Thiếu nụ cười trong văn học việt

Thứ năm - 12/08/2010 11:28 1.690 0

Thiếu nụ cười trong văn học việt

Các tác phẩm văn học nước ngoài thổi một luồng gió mới nhẹ nhàng vào những trang viết buồn của văn học Việt Nhiều đầu sách văn học nước ngoài được phát hành tại Việt Nam trong thời gian gần đây mang đến cho người đọc những tiếng cười đủ mọi cung bậc. Dù không phải là một câu chuyện hài hước nhưng người viết đã lồng vào tác phẩm một không khí tươi mới, hóm hỉnh, nhẹ nhàng. Trong khi đó, văn học Việt gần như đang thiếu vắng tiếng cười khi các tác giả tập trung khai thác những góc độ trầm và mang quá nhiều suy nghĩ u uẩn của con người.

Luồng gió mới từ văn học nước ngoài

Nữ văn sĩ người Mỹ Ann Brashares đặt cho tác phẩm của mình cái tên khá ngộ nghĩnh: Quần jeans may mắn (sách vừa được Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành). Cách giới thiệu mở đầu tác phẩm của nhà văn nằm trong hàng ngũ những nhà văn có sách bán chạy nhất thế giới này cũng khiến độc giả buồn cười “Ngày xửa ngày xưa có một cái quần...”. Thêm vào đó, bốn nhân vật chính cũng mang đến một không khí trẻ trung, tràn đầy sức sống khi đặt tên Cái quần Du Lịch và thành lập hội chị em với những quy ước có vẻ ngớ ngẩn về chiếc quần jeans lạ lùng. Kiểu dẫn chuyện khiến người đọc hình dung câu chuyện sẽ là những tình huống hài hước và đẫm hơi thở tuổi trẻ. Nhưng càng về sau, mỗi nhân vật đều đi theo một ngã rẽ khiến người đọc ngậm ngùi. Cái quần Du Lịch – yếu tố gây cười nhưng lại chính là một sợi dây yêu thương gắn kết tình bạn. Lối kể chuyện duyên dáng và lạc quan của Ann khiến những suy tư buồn bã của những người bạn trẻ trở nên nhẹ nhàng và trong trẻo hơn.

Câu chuyện về một cô gái trẻ chấp nhận từ bỏ tất cả để theo đuổi tình yêu trong tác phẩm Tên nói dối (M. Musierowicz) hay hành trình đi tìm chân lý của Grey trong tác phẩm Ác quỷ Nam Kinh (Mo Hayder) cũng vậy. Sau những tình tiết khá buồn cười, nhà văn người Ba Lan M. Musierowicz để cho nhân vật tự tìm ra mặt trái của sự thật và ngỡ ngàng, đau xót khi nhận ra niềm tin của mình vỡ vụn. Còn Mo Hayder cũng luôn tạo ra những suy nghĩ châm biếm hài hước ngay cả trong những tình huống quyết liệt của tiểu thuyết lịch sử kinh dị Ác quỷ Nam Kinh. Một tác phẩm khác Bắt trẻ đồng xanh (J.D. Salinger), có những từ ngữ được lặp lại nhiều lần của nhân vật chính cũng tạo thành một thói quen cười như “khởi sự, các thứ”...

Ở những tác phẩm này, các tác giả không để cho người đọc phải day dứt theo từng con chữ hay phải đau với những nghịch cảnh và những ngã rẽ không lối thoát. Nhưng khi khép lại những trang sách, suy ngẫm về giá trị của tác phẩm cũng bất chợt ùa về trong người đọc.

Dấu lặng trầm của văn học Việt

Đến với một tác phẩm văn học là đến với một chiều khác của cuộc sống - chiều của sự tĩnh lặng. Nhưng sự tĩnh lặng đôi lúc tạo một cảm giác rã rời nơi người đọc, bởi người viết mải mê lao theo một dốc đời buồn mà quên mất phía trước còn có bầu trời mang chút nắng thanh thản, yên lành.

Độc giả ngậm ngùi với tác phẩm Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng bao nhiêu thì cũng đau xót khi đến với tác phẩm Mưa ở kiếp sau của chị bấy nhiêu. Cõi người với những toan tính tàn nhẫn và tất cả những nghiệt ngã của nó gần như được thể hiện trọn vẹn trong tác phẩm quá nhiều nước mắt xót đắng này.

Cây bút Dương Bình Nguyên cũng có rất ít tác phẩm mang đến tiếng cười. Anh đến với những con chữ bằng trăn trở của một người phố núi. Những nhân vật của anh cũng mang hơi thở của núi rừng với khát vọng mãnh liệt và cả những nỗi niềm dằng dặc nhớ thương. Đọc truyện Dương Bình Nguyên, người đọc bị ám ảnh bởi những ước vọng không thể thay đổi của những mảnh đời buồn và những thao thức của tuổi trẻ về con đường mình đi. Câu chuyện về những người trẻ trong truyện dài Mắt bão của Phan Hồn Nhiên (vừa được NXB Văn Nghệ ấn hành) cũng phảng phất buồn về những vòng xoáy toan tính của cuộc sống. Nhân vật trong Mắt bão ở độ tuổi sinh viên nhưng gần như họ thiếu hẳn nét trẻ trung, vô tư mà chỉ có những đôi mắt luôn dè chừng nhau; chỉ có những trái tim chai sạn trước cuộc sống nghiệt ngã và những lối rẽ chênh vênh khi ước vọng bị cuốn trôi giữa dòng đời nhiều dông bão. Nhiều tác phẩm khác trước đó như Song song của Vũ Đình Giang, Tiếng người của Phan Việt... cũng để lại quá nhiều day dứt.

Không phải chỉ khi đến với những con chữ thể hiện nỗi đau thì người đọc mới thấy đau. Có khi, nỗi đau vọng lên từ trong tiếng cười, lắm lúc chỉ cần một nhận định giản đơn của nhân vật cũng khiến người đọc phải dừng lại để suy ngẫm.

Văn học Việt đang đi trong những trang viết buồn, gần như các câu chuyện kể đều khiến người đọc chênh vênh theo hành trình nội tâm với những chao đảo, xót xa của nhân vật. Tiếng cười vang lên trong nỗi đau không phải là tiếng cười vô cảm, lạc lõng mà chỉ là để tạo ra một sắc màu tươi sáng hơn giữa những dòng trôi cảm xúc nhiều đá ngầm. Nếu người viết lồng ghép tiếng cười nhẹ nhàng vào giữa những trang chữ, có thể người đọc sẽ không quá chìm sâu vào trăn trở về những điều nghiệt ngã của cuộc sống để hiểu rằng đời vẫn còn bao dung.

Tác giả: Tiểu Quyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây