Văn học mạng - một hiện tượng đáng chú ý của thế kỉ XXI

Thứ tư - 27/11/2013 20:16 2.930 0
Năm 2012, Đặng Thân tổ chức buổi trình diễn được gọi là đa thoại về một tiểu thuyết mạng, vừa được in ấn (2011) theo hình thức truyền thống: 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]. Buổi trình diễn đó được báo chí giới thiệu là "một cuộc chơi văn chương mới chưa từng có trên thế giới”, và bản thân tác phẩm cũng được một số nhà nghiên cứu đánh giá cao như một “bước ngoặt quan trọng bậc nhất về lối viết” trong nền văn học Việt Nam đương đại, một bước ngoặt của văn học hậu hiện đại, một điển hình của văn học hậu đổi mới. Sự kiện này được quảng bá rộng rãi, gây chú ý dư luận. Có lẽ, chưa bao giờ văn học mạng, một nhà văn mạng (hầu hết các tác phẩm của tác giả được xuất bản trên mạng trước khi in giấy) được đề cao như thế ở Việt Nam.

Năm 2012 không chỉ là năm của sáng tác mạng, mà còn là năm của phê bình văn học mạng phát triển mạnh mẽ. Tiêu biểu là việc diễn giải thơ Nguyễn Quang Thiều như một trường hợp tiêu biểu cho một khuynh hướng thơ đương đại. Phê bình thơ Nguyễn Quang Thiều bắt đầu từ không gian mạng internet. Phần lớn các ý kiến thiên về phủ nhận những nỗ lực tìm tòi, đổi mới của Nguyễn Quang Thiều xuất hiện trên mạng, hình thành nên cả một làn sóng, một cao trào phê bình thơ Nguyễn Quang Thiều, rộng ra là chống một lối thơ; sự kiện này hút cả vào nó khu vực truyền thông hải ngoại.

Cũng bắt đầu từ các thông tin, các bài phê bình trên website văn chương hải ngoại, vấn đề văn học dịch trong nước được quan tâm. Chất lượng dịch thuật, trình độ của dịch giả, và sau đó, là vấn đề phê bình dịch thuật, nghiên cứu dịch thuật, các yêu cầu - nguyên tắc dịch, các “trung tâm văn học dịch” (các đơn vị chiếm thị phần lớn) của Việt Nam cũng trở thành câu chuyện nóng của năm 2012. Dư luận phản ứng ồn ào, mạnh mẽ, dồn dập, quyết liệt, triệt để đối với những bản dịch của Cao Việt Dũng, và sau Cao Việt Dung là các dịch giả đình đám khác (chẳng hạn Dương Tường…). Chưa bao giờ vấn đề văn học dịch trở nên căng thẳng, các bản dịch chịu đựng một thái độ hoài nghi cao độ của độc giả, và có cảm giác phê bình văn học dịch luôn sẵn sàng bung ra trên mạng internet như năm 2012 đến thế. Đời sống văn học mạng, văn học dịch, phê bình văn học dịch sôi động lạ thường; các ý kiến bàn bạc, bình phẩm khắp nơi, tạo ra một không khí dân chủ trong tranh luận ít thấy. Giới truyền thông, nhất là báo mạng, có cái để nói, và nói mãi không cùng. Giới xuất bản chịu nhiều áp lực hơn trong kinh doanh, in ấn, hợp tác, xây dựng thương hiệu. Giới chuyên môn trong nước cũng không vô cảm đứng nhìn; từ đây họ không chỉ nhìn lại trình độ, phông văn hóa, cá tính sáng tạo của người dịch, mà còn thúc đẩy việc xét lại các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá một bản dịch tốt/hay, đề nghị xây dựng chính sách quốc gia về văn học dịch, thành lập Trung tâm dịch thuật do Nhà nước tài trợ và xã hội hóa, lập quỹ văn học dịch, đào tạo đội ngũ dịch giả kế cận, thậm chí còn đề nghị xây dựng quy chế trao giải thưởng Nhà nước, và giải thường Hồ Chí Minh cho các dịch giả thông qua các hoạt động như hội thảo. Năm 2012 là năm chao đảo ghê gớm của văn học dịch nhưng cũng là năm nảy sinh nhiều ý tưởng, giải pháp cần thiết để thúc đẩy mảng văn học này phát triển lành mạnh hơn, hiệu quả hơn…

Trong bối cảnh báo chí văn nghệ truyền thống gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả hoạt động không như mong đợi, nhất là mảng phê bình văn học, thì sự ra đời website http://phebinhvanhoc.com.vn (do Trần Thiện Khanh chủ trương) ngay lập tức thu hút đông đảo bạn đọc và một số báo chí quan tâm, cộng tác, chia sẻ. Mặc dù còn non trẻ, nhưng Phê bình văn học bước đầu tạo ra được những trao đổi, thảo luận quan trọng; góp phần kết nối các khu vực văn học, các chủ thể, quảng bá phổ biến nhiều tư tưởng, lý thuyết văn học hiện đại (trong đó có nhiều nghiên cứu công phu, nhiều bài dịch thuật về lý thuyết có giá trị, lần đầu tiên được công bố trên website), các chân dung phê bình, các bài phê bình văn học hữu ích… có thể xem là một sự kiện đáng chú ý của đời sống văn học năm 2012.

Ở một góc độ nào đó thì Internet đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người sáng tác, dịch thuật, phê bình….

Trên đây người viết đã điểm lại một lý do chính thúc đẩy việc đặt lại vấn đề/hiện tượng văn học mạng ở Việt Nam - những đặc điểm khác biệt, những đóng góp, ý nghĩa của nó, những mặt khả thủ cùng giới hạn của loại hình văn học này.

Ngày nay nói về cuộc sống hiện đại người ta không quên nói tới mạng internet. Bởi vì nó đã làm thay đổi có tính bước ngoặt các quan niệm của chúng ta về thế giới, văn bản, hệ thống ký hiệu, sự thu - phát thông tin, giao dịch… Trong câu chuyện về internet ngày nay có câu chuyện của văn học mạng, của những nhà văn mạng, những nhà văn thế hệ F. Nói sáng tác văn học mạng thôi thì chưa đủ, phải nói đến một đời sống văn học mạng phong phú, phức tạp. Đề tài văn học mạng không cũ, ít ra đến thời điểm hiện nay; nó luôn luôn có tính thời sự, và chắc chắn sẽ còn được nói nhiều hơn trong thời gian tới. Văn học mạng đang sinh sôi, vận động không ngừng, những đặc trưng của nó vẫn đang hình thành và bộc lộ. Văn học mạng ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn xung đột với in ấn truyền thống, và câu chuyện về nó mới chỉ được bắt đầu kể.

Ngoài những trang web tự do, những blog cá nhân dành hoàn toàn không gian cho việc đăng tải ý kiến cá nhân, lưu trữ thông tin văn học, chia sẻ các văn bản, quảng bá sáng tác mới, còn có những chuyên trang, chuyên mục văn chương văn nghệ của hệ thống báo chí, nhà xuất bản chính thống hoạt động theo luật báo chí hiện hành.

Dễ thấy, trên hệ thống internet, các văn bản văn học đã chuyển hoá thành một kiểu dữ liệu đặc thù. Những dữ liệu đó được truyền đi, hiển thị và kết nối tương tác khi và chỉ khi hệ thống mạng hoạt động. Chỉ cần một máy tính kết nối mạng internet, thì người ta có thể đọc hoặc viết, rồi công bố các thông tin văn học, các văn bản văn chương trên không gian vô tận đó. Dĩ nhiên, dù được công bố trên mạng hoặc in ra giấy theo kiểu truyền thống thì đã gọi là văn chương chắc chắn văn bản đó phải đáp ứng những quy ước chung của cộng đồng về tính văn học, tính nghệ thuật. Không thể tùy tiện cho rằng khi văn bản ở trên mạng internet thì thành văn chương mạng, còn khi chúng được in ra giấy thành quyển cầm tay sẽ không còn là văn chương mạng nữa; hoặc kết luận ngược lại, khi in trên giấy thì văn bản đó trở thành văn chương đích thực, còn đưa lên mạng thì không còn là văn chương giá trị nữa. Không thể đánh đồng coi mọi sáng tác văn chương mạng là không có giá trị, không đáng tham khảo, nghiên cứu; hoặc ngược lại, xem rằng chỉ có các văn bản in truyền thống mới là văn chương thứ thiệt. Văn chương vẫn luôn là văn chương, dù xuất bản, lưu truyền ở bất kỳ hình thức nào.

Văn chương trên mạng có tính chất trò chơi, kĩ thuật và sự tự do cá nhân. Văn học mạng là văn học của sự độc lập, tồn tại phần nhiều không bị phụ thuộc vào thiết chế văn hóa xã hội hiện hành, nó là hiện thân của thứ văn học phi trung tâm, đa trung tâm. Cuộc chơi văn chương trên mạng dành cho tất cả mọi người, không giới hạn về thời gian, không gian. Người tham gia có thể chỉ sưu tầm, tập hợp, sao chép, cắt dán, sáng tạo mới hoặc sử dụng nó cho mục đích riêng của mình. Văn học mạng là thứ văn học đa chủ thể. Giữa sáng tạo văn học, tiếp nhận văn học, máy tính và mạng internet, trong trường hợp này, là có mối quan hệ tất yếu. Mạng internet, máy tính là phương thức tồn tại, điều kiện tồn tại, là hệ thống ký hiệu của văn học mạng; nó chấp nhận, dung nạp tất cả các sáng tạo văn chương mang tính chất cá nhân, tính cộng đồng; người đọc có thể đồng sáng tạo, đối thoại với tác giả, tham gia lưu truyền, tạo nghĩa, gán nghĩa cho nó. Do vậy, mặc dù mang đến cho chúng ta một sự đa dạng về kiểu cách hình thức và nội dung thể hiện, nhưng văn học mạng lại khá hỗn tạp về chất lượng, và không có tính chất cố định. Giá trị, độ tin cậy của văn bản văn chương mạng phụ thuộc vào nguồn mã hóa và chủ thể tham gia mã hóa. Văn học mạng là thứ văn học được mã hóa hai lần, nhà văn mã hóa ngôn ngữ của anh ta đang dùng để giao tiếp, sau đó máy tính, mạng internet mã hóa thêm lẫn nữa thành các kí hiệu số. Máy tính, mạng internet là những thứ khiến cho hệ thống những kí hiệu của người viết trở thành văn bản văn học mạng. Văn học mạng, xét theo nghĩa này, là văn học của những cái biểu đạt, các hình thức biểu đạt bất định.

Văn học mạng luôn ở trong “tình trạng đang được viết ra” và thực sự chưa hoàn kết. Nó gia nhập vào hệ thống thông tin mạng toàn cầu trong tư cách một tài nguyên, dữ liệu, dịch vụ, thông tin, đồng thời là thành tố cấu thành, một kí hiệu thuộc về môi trường internet. Văn học mạng xuất hiện như một nhu cầu nội tại của xã hội dân chủ mới, một “ngôn ngữ tổng quát” của sự dân chủ hóa sáng tác và tiếp nhận văn học; những chủ thể tạo ra loại hình văn học mới này biểu lộ tư tưởng rằng những gì thuộc về không gian tư lẫn không gian công cần thoát khỏi mọi ràng buộc, tất cả mọi người đều có thể kết nối với nhau, những gì gắn kết con người với nhau và để hiểu nhau đều có quyền tồn tại. Mỗi văn bản văn học mạng là một liên văn bản, siêu văn bản, một văn bản luôn luôn mở.

Văn học mạng ra đời cùng với chủ thể sáng tạo mới, ý thức hệ mới, không gian ý thức mới, nó có kiểu độc giả mới, những quy ước, cơ chế vận hành, tiếp nhận hoàn toàn mới. Văn học mạng đúng là một hình thức văn hóa mới, một thực thể phức tạp hơn nhiều so với những gì mà gần đây những nhà văn trẻ trong các tọa đàm, các buổi thuyết trình, giới thiệu sách, vẫn hình dung - cho dù chính họ là những người can dự trực tiếp.

Văn học mạng đang phát triển, phổ biến, tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống văn học hiện thời, nó cũng đang chuyển vào trung tâm của sinh hoạt văn chương:1 - nhiều người sáng tác hiện nay ưa thích công bố lần đầu tiên tác phẩm của mình trên mạng. 2- nhiều tác phẩm ban đầu xuất bản tự do trên mạng, sau một thời gian văn bản ấy cũng được người viết chỉnh sửa, hoàn thiện hơn và tìm đến con đường xuất bản chính thống nhằm hợp thức hóa; cũng chính bằng cách đó văn học mạng thâm nhập ngày càng sâu vào đời sống văn học hiện thời. 3- sản phẩm phê bình nghiên cứu nếu lựa chọn hình thức công bố trên mạng sẽ nhanh chóng hơn, đầy đủ hơn, ảnh hưởng có thể rộng rãi hơn phương thức truyền thống. 4- không ít bài dịch thuật, nghiên cứu phê bình văn học công bố trên mạng (ngay cả đối với các trang web bị tường lửa chặn) ngày nay được tác giả của nhiều tiểu luận, luận văn, luận án, chuyên luận và bài viết công khai trích dẫn, tham khảo, khảo sát. 4- không ít tư liệu, nguồn tin từ mạng internet có giá trị tham khảo tốt, có sức ảnh hưởng còn quan trọng hơn nhiều so với báo chí xuất bản kiểu truyền thống. 5- một số văn bản bị cấm phổ biến, bị thu hồi có thể tìm đến môi trường mạng internet để tồn tại, vượt ra ngoài sự quản lý theo cung cách truyền thống của các cơ quan hữu trách để gây ảnh hưởng đến từng nhóm xã hội. Nghĩa là văn học mạng ra đời sẽ thúc đẩy sự phát triển của văn học đủ loại, trước tiên là văn học đại chúng, văn học thị trường, văn học tiên phong, văn học hậu hiện đại, cổ vũ cho những cách tân thử nghiệm táo bạo, những quan điểm có thể là cực đoan, quá khích, đồng thời xóa bỏ mọi ranh giới trong sáng tác và tiếp nhận.

Sự ra đời của văn học mạng, của hình thức sáng tác và xuất bản trên mạng đã hạ bệ xuất bản truyền thống, khiến nó - mặc dù vẫn còn chức năng hợp thức hóa các văn bản, nhưng không còn giữ vị trị độc quyền nữa. Văn học mạng giành được quyền tồn tại song song với văn học in giấy, nó lấn lướt hòng chiếm lấy thị phần, độc giả và người viết đủ thế hệ; càng ngày nó càng đẩy văn học truyền thống, báo chí văn học truyền thống vào những khó khăn, thách thức mới. Văn học mạng cũng có công góp phần thúc đẩy văn hóa đọc, thay đổi quan niệm về văn học, quan niệm về xuất bản, về văn bản văn học, về đề tài văn học, ngôn ngữ văn học, theo một cách riêng, trong bối cảnh công nghệ kĩ thuật phát triển. Văn học mạng thúc đẩy các quá trình giao lưu, hội nhập, đối thoại bình đẳng; đẩy mạnh tốc độ sáng tác và tiếp nhận, lưu truyền văn chương.

Mạng internet ra đời, phát triển, phổ cập đã làm thay đổi cơ chế tạo tin, truyền tin trong sinh hoạt văn học. Người viết và người đọc không hoàn toàn phụ thuộc vào các “trạm phát thông tin” (các báo chí in, nhà xuất bản, đài phát thanh truyền thống) như trước. Tức là, nếu trước kia các “trạm phát thông tin” truyền thống giành được nhiều đặc quyền, độc quyền sản xuất và hợp thức hóa các văn bản thì bây giờ người viết có nhiều lựa chọn hơn, họ có thể tự do xuất bản, phát tán văn bản; trước kia độc giả trông chờ vào các trạm phát quen thuộc để có tin tức, để có văn bản đọc, thì hiện nay tình thế đã đổi khác, họ hoàn toàn chủ động tiếp nhận thông tin, tự do chọn lọc văn bản và tạo ra các văn bản mới tức thì. Sự ra đời, phát triển của văn học mạng làm thay đổi căn bản một thứ quyền lực mang đậm màu sắc hệ tư tưởng trong xuất bản văn học. Đúng hơn nó đang cạnh tranh về thẩm quyền bình duyệt và cho phép lưu hành văn bản với hệ thống báo chí, nhà xuất bản chính thống. Văn học mạng ra đời thúc đẩy quá trình dân chủ hóa trong sáng tác văn học, sự tự xuất bản - xuất bản tự nhân.

Sự ra đời của internet là một cuộc cách mạng đối với sáng tác, xuất bản, phê bình văn học.

Độc giả văn học mạng có thể sử dụng, kết nối, trao đổi, thu nhận và khai thác bất kỳ thông tin nào về văn học, về nhà văn, về người viết và về những người đọc khác. Sự ra đời của văn học mạng không chỉ làm thay đổi độc giả, thay đổi cách thức đọc, tâm thế, thị hiếu đọc phổ thông, mà còn tạo ra những độc giả mới tự do. Lựa chọn văn học mạng (sáng tác, tiếp nhận), trên thực tế, không đơn thuần là một lựa chọn của riêng cá nhân, đối với nhiều người là một lựa chọn có tính xã hội và có tính chính trị, một lựa chọn của thời đại và xã hội kĩ trị. Văn học mạng thu vào mình những tiếng nói từ nhiều phía, nó làm thay đổi nhận thức của công chúng về văn học, thúc đẩy quá trình giao tiếp văn học, sự đối thoại, dân chủ, bình đẳng các giá trị, quan điểm trong văn học, nó làm nảy sinh một kiểu phê bình văn học thích ứng với nó, thậm chí còn đòi hỏi những tổ chức nào đó/hoặc nhóm người có “quyền lực văn học” nào đó phải thực hiện sự minh bạch hóa, công khai hóa các cách thức tạo ra giá trị, các danh hiệu nhà văn trong đời sống văn học đương đại. Trường hợp Y Ban gần đây là một ví dụ.

Nhưng ở một phía khác, nó gần như vẫn nằm ở ngoại vi các nghiên cứu hàn lâm, vẫn không được giới học thuật hàn lâm chính thức thừa nhận như một văn bản đáng tin cậy, có giá trị nghệ thuật; cùng lắm văn học mạng chỉ được nhắc đến như một hiện tượng còn nhiều vấn đề cần bàn thảo, giải quyết.

Bàn về văn học mạng đông đảo nhất vẫn là giới sáng tác và giới truyền thông, xuất bản. Bởi vì nó liên quan trước hết đến họ. Thời gian gần đây, giới quản lí ngày càng quan tâm hơn, nhưng họ vẫn nhìn văn học mạng thiên về góc độ định chế, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực, những mối nguy hiểm tiềm tàng về mặt tư tưởng, trật tự. Điều này có lý của nó.

So với trước kia, hiện giờ người ta không còn nghi ngờ về sự tồn tại, cũng gần như không bàn về tính ảo của văn học mạng nữa. Thay vào đó, là câu chuyện về sự lớn mạnh của văn học mạng, những hiện tượng văn học mạng mới được hợp thức hóa bởi xuất bản chính thống, các văn bản được độc giả quan tâm, đón đọc, bình luận hoặc trở thành một dấu mốc quan trọng về sự phát triển của văn học; dĩ nhiên bao gồm cả câu chuyên về sự ngưng hoạt động của môt số trang mạng chuyên về văn học nghệ thuật, về những cái chết của các website, blog văn chương; đồng thời cũng có các câu chuyện về sự chuyển hướng, thiên hướng quan tâm đến các vấn đề xã hội, chính trị nóng bỏng của các website do các nhà văn, nhà thơ điều hành.

Trước kia nói đến văn học mạng người ta nhắc đến những thể nghiệm của Chuyện tình New York, Dị bản, Xin lỗi em chỉ là con đĩ, đến những tác giả trẻ Hà Kin, Keng, Trang Hạ…. Giờ đây, người ta nói thường xuyên hơn về các nhà văn lứa tuổi chín chắn, những nhà văn đã đứng tuổi, về các tác phẩm có tính ổn định hơn... đặc biệt là về tiểu thuyết 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần] của Đặng Thân. Đặng Thân được miêu tả nổi lên như một hiện tượng đáng chú ý nhất, chẳng những của văn học mạng mà của văn học Việt Nam nói chung, về phương diện cách tân nghệ thuật. Trước 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần], ngoài một số tác phẩm văn học mạng của nước ngoài được dịch, xuất bản ở Việt Nam, ngoài những Ma Net, Ký ức vụn, văn học mạng chưa có một địa vị vẻ vang như thế, bắt đầu đến tiểu thuyết của Đặng Thân, văn học mạng trở thành nhân vật điển hình (với những thay đổi tận gốc rễ) của văn học hậu đổi mới. Tất nhiên, đấy là ý kiến một phía. Phía còn lại thì xem 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần] như một hiện tượng đáng ngờ, một tác phẩm trung bình được đánh giá quá cao, vị trí vẻ vang của nó chủ yếu do truyền thông dựng lên.

Sự tồn tại, tiếp nhận, lưu truyền của văn học mạng hiện nay đang đặt ra rất nhiều vấn đề.

Thứ nhất là vấn đề chủ thể hóa. Văn học mạng xuất hiện cùng với các blog, các trang web cá nhân, với không gian tư, con người tư, với cá nhân, cá tính, với hệ tư tưởng tự do, dân chủ, sự đổi mới loại hình thông tin và nền văn hóa đại chúng. Tiếc rằng vấn đề này đến nay vẫn chưa được phân tích, lí giải thấu đáo.

Thứ hai là vấn đề bản quyền. Việc xâm phạm bản quyền của các nhà văn trên môi trường mạng internet diễn ra phổ biến, không thể kiểm soát, không dễ ngăn chặn nổi. Điều này có nguyên nhân từ nhiều phía. Chuyện kéo văn bản trên mạng xuống để dịch rồi in báo chí, thành sách được làm công khai và gần như được ủng hộ ngầm. Chính báo chí, thậm chí cả các đơn vị làm sách cũng làm ngơ vấn đề tác quyền khi tuyển chọn, in ấn, phát hành một số văn bản; ngược lại nhiều đơn vị làm sách cũng bị không ít website nhanh chóng mạng hóa, điện tử hóa các văn bản sách vừa in, để đăng tải, phát tán, khai thác thu lợi trên mạng internet, trên các thiết bị điện tử.

Tâm lý sử dụng miễn phí, khai thác của chùa trên mạng vẫn còn khá thịnh hành ở Việt Nam, cùng với nó là ý thức thỏa hiệp, coi nhẹ luật bản quyền, lợi ích của chính người sáng tác; thêm vào đó là việc các định chế về lưu truyền, sử dụng văn bản văn học mạng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, điều chỉnh, hoặc chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn. Đấy là những nguyên nhân khiến cho hiện tượng vi phạm bản quyền vẫn tràn lan, có dấu hiệu ngày càng tăng.

Vấn đề thứ ba của văn học mạng là chất lượng, độ chính xác của văn bản. Văn học mạng là thứ văn học bất định, có thể được thường xuyên viết lại, một thứ văn học dang dở, đang hình thành và cũng vì nó thường được đăng tải một cách tự do, chóng vánh, không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nên các văn bản hay có những sai khác. Văn học mạng có rất nhiều dị bản. Đọc và tham khảo văn bản trên mạng, vì thế, cần hết sức thận trọng và phải luôn kiểm tra độ chính xác.

Vấn đề thứ tư là văn hóa trao đổi, tranh luận của các chủ thể khi tham gia đời sống văn học trên mạng, thẩm quyền tham gia sáng tạo và phê bình văn học mạng. Sân chơi văn chương mạng internet thường được điểu khiển bởi một tác giả, nhóm tác giả nhất định; trong các trường hợp đó thì người đọc được tương tác, tham dự đến mức độ nào; giới hạn, thẩm quyền của các chủ thể tham gia được định đoạt bởi nguyên tắc, tiêu chí nào… v.v…. Đó là những vấn đề gợi nhiều suy nghĩ, chưa có tiếng nói, cách giải quyết thỏa đáng.

Văn học mạng cũng thu hút sự quan tâm của chính người viết về bản thân họ, qua những phản hồi, bình luận, cảm nhận, trao đổi tương tác của độc giả tham dự.

Các sản phẩm văn chương một khi xuất hiện trên mạng, có thể làm nảy sinh sự tiếp nhận - phản ứng có tính dây chuyền. Tính chất dây chuyền của sự tiếp nhận văn bản văn chương mạng được bộc lộ qua tính chất tương tác, hoặc kết nối giữa các chủ thể, các website với nhau. Đi liền với sự tương tác, kết nối vốn đặc trưng cho không gian mạng, thường xuất hiện hàng loạt các ý kiến, các “nước cờ - phát ngôn” mà phần lớn không thể xác định được địa chỉ, danh tính chính xác. Những “ý kiến” “nước cờ - phát ngôn” này có thể phủ dày một lớp huyền thoại về tác phẩm văn chương, về người sáng tạo ra nó, thậm chí cả về người đọc nó. Nhiều người đã tận dụng mọi ưu thế của mạng internet, để chẳng những thoát khỏi hình thức kiểm duyệt, mà còn để quảng cáo, lăng xê bản thân mình; đáng chú ý có trường hợp còn lợi dụng, kích động, chia rẽ, lật đổ các thần tượng văn nghệ, các giá trị cổ điển, giễu và nhại các văn bản truyền thống. Không ít người biến hình thức công bố văn chương trên mạng thành một phòng thí nghiệm, có chức năng đo kiểm phản ứng tức thì của độc giả, để hoặc tự nuôi dưỡng một nguồn khoái cảm nào đó, hoặc chỉ nhằm vào việc làm sao cho các sản phẩm văn chương ấy đáp ứng được thị hiếu đọc - nghe - xem - chơi của độc giả sành mạng, trước khi cho chúng xuất hiện chính thức trên mặt giấy. Văn học mạng là một hiện tượng đáng chú ý về nhiều mặt của thế kỉ XXI.

Tác giả: Mai Vũ

Nguồn tin: Văn nghệ trẻ

 Từ khóa: văn học mạng

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây