Tọa đàm "Quyển sách thay đổi cuộc đời"

Thứ bảy - 21/12/2013 01:56 8.603 0
Trong lúc bạn bè ngược xuôi buôn bán thì ông lại dành toàn bộ tiền có được để mua tới 200 cuốn sách về nhà nghiền ngẫm. Nhạc sĩ Trần Tiến cho rằng giới trẻ ngày nay đang có xu hướng thích lướt Facebook hơn là đọc sách.

Buổi tọa đàm "Quyển sách thay đổi cuộc đời" được tổ chức sáng 7/12 tại TP HCM đã "nóng" ngay từ đầu khi MC Quỳnh Hương nêu chủ đề giới trẻ hiện nay có còn yêu sách không hay rất "lười" đọc. Chủ đề này đã nhận được các ý kiến của giới chuyên gia, khách mời có mặt ở buổi tọa đàm. Đặng Quỳnh Mai Anh, sinh viên Đại học Ngoại thương, đại biểu Việt Nam duy nhất tham dự Hội nghị thượng đỉnh thanh niên thế giới 2012 tại London và cũng là một trong bốn vị khách mời của chương trình, khẳng định đây là thực trạng tồn tại trong không ít bạn trẻ.

toa-dam-1-JPG-5529-1386590217.jpg

Hơn 200 bạn trẻ đã đến tham dự chương trình tọa đàm và bày tỏ quan điểm về sách, trao đổi sôi nổi với các vị khách mời. 

"Ngay chính em và nhiều bạn bè chỉ xem và "Like" những status ngắn gọn trên Facebook, còn những status dài thì chỉ lướt cao lắm đến nửa chừng chứ đừng nói đến việc đọc những cuốn sách dày hàng trăm trang. Điều này cũng dễ hiểu khi sinh viên bận rộn bài vở và có nhiều thông tin hấp dẫn khác từ báo mạng có thể đọc miễn phí hàng ngày", Mai Anh chia sẻ. 

Nhà văn Nguyễn Danh Lam đồng tình rằng không chỉ các bạn trẻ mà ngay cả anh và nhiều người thuộc giới trung niên khác vẫn thích vào Facebook hay lướt web đọc tin mỗi ngày. Nhưng với anh Facebook hay những thông tin trên mạng chỉ là "quà vặt" để dành ăn chơi còn món ăn chính vẫn phải là sách.  

"Bạn trẻ thích các thông tin trên mạng, xem đó là món khoái khẩu vì nó rất hợp khẩu vị với họ. Tuy nhiên nếu chỉ chăm chăm cho một món thì sẽ dễ dẫn tới mất cân bằng dinh dưỡng. Vì vậy cần điều chỉnh để tạo nên một "thực đơn" hợp lý, giúp tạo được thói quen tốt trong văn hóa đọc cho các bạn trẻ", nhà văn Danh Lam hài hước nói. 

Cùng tham gia chương trình, nhạc sĩ Trần Tiến cho biết việc đọc sách tùy thuộc vào sở thích của từng người. Có người ngay từ nhỏ đã thích đọc, nhưng cũng có người chỉ thích quan sát, lắng nghe để thấu hiểu và tìm được chất liệu cho cuộc sống của mình. "Tất nhiên đọc sách vẫn tốt hơn. Nhưng một khi đã đọc thì phải nghiến ngấu cho bằng được, đọc xong mới thôi. Không có thì phải mượn sách về và đọc cho đến nơi đến chốn, phải thấu hiểu, đừng để đọc sách như thầy bói mù xem voi", nhạc sĩ nhấn mạnh. 

toa-dam-3-JPG-3793-1386590217.jpg

Các bạn trẻ rất hưởng ứng những câu trả lời dí dỏm, hài hước nhưng rất sâu sắc của 4 vị khách mời gồm MC Quỳnh Hương, nhà văn Nguyễn Danh Lam - biên tập viên báo Mực tím, nhạc sĩ Trần Tiến và bạn Đặng Quỳnh Mai Anh (thứ tự từ trái qua phải). 

Ông cho biết để có một Trần Tiến nhạc sĩ hôm nay thì không thể thiếu sách. Năm 27 tuổi ông đã vào Sài Gòn và gặp được "quới nhơn" chỉ cho 200 đầu sách nên đọc. Thế là trong khi bạn bè ngược xuôi buôn bán thì ông khệ nệ mua và đem 200 cuốn về nghiền ngẫm, đọc không phải để trở thành nhà văn mà đọc vì "thèm cái mình chưa biết", để thay đổi tư duy từ đam mê khoa học bước sang lĩnh vực nghệ thuật. Ngay cả khi trở thành nhạc sĩ ông cũng phải đọc rất nhiều để có chất liệu sáng tác. Ví dụ để có vài câu dân ca lắng đọng trong những bài hát của mình, ông đã đọc hàng nghìn câu hát dân ca đủ thể loại mới rút tỉa được những câu tâm đắc nhất vào tác phẩm.

Ông cũng cho rằng thời của ông nhiều người mê sách hơn vì sách lúc đó không có quá nhiều "đối thủ" cạnh trạnh như truyền hình, Internet hay các chương trình giải trí sôi động như bây giờ. "Nhưng nhiều người khi đó sở hữu cả tủ sách chưa chắc đã đọc hết cuốn nào sách, có thể họ đem trưng bày ra đó chỉ để chứng tỏ mình là người "có chữ" mà thôi", nhạc sĩ chia sẻ.  

Cô sinh viên Mai Anh rất tâm đắc với ý này của nhạc sĩ Trần Tiến vì cũng từng mắc "chứng bệnh" mua sách về chỉ để trưng trên kệ hay mang theo "làm màu" lúc đi uống cafe hay dạo phố với bạn bè. Nhưng cái nhìn về sách đã thay đổi hoàn toàn khi Mai Anh được một người bạn thân kể về cuốn sách "Một mình ở châu Âu" mà người này vừa đọc xong.  

"Cảm giác thật khác lạ khi chị ấy kể xong, gấp cuốn sách lại và nhắm mắt hòa mình vào mạch truyện như đang là nhân vật chính rảo từng bước chân trên đường phố châu Âu để hưởng tiết trời lạnh giá, cùng trò chuyện với mọi người xung quanh và theo đuổi cuộc phiêu lưu không ngừng", Mai Anh xúc động nói. Người bạn khuyên khi đọc đến đoạn hay nên dừng lại, nhắm mắt và tưởng tượng khung cảnh nơi ấy, cùng hòa vào bối cảnh câu chuyện để có được cảm xúc thật sự.  

Mai Anh nhận xét không phải nội dung câu chuyện đã khiến cô cảm động mà chính cách truyền cảm xúc từ một người đã đọc tác phẩm cho một người chưa từng liếc qua trang nào có thể đồng cảm với mình. "Đây thực sự mới là ý nghĩa mà sách mang lại, nó như chiếc cầu nối giúp mọi người gần gũi với nhau hơn và em đã áp dụng cách đọc này vào nhiều quyển sách sau này và cảm thấy tâm hồn mình giàu hơn nhiều, cảm thấy mình quyến rũ, lãng mạn và thông thái hơn. Em cũng bắt đầu viết sách từ đó", Mai Anh tâm sự.

Nhà văn Danh Lam chia sẻ thực sự để truyền cảm hứng đọc đến người khác là một việc rất khó khăn nhưng không phải là "bít cửa". Đơn cử như trường hợp chính cậu con trai của anh rất mê chơi game và truyền hình mà không hề ngó ngàng gì đến sách. Nhà văn đã dành thời gian nói chuyện cùng con, kể những câu chuyện hay nhưng đến đoạn gay cấn nhất thì dừng lại và nói con có thể tìm thấy diễn tiến tiếp theo trong cuốn sách này. Hay nhiều khi chở con đi chơi, anh hỏi bâng quơ "Con có biết vì sao mặt trời lại sáng không? Tại sao nước biển lại xanh?...". Khi cậu con trai tò mò thì anh giới thiệu tiếp những cuốn sách khoa học để chú bé tự tìm hiểu. Cứ như vậy niềm vui đọc sách đến với cậu bé một cách tự nhiên và lâu bền.

Nhiều bạn trẻ cho rằng tình yêu với sách vẫn được giới trẻ trân trọng nhưng vì "tình phí" quá cao nên không thể tiếp cận với những cuốn sách mình yêu thích. Vì vậy nhiều bạn chọn giải pháp tình thế là tải thật nhiều các tác phẩm trên mạng về máy tính để dành đọc dần. Nhạc sĩ Trần Tiến khuyên đối với những vấn đề bạn trẻ cần đọc để lấy thông tin một cách nhanh chóng có thể chọn sách kỹ thuật số. "Nhưng với những cuốn sách sâu sắc, đầy cảm xúc nên chọn sách giấy sẽ dễ cảm nhận, sau những con chữ trên trang giấy là cả một thế giới kích thích trí tưởng tượng chứ không vô hồn như trên màn hình máy tính", nhạc sĩ nói. 

Còn đối với nhà văn Danh Lam, đọc sách giấy luôn cho anh nhiều cảm xúc ngay từ mua từ hiệu sách đến lúc mở ra nghe tiếng giấy loạt soạt, thưởng thức mùi giấy mới... Nhưng từ khi dùng thiết bị đọc sách điện tử thì anh cũng cảm nhận được sự tiện lợi của công nghệ mang lại. "Sách giấy hay sách điện tử đều có thế mạnh của nó. Vấn đề là bạn biết cân bằng như thế nào để mang lại lợi ích cho mình", anh nói. 

Kết thúc buổi tọa đàm, các vị khách mời nhận xét sẽ không có cuốn sách nào có thể thay đổi cuộc đời người đọc. Tuy nhiên quá trình đọc sách sẽ khiến cho họ có được những tư duy mới, cách nhìn và lối suy nghĩ mới, qua đó sẽ hiểu được những giá trị mà sách mang lại đối với cuộc sống mỗi người để từ đó xây dựng thói quen đọc sách hàng ngày.

Chương trình "Quyển sách thay đổi cuộc đời" do Samsung khởi xướng từ năm 2012. Năm nay chương trình có thêm sự đồng hành của Báo Tuổi Trẻ, NXB Trẻ, Nhà sách Fahasa nhằm khuyến khích tinh thần đọc sách trong cộng đồng, xây dựng cộng đồng yêu sách đông đảo, lớn mạnh. Các hoạt động trong chương trình gồm Thư viện thông minh; tọa đàm về sách; cuộc thi thiết kế clip giới thiệu sách hay và cuộc thi viết về quyển sách yêu thích. Xem thông tin tại website:www.thuvienthongminh.vn, Facebook: www.facebook.com/quyensachthaydoicuocdoi.


Tác giả: Minh Trí

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây