Vargas Llosa: 'Văn chương không chỉ để giải trí'

Thứ hai - 18/06/2012 05:15 4.757 0

Nhà văn Vargas Llosa.

Nhà văn Vargas Llosa.
Tiểu thuyết gia đoạt giải Nobel năm 2010 tin rằng, văn chương là một thứ vũ khí, góp phần thay đổi hiện thực cuộc sống, chứ không chỉ là một hình thức giải trí, dù là thứ giải trí tinh tế, cao cấp.

Trong diễn từ nhận giải Nobel, tiểu thuyết gia người Peru tự họa về mình rằng: "Ngày xửa ngày xưa, có một cậu bé biết đọc sách từ tuổi lên 5. Và điều đó đã thay đổi cuộc đời cậu. Nhờ những câu chuyện phiêu lưu, cậu phát hiện ra một cách để thoát khỏi ngôi nhà nghèo đói, đất nước nghèo đói và cả hiện thực nghèo đói mà cậu đang sống". Dưới đây là cuộc trò chuyện của nhà văn và Newshour.

- Một người kể chuyện nổi tiếng, một trong những nhà văn nổi tiếng nhất trong cộng đồng các nước nói tiếng Tây Ban Nha, lại học được cách viết văn từ những người khác. Trong diễn từ nhận giải Nobel, ông đã viết như vậy. Điều đó có ý nghĩa với ông như thế nào?

- Đọc là quá trình tự làm giàu không mệt mỏi trong suốt cuộc đời tôi. Và thật may là tôi có thói quen đó từ khi còn rất trẻ. Đó là cội rễ của thiên hướng văn chương trong tôi.

- Vargas Llosa trở thành cây bút quan trọng trên văn đàn Mỹ Latin vào những năm 1960 - 1970, góp phần đưa khu vực này trở thành một địa chỉ nổi tiếng trên bản đồ văn học thế giới, bên cạnh các cây bút như Gabriel Garcia Marquez, Julio Cortazar hay Carlos Fuentes. Ông nghĩ gì về sự đánh giá này?

- Thật tuyệt khi được cùng làm điều đó với những nhà văn như vậy. Tôi hạnh phúc không chỉ bởi thế giới khám phá ra văn học Mỹ Latin, mà còn bởi người Mỹ Latin khám phá ra một nền văn học đặc sắc, biệt lập dành cho cộng đồng mình.

- Khi đã có một nguyên mẫu cho nhân vật, thì ông cho phép trí tưởng tượng của mình hoạt động như thế nào?

- Hoàn toàn tự do. Tôi thường nghiên cứu và ghi chép lại mọi điều về nhân vật. Với tôi, sự tự do tưởng tượng là vô tận, kể cả khi nhân vật tôi viết là nhân vật lịch sử.

- Ông từng nói rằng, văn chương không bao giờ cô độc trong cuộc chiến của nó. Điều gì khiến ông nói như vậy?

- Chúng tôi là những nhà văn tin tưởng rằng, văn chương là thứ gì đó có thể góp phần thay đổi hiện thực; rằng nó không chỉ là một hình thức giải trí tinh tế mà còn là một phương thức hành động.

Ngày nay, quan niệm như thế bị các nhà văn trẻ coi là lỗi thời. Theo họ, gán cho văn chương nhiệm vụ này nọ là nhà văn đã quá tự phụ, kiêu căng. Nhưng ngay từ khi còn trẻ, tôi luôn nghĩ văn chương là một thứ vũ khí. 

- Giờ ông có còn nghĩ như thế?

- Không còn quá ngây thơ và quá lạc quan như khi còn trẻ. Nhưng đến nay, tôi vẫn không chấp nhận được ý nghĩ rằng, văn chương chỉ đơn thuần là một hình thức giải trí.

Tác giả: Thanh Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây