Tại buổi làm việc, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nhấn mạnh những khó khăn nổi bật mà Hội đang phải đối mặt là: thiếu kinh phí, đội ngũ chuyên gia văn học vừa thiếu, vừa yếu, đa số tuổi đã cao (70% hội viên đã trên 50 tuổi).
Trước tình trạng văn hoá đọc đang ngày càng bị thu hẹp, số lượng phát hành của tất cả các tờ báo văn nghệ, sách văn học… đều bị suy giảm. 5 năm trước, một tiểu thuyết in lần đầu tiên thường có lượng phát hành là 1.000 bản, nay giảm xuống còn 500-700 bản; thơ còn 200-300 bản. Điều này gây khó khăn về tài chính cho các đơn vị, đồng thời ảnh hưởng tới sự lan toả của các tác phẩm tới công chúng. Vì thế Hội Nhà văn Việt Nam kiến nghị Nhà nước hỗ trợ để tờ báo Văn nghệ có đủ điều kiện hoạt động, thực hiện vai trò là diễn đàn lớn nhất của giới văn học nước nhà; để hỗ trợ NXB Văn học có một số vốn ban đầu thay cho chỉ có 10 triệu đồng như hiện nay nên đang chịu sự chi phối về thực chất của các đầu nậu.
Về tình hình sáng tạo văn học và hoạt động của Hội 5 năm qua, nhà thơ Hữu Thỉnh khái quát: Hội vẫn có sức thu hút lớn đối với những người viết văn cả nước: Số hội viên mới kết nạp là 198 người nhưng vẫn còn 526 đơn xin vào Hội. Nhiều tác phẩm mới ra đời, nhìn chung vẫn giữ được sự chuẩn mực về giá trị, biên độ sáng tác ngày càng mở rộng và có nhiều sự tìm tòi đổi mới, đáp ứng nhu cầu của đời sống và tác động tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất là chưa có các tác phẩm đủ sức gây chấn động lớn trong dư luận, tình trạng trung bình phổ biến kéo dài, một số vụ việc đáng tiếc gây phản cảm vẫn diễn ra, tiêu biểu là biểu hiện sex thấp kém trong tác phẩm mới…
Tại buổi làm việc, một số nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình VHNT cho rằng đang có biểu hiện “né tránh”, “tảng lờ” trong giới phê bình văn học. Tâm lý e ngại, e dè, “dĩ hoà vi quý” đã khiến cho trước nhiều hiện tượng văn học xảy ra, công chúng không được nghe thấy chính kiến của các nhà phê bình hoặc các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm, vì thế độc giả cũng bị hoang mang, lúng túng, không biết đâu là chân giá trị.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng LLPBVHNTTƯ Phùng Hữu Phú cho biết, ngay sau buổi làm việc này, cùng với buổi làm việc với Viện Văn học tuần trước, Hội đồng sẽ có báo cáo đầy đủ tới các cơ quan lãnh đạo cao nhất của đất nước. Việc đầu tư xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia lý luận phê bình văn học; đầu tư nghiên cứu sâu về lý luận sẽ được xúc tiến.
Nguồn tin: TT&VH
Ý kiến bạn đọc