"Làm đĩ" và bài học cho "Sợi xích"

Thứ năm - 13/05/2010 19:33 2.976 0

"Làm đĩ" và bài học cho "Sợi xích"

Vũ Trong Phụng viết Làm đĩ vào năm 1936, một thời đại thực sự hỗn loạn như đã hiện lên qua nhiều trang viết của ông và các nhà văn cùng thời. Xã hội thành thị Việt Nam thời ấy đang "Âu hóa" một cách nửa mùa - cái cũ chưa qua, cái mới chưa tới, đầy rẫy sự nhốn nháo, lừa lọc, sa đọa và đau khổ.

Khi dư luận xôn xao về tiểu thuyết Sợi xích của nữ ca sỹ Lê Kiều Như, tôi chợt nhớ tới tác phẩm nổi tiếng của "ông vua phóng sự" Vũ Trọng Phụng - Làm đĩ. Tôi không định góp thêm lời phê bình một tác phẩm sớm chết yểu dưới búa rìu dư luận vì dường như đánh giá của xã hội dành cho nó đã quá nghiêm khắc.

Tôi lại càng không định đem hai cây bút thuộc hai thế hệ, hai "đẳng cấp" khác nhau ra so sánh. Tôi chỉ mong phần nào lý giải tại sao Làm đĩ - cuốn tiểu thuyết một thời cũng mang tiếng "dâm thư" và chịu bao nhiêu lời phê bình cay độc không kém gì Sợi xích, lại có sức sống và cuốn hút người đọc cho đến tận hôm nay.

Làm đĩ được viết dưới dạng tự truyện của nhân vật chính tên Huyền. Sinh ra trong một gia đình có cha làm việc cho Tây nhưng lại cực kỳ hủ bại, từ nhỏ Huyền đã luôn bị người lớn lảng tránh và nạt nộ khi cô bé thắc mắc về những vấn đề giới tính.

Thứ cô tiếp thu được chỉ là lời nói bậy bạ, thô tục của kẻ ăn người ở trong nhà và những bài "tự học" của đám trẻ thơ. Sự tò mò ấy làm bùng lên nỗi khát khao ở người thiếu nữ bước vào tuổi dậy thì, để rồi một ngày cô ngã vào vòng tay Lưu - một người anh họ xa đang trọ học tại nhà - trong cái đêm mất ngủ vì âm thanh "sự thị uy của ái tình" giữa cha và vợ bé chỉ cách giường cô một bức vách. Mối tình vụng dại kết thúc bi thảm hệt như những bộ phim lãng mạn thời bấy giờ.

Lưu tự tử chết, Huyền bị ép gả cho Kim. Kim mắc bệnh giang mai do thói ăn chơi bừa bãi của giới thượng lưu nên chỉ có thể quấy rấy vợ bằng "cách nửa đời nửa đoạn." Vì tiền, Kim đem vợ ra làm mồi nhử Tân, một "đại gia" đào hoa, giàu có.

Từ chỗ e ngại, Huyền và Tân đã trở thành đôi "gian phu dâm phụ" lúc nào không hay. Kim lật lọng, bắt Huyền thú tội và từ đó "giáng" cô xuống thân phận tôi đòi. Huyền tìm đến Tân nhưng chỉ nhận được lời giả dối của kẻ "cho mục đích của ái tình không phải là hôn sự". Tân phũ phàng từ chối Huyền và trơ tráo thừa nhận "lúc nào anh cũng có dăm bảy cô nhân tình." Tân tháo chiếc vàng đưa cho Huyền để trả công. Huyền ném chiếc nhẫn vào mặt kẻ bội bạc rồi bỏ chạy.

Ít lâu sau, biết Tân - kẻ đạo đức giả đang được cả xã hội tung hô - đang chấm thi hoa hậu ở Sài Gòn, Huyền bỏ nhà vào tìm Tân để quyết giết chết kẻ phụ tình. Không tìm được Tân, tiền cạn, bước đường cùng khiến Huyền bắt đầu cuộc đời trụy lạc.

Xét về một số khía cạnh, Làm đĩ và Sợi xích đều nói về nỗi đau khổ của người phụ nữ gắn liền với khát khao tính dục. Nhưng có lẽ Kiều Như chưa ngấm đủ đắng cay của cuộc đời và chưa dồn đủ cái tâm lên đầu ngọn bút nên những trang viết của cô trôi tuột đi trong vô vị, dù tôi tin điều cô muốn nói không phải chỉ là những đoạn tả cảnh ái ân trần trụi.

Vũ Trọng Phụng đã khẳng định quan điểm "tả một đời trụy lạc kể từ lúc trụy lạc trở đi, thế thôi, thiết tưởng lại chẳng có ích gì cho đời."

Bằng lòng nhân đạo thấm đẫm từng trang viết, Vũ Trọng Phụng muốn vạch lại con đường đầy rẫy cảnh ngộ éo le đã đưa Huyền từ một người con gái xinh đẹp, tử tế, có học, thông minh trở thành một cô gái điếm sống trong ô nhục và tủi cực.

Không ít lần Vũ Trọng Phụng nhắc tới chuyện phòng the trong Làm đĩ, thậm chí ông còn đưa thẳng vào tiểu thuyết vài trang sách dạy về giới tính. Nhưng khác với Sợi xích, Vũ Trọng Phụng không đem những chuyện đó ra làm món chính trên mâm cỗ để rồi xóa nhòa đi cả số phận nhân vật.

Làm đĩ chỉ đưa những cảnh trần tục ấy vào như một thứ gia vị trong cuộc đời Huyền, thứ gia vị đã khiến cuộc đời trở nên chua chát và cay đắng - "người đàn bà hư hỏng chính là vì những sự thực ấy". Điều Vũ Trọng Phụng dạy người cầm bút hôm nay khi viết về tình dục là phải luôn làm chủ ngòi bút của mình, nếu không tác phẩm, dù ý nghĩa đến đâu, cũng sẽ trở thành một thứ văn chương khiêu dâm rẻ tiền.

Nhưng tác phẩm không đi vào bế tắc. Huyền đã vùi chôn thân xác ở chốn ô nhục nhưng cô không tuyệt vọng. Huyền bình thản ghi chép lại cuộc đời mình với hi vọng "đem công bố cái mảnh đời tai hại ấy cho thiên hạ" để giúp người đời hiểu vì sao cô "đương ở chốn yên lành mà vào nơi chông gai."

Huyền vẫn muốn làm điều có ích cho đời dù cuộc đời đã đày đọa cô không thương tiếc - "có lẽ cái đời bỏ đi của Huyền cũng không đến nỗi là bỏ đi đối với đàn bà con gái khác".

Niềm hi vọng của cuộc sống được thắp lên từ sự cảm thông thực sự của tác giả, ông không "viết lên những câu văn mà mình cho là khoái trá" để tự thưởng thức như một người đương thời phê phán. Vũ Trọng Phụng đau xót và chân thành lắm.

Chỉ ở Làm đĩ, người ta mới thấy ông thốt lên những câu văn đậm chất trữ tình: "Sau này em sẽ chết trên kiệu bát cống có nhiều ông Bắc đẩu bội tinh đi đưa hay chết khốn nạn trong phúc đường, thì bất quá cũng đến vậy mà thôi. Ai hoài hơi đi lo rằng trên rừng xanh một chiếc lá vàng đã rụng!"

Nếu so sánh với giọng văn trào phúng sâu cay của Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ, có lẽ những câu văn này chính là một phần sâu thẳm khác trong ông, một phần nhạy cảm và đa cảm, luôn được che dấu bằng ngòi bút sắc nhọn và gai góc.

Vũ Trong Phụng viết Làm đĩ vào năm 1936, một thời đại thực sự hỗn loạn như đã hiện lên qua nhiều trang viết của ông và các nhà văn cùng thời. Xã hội thành thị Việt Nam thời ấy đang "Âu hóa" một cách nửa mùa - cái cũ chưa qua, cái mới chưa tới, đầy rẫy sự nhốn nháo, lừa lọc, sa đọa và đau khổ.

Một người cha vẫn còn mang trong mình cái thói quyền uy gia trưởng, mắng con gái là "đồ đĩ" chỉ vì cô mặc chiếc quần màu trắng nhưng lại thản nhiên dẫn vợ bé về nhà. Hàng tá những tay bồi bút, ngày ngày sau khi rời tòa soạn lập tức rúc đầu vào những tiểu thuyết phong tình, nhưng lại mạnh miệng mắng Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng là "đồi bại", "dâm uế", "lòe đời bằng học vấn sơ học."

 

"Tả một đời trụy lạc kể từ lúc trụy lạc trở đi, thế thôi,
thiết tưởng lại chẳng có ích gì cho đời"- Vũ Trọng Phụng.

Đặt trong bối cảnh ấy, ta mới thấy hết giá trị của Làm đĩ khi Vũ Trọng Phụng mạnh dạn tuyên bố "cái dâm tự nó không xấu, mà nó còn là cái điều cao thượng đẹp đẽ và linh thiêng vô cùng" và mỉa mai những ai "nói đến ái tình lý tưởng mà không đếm xỉa đến cái dâm, đó chỉ là việc của hạng mơ mộng hão huyền" bởi ông cho rằng tình dục "cần cho xác thịt cũng như sự ăn uống."

Vũ Trọng Phụng vạch mặt "phường đạo đức giả" "chỉ khoanh tay kêu "Ôi phong hóa suy đồi!" và cao cả hơn, nhân bản hơn, ông muốn giúp bạn đọc "điều hòa cái sự dâm để tô điểm loài người" chứ không để nó "làm loạn loài người."

Thật khó tưởng tượng được rằng, những điều ấy đến hôm nay trong nhà trường phổ thông còn chưa dám mạnh dạn đưa vào giảng dạy thì 74 năm trước Vũ Trọng Phụng đã thẳng thắn nói lên tất cả.

Làm đĩ là một tác phẩm mang nhiều giá trị - nó vừa là một thiên "tả chân tiểu thuyết" như tác giả tự giới thiệu, vừa thấm đẫm tinh thần nhân bản, nhân văn và xét từ góc độ nào đó, đây là cuốn sách giáo dục giới tính rất sâu sắc và khoa học.

Cái tài của Vũ Trọng Phụng là một phần, nhưng cái tâm của ông với cuộc đời, với con người mới là bí quyết để tác phẩm tồn tại vượt thời gian và sóng gió. Thiếu cái tâm ấy, Làm đĩ có lẽ đã chìm nghỉm trong dòng thác văn học hoặc nổi lên như hiện tượng Sợi xích hôm nay.

Tác giả: Khương Duy

Nguồn tin: TuanVietNam

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây