Văn trẻ đồng bằng sông Cửu Long hai mươi năm đầu thế kỷ XXI

Thứ năm - 02/06/2022 00:32 1.703 0
Ở bất kỳ chặng đường nào, sự xuất hiện của thế hệ văn trẻ luôn mang đến “làn gió mới”, góp phần vào sự phát triển của giai đoạn văn học, văn học vùng miền, rộng hơn là nền văn học dân tộc. Trong hai mươi năm đầu của thế kỷ XXI, nếu văn học miền Bắc nổi lên các cây bút trẻ như Đinh Phương, Hoàng Anh Tuấn, Phan Đức Lộc, Phạm Thu Hà, Phạm Thúy Quỳnh, Hiền Trang,…; thì các cây bút trẻ ở miền Nam cũng đã và đang khẳng định được tên tuổi trên văn đàn. Nói riêng văn học đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ năm 2000 đến nay, lực lượng sáng tác trẻ chiếm vị trí quan trọng, hình thành nên diện mạo và thúc đẩy sự phát triển của văn học đồng bằng.
Tác phẩm của một số tác giả trẻ An Giang
Tác phẩm của một số tác giả trẻ An Giang

Sự đông đảo của lực lượng viết trẻ ở ĐBSCL

So với các vùng miền khác (đặc biệt là miền Bắc), lực lượng sáng tác trẻ ở ĐBSCL cũng đông đảo không kém cạnh. Ở hội văn học nghệ thuật của mỗi tỉnh trong phạm vi Tây Nam Bộ đều có một nhóm những gương mặt viết trẻ (thường gọi là Ban văn trẻ) sung sức sáng tạo, có tác phẩm thường xuyên đăng tải trên các tờ báo, tạp chí văn nghệ trong và ngoài tỉnh, thậm chí nhiều tác giả cũng đã có sách in chung (tuyển tập) hoặc in riêng. “Trẻ” trong cụm từ “lực lượng viết trẻ” không có khái niệm cụ thể, không có độ tuổi quy định, tuy nhiên có thể ngầm hiểu những tác giả từ 30 tuổi (có khi là 35 tuổi) trở xuống, đã cầm bút lâu năm hay chỉ mới ở giai đoạn “nhận đường” (chữ dùng của Nguyễn Đình Thi), còn nhiều thiếu sót… đều được xếp vào nhóm văn trẻ.

Ở khu vực ĐBSCL, An Giang có lẽ là mảnh đất sinh thành nhiều cây bút trẻ nhất, sung sức và ít nhiều tạo được tiếng vang. Về thơ, có thể kể đến những cái tên như Nguyễn Đức Phú Thọ, Vĩnh Thông, Tô Ngọc Duy Quý,… Về văn xuôi, nổi lên tên tuổi Lê Quang Trạng, Trương Chí Hùng, Hoàng Thị Trúc Ly, Huỳnh Thị Cam,… Thậm chí, có tác giả “bén duyên” với cả thơ lẫn văn xuôi như Lê Quang Trạng (sinh năm 1996), Vĩnh Thông (sinh năm 1996). Cần Thơ - “thủ phủ” miền Tây những năm tháng cũ - cũng là nơi ươm mầm những tài năng trẻ như Phát Dương, Mạc Yên,… (văn xuôi); Huệ Thi, Huỳnh Ngọc Huy Tùng, Phan Duy, Mỹ Thuận,… (thơ ca). Ngoài ra, những cái tên như Lê Minh Nhựt (Cà Mau), Trầm Thanh Tuấn (Trà Vinh), Bá Đông (Trà Vinh),… cũng góp mặt trong danh sách lực lượng viết trẻ ĐBSCL, bền bỉ sáng tác, có nhiều triển vọng, hứa hẹn sẽ đi đường dài với văn chương.

Sự đông đảo về mặt số lượng cây bút trẻ ĐBSCL đã phần nào khẳng định sức tác động của văn chương đến thế hệ trẻ. Trong xã hội hiện đại, văn chương vẫn giữ được vị trí nhất định trong bức tranh chung của văn hóa văn nghệ, là loại hình để người trẻ bộc lộ cảm xúc, bày tỏ quan điểm cũng như thái độ đối với những vấn đề xã hội. Đồng thời, sự xuất hiện của hàng loạt các cây bút trẻ là dấu hiệu của tiếp nối, kế thừa xuất sắc thế hệ sáng tác trước, hoàn thiện hơn diện mạo của văn học ĐBSCL mà thế hệ trước đã đặt nền móng.

Đề tài phong phú, cách thể hiện sáng tạo

Văn học trẻ là tiếng nói người trẻ đầy nhiệt huyết, bản lĩnh và thức thời, nhạy bén nhận ra sự biến động chóng vánh của xã hội và thể hiện bằng những hình thức nghệ thuật (quen thuộc hoặc thử nghiệm mới) trên trang viết. Đề tài chính trong những sáng tác của các cây bút trẻ ĐBSCL là đất và người Nam Bộ, với cách thể hiện mang đậm phong vị của nơi mà các tác giả được sinh thành. Tuy vậy, vẫn có tác giả trẻ mở rộng “biên độ” sáng tác, tìm đến đề tài mới, bằng chất văn hoàn toàn mới.

ĐBSCL là mảnh đất trù phú, với đặc trưng phong cảnh thiên nhiên chủ yếu là ruộng đồng, sông nước mênh mông trải dài từ Long An đến mũi Cà Mau. Con người Tây Nam Bộ chân chất, giản dị, hào phóng, nặng tình với đất quê và vô vàn những phẩm chất tốt đẹp khác. Dẫu thế, trong cuộc sống bình thường, con người Tây Nam Bộ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ, trải qua những bi kịch cuộc đời, những nghịch lý, đa đoan… Tất cả đã tác động vào thế giới quan của cây bút trẻ, trở thành đề tài, thành hình tượng nghệ thuật trong sáng tác của người trẻ ĐBSCL. Chọn đề tài mảnh đất và con người ĐBSCL, Lê Quang Trạng (sinh năm 1996) và Phát Dương (sinh năm 1995) đã có cách thể hiện độc đáo, riêng biệt trong tác phẩm của mình. Với Dòng sông không trôi (NXB Văn hóa văn nghệ, 2016), Lê Quang Trạng đã tập trung xây dựng những phận đời trên cái nền cảnh sông nước vùng Mỹ Luông, Chợ Mới, Bảy Núi, Long Xuyên… quê hương của tác giả. Năm 2018, Phát Dương trình làng tập truyện ngắn Tự nhiên say (NXB Trẻ), khác với Lê Quang Trạng, Phát Dương không gói gọn không gian nghệ thuật trong một tỉnh thành nào mà trải rộng khắp vùng sông nước Tây Nam Bộ. Lắng đọng trong trang viết Phát Dương là những thân phận con người bị tác giả xô vào chân tường rồi đưa tay cứu giúp, xoáy vào nỗi đau và khơi lên niềm tin của những người sống trên mảnh đất đã bị quá trình đô thị hóa làm biến dạng. Dù tạo dựng không gian nghệ thuật rộng hay hẹp thì trang viết của Lê Quang Trạng và Phát Dương đều phản ánh sự tinh nhạy trong quan sát, sự già dặn trong suy nghĩ và sự sáng tạo trong lối viết của hai cây bút.

Viết về thiên nhiên, con người Tây Nam Bộ và tự họa bức chân dung của chính mình, Nguyễn Đức Phú Thọ (sinh năm 1989) gây ấn tượng với người đọc bởi ngôn từ “độc”, “lạ”, mở ra nhiều tầng nghĩa. Với Nỗi buồn đập cánh (NXB Phương Đông, 2011), Nguyễn Đức Phú Thọ đã “cần mẫn gieo hạt giống lạ trên cánh đồng chữ thi ca để chạm đến mạch nguồn đích thực của thơ trẻ đương đại” (tác giả Hoàng Anh Tuấn). Bằng tình yêu quê hương, sự đau đáu trước những biến động của cuộc đời và cảm thức đương đại chi phối, thơ Nguyễn Đức Phú Thọ đã mở ra lối tư duy đa chiều, với những câu chữ lộn xộn nhưng gợi được những khoảng trống suy tư, trăn trở trong người đọc. Chẳng hạn, khi viết về mặt trái của xã hội, tác giả đã liên tưởng đến hình ảnh lũ ruồi: “Một lũ ruồi khuyết tật/ Miệng lúc nào cũng ứ đầy xú khí” (Lũ ruồi chột mắt), hay những đổi thay bất ngờ của cuộc sống khiến nhà thơ xót xa: “Cánh cò chở ước mơ chưa rạng/ Bão đời làm chống chếnh câu thơ” (Mắc nợ phù sa). Trong khi đó, cây bút nữ Huệ Thi (sinh năm 1982) lại chuộng lối viết nữ tính, tràn đầy cảm xúc. Thơ Huệ Thi là tiếng thơ của người phụ nữ khát khao được yêu, yêu hết mình, mãnh liệt nhưng cũng đầy những âu lo, trăn trở về sự đổi dời “bãi biển hóa nương dâu”. Huỳnh Ngọc Huy Tùng (sinh năm 1983) lại tác động tới độc giả bằng những vần thơ nhẹ nhàng, câu thơ tự do nhịp điệu linh hoạt. Thơ Huy Tùng thường viết về quê hương, mảnh đất nơi tác giả được sinh ra, về ký ức tuổi thơ, về tuổi học trò, về người lính trong thời đại hôm nay… Dù viết về đề tài nào thì các tác giả cũng nỗ lực làm mới mình, ghi dấu ấn trên thi đàn đương đại.

… nhưng vẫn còn quanh quẩn ở đồng bằng

“Quanh quẩn ở đồng bằng” được hiểu theo hai nghĩa: hoặc chỉ sáng tác được về đề tài đất và người đồng bằng, dần thành cũ kỹ, giẫm lên chân chính mình; hoặc tác phẩm ra đời chỉ được lưu hành ở ĐBSCL, thậm chí phạm vi lưu hành chỉ trong hội văn học nghệ thuật tỉnh, nơi tác giả tham gia sinh hoạt.

Vì tuổi đời còn trẻ, trải nghiệm ít, nhiều cây bút trẻ không dám thử sức với đề tài mới. Bởi thế, những tác phẩm ra đời đều xoay quanh đề tài đất và người ĐBSCL, nơi tác giả được sinh ra. Song song đó, vẫn có tác giả bản lĩnh thử nghiệm đề tài mới, tích lũy vốn sống trên từng chuyến đi, đổi mới phong cách sáng tác để không lặp lại chính mình và lặp lại người khác. Trong số đó các cây bút trẻ ĐBSCL, có thể kể đến Mạc Yên với đề tài trinh thám, kết hợp giữa điện ảnh với văn chương; Phát Dương với sự thử nghiệm lối viết mới thông qua tập truyện ngắn Mở mắt mà mơ (NXB Văn hóa văn nghệ, 2020). Dấn thân, thử thách,… luôn là yếu tố cần thiết cho bất kỳ tài năng văn học nào.

Bên cạnh những cây bút trẻ có tác phẩm đạt chất lượng, được các Nhà xuất bản trong nước đầu tư in ấn và phát hành rộng rãi trên cả nước như Phát Dương (hợp tác với NXB Văn hóa văn nghệ, NXB Trẻ, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh), Lê Quang Trạng (hợp tác với NXB Văn hóa văn nghệ, NXB Trẻ, NXB Kim Đồng), Trương Chí Hùng (hợp tác với NXB Văn hóa Văn nghệ, NXB Kim Đồng),… thì nhiều tác giả phải tự chi trả từ khâu đăng ký xuất bản tác phẩm đến thiết kế bìa, in ấn,… Tác phẩm ra đời không được phát hành rộng rãi dẫn đến hiện tượng “chết” không lâu sau khi được sinh thành. Phần lớn những tác phẩm đó chỉ được dùng để tặng nhau hoặc rao bán trên Facebook, sức ảnh hưởng không cao, giới nghiên cứu văn học (vốn dĩ luôn song hành cùng giới sáng tác) cũng không biết đến sự tồn tại của tác phẩm đó. Đó là một sự thật đáng buồn, cho thấy sự hẩm hiu của văn chương.

Song, dẫu sao vẫn tin rằng: những tác phẩm có giá trị của các tác giả trẻ sẽ được xếp ở vị trí xứng đáng trong nền văn học, trong lòng công chúng. Chúng ta luôn có niềm tin rằng, văn học trẻ ĐBSCL sẽ ngày càng phát triển, thế hệ trẻ sẽ tiếp nối và làm mới bước đường mà thế hệ Nguyễn Ngọc Tư, Dạ Ngân, Võ Diệu Thanh, xa hơn là Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Đoàn Giỏi đã vẽ nên…

Tác giả: Phạm Khánh Duy

Nguồn tin: Văn nghệ TPHCM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây