Thơ trẻ - những dòng chảy tự nhiên rộng mở

Thứ tư - 27/04/2022 21:51 1.268 0
Lực lượng sáng tác trẻ là những người mới bước chân vào sáng tác văn chương trong vòng dăm năm, tuổi đời từ 35 trở lại. Có vài trường hợp ngoại lệ, vì tài năng ở họ nở rộ sớm hơn những đồng niên khác, xuất hiện trên văn đàn lâu hơn, nhưng bài viết này vẫn đề cập đến họ, với tư cách là người viết trẻ, khi tuổi đời ở tuổi 35 trở lại.
“Yao” - tập thơ giúp Lý Hữu Lương đoạt giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: YaoBooks
“Yao” - tập thơ giúp Lý Hữu Lương đoạt giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: YaoBooks

Trong bối cảnh Việt Nam hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, sự hội nhập toàn cầu mở rộng không biên giới, từ kinh tế, văn hóa đến công nghệ. Những chảy tràn hòa nhập đó tạo nên trong lòng xã hội những hệ giá trị khác, những lối sống khác, những cảm quan khác, điều mà vài mươi năm trước chưa từng có. Và chính sự hội nhập này đã tạo nên một thế hệ người viết trẻ phân cực rất đa dạng.

Lực lượng sáng tác trẻ ngày nay có mặt ở khắp nơi, từ những trang báo, tạp chí văn chương chính thống đến những trang mạng xã hội, từ những tác phẩm do chính tác giả tự đầu tư in ấn đến tác phẩm được các đơn vị xuất bản đầu tư, từ những tác phẩm theo đuổi con đường làm mới nghệ thuật đến những tác phẩm viết chạy theo thị hiếu công chúng bình dân, từ những tác giả viết những đề tài truyền thống (người lính, nông thôn, tình yêu...) đến những tác giả sáng tác theo lối biểu đạt mới với những chủ đề mang tính thời đại. Nhìn chung, lực lượng người viết trẻ hiện khá đông đảo, trong đó có đội ngũ người làm thơ trẻ.

Một điều đặc biệt là nhiều tác giả thơ trẻ hôm nay đa phần đều có sự tương tác mạnh trên Facebook, rất nhiều trong số đó trưởng thành nhờ môi trường mạng xã hội. Đề tài sáng tác của họ khá phong phú, nội dung và hình thức có nhiều cố gắng tìm tòi, đa phần đều sáng tác theo thể thơ tự do như Lê Ngọc Dũng (Nguyên Như) với tập thơ "Lưng lửng hồn"; Lê Tuyết Lan với các tập thơ "Vết bầm giấc mơ", "Đã chín mùa yêu"; Phương Đặng với "Con người" (tập thơ giành giải Tác giả trẻ lần thứ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam); Hương Giang với tập thơ "Bài thánh ca cho Anh"; Nguyễn Thúy Hạnh với tập thơ "Văn học vết thâm"; Lữ Hồng với tập thơ "Một mai thức dậy"; Vân Phi với tập thơ "Ngày mắc cạn"; Nguyễn Đức Hậu (Nam Thiên Phú) với tập thơ "Mưa về cố quốc"; Lu với tập thơ "Sự đã rồi anh ngồi anh hát"; Nguyễn Thiên Ngân với tập thơ "Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời"; Lưu Minh Hải với tập thơ "Ký họa hồn tôi"...

Có lẽ, bởi đặc điểm của thơ tự do là không giới hạn cách thức biểu đạt ngôn ngữ theo lối vần hay là bố cục, nên rất hợp với cảm quan của người trẻ. Ở đó, họ tha hồ diễn đạt ý tưởng của mình bằng những câu, những từ khoáng đạt, bay bổng. Điều đặc biệt, là rất nhiều tác phẩm thơ của họ được chia sẻ trên Facebook, sau đó mới xuất hiện trên các trang báo, tạp chí.

Bên cạnh đó, vẫn có nhiều tác giả trẻ đi theo con đường truyền thống, là đi lên từ các hội Văn học nghệ thuật địa phương như Trương Công Tưởng (Bình Định) với các tập thơ "Ngồi gỡ tơ trời", "Đợi những vắng xa"; Hà Sương Thu (Bắc Kạn) với "Từ ngực Núi Hoa"; Nguyễn Hải Yến (Phú Thọ) với các tập thơ "Thành phố lên đèn", "Đi về phía mặt trời", "Đôi mắt của bầu trời"; Lê Quang Trạng (An Giang) với "Áp tai vào đất"; Ngô Bá Hòa (Lạng Sơn) với "Cánh đồng cỏ úa", "Miên Linh", "Đôi mắt Sana"...

Trong số những người viết thơ trẻ, không nhiều tác giả chọn sáng tác thơ ở thể thơ truyền thống lục bát. Có thể “điểm danh” vài cái tên nổi bật như Lưu Thiện Vương với tập thơ "Ngân Ngấn Phù Sa", Lê Đình Tiến với nhiều bài thơ được đăng trên tạp chí Áo Trắng cũng như được giới thiệu trên "Viết & Đọc Chuyên đề Mùa đông 2021"... So với mặt bằng thơ trẻ đương đại, việc các tác giả chọn lựa lối sáng tác thơ lục bát để tạo nên dấu ấn riêng cũng là điều đáng ghi nhận.
Một “nguồn” thơ trẻ khác không thể không kể đến, đó là đội ngũ những người vừa sáng tác vừa làm công tác biên tập tại một số tòa soạn báo. Họ là những gương mặt tuy trẻ nhưng không mới, có những thành công nhất định trong việc kiến tạo nên chỗ đứng của mình và đứng trong hàng ngũ người viết trẻ với tư cách nhà thơ, như nhà thơ Lữ Mai với các tập trường ca "Ngang qua bình minh", "Chư Tan Kran mây trắng", "Hồi sinh"; nhà thơ Nguyễn Thị Kim Nhung với trường ca "Từ phía sương buông", tập thơ "Thức cùng tưởng tượng"; nhà thơ Lý Hữu Lương với tập trường ca "Bình nguyên đỏ", tập thơ "Yao" (tập thơ giành giải Tác giả trẻ lần thứ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam)...

Ngoài ra, còn có nhiều người viết trẻ có thơ đăng tải nhiều trên báo Văn Nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội nhưng chưa xuất bản thành tập, như Vàng A Giang (Lào Cai), Vũ Thị Huyền Trang (Phú Thọ), Phan Đức Lộc (Nghệ An), Lê Vũ Trường Giang (Huế)...

Chừng ấy tác giả và tác phẩm với nhiều nội dung đề tài khác nhau, cho ta kỳ vọng về những mùa thi ca nảy nở rực rỡ sau này.

Tác giả: Hà Hương Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây