Dấu ấn 3 giọng thơ vào chung khảo giải Bách Việt 2009

Thứ sáu - 31/07/2009 11:30 2.170 0

"Một hôm núi khóc" được đánh giá là tập thơ đáng được tìm đọc trong năm nay.

"Một hôm núi khóc" được đánh giá là tập thơ đáng được tìm đọc trong năm nay.
3 tập thơ lọt vào chung khảo giải Bách Việt 2009: 'Một hôm núi khóc' - Phạm Phú Hải, 'Mùi thơm của im lặng' - Đồng Chuông Tử và 'Những giấc mơ đa chiều' - Tuệ Nguyên được bạn bè văn giới đánh giá cao tại buổi ra mắt vào chiều 30/7, ở TP HCM.

Gần đây, những buổi nhà thơ ra mắt sản phẩm tinh thần của mình, gặp gỡ giao lưu với bạn đọc ngày càng ít đi; vì thế, như lời giới thiệu của người dẫn chương trình - nhà thơ Lê Minh Quốc, buổi giới thiệu 3 tập thơ lọt vào chung khảo giải Bách Việt 2009 có thể được xem là một trong những hoạt động văn học đáng chú ý.

Nói đáng chú ý bởi trong giai đoạn thơ ca đang "èo uột" thì việc khoảng một trăm người quây quần trong không gian ấm cúng và sang trọng của quán Hub-Book café để chỉ nói về thơ quả thật là một dịp quý giá.

Ba tập thơ nhỏ nhẹ, được NXB Hội Nhà văn và công ty Bách Việt liên kết phát hành, được đánh giá là mang hình thức đẹp và nội dung bất ngờ cho những ai còn yêu thơ.

Tập thơ đầu tiên phải kể đến là Một hôm núi khóc của thi sĩ Phạm Phú Hải.

Giải thưởng thơ Bách Việt được lập ra nhằm hưởng ứng và cổ vũ cho các nhà thơ trẻ. Nhưng trường hợp của Phạm Phú Hải là ngoại lệ. Bởi ông tuy đã mất và không còn trẻ, nhưng thơ ông và những tâm tình ông gửi gắm qua câu chữ vẫn tươi non, lạ lẫm thách thức người đọc cảm nhận và trải nghiệm.

Với lớp độc giả hôm nay thì cái tên Phạm Phú Hải khá xa lạ. Tuy vậy, đây là thi sĩ viết rất nhiều trước năm 1975 và rất được bạn bè trong giới chú ý, cảm mến. Thi sĩ họ Phạm không có thói quen quan tâm lưu giữ những bản thảo của mình, cũng không chú trọng đến việc in ấn, xuất bản quảng bá cho thơ nên theo thời gian, các bản thảo bị thất lạc cả. Chị Thuận, em gái của nhà thơ đã cất công sưu tầm lại bản thảo thơ của anh mình gửi đến giải thưởng Bách Việt. Và Bách Việt chọn ra khoảng 70 bài in trong Một hôm núi khóc.

Nhà thơ Nguyễn Nhật Ánh (trái) và nhà thơ Bùi Thanh Tuấn tại buổi ra mắt sách.

Có mặt tại buổi ra mắt sách, nhà văn - nhà thơ Nguyễn Nhật Ánh tâm sự, với anh, Phạm Phú Hải là một thi sĩ tài năng, có số phận đầy chua xót. Nguyễn Nhật Ánh vốn là bạn của Phạm Phú Hải và anh đã chia sẻ vài kỷ niệm đáng nhớ về "nhà thơ điên" này.

Từ trước 1975, Nguyễn Nhật Ánh đã biết Phạm Phú Hải khi ông còn là một thư ký đánh máy cho công ty nhôm. Ông yêu thích công việc làm thơ và thường sáng tác trên một chiếc máy đánh chữ rồi sau đó bản thảo cứ để bừa bãi, hoặc đưa cho bạn bè đọc, ai cũng đều thích và truyền miệng nhau những câu thơ độc đáo.

Điều khác thường ở Phạm Phú Hải là ông ít bạn nhưng lại thích chùa chiền, nhà sư. Rồi ông rơi vào căn bệnh tâm thần, 1 năm có 12 tháng thì 6 tháng mùa mưa ông bình thường đến 6 tháng mùa nắng ông lại trở bệnh. Về sau, cách đây vài năm, Phạm Phú Hải 100% rơi vào cõi vô thức, không tỉnh táo để nhận ra bạn bè cho đến khi ông qua đời vào tháng 5 năm nay.

"Phạm Phú Hải là một tài năng nhưng rất tiếc là thơ Hải chưa được nhiều người biết đến. Nhưng dù sao, Hải đã để lại những tinh hoa trong thơ anh cho mọi người, đó là điều an ủi lớn cho những ai yêu quý anh", Nguyễn Nhật Ánh nói.

Người mẹ già và em gái của cố thi sĩ đã bay từ Quảng Nam vào góp mặt trong buổi ra mắt Một hôm núi khóc. Với giọng xúc động, chị Thuận, em gái nhà thơ nói lời cảm ơn đến những người đã giúp đưa tập thơ đến với công chúng. "Có thể anh tôi là một người tâm thần, như với tôi anh gần như là một vị thiền sư với những câu thơ đầy ám ảnh", chị Thuận bộc bạch.

Nói về thơ Phạm Phú Hải, nhà thơ Phùng Tấn Đông cho rằng, Phú Hải đã qua ngôn ngữ thơ ca tra vấn bản thân đến cùng kiệt. Thơ ông tuy đầy những dằn vặt, đau đớn nhưng cũng qua thơ ông chứng tỏ mình là một người hạnh phúc, được sống trọn vẹn trong một thế giới riêng với tình yêu thương, trân trọng dành cho cây cỏ, côn trùng và tất cả mọi thứ. 

Với Phạm Phú Hải, điều quan trọng nhất của thơ không còn nằm ở hình thức mà là tâm trạng mà thi sĩ muốn gửi gắm. Thơ ông rất cổ điển mà lại vẫn mới trong ý tứ và suy niệm.

Nhà thơ Tuệ Nguyên đang đọc thơ mình trước khán giả.

Khác giọng thơ ngấm sâu chất thiền của Phạm Phú Hải, Tuệ Nguyên (với tập Những giấc mơ đa chiều) và Đồng Chuông Tử (với tập Mùi thơm của im lặng) lại trình bày mạch tình cảm và những búc xúc và những mối quan tâm trực diện đến đời sống thực.

Nhà thơ Phùng Tấn Đông so sánh, nếu nói thơ trẻ phần lớn là độc thoại thì lâu nay việc độc thoại tập thể quá nhiều, ngay cả yêu ghét cũng thành công thức trong thơ. Chính vì thế, hai nhà thơ Chăm Tuệ Nguyên và Đồng Chuông Tử với giọng thơ riêng biệt, mang đậm sắc thái, khước từ trật tự trong một thế giới đơn nhất đã ngẫu nhiên lọt được "mắt xanh" của ban thẩm định giải.

Tuy vậy, nhà thơ Giáng Vân, thành viên của ban thẩm định cũng "cảnh báo" hai nhà thơ trẻ ở khía cạnh, nếu thơ còn dựa trên đời sống thực tế quá nhiều thì sẽ khó có những vần thơ thăng hoa, dạt dào cảm xúc...

Dù được một khán giả đề nghị nhận định về chất hậu hiện đại trong hai giọng thơ của Tuệ Nguyên và Đồng Chuông Tử, nhà thơ Inrasara đã từ chối phân tích sâu. Inrasara chỉ nói ngắn gọn, 3 tập thơ lọt vào chung khảo giải Bách Việt lần này là 3 tập thơ xứng đáng được tìm đọc trong năm nay.

Ban thẩm định giải thưởng thơ Bách Việt 2009 cho biết, số lượng bản thảo thơ gửi về dự giải năm nay không nhiều bằng năm trước, nhưng chất lượng không thua kém.

Thời gian nhận tác phẩm cho giải thơ Bách Việt 2009 còn kéo dài đến 30/11/2009. Vậy là còn sẽ còn 2 tập thơ nữa tiếp tục được chọn vào chung khảo để xét trao giải. Từ 5 tập thơ sẽ có một giải duy nhất được chọn ra để trao thưởng, trị giá 30 triệu đồng

Tác phẩm xuất sắc được trao vào tháng 12. 

Tác giả: THOẠI HÀ

Nguồn tin: eVăn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây