Qua kết quả tuyển sinh những năm gần đây của Khoa Sáng tác- Lý luận và Phê bình văn học của trường Đại học Văn hoá, nổi lên một vấn đề khiến nhiều người quan tâm là sự tồn tại của một chuyên khoa đào tạo viết văn. Cái chính là, dù chấp thuận theo nhiều quy luật nghiệt ngã thì cái mà người ta quan tâm là nó tồn tại như thế nào, theo phương thức nào?
Ba năm tuyển sinh một khoá có phải là quãng thời gian “an toàn”, đảm bảo phần nào chất lượng của một mô hình đào tạo đặc thù như viết văn? Có thể nó chưa thật sự đủ độ “an toàn” bằng 5,7 năm vì chính chúng ta chưa thử nghiệm thời gian lâu như thế trong hoàn cảnh hiện nay nên khó có một thước đo chính xác. Nhưng với cách làm như hiện nay, mỗi năm tuyển sinh đều đặn một lần như các ngành học thông thường khác thì quả thật những gì đã và đang hiển hiện đáng phải suy nghĩ.
Năm 2010, trường áp dụng phương pháp tuyển sinh theo đợt chung của Bộ giáo dục và đào tạo vào tháng 7, với chỉ tiêu đặt ra lên đến 40. Sau khi hoàn thành đợt thi đó, có lẽ chưa đáp ứng được yêu cầu mà 2 tháng sau, nhà trường lại kêu gọi một đợt tuyển sinh mới với nội dung thi tương tự như lần trước. Chỉ khác lần này là chỉ tiêu được hạ xuống ở mức khiêm tốn hơn trước 10 người. Sau 2 lần thi, cuối cùng vào cuối tháng 9 thì khoá 13 cũng được khai giảng với 12 sinh viên nhập học.
Những sinh viên đang theo học viết văn có thể được coi là người “dũng cảm” trong thời buổi văn học chỉ như cánh cửa hẹp cho tài năng thực sự bước qua. Trong khi, thay vì lựa chọn văn học cho tương lai của mình không thiếu các ngành nghề khác nở rộ dưới nhiều hình thức đào tạo. Và cơ hội học tập để mỗi người lựa chọn cũng muôn hình vạn trạng. Chỉ có văn học - ai cũng biết nó chứa trong mình một cái đích đầy hào quang nhưng cũng lắm nghiệt ngã mà vẫn tự nguyện, vẫn lựa chọn như không hể đắn đo, không hề làm phép so sánh và không thể làm phép hoán đổi cho cái gọi là tình yêu văn chương. Tiếc là họ được học tập trong một tập thể lớp quá ít cơ hội để có thể cọ xát, trao đổi với đồng môn và khó tránh khỏi những “chạnh lòng” mỗi khi nhìn vào lớp học khoá mình.
Với 12 sinh viên trong một lớp, hình thành một khoá học có thể gây lãng phí cho việc đào tạo. Bởi học viên vẫn phải hoàn thành ngần ấy môn học, ngần ấy tiết, ngần ấy năm… và ngần ấy học phí. Và để giảm thiểu cho chi phí đào tạo, nhà trường đã có giải pháp cho sinh viên viết văn học ghép các môn đại cương với sinh viên khoa khác. Chỉ các môn chuyên ngành sinh viên viết văn mới được học riêng. Nhưng thực tế các môn đại cương có thể học ghép là không nhiều, vậy thì liệu nhà trường có tiếp tục có các giải pháp khác không? Và các “giải pháp” có hay không ảnh hưởng đến chất lượng cũng như tiếp thu của sinh viên? Nếu như trước đây, sinh viên viết văn chỉ có thể học tập trung với các khoa khác những môn như quốc phòng và thể dục, thì giờ đây ngay cả các môn lịch sử Đảng, triết học… cũng khiến sinh viên viết văn phải học ghép.
Và nếu 1 lớp học cần có: Lớp trưởng, lớp phó, bí thư, 2 phó bí thư, tổ trưởng tổ thơ, tổ trưởng tổ văn… thì cả lớp nhìn nhau ai cũng là cán bộ cả. Hoặc chọn giải pháp rút gọn kiêm nhiệm lớp trưởng với bí thư, lớp phó với phó bí thư là một?.
Trước đây, trong các lớp học viết văn người ta được chứng kiến những “chú”, những “bác” đầu hai thứ tóc đi học ngồi xen lẫn với học trò vừa rời ghế phổ thông. Nếu giãn thời gian tuyển sinh, 3,4 hay 5 năm một lần nhà trường lại lo có một đội hình lớp không đồng đều về độ tuổi, nhận thức hay vì lý do nào khác?
Trường Đại học văn hoá Nghệ thuật Quân Đội với khoa Sân khấu, Điện ảnh, Viết văn với khoá 1 lớp viết văn chỉ có 15 sinh viên, nhưng họ vô cùng dè dặt đặt kế hoạch cho những năm sau tuyển sinh khoá liền kề.
Có lẽ trường đại học có chuyên ngành viết văn cần có cái nhìn thực tế hơn để quyết định phương thức tuyển sinh của mình, thay vì trông chờ vào sự đột biết “số lượng” tài năng văn chương xuất hiện một sớm một chiều để theo học một chương trình đào tạo cho ước mơ văn chương.
Tác giả: Hà Anh
Ý kiến bạn đọc