Trung Quốc trong mắt Nguyễn Du qua cuốn thơ du ký

Thứ ba - 19/11/2013 04:05 2.792 0
Kỷ niệm 200 năm ra đời "Bắc hành tạp lục", cuộc tọa đàm khoa học nhằm khẳng định những giá trị của tập thơ này đã diễn ra sáng 1/11 tại Viện Văn học.

Kỷ niệm 200 năm ra đời "Bắc hành tạp lục", cuộc tọa đàm khoa học nhằm khẳng định những giá trị của tập thơ này đã diễn ra sáng 1/11 tại Viện Văn học.

Nếu như Truyện Kiều, viết bằng chữ Nôm, nhanh chóng đến được với công chúng, thì những bài thơ viết bằng chữ Hán của Nguyễn Du ít được người đọc tiếp cận. Thơ chữ Hán của Nguyễn Du hiện còn lưu giữ được gần 300 bài, thuộc ba tập: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm Bắc hành tạp lục.

Tập thơ Bắc hành tạp lục được nhà thơ Vương Trọng đánh giá là "đặc sắc, đầy chất nhân văn". Phó giáo sư Nguyễn Văn Hoàn coi đây là một tập thơ du ký khác biệt. Tiến sĩ Văn học Nguyễn Thị Nương đánh giá Bắc hành tạp lục là một ,đỉnh Thái Sơn, của văn học du ký.

body-1-1717-1383289226.jpg

Từ phải qua: Tiến sĩ Nguyễn Thị Nương, nhà thơ Vương Trọng, Phó giáo sư Nguyễn Hữu Sơn, phó giáo sư Nguyễn Văn Hoàn trong tọa đàm về Bắc hành tạp lục.

Năm 1813 (năm Quý Dậu), Nguyễn Du được cử làm quan Chánh sứ đứng đầu sứ đoàn sang Trung Quốc. Hành trình đi về hơn 12 tháng, trong đó thời gian lưu lại kinh đô Bắc Kinh là 20 ngày. Sau chuyến đi này, Nguyễn Du có lưu lại tập thơ chữ Hán Bắc hành tạp lục.

Tập thơ Bắc hành tạp lục gồm 132 bài thơ, trong đó chỉ có tám bài viết về Việt Nam, còn lại 124 bài viết về con người và đất nước Trung Hoa. Là quan Chánh sứ được triều đình cử đi cống tuế, nhưng Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du không hề viết về công việc, không kể có báu vật mang đi là những gì, sứ đoàn lo gìn giữ ra sao, giao tiếp với quan lại nhà Thanh như thế nào, Có lẽ chuyến đi với Nguyễn Du là một dịp ,bắc hành, hiếm có để ông khám phá xứ sở mà bao địa danh cùng danh nhân ông thuộc từ thiên kinh vạn quyển đã đọc.

Mở đầu tập thơ là tám bài mô tả cảnh vật từ Thăng Long đến ải Nam Quan. Trên đường đi sứ, Nguyễn Du được đi qua Thăng Long - mảnh đất mà 20 năm ông mới được trở lại, ông cảm thán và viết bốn bài thơ đầy nước mắt, trong đó có kiệt tác Long Thành cầm giả ca.

Những khó khăn dọc hành trình được Nguyễn Du ghi lại qua những vần thơ chữ Hán. Ông miêu tả đường xá quanh co, hiểm trở: ,ở chân núi, bùn đọng ngập bụng ngựa, quái vật nấp hai bên bờ suối lâu ngày thành tinh,. Còn đi thuyền thì: ,Suốt ba ngày đêm đi thuyền lòng cứ thấp thỏm, lo sợ nhiều bề. Nguy hiểm thay, chìm sâu sẽ không biết đâu là đáy. Ai cũng bảo Trung Quốc đường bằng phẳng, nào ngờ Trung Quốc như thế này, sâu thẳm, quanh co như lòng người, (Đi thuyền trên sông Ninh Minh).

Đời sống nghèo khó của người dân ,thượng quốc, cũng được Nguyễn Du ghi lại. Nhà thơ viết về ông già mù đi hát rong ở thành Thái Bình: ,Ông già tay nhủn miệng sùi / Đàn xong ngồi khép cáo lui quay mình / Ngồi trống canh mồm khô cổ ráo / Được quăng cho năm, sáu đồng tiền, Tưởng đây no ấm dồi dào / Hay đâu đây cũng cheo neo khốn cùng / Kìa chẳng thấy lệ cung thuyền sứ, (Thái Bình mại ca giả). Người đàn bà dắt đàn con đi ăn xin trong Sở hiến hành cũng khổ sở, nheo nhóc, Xã hội Trung Hoa loạn lạc cũng là điều khiến Nguyễn Du ngạc nhiên. Ông đưa ra nguyên nhân các cuộc bạo loạn chỉ vì đói nghèo: ,Nghe nói dân ở đây năm nào cũng khổ vì hạn hán, mất mùa. Mùa xuân có cày cấy nhưng mùa thu không được gặt. Hồ Nam, Hồ Bắc đã lâu không có hạt mưa nào, ruộng bỏ hoang, Mắt nhìn thấy người chết đói giữa đường, có mấy hạt táo lăn ra cạnh người,,(Trở binh hành).

body-2-7627-1383289226.jpg

Bìa một ấn phẩm Bắc hành tạp lục đã được xuất bản.

Bên cạnh viết về đời sống xã hội, phong cảnh Trung Quốc, nhiều bài thơ trong Bắc hành tạp lục còn viết về các danh nhân, những nhân vật lịch sử mà Nguyễn Du từng được biết tới qua sách vở.

Sự mến mộ của Nguyễn Du dành cho Khuất Nguyên được thể hiện qua 5 bài thơ. Đại thi hào dành sự kính nể và đồng cảm với nhà thơ của Ly tao khi phải chịu đói khổ, bệnh tật và lưu đày. Nguyễn Du cũng tỏ tấm lòng ngưỡng mộ và thương xót Đỗ Phủ qua thơ: ,Nghìn thuở văn chương đáng bậc thầy/ Trọn đời khâm phục dám đơn sai, Rơi lệ luống thương người thuở trước/ Hay thơ hà bởi cực nhường này , (Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ).

Là người đa sầu, đa cảm như tự nhận, Nguyễn Du cũng mang nặng nỗi nhớ nhà suốt dọc đường đi sứ. Chẳng thế mà vừa đi qua ải Nam Quan, ông đã viết: ,Suốt đường chẳng gặp ai quen/ Lòng như đã chết ở trên nước người,.

Trong Bắc hành tạp lục, ngoài các bài thơ được làm theo thể thất ngôn bát cú Đường luật và thơ tứ tuyệt, còn có 18 bài thơ trường thiên. Bắc hành tạp lục còn tiết lộ nhiều về con người và phong cách thơ Nguyễn Du. Nhà thơ dường như không mấy quan tâm tới cảnh vật, bởi vậy, hiếm thấy bài thơ nào ông tỏ niềm hân hoan, náo nức trước những cảnh mới lạ nơi ngoại quốc. Nguyễn Du dành nhiều tình cảm cho những con người, những thân phận, đó chính là điều tạo nên tính nhân văn trong các tác phẩm của ông. Trong Bắc hành tạp lục, những nhân vật được ông viết thường là những thân phận như người hát rong, người mù đi ăn xin, người nghèo, Các nhân vật tài hoa bạc mệnh, những nhân vật lịch sử được thi nhân cảm thương hoặc cung kính.

Hơn 100 bài thơ của Bắc hành tạp lục đã có 200 năm tuổi, nhưng đến nay vẫn hợp tinh thần thời đại. Bởi trên hết, những điều Nguyễn Du viết đều là những khúc hát thấm đẫm chất nhân văn.

Tác giả: Hiền Đỗ

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây