Nghệ thuật sáu và tám

Thứ hai - 12/07/2010 17:32 1.837 0

Lễ trao giải Cuộc thi thơ lục bát "Ngàn năm thương nhớ"

Lễ trao giải Cuộc thi thơ lục bát "Ngàn năm thương nhớ"
Gần đây thơ lục bát được đề xuất công nhận làm quốc thơ, đề nghị lập hồ sơ xin UNESCO công nhận là di sản thế giới… Nhận được sự quan tâm của độc giả, chúng tôi xin đăng bài viết của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, người giành giải trong cuộc thi thơ Lục bát 6+8=99 do báo điện tử Tổ Quốc tổ chức, để mọi người thêm hiểu về thể loại thơ dân tộc độc đáo này.

1. Khi con người có đời sống tâm hồn để cảm giao, tương tác với thiên nhiên, với cuộc sống quanh mình, đồng nghĩa nỗi buồn vui xuất hiện. Nỗi buồn vui, niềm xúc cảm hẳn là một cuộc hành trình không hề ngắn trong tâm hồn con người. Bởi những ý niệm, khái niệm mỏng manh mà cao quý này chỉ có thể có trong não trạng, tâm tư con người khi con người nhận biết được thế giới trong tính cộng cảm, cộng sinh giữa con người với tất cả. Nỗi buồn dìu dịu và sâu nặng. Niềm vui se sẽ và sâu sắc. Và từ cơ sở tiên đề đó Đời Sống Con Người bắt đầu cất lên tiếng nói.

Tiếng nói - hiểu theo nghĩa âm thanh đơn tính, có từ bao giờ trong con người và nó xuất hiện đồng thời hay trước tiếng hát? Hẳn tiếng nói bản năng có từ trước, sau tiếng hát đầy cảm xúc và lý tính mới hình thành. Và cũng từ giai âm ngân nga nơi thanh quản, trong vòm ngực mang tên là Tiếng hát đó cũng đồng nghĩa với một tên gọi, sau này văn học thành văn phân loại làm một loại hình nghệ thuật là dân ca, ca dao. Vâng, và cũng xin được thưa rằng, ở phương trời nào không hay chứ ở phương trời, khoảng đất có tộc người Lạc Việt sinh sống thì tất thứ giai âm dân ca, ca dao đầu tiên đó có một giai âm đồng xuất hiện như một thuộc tính văn hoá tự nhiên của tộc người, mang vần điệu câu sáu câu tám.

Thể thơ - dân ca câu sáu câu tám vì sao lại có cấu trúc vậy, nguồn gốc của nó từ đâu, từ bao giờ? Người Chăm cũng có thơ lục bát. Thái Lan được xem cũng có thể thơ 6 - 8, song thể thơ này đã không được phát triển có tính phổ quát cao ở nước Thái, vả lại văn hoá Thái Lan và Chăm, có sách nói ít nhiều chịu ảnh hưởng dòng văn hoá Phù Nam, chảy từ cơ sở văn hoá phương Nam - miền Nam nước Việt. Cổ sử, còn có sách nói về chủng tộc và địa lý dân tộc Chăm, Lào và một phần diện tích phía Đông nước Thái Lan bây giờ vốn thuộc đất của người Việt. Tộc người Lạc Việt hàng ngàn năm nay được xác định và tự hào có một nền văn minh lúa nước và văn hoá của dân tộc trồng lúa nước thuộc dòng văn hoá thuộc âm, trọng tĩnh. Vì dân trồng lúa thì phải dụa vào nguồn nước, thích hợp với việc định cư trong một không gian nhất định và vì vậy là dòng văn hoá thuộc âm. (Âm - dương, trong thuyết âm dương, ngũ hành xuất phát từ sách kinh Dịch. Một cuốn kỳ thư cũng đang có nhiều ý kiến cho rằng sách của người Việt làm ra, sau bị văn hoá Trung Hoa chiếm dụng bản quyền). Theo sách Dịch, về tượng số học thì những số lẻ 1,3,5,7,9 thuộc dương, số chẵn 2,4,6,8,10 thuộc âm. Cũng theo cách tính này, hai số thuộc âm là 6 và 8 là số sinh, còn số 10,2,4 là số thành. Từ cơ sở văn hoá cổ - thời ca dao, dân ca mà xét thì thể thơ - dân ca, ca dao câu 6 câu 8 được ra đời từ nguồn gốc nền văn minh lúa nước, văn minh Văn Lang, thuộc âm, trọng tĩnh không phải là không có cơ sở.

Thế giới loài người lập thành, sinh sôi nẩy nở bởi có đàn ông và đàn bà, giống đực giống cái, nghĩa là có âm có dương. Một thời gian dài lịch sử loài nguời được thiết lập trên cơ sở Mẫu hệ. Lịch sử nước ta, thời Mẫu hệ có trước thời các vua Hùng. Xã hội con người dù xây dựng theo mô hình Mẫu hệ hay Phụ quyền, dù còn sơ khai hay đã phát triển thì cùng với sự phát triển cơ chế bộ tộc, bộ lạc, quần cư trồng trọt, săn bắt, vui chơi tất phát sinh nhu cầu bày tỏ tâm tình, biểu nộ ý nghĩ, ý thức và đến khi đó thái độ văn hoá cũng từng bước hình thành, tạo tiên đề cho một dòng chảy lớn mang tên: Dòng Văn hoá - Văn học dân gian là ca dao, dân ca xuất hiện.

Trong dòng văn học sử thành văn hay dân gian, về nghệ thuật thơ luôn có sự cách tân thay đổi. Nhất là từ đầu thế kỷ 20 trở lại đây khi sự giao thoa giũa các nền văn hoá - văn học Đông Tây trở nên rộng khắp thì sự cách tân nghệ thuật càng là một đòi hỏi lớn, tiên quyết. Cũng chính bởi vậy, từ cách nhìn này càng thêm bội phần vui mừng khi thấy đã có không ít loại hình, thể cách thơ ca đã lỗi thời, đã bị quên lãng thì thể thơ câu 6 câu 8 vẫn được yêu thích và phát triển thành dòng văn học có tính hàn lâm. Để có được sự bền vững vậy, bởi đây chính là tiếng lòng, phẩm tính tâm hồn của người Lạc Việt, là cung cách ứng xử trước thiên nhiên, vũ trụ của người Lạc Việt. Người Lạc Việt bằng khả năng mẫn cảm, tiên cảm tuyệt vời của mình khi đã lựa chọn vần điệu và biết nuôi vần điệu với những bằng trắc ngôn từ trong hệ tượng số kỳ diệu, bí nhiệm là số 6 - 8, số sinh của trời đất này. Thơ ca luôn đòi hỏi được nuôi trong những tâm hồn trong trẻo, hồn nhiên, mãi mãi ấu thơ của con người. Tượng 6 và 8 trong nghệ thuật thuộc dòng văn hoá thuộc âm, lấy số sinh để nuôi dưỡng phẩm tính ngôn ngữ, tiếng hát cho tâm hồn con người là bởi thế. Ấy quả là một tượng số học - một thể thơ Mẹ - nguồn sinh sôi nẩy nở vô cùng.

2. Trong dòng văn hoá, văn học dân gian và thành văn của nước ta thể thơ câu 6 câu 8, gọi theo âm cổ là Lục bát, là một thể thơ mang tính tạo nguồn cho sự hình thành nhiều thể loại dân ca khác. Đây là điểm vô cùng quý giá và riêng biệt khó có một thể loại văn học, thơ ca nào sánh cùng. Qua khảo sát các làn điệu dân ca thì thấy trên mười làn điệu lấy âm vận, điệu vần của thể lục bát làm ca từ và rõ ràng ở các làn điệu dân ca này mà không mượn âm vận, nhịp điệu qua các thanh bằng trắc, phù trầm trong sự lên xuống, đối đãi qua lại nhịp nhàng của câu 6 câu 8 thì khó phát triển thành điệu thức âm nhạc như đã có được. Ấy là các làn điệu dân ca quan họ, ca trù, trống quân, hát chèo, chầu văn, hát xẩm, hát đúm, hát ru con, hát giã gạo, hát gặt lúa, hát đò đưa, hát phường vải, hò Nam ai, Nam bình…cùng với một kho tàng ca dao được viết bằng thể thơ này. Bởi vậy, nói không ngoa lục bát là thể mẹ - nguồn sinh của cả một đàn con trữ tình, trường sinh bất lão. Và bội phần vui sướng cho bà mẹ lục bát, ngày nay đàn con được dưỡng nuôi từ mẹ đã tới ngày trưởng thành lớn lao, tầm vóc không chỉ giới hạn trong mảnh đất quê hương mà đã thành ra giá trị văn hoá chung của nhân loại. Đó là hai thể hát quan họ, ca trù đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể thế giới. Cũng như thi hào dân tộc Nguyễn Du từ lâu đã được vinh danh là Danh nhân Văn hoá Thế giới với sức tác thành quan trọng bậc nhất“lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” của tác phẩm Truyện Kiều và tác phẩm bất hủ này được viết lên không bởi thể thơ nào khác ngoài thể thơ Lục bát. Và không phải ngẫu nhiên thơ Việt Nam đương đại, trong số các nhà thơ nổi tiếng, được nhân dân yêu quý nhất thì phần lớn là các nhà thơ có tác phẩm thơ lục bát hay. Như Tản Đà, Nguyễn Bính, Huy Cận, Trần Huyền Trân, Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn .v.v…

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…

Từ cội nguồn văn hoá đến thể loại dân ca, ca dao và kết quả đỉnh cao: Hình thành một thể thơ dân tộc, nhịp điệu câu sáu câu tám, âm trắc khi nổi khí sắc thì thế Tày non Thái, âm bằng êm ả nhịp nhàng tựa Nguồn khởi suối sông chảy mãi khôn dừng.

Quý báu thay nhịp chuyển của 6 và 8!

Tuyệt kỳ thay điệu hồn của nòi giống Tiên Rồng!

Đỗ Trọng Khơi
Nguồn: Văn học quê nhà

--------------------------
Ghi chú:

     Có ý kiến cho rằng thể hát thơ - dân ca, ca dao lục bát có từ thế kỷ XII, và tới thế kỷ XVII mới thật sự hoàn chỉnh. Ý kiến này gần như xác nhận thơ lục bát hình thành khá muộn màng, có nguồn gốc từ văn học viết.
     Theo tôi, để nghiên cứu về thể loại thơ - dân ca, ca dao trong dòng chảy dân gian cổ là vô cùng khó có cơ sở tư liệu, khảo cứu, khảo cổ chân xác. Vì vậy tính chủ quan, ức đoán, võ đoán là khó tránh khỏi.
     Khi đọc các tác phẩm của thi hào Nguyễn Trãi, qua các bài thơ sáu chữ viết bằng chữ Nôm, bản thân tôi rất kinh ngạc về khả năng sử dụng thể thơ sáu câu của tiền nhân là vô cùng điêu luyện. Và tôi không khỏi mang ý nghĩ, thi hào Nguyễn Trãi, người của thế kỷ XV có vương vấn gì chăng với câu lục trong thể thơ lục bát khi viết nên những câu thơ sáu chữ độc đáo, sáng tạo bậc nhất kia? Thời Nguyễn Trãi lối học, thi ca trường quy chủ yếu sử dụng hai thể cách thơ ngũ ngôn, thất ngôn,(cực hiếm dụng thể lục ngôn) tuyệt cú, bát cú, đối xứng bằng trắc đã là một đòi học nghiêm khắc. Vậy sức mạnh ghê gớm nào làm nguồn lực cho thi hào đột ngột - độc hành trong cõi sáu chữ như một thế cưỡng đáp lại lối văn học trường quy đơn điệu, nô dịch bao đời? Và nếu nghi vấn này là có cơ sở văn học thì đồng nghĩa chăng, lục bát trong dân gian, trước thời Nguyễn Trãi đã là một thể thơ hoàn chỉnh, gây được sức ảnh hưởng lớn lao tới cả văn học viết - hàn lâm? Tôi xin để nỗi nghi vấn này lại đây.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây