Văn học và điện ảnh: Hái theo mùa

Thứ tư - 04/08/2010 12:45 1.800 0

Diễn viên Ngọc Ngoan (vai Nguyễn Du), ca sĩ Nhật Kim Anh (vai cô Cầm), trong phim Long Thành cầm giả ca

Diễn viên Ngọc Ngoan (vai Nguyễn Du), ca sĩ Nhật Kim Anh (vai cô Cầm), trong phim Long Thành cầm giả ca
Kịch bản phim là thể loại tương đối “trẻ” trong văn học và cũng là cầu nối giữa văn học với điện ảnh. Nhà biên kịch chuyển thể tác phẩm văn học sang phim, hay nhà văn viết kịch bản văn học, đều thể hiện sự sáng tạo và muốn lưu lại dấu ấn riêng của mình.

Vượt ra trang sách

Không ít tác phẩm văn học nổi tiếng Đông, Tây kim cổ đã được các nhà biên kịch chuyển thể sang kịch bản phim và sau đó trở thành những tác phẩm điện ảnh kinh điển. Điện ảnh Việt Nam cũng có chỗ dựa lớn từ những tác phẩm văn học Việt Nam. Điểm sơ danh mục tác phẩm phim, cho thấy các nhà văn Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên diện mạo phim qua từng thời kỳ. Đó là Tô Hoài với Vợ chồng A Phủ, Bùi Đức Ái với Một chuyện chép ở bệnh viện (phim Chị Tư Hậu); Ngô Tất Tố với Tắt đèn (phim Chị Dậu); Nam Cao với Chí Phèo, Sống mòn… (phim Làng Vũ Đại ngày ấy); Hữu Mai (Vùng trời); Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu, Những người thợ xẻ); Dương Hướng (Bến không chồng), Nguyễn Tuân (Chùa Đàn), Lê Lựu (Thời xa vắng) v.v…

Gần đây, một số tác phẩm văn học mới có sức vang động đến xã hội, tiếp tục “tạo nguồn” cho những nhà biên kịch. Truyện ngắn Trăng nơi đáy giếng của Trần Thùy Mai được Châu Thổ chuyển thể (Vinh Sơn đạo diễn) mô tả thật tinh tế và đầy bất ngờ về những diễn biến nội tâm của một người phụ nữ Huế bị phản bội. Truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư được Ngụy Ngữ chuyển thể (Nguyễn Phan Quang Bình đạo diễn).

Phim chưa ra rạp nhưng có khán giả đã so sánh ngầm các nhân vật người chồng, cô gái điếm, người vợ do các diễn viên thể hiện: Khánh Hoàng, Thanh Thủy, Cát Phượng (kịch), Dustin Nguyễn, Đỗ Hải Yến, Tăng Thanh Hà (phim). Phản ánh hiện thực, ngoài những khám phá “mảng sáng” tươi, mới của cuộc sống, nhà văn còn phê phán không ít “mảng tối” đã xuất hiện trong thời buổi xã hội chuyển đổi!

Sau tác phẩm của Phạm Ngọc Tiến được đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tái hiện trong bộ phim truyền hình Ma làng, tiểu thuyết Bí thư tỉnh ủy của nhà văn Vân Thảo đã được Trung tâm Sản xuất Truyền hình Việt Nam đưa lên phim. Mặt khác, một số truyện của Nguyễn Như Phong, Bùi Anh Tấn… mang màu sắc vụ án đầy gay cấn, đã được chuyển thể thành phim: Chạy án I, II; Một thế giới không có đàn bà… Hoặc, với Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh, truyện phim là những câu chuyện về một thuở đã qua, vừa lãng mạn, đáng yêu, vừa cay đắng đến cười ra nước mắt!

“Văn học là chất liệu phong phú của phim. Nhưng, để chuyển thể một tác phẩm văn học thành kịch bản, trước hết nhà biên kịch phải đồng cảm và tìm ý nghĩa sống thực giữa truyện và đời sống con người. Cảm hứng cũng rất cần thiết để người chuyển thể hình dung không gian, bối cảnh và tính cách nhân vật trong truyện…”, nhà biên kịch Nhất Mai chia sẻ kinh nghiệm khi chị chuyển thể tác phẩm Trôi dạt những mảnh đời của nhà văn Trần Thôi thành kịch bản phim Vịt kêu đồng (Lê Phương Nam đạo diễn, phim đoạt nhiều HCV trong giải Cánh Diều 2010).

Thiếu kịch bản phim

Hiện tại, cũng có những nhà văn “bén duyên” với điện ảnh, truyền hình và trở thành các nhà biên kịch tên tuổi. Không kể những kịch bản phim nổi đình đám của họ trước đây, công việc “hái theo mùa” có ý nghĩa khẳng định thêm sự thành công của các nhà biên kịch khi tham gia sáng tác Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Tiêu biểu, có Nguyễn Mạnh Tuấn với kịch bản Thái sư Trần Thủ Độ; Nguyễn Quang Lập với Lý Thường Kiệt; Văn Lê với Long Thành cầm giả ca…

Trong cuộc trò chuyện bên lề Đại hội Nhà văn TPHCM vào tháng 6-2010, nhà văn - đạo diễn Văn Lê cho biết, khi viết về Nguyễn Du, ông lấy cảm hứng từ bài thơ chữ Hán của nhà thơ. Đó cũng là tình yêu của ông đối với đất Thăng Long, mảnh hồn của văn hóa dân tộc và tình yêu của kẻ hậu sinh đối với đại thi hào kiệt xuất Nguyễn Du, một người luôn nặng lòng với thân phận người phụ nữ và kiếp người trước những biến thiên lịch sử… Cũng với mạch phim về đề tài lịch sử, Văn Lê “bật mí” về một kịch bản phim mới đang sáng tác. Truyện phim xoay quanh cuộc đời thú vị của một nhân vật lịch sử tiêu biểu trong cuộc hành trình mở đất phương Nam.

Sẽ còn nhiều góc nhìn khác nhau để kể tiếp về các nhà văn đã từng có tác phẩm lên phim, như Nguyễn Quang Sáng, Chu Lai, Nguyễn Khắc Phục, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Trầm Hương, Võ Phi Hùng, Nguyễn Thu Phương, Vũ Hồng, Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang, Trần Nhã Thụy, Trần Thị Bảo Châu, Trần Thị Hồng Hạnh… Một vấn đề “nóng” trước mắt là việc sáng tác kịch bản phim, việc chuyển thể tác phẩm văn học vẫn còn bỏ ngỏ trước yêu cầu lớn của xã hội và thời đại: Làm thế nào để có nhiều kịch bản phim hay, mang đậm hồn Việt?

Chặng đường sáng tác còn dài, mà mối quan hệ giữa văn học - điện ảnh vẫn là chuyện… hái theo mùa!

Tác giả: Kim Ứng

Nguồn tin: SGGP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây