Căn nhà nhỏ của Nguyễn Thị Hồng nằm ở cuối khu 8, xóm Vỏ, xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.
Bà Trần Thị Mấn còn nhớ như in hơn 30 năm trước, khi sinh Hồng. Niềm hạnh phúc có cô con gái đáng yêu chẳng kéo dài khi càng lớn lên chân tay Hồng càng teo tóp, đặt đâu ngồi đấy.
Mặc dù nhận thức được mình không giống như những đứa trẻ bình thường khác nhưng niềm khao khát được chơi đùa vẫn rạo rực trong Hồng. “Khi 5 tuổi được mẹ đưa đi chơi, thấy bọn trẻ trong xóm vui đùa mình tủi thân vô cùng và nghĩ sẽ chẳng bao giờ có bạn”, cô kể lại.
Còn mẹ Hồng, vừa kể về gia cảnh và cô con gái kém may mắn, vừa đưa vạt áo lau nước mắt chảy trên đôi mắt toét nhèm, nay chỉ còn nhìn thấy mờ mờ: “Nhà tôi nghèo nhưng thấy con như thế tôi không đành lòng. Tôi gom góp tiền của đưa cháu ra bệnh viện ở Hà Nội để chữa trị. Hễ ai mách nhà thầy lang nào chữa được là lại dắt con tới đó".
Thế nhưng, dù đưa con đi chữa tứ phương mà bệnh tình không thuyên giảm, nhà đã nghèo nay càng túng quẫn hơn.
Gia cảnh nghèo khó suốt ngày chỉ ăn cơm độn sắn, vì thế mà người con thứ năm của bà Mấn đã qua đời sau một lần say sắn. Không bao lâu sau bố Hồng cũng mất vì mắc bệnh hen suyễn. Chị Vân là chị cả trong nhà nên mới 14 tuổi đã phải xa gia đình đi làm thuê để có tiền gửi về cho mẹ chăm sóc các em. Đi làm xa tiền lương chẳng được là bao nên Vân cũng ít có điều kiện về nhà, mọi sự nhớ nhung chỉ biết gửi qua những cánh thư.
Ngày nào, Nguyễn Thị Hồng cũng say sưa viết thơ bằng những cảm xúc chân thành, trong sáng. Ảnh: Chu Hiền. |
Chị gái cả vốn vất vả nên Hồng dành rất nhiều tình yêu thương cho chị. Số tiền người thân cho để mua bánh trái, cô dành dụm để mua giấy và tem viết tâm sự gửi cho chị gái đi làm xa. Ban đầu Hồng nhờ mấy người bạn viết hộ, nhờ nhiều lần cũng ngại, vì mọi người cũng bận công việc nên cô day dứt, suy nghĩ nhiều và tính đến việc tập viết chữ.
Với người bình thường học được chữ đã khó, với Hồng việc ấy còn vất vả hơn nhiều. Cầm bút bằng miệng đã khó, viết thành chữ càng khó khăn hơn, nhưng với lòng quyết tâm, và sự chỉ bảo nhiệt tình của người mẹ già, sau hơn một năm học hỏi, cô gái không chỉ biết viết chữ, mà còn biết làm thơ, vẽ tranh.
Không chỉ dừng lại ở đó, Hồng còn biết xâu kim, khâu quần áo như người bình thường, chỉ khác là mọi việc đều được thực hiện bằng miệng.
Gần 400 bài thơ do Hồng viết ra dày kín những trang vở. Ảnh: Chu Hiền. |
Niềm đam mê văn thơ được nhem nhóm khi tình cờ Hồng được một người bạn đọc cho nghe một bài thơ. Nghe bạn đọc mà Hồng cứ ngỡ đang kể về cuộc đời và số phận của mình. Từ ấy, cô bắt đầu sáng tác.
Bén duyên với thơ, Hồng lao vào viết như thể ngày mai không còn được viết nữa. Mọi cảm xúc buồn, vui đều được giãi bày trong những trang giấy. Ngồi nghe đứa con gái chịu nhiều thiệt thòi đọc những áng thơ mang cảm xúc chân thật, bà Mấn không kìm được nỗi xúc động.
Một người bạn thân thủa nhỏ của Hồng tên Thoa tâm sự: “Hồi trước vốn dĩ tôi không thích thơ. Nhưng một hôm sang nhà Hồng chơi, thấy Hồng cứ hí hoáy viết gì đó tôi tò mò xem. Càng đọc tôi càng thấy say, không nghĩ bạn mình có thể làm được những bài thơ hay và cảm xúc như thế”.
Hiện nay, Hồng có gần 400 bài thơ, và nhiều bài đã được đăng báo. Mặc dù luôn khao khát có được một tập thơ xuất bản nhưng điều đó thực sự là một ước mơ xa vời với cô gái khuyết tật, bởi tiền trợ cấp mỗi tháng cô nhận được chỉ là 500.000 đồng, chưa đủ cho hai mẹ con ăn uống, thuốc thang.
Mong muốn lớn nhất của Hồng bây giờ là tích cóp được tiền lát sân sạch sẽ, để mẹ đi đứng thuận lợi hơn khi tuổi già mắt kém. Hiện tại, chỉ còn hai mẹ con cô sống với nhau, các anh chị đều đã có gia đình riêng và trong cảnh nghèo khó nên cũng không giúp đỡ được gì nhiều.
Tác giả: Chu Hiền
Ý kiến bạn đọc