Văn chương và bệnh "tự yêu mình"

Thứ năm - 05/08/2010 13:52 1.771 0

Liên tiếp những email được gửi đến các nhà văn từ "Người đưa tin" nặc danh. Ảnh minh họa

Liên tiếp những email được gửi đến các nhà văn từ "Người đưa tin" nặc danh. Ảnh minh họa
Một số nhà văn, khi hân hoan với cái thẻ hội viên thì có lẽ lại quên rằng, danh tiếng của họ trước hết và bao giờ cũng phụ thuộc vào tác phẩm.
Như đã thành thông lệ trong các năm gần đây, cứ sắp tới Đại hội của Hội Nhà văn là làng văn nước Nam lại rộn ràng, khiến một kẻ không phải là hội viên như tôi cũng phải quan tâm. Bởi quan tâm nên tôi nhận ra một điều, bên một số nhà văn đã viết bài hay trả lời phỏng vấn, bày tỏ tâm huyết với nghề, hy vọng đại hội sẽ tạo đà giúp văn học nước nhà phát triển; thì dường như với một số hội viên, mỗi kỳ Đại hội Hội Nhà văn là dịp để "xả" bức xúc, để nói ra những điều mà suốt mấy năm chẳng thấy nói ra.

"Người đưa tin" và những chuyện phi văn chương

Trên diễn đàn chính thức còn đỡ, trên một số blog hay website cá nhân thì xôm trò hơn, nhiều lời bàn ra tán vào. Mà ngoài mấy câu chuyện đại loại như bầu cử, đầu tư sáng tác, kết nạp hội viên, đi nước ngoài, đến chuyện ông này lãnh đạo hội, bà kia vào ban chấp hành, đại hội toàn thể hay đại hội đại biểu, chuyện kinh phí, chuyện họp ở đâu, ăn ở đâu, rồi làm thơ, làm vè...thì vẫn vậy, chẳng có gì mới.

Tuy nhiên, năm nay, trước Đại hội Hội Nhà văn có một điều nên coi là "mới". Đó là việc một Người đưa tin nào đó gửi đến email của nhiều nhà văn cái gọi là bản tin được đánh số cẩn thận. Đọc các bản tin, thấy một số điều có vẻ "cơ mật" nhưng chưa ngã ngũ, đang bàn thảo, chưa công bố, và chỉ người trong cuộc mới biết, được cho là dẫn lại từ các cuộc họp của Ban CH Hội Nhà văn trước Đại hội.

Kèm theo là mấy phương án dự kiến Ban CH, Tổng Biên tập, Phó Tổng BT báo Văn nghệ,... Về chuyện này, một nhà báo viết trên trannhuong.com: "Có mấy người cứ sùng sục trong các bản tin nặc danh, hết bài binh bố trận, hạ gục người này, rồi cô lập người kia. Rồi bày đặt phương án chọn người, rồi hướng dẫn cách thực hiện, bầu bán...".

Còn một nhà văn khác thì coi "đây là một bản tin nặc danh. Thái độ không đàng hoàng này có người nói không nên chấp". Đọc bản tin số 13, thấy Người đưa tin tự giới thiệu: "Chưa phải là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam và có lẽ cũng không có cơ hội nhiều để trở thành hội viên... Công việc của Người đưatin hiện nay lại gần như ngược với phẩm chất của một nhà văn... Việc điều hành một công ty chỉ mấy chục người đã làm Người đưa tin toát mồ hôi", tôi phì cười.

Phì cười vì không tin ở nước Nam ta, một người gần như "ngoại đạo" với văn học lại có thể kể vanh vách và cập nhật về mấy cuộc họp của Ban CH Hội Nhà văn? Nhưng đáng nói là qua vài dòng như thế, nhân vật Người đưa tin đã "lạy ông tôi ở bụi này", vì ngay bản tin đầu tiên đã tự giới thiệu: "Chúng tôi là một số nhà văn ở những thế hệ khác nhau sẽ đến dự đại hội thống nhất với nhau lấy một cái tên chung là Người góp ý. Nhưng rồi nghĩ lại bèn lấy tên là Người đưa tin mới chính xác. Công việc của Người đưa tin là sẽ lần lượt gửi đến các hội viên Hội nhà văn Việt Nam những thông tin liên quan đến đại hội để chúng ta cùng suy ngẫm và bàn luận".

Là việc làm minh bạch, đàng hoàng sao phải tự mâu thuẫn như vậy? Liệu có thể coi đây là một thủ pháp ai đó đã tranh thủ lợi thế của internet để thực thi và làm nhiễu loạn thông tin trước Đại hội?

Ngày 15.6.2010, hẳn là vì khó có thể chia sẻ với hành xử khác thường của một số hội viên Hội Nhà văn, nên trong entry có nhan đề Viết trước Đại hội Nhà văn Việt Nam, một blogger khá nổi tiếng viết thế này: "Cũng không thấy đại hội nào rối rắm, ầm ĩ như đại hội của mấy ông bà nhà văn. Gần hai tháng nữa mới đại hội, nhưng những chiến dịch lobby, đánh đấm, đi đêm đã inh ỏm khắp ba miền Bắc Trung Nam...

Không có thứ hội nào mà các ngài lại tự bỏ phiếu bầu cho chính mình nhiều như Hội Nhà văn. Mỗi kỳ đại hội luôn có không dưới vài trăm ứng viên để chỉ chọn ra không quá 10 người. Thậm chí có người không phải hội viên cũng được giới thiệu ứng cử... Đại hội của các nhà văn nhưng có tham luận không phải bàn chuyện văn chương, mà là mượn văn chương đả kích, chửi bới nhau với những thứ ngôn từ mà người ngoài nghe được phải...kinh sợ!...

Không cần nhắc thì bạn đọc hẳn nhớ trong suốt một năm qua, tỉnh này thành nọ inh ỏi chuyện các ông nhà văn đấu tố nhau. Mà đâu phải chuyện văn chương, toàn mấy thứ quản lý linh tinh vài đồng xu gọi là hỗ trợ sáng tác. Vỗ ngực xưng danh nhà văn nhưng quanh năm suốt tháng chả viết được tác phẩm nào ra hồn, chỉ chúi đầu vào hàng núi đơn kiện tụng, tranh giành, đấu đá, chửi bới nhau với thứ câu chữ hàng chợ".

Lưu ý là entry trên đây công bố cách nay gần 2 tháng, song chưa thấy nhà văn nào tỏ ý bất bình hay lên tiếng phản đối? Còn về đại hội, một nhà thơ dự đoán: "Đại hội, quan trọng thật đấy, nhưng với các nhà văn thì đây cũng là dịp gặp gỡ, chơi bời... họp là phụ, vui là chính. Để rồi xem, trong khi Chủ tịch Hội hào hứng đọc bản báo cáo rất hay Vì sự cường thịnh của đất nước, vì phẩm giá con người thì ở bên dưới các nhà văn ta sẽ cứ nói chuyện rào rào, quay ngang quay ngửa, liếc dọc liếc ngang cho mà coi...

Sẽ là một đại hội ai phát biểu cứ phát biểu, ai nói chuyện tào lao cứ nói chuyện tào lao nhưng rất ôn hòa vui vẻ. Thế là vui". Mong sao điều "ôn hòa, vui vẻ" kia sẽ trở thành hiện thực, còn cứ như cái sự rầm rĩ bấy nay thì uy tín của một số nhà văn sẽ có cơ giảm sút!

Căn bệnh "tự yêu mình"

Gần đây, trước đại hội, một nhà văn hội viên trả lời phỏng vấn như sau: "Bằng sáng tạo và đam mê, tôi và những đồng nghiệp sẽ san phẳng sự cách biệt của văn chương Việt Nam- vốn được coi là vùng trũng - với thế giới". Nghe mà thấy "ghê răng"! Vào tuổi 50 mà nhà văn khẳng định như thế, tức là cái sự "san phẳng" kia sẽ ở trong một tương lai gần. Xem ra, khi căn bệnh "yêu mình" hay những biến cách của "tinh thần Narcissisme" hoành hành trong hoạt động xã hội- con người thì nó có thể cung cấp một danh sách không giới hạn về các sự kiện - hiện tượng bi hài.

Nhưng thật ra, một số nhà văn, khi hân hoan với cái thẻ hội viên thì có lẽ lại quên rằng, danh tiếng của họ trước hết và bao giờ cũng phụ thuộc vào tác phẩm. Mấy trăm năm trước, từng có nhiều danh sĩ nước nhà nổi tiếng vì tài năng thơ ca, họ được xã hội và công chúng đề cao, tin cậy, thậm chí trọng vọng.

Khi căn bệnh "yêu mình" hoành hành trong hoạt động xã hội- con người thì nó có thể cung cấp một danh sách không giới hạn về các sự kiện - hiện tượng bi hài
Tổng hòa các yếu tố uy tín xã hội và tài năng lớn của họ đã làm cho tên tuổi của họ được lưu danh. Nhưng xét đến cùng, với các danh sĩ đó, đặt sang một bên các sản phẩm thơ ca, thì tiếng tăm của họ không vì thế mà suy giảm. Thêm nữa, ở thời của họ, tài trợ sáng tác vẫn còn là một ý niệm chưa có trong vốn liếng từ vựng và cũng chưa bao giờ triều đình lại tài trợ một khoản ngân khố để Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm... làm thơ.

Thế mà thơ ca của họ vẫn lưu danh muôn thuở, tên tuổi của họ vẫn được hậu thế nhắc tới với lòng kính trọng. Và tôi tin, với hai mươi tám vì tinh tú trên bầu trời thơ ca Đại Việt trong Hội Tao Đàn (Tao đàn Nhị thập bát Tú) không có vị nào thi thoảng lại giơ cái thẻ hội viên để khẳng định mình là ai.

Tôi càng tin hơn nếu nói rằng, họ không có sở thích lang thang tỉnh này tỉnh khác, không mời mà vẫn cứ đi, tự xem mình là thượng khách. Đối với họ, không có chuyện người ta mời một vị là vị đó huy động cả bầu đoàn đi theo. Chứng kiến chuyến "vi hành" của mấy "danh nhân văn chương" từ trung ương về các tỉnh lẻ, sẽ thấy rất chán nản.

Vị thì đi lại khệnh khạng, nói năng hoành tráng. Vị thì tranh thủ hỏi đã đọc truyện ngắn A, tiểu thuyết B của anh ta chưa. Vị kẻ cả đánh giá theo lối "xoa đầu" tác phẩm của các anh chị văn nghệ sĩ địa phương. Rồi khi nhấp chén rượu vào, có vị coi trời chỉ to bằng...cái nón. Lúc ấy, thơ của thằng X, truyện của con Y đọc làm gì, giải thưởng vừa rồi, bọn chấm giải dốt, không biết đọc...

Ảo tưởng từ thói hư danh đôi khi có thể khiến người ta hành xử một cách lố bịch. Nên tôi chia sẻ với điều một nhà văn đã viết trong bài Cầm cái thẻ hội viên Hội Nhà văn để dọa ai? Rằng: "Chúng ta đừng biến Hội nhà văn thành hội của những kẻ thích "khoe" danh,  cũng đừng biến Hội nhà văn VN thành Hội "đào tạo MC" chỉ đi nói, thưa chuyện, khoe thơ...trên tivi, lễ hội...Nếu có, đó chỉ là một phần nhỏ tác động vào sự nghiệp sáng tác văn học của họ".

Nhà văn cần...tồn tại như thế nào?

Một nền văn học khởi sắc, được bạn bè trên thế giới trân trọng, đó là một trong các mục tiêu của tiến trình phát triển văn hóa, là mong ước người yêu văn học, và đó cũng là điều thể hiện trực tiếp năng lực sáng tạo của các nhà văn. Xét đến cùng thì trước hết, việc nhà văn tham gia vào đời sống văn học là ý thức tự thân, cho dù xét về hình thức, tác động trực tiếp từ ngoại cảnh khiến nhà văn nảy sinh ý tưởng, phải cầm bút để giải tỏa xúc cảm nội tâm.

Lịch sử văn học và bản chất của quá trình sáng tạo cho thấy, tác phẩm văn học "để đời" luôn là tổng hòa của rất nhiều yếu tố, là sự gặp gỡ một cách tài hoa giữa vấn đề quan thiết của xã hội - con người với quan niệm tư tưởng - thẩm mỹ của nhà văn. Không có nội lực tiềm tàng, không có khả năng tưởng như "thiên phú", không đắm mình vào với nhân quần... người ta vẫn có thể "viết văn", nhưng sản phẩm làm ra không bao giờ trở thành một tâm điểm tinh thần của xã hội, mà chẳng chóng thì chầy, sẽ nhanh chóng bị lãng quên.

Vào thời đoạn mà sự chuyển dịch của văn hóa đang diễn ra hết sức phức tạp, các vấn đề xã hội- con người trải trên một biên độ cực kỳ rộng lớn từ lạc quan đến bi thương, cái xấu và cái ác như đang đang giữ vị trí ưu thắng trước cái thiện và cái đẹp, câu hỏi phải tồn tại và cần tồn tại như thế nào đang ám ảnh hàng triệu con người... lẽ ra nhà văn- nếu thật sự là nhà văn, sẽ chú tâm khai thác nguồn đề tài vô cùng tận ấy để chia sẻ và đồng cảm với con người, để thức tỉnh, để gióng hồi chuông báo động và đặt cái xấu, cái ác trước "tòa án lương tâm"..

Thế nhưng đợi mãi, đợi mãi mà điều đó vẫn chưa đến. Và thiết nghĩ, đừng vin vào các lý do ngoại cảnh. Quan sát đời sống văn học những năm qua, có thể thấy mọi sự đã thông thoáng hơn trước, từ ưu ái của báo chí đối với tác phẩm văn học đến việc xuất bản tác phẩm. Cũng đừng quy vào sự quản lý, tổ chức của Hội Nhà văn. Đầu tư hay hỗ trợ sáng tác, mở trại ngoài bắc hay trong nam, hội thảo về vấn đề lớn hay vấn đề nhỏ...tất cả đều sẽ giảm thiểu ý nghĩa nếu nhà văn không viết được tác phẩm cho ra đầu ra đũa.

Vâng, rốt cuộc thì, một kỳ đại hội nhà văn sẽ chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử, nếu người viết văn chỉ loanh quanh với chuyện làm sao có được chiếc thẻ hội viên, loanh quanh với chuyện bầu cử, hỗ trợ sáng tác, với cái chữ "tôi" to tướng,... mà không dành thời gian tăng cường nội lực, không dành tâm huyết cho sáng tạo. Và như thế, tác phẩm đỉnh cao sẽ mãi mãi vẫn chỉ là ước mơ còn ở phía chân trời. Do vậy, người yêu văn chương, luôn gửi gắm hy vọng vào Hội Nhà văn lại tiếp tục thấp thỏm trông đợi vào chu kỳ: 5 năm, rồi lại... 5 năm.

Tác giả: Nguyễn Hòa

Nguồn tin: TuanVietNam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây