Sách về thời đấu tranh sôi nổi của sinh viên Sài Gòn

Thứ năm - 21/11/2013 23:49 4.583 0
Cuốn “Hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình” không chỉ kể về cuộc đời tác giả Nguyễn Hữu Thái mà còn làm sống lại những năm tháng đấu tranh cách mạng sôi nổi của sinh viên Sài Gòn.

Hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình là cuốn sách ghi chép lại những sự kiện trong đời của Nguyễn Hữu Thái. Đối với giới trẻ ngày nay, Nguyễn Hữu Thái là cái tên ít được nhắc tới, nhưng đối với lớp trẻ Sài Gòn cách đây 50 năm, ông được nhiều sinh viên biết đến. Vì thế trong buổi lễ ra mắt sách diễn ra tối 6/11 tại Hà Nội, nhiều bậc cao niên, học giả cùng thời với Nguyễn Hữu Thái đã tới chúc mừng ông. 

Nguyễn Hữu Thái sinh năm 1940 tại Đà Nẵng, học Trường Kiến trúc và Luật khoa, Viện Đại học Sài Gòn. Ông hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh của thanh niên, sinh viên, học sinh miền Nam từ 1960 tới 1975 và được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963 -1964). Từ năm 1990 đến 1995, ông sinh sống và nghiên cứu ở phương Tây, sau đó quay về làm việc trong nước, nghiên cứu, viết sách báo. Hoạt động cách mạng nhưng do những quan hệ với nhiều người Mỹ mà ông không được tin tưởng. Mãi đến năm 2000, lý lịch của Nguyễn Hữu Thái mới được làm sáng tỏ. 

body1-7772-1383820493.jpg

Tác giả Nguyễn Hữu Thái (tóc trắng) trong buổi giao lưu ra mắt sách.

Cuốn sách mang tính tự truyện, kể lại cuộc đời Nguyễn Hữu Thái. Các chương, đoạn của sách được chia gắn liền với những sự kiện quan trọng của lịch sử dân tộc. Đặc biệt, cuộc đấu tranh chính trị của ông là tiêu biểu cho đường hướng hoạt động, đấu tranh của nhiều sinh viên Sài Gòn thời bấy giờ.

Trong vai trò Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn, Nguyễn Hữu Thái tổ chức và tham gia nhiều hoạt động sôi nổi như kêu gọi sinh viên xuống đường, biểu tình phản đối Mỹ can thiệp vào nội bộ Việt Nam, phát động đấu tranh sinh viên chống tướng Nguyễn Khánh… Đỉnh điểm của các hoạt động mà Nguyễn Hữu Thái và các sinh viên tham gia đó là cuộc biểu tình chống tướng quân phiệt Nguyễn Khánh năm 1964.

Sau khi nhìn lại quá khứ và xác định lập trường, Nguyễn Hữu Thái liên hệ với Mặt trận Giải phóng và được chấp thuận. Trong mê hồn trận chính trị ở Sài Gòn, để tham gia cách mạng mà vẫn sống sót, người thanh niên Nguyễn Hữu Thái phải sống giữa hai làn đạn. Ban ngày ông làm công tác của một sĩ quan quân đội Sài Gòn, nhưng ngoài giờ hoặc khi về nhà thì thực hiện những công tác bí mật khác. Ông bị chính quyền Sài Gòn bắt giam, rồi được thả tự do năm 1974, sau đó tìm cách nắm đầu mối hoạt động trở lại với Mặt trận Giải phóng. Năm 1975, Nguyễn Hữu Thái hoàn thành nhiệm vụ nội thành cuối cùng của Cách mạng, vào Dinh Độc Lập giúp treo cờ giải phóng và giới thiệu lời đầu hàng của tướng Dương Văn Minh trên đài phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975.

500-4215-1383820493.jpg

Sách Hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh tới hòa bình.

15 năm sau đó, trong không khí của chiến dịch cải tạo đất nước, Nguyễn Hữu Thái trở thành cán bộ thanh niên tham gia vào công cuộc cải tạo. Những năm 1980 – 1990, Việt Nam bị các thế lực thù nghịch bao vây, bị chia rẽ và phân tán. Nguyễn Hữu Thái viết trong sách: “Thảm kịch của đất nước cũng là bi kịch của gia đình tôi”.

Những ghi chép về cuộc đời của Nguyễn Hữu Thái trong cuốn sách mang tính sử liệu cao. Mỗi phần lại có nhiều ảnh mình họa, như ảnh tác giả tham gia biểu tình, kêu gọi sinh viên xuống đường, cùng nhiều ảnh hoạt động sôi nổi của phong trào sinh viên mà tác giả còn gìn giữ được. Đọng lại sau tất cả là phong trào sôi nổi của sinh viên yêu nước Sài Gòn, là hành trình gian khó của những sinh viên bình thường tìm đường đến với những lý tưởng và mục tiêu cao đẹp của giải phóng dân tộc, cách mạng xã hội.

Nguyễn Hữu Thái cho biết, ông viết cuốn sách này không phải để biện hộ cho việc mình từng bị nghi ngờ, hoặc để đưa ra cái tôi bản thân, mà chỉ muốn ghi lại đoạn đường đã trải qua, trùng hợp với giai đoạn khó khăn mà cũng kiêu hùng nhất của lịch sử dân tộc trong cuộc đụng đầu với phương Tây. Ông nói: “Tôi viết cuốn sách này đặc biệt dành cho các bạn trẻ. Hy vọng tôi trình bày được cho các bạn những hình ảnh sống động về Chiến tranh và Cách mạng ở nước ta, gồm những nỗi niềm của cả mấy thế hệ người mình đã trải qua trong máu lửa và nước mắt”.

Tác giả: Hiền Đỗ

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây