Khi văn chương "mắc cạn" nơi người đọc

Thứ tư - 27/11/2013 20:14 2.991 0

Khi văn chương "mắc cạn" nơi người đọc

Chắc hẳn, mỗi khi hạ bút cho dấu chấm cuối cùng - khai sinh tác phẩm nghệ thuật của mình - các nhà văn đã nghĩ đến những điều thiêng thiêng và nghiêm túc lắm. Nào là từ bến bờ này sẽ “hạ thủy” một “ý thức nghệ thuật mang tinh thần đối thoại”; nào là “mã nghệ thuật” (M. Markov); nào là trao sinh mệnh tác phẩm cho “người đồng sáng tạo” (M.B. Khrachenco)… nhưng kì thực, văn chương đang gặp phải những lần “mắc cạn” rất trớ trêu trước khi ra được với biển lớn là kho tàng văn chương nhân loại.

Đầu tiên, phải kể đến lần mắc cạn là những “quả quyết” bằng sự rũ bỏ thái quá với thuộc tính của văn chương. Nhìn vào cách anh Độ trong Đôi mắt của Nam Cao lập ngôn cũng đủ thấy thời điểm đó có những cách nhìn văn nghệ khác với sự tĩnh tâm của văn học đổi mới sau này như thế nào. Độ từ góc nhìn của một nhà văn được lột xác thành anh “tuyên truyền viên nhãi nhép” nhìn Hoàng với những quan niệm trái chiều. Trước khi bàn đến diện mạo và cách kể của Độ, chúng ta cần phải giới thuyết một điều rằng: tuyên truyền viên lúc đó là biến thể của nhà văn, là một cách hiểu (dùng) nhà văn. Trước khi có sự đối lập về lập trường, đường lối cách mạng thì giữa hai người bạn còn có sự đối kháng về cách làm văn chương: Nào là khi Độ nhìn Hoàng: “Tôi thầm rủa sự tình cờ sao lại xô đẩy anh về đây cùng với bằng ấy thứ cặn bã của giới thượng lưu trí thức”; còn Khi Hoàng nhìn Độ: “Tôi chẳng có việc gì làm, lắm lúc cũng buồn. Nhưng công tác với những người như vậy thì anh bảo công tác làm sao được? Đành để các ông ấy gọi là phản động.” Giữa thời đại văn chương hướng đến quần chúng, đến chủ thể của sức mạnh đồng khởi, tổng khởi thì cái cách vỗ đùi mà xướng lên “Tiên sư anh Tào Tháo” kia mới là sự rơi rớt đáng thương làm sao. Nhà phê bình Hoài Thanh - người một thời từng tạo lập một cho Thơ mới một chỗ đứng vững chắc trong lòng người đọc - giờ chẳng cũng bài bác những “ngắm rớt”, “mộng rớt”, “buồn rớt” của chính những thi nhân Việt Nam đó sao. Và thế là, cuộc đúng độ mới - cũ, “rớt” và không rớt giữa những người cầm bút bỗng dựng nên bức tường ngăn cách giữa họ. Tây Tiến của Quang Dũng trở thành chiến binh lạc lõng bởi chẳng nhìn ra đâu là công -nông- binh, là số đông ào lên như thác lũ. Những “hội đuốc hoa”, “dáng kiều thơm” chới với không đến được với những người yêu văn chương thực sự. Họ sợ đọc thơ ấy sẽ quên khuấy hiện thực thời đại ư? Không, phải là sợ chệnh hướng của “một thời đại mới trong thi ca” khi được nói về chính số phận dân tộc mình bằng những hình thức ngôn ngữ thuần chất nhất. Để rồi từ đó, những kiểu thơ như Tây Tiến bỗng dưng biến mất hay sẽ mãi mãi chết yểu trong quản mực không dám tuôn ra đầu ngọn bút để cất thành lời.

Lần mắc cạn thứ hai của văn chương Việt do chính sự thay đổi hoàn cảnh xã hội và nhịp sống. Nếu như trong những lần khởi sắc trước là sự tác động từ văn hóa mẫu quốc Pháp, của khối XHCN thì đến văn học đổi mới là sự tự thân như cái rùng mình mạnh mẽ như người bị bóng đè thoát ra ngoài mộng mị. Xã hội đổi mới mau lẹ nhưng còn văn chương? Bao giờ văn chương cũng phải có một lộ trình như một tất yếu. Có khi là năm mười năm, nhưng cũng có khi chỉ là ở dòng chủ lưu, ở đại đa số chứ chưa triệt để, phổ dụng. Và thế là, không ít người đọc dị ứng với những trang viết “trần trụi” lập luận của Nguyễn Huy Thiệp. Chẳng biết khi thác về chín suối, người lính già tiên phong Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm điều gì vào tinh thần tự tra vấn, lục vấn để tự đó mở mang tâm hồn chứ không phải dừng ở việc mở những mổ xẻ của cuộc sống hiện đại như suy thoái đạo đức. Chuyện “không có vua” đã mở ra cách nhìn mới về những chuẩn mức xã hội mới được thiết lập bằng các yếu tố động. Ấy là các giá trị được nhìn nhận từ các nhân vật có nền tảng văn hóa khác nhau, cách tiếp cận văn hóa khác nhau, kiểu như: “Triết học là thứ xa xỉ của bọn mọt sách. Chú có thấy cái chuỗi hạt nhựa đeo cổ của chị Sinh không. Nó là triết học đấy” (Không có vua - Nguyễn Huy Thiệp).


(Ảnh Internet)

Những tưởng, cuộc “đại phẫu tâm hồn” đó sẽ loại bỏ những khúc mắc bấy lâu của tâm hồn, “nhất thống” được những vùng thị hiếu bấy lâu loạn lạc. Nhưng đâu ngờ lại gặp phải lực cản từ chính sự e ngại của người đọc với những gì gọi là “quá táo bạo”. Ngay đến Nguyễn Minh Châu, người từng một thuở hồ hởi với khuynh hướng sử thi cũng bị nhìn bằng con mắt lạ: “Còn nhớ khi các truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu xuất hiện trên báo và in thành sách - thoạt đấu chưa có được sự nhìn nhận nhất trí, bởi vì người ta chưa nhận ra ngôn ngữ nghệ thuật riêng biệt của nhà văn. Các “khoá” quen thuộc hình như không giải được “mã” của chúng” (Trần Đình Sử).

Vậy là, một hướng đi mới mẻ tưởng phải được khai phá để “đi nhiều thì thành đường”. Thế mà lại tạo ra một vết xe đổ bởi tính sức công phá mạnh mẽ của tinh thần đổi mới toàn diện và căn bản. Mỗi tác phẩm không còn trùng khít với một sáng tác mà là một sự khai quật, lục lọi ngược về cội rễ của văn hóa, lịch sử và mĩ cảm của dân tộc. Khuôn thước “con người”một lần nữa được các nhà văn phục dựng. Từ “bi kịch cự tuyệt quyền làm người” ở Chí Phèo của Nam Cao đến thân phận tình yêu bị vùi lấp trong những biến động lịch sử ở Kiên (Nỗi buồn chiến tranh-Bảo Ninh) cũng đều là một hành trình quy chiếu vào khuôn thước đó. Tuy nhiên, sự cồng kềnh, bề thế của quan niệm này bị mắc cạn bởi vì chạm đến những kị húy của quan niệm văn hóa và lịch sử. Dẫu biết rằng ngôn ngữ đối thoại của nhân vật chỉ là những công cụ khám phá chiều sâu tư tưởng, nhưng đã có một thời, mỗi khi bắt gặp tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Việt Hà, Phạm Thị Hoài… người ta lại chép miệng: Âu cũng chỉ là “món nộm suồng sã”.

Lần mắc cạn thứ ba chính là số phận của những con thuyền văn hiếm hoi dám ra với biển lớn văn chương. Dù phong trào viết những năm gần đây đang rầm rộ trong giới tri thức nhưng xét ở tầm tư tưởng thì vẫn chỉ có rất ít nhà văn thoát ra khỏi những phản biện xã hội gay gắt nhưng đơn giản, tức thời. Đầu thế kỉ XXI, người mẫn cảm văn chương rỉ tai nhau về một Nguyễn Ngọc Tư thuần hậu, mộc mạc. Chị tạo được chỗ đứng từ Ngọn đèn không tắt, nhưng rồi chính người yêu văn chị lại kịch liệt phê phán một Cánh đồng bất tận trần trụi, bi thảm. Cho đến khi gắn những sáng tạo đó với Nguyễn Hoàng Diệu, Vi Thùy Linh chợt thấy rõ hơn sự gia trưởng phụ quyền trong quan niệm văn chương bấy lâu nay. Cách nhìn văn chương một chiều, một điểm tựa, một ý thức đã thực sự tạo nên rào cản như thế.

Không hẳn tác phẩm nào khi mới ra đời cũng nhận được sự tán đồng của người đọc. Lịch sử nghệ thuật cũng từng chứng kiến những họa phẩm nổi tiếng (đời sau) bị xếp xó; những nhà văn dẫu đã thành người thiên cổ còn bị vua hạch tội như Nguyễn Du. Tuy nhiên, dù ít hay nhiều thì sự ngại thay đổi trong quan niệm đọc đã tác động không nhỏ đến sự thành bại của các tác phẩm, khiến lịch sử tiếp nhận văn chương phải có những khúc quanh dị thường, khiến những trang viết ấy không được phăng phăng tiến ra biển lớn văn chương khu vực và thế giới.

Tác giả: Phương Mai

Nguồn tin: Văn học quê nhà

 Từ khóa: văn chương

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây