, tự tin không chỉ vì có ngoại ngữ, có những trải nghiệm học vấn đa dạng mà quan trọng hơn, họ được và bị “sống cùng” với bối cảnh văn chương nghệ thuật toàn cầu được bày chật trên các giá sách dịch ở Việt Nam hoặc trên không gian mạng. “Chính bối cảnh đó, tôi nghĩ, khiến họ chủ động và cũng tỉnh táo, nỗ lực hơn trong lao động văn chương. Đọc trang viết của họ, tôi nhận thấy họ khá am tường một lĩnh vực nghệ thuật nào đó ngoài văn chương”, nhà phê bình Mai Anh Tuấn nói.
Nhận diện văn chương trẻ từ những tác giả vào chung khảo Văn học tuổi 20 lần 7, bà Huyền Tôn Nữ Kim Tuyến, Trưởng Ban quản lý dự án sách Văn hóa - Xã hội của NXB Trẻ, cũng là người phụ trách bản thảo ở vòng sơ khảo, cho rằng, điểm chung của các tác giả này là có kỹ năng viết rất tốt, nhưng điểm hạn chế lại nằm ở đề tài. “Dẫu đề tài và thể loại chưa thực sự phong phú, đa dạng nhưng ít nhiều đã khắc họa rõ nét góc nhìn của các bạn trẻ về cuộc sống và thể hiện được sức sáng tác của các bạn trẻ hiện nay”, bà Kim Tuyến chia sẻ.
Những nhận định trên hoàn toàn có cơ sở khi đọc 12 tác phẩm vào chung khảo Văn học tuổi 20 lần 7. Sự kỳ vọng ấy có thể tìm thấy ở Bảy bảy bốn chín của Hoàng Công Danh, một câu chuyện cảm động được kể với một hình thức độc đáo, đan xen giữa hai thời gian/không gian. Còn Chopin biến mất của Hiền Trang là sự tổng hòa của văn chương với điện ảnh, âm nhạc, hội họa lẫn triết học. Trong khi đó, Vệt sáng của bụi của Lê Quang Trạng dựng nên những mảnh đời cơ cực, lầm lũi nơi miền Tây nhưng ẩn sâu bên trong họ là giá trị nhân bản…