Bằng cách ấy anh đã khẳng định một điều, nhà văn có thể sống và viết ở bất cứ đâu.
Đứng về phía nỗi đau
- Dưới những truyện ngắn của anh thường có dòng chữ “Chân núi Tà Cú…” kèm theo thời gian viết. Anh có thể chia sẻ về cụm từ này?
- Đó là cách tôi muốn tỏ lòng biết ơn đối với ngọn núi đã liên tục “sạc” cho tôi có đủ năng lượng để sống và viết. Một ý khác xuất phát từ nhận thức của riêng tôi: Người ta có thể ở bất cứ đâu để trở thành nhà văn, nếu biết cách.
- Có thể nhận thấy ở những sáng tác của anh, nỗi trăn trở về quá khứ và cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc với những nhân vật phía bên kia. Điều gì khiến anh đeo bám mảng đề tài này?
- Tôi nghĩ không lý gì lại từ chối cánh tay trái trên cơ thể tôi là không phải của tôi, dù nó đầy sẹo, dù nó bị liệt, dù nó bị đứt lìa đi nữa. Lịch sử chiến tranh đã đủ độ lùi, có lẽ đến lúc các nỗi đau của dân tộc nên được nhìn nhận rộng lòng. Tôi là người sinh ra và lớn lên ở miền Nam, những mất mát, bi thương quanh tôi làm cho tôi luôn xót đau. Và nhà văn không đứng về phía nỗi đau thì đứng ở đâu trong cuộc đời này? Tôi luôn xác tín: Dân tộc tôi là dân tộc yêu chuộng hòa bình, không hề muốn chiến tranh. Cũng nên nói rõ một điều tôi đầu tư viết nhiều đề tài chứ không chỉ mảng đề tài chiến tranh.
- Vậy bên cạnh đề tài chiến tranh thì những đề tài gì khiến anh tâm đắc và cho rằng mình đã thành công?
- Gần đây, tôi có gặp lại người thầy dạy thời sư phạm. Thầy tôi nói: "Thầy dõi theo từng trang viết của em, em đã tung tẩy trên nhiều đề tài, có lúc thầy cố xâu chuỗi nhưng lần nào cũng lúng túng, bởi vì ngay trong mảng đề tài này lại chứa bên trong nó đề tài khác".
Tôi nghĩ sở dĩ có sự lồng trong nhau và đa dạng về đề tài vì khi viết tôi rất chân thật, tôi tôn trọng dòng ý thức và cảm xúc của mình. Chẳng hạn những truyện ngắn tôi mới viết ở trại sáng tác Văn nghệ Quân đội 2012: Chỗ trống dưới ngón tay Phật, Rêu Sọ hay cả những truyện ngắn được viết cách đây vài năm như Giải thuật, Gai Sen, Núi Hiện, Sáu ngọn gió… đều là những truyện khó xác định đề tài chính, cái ẩn bên trong hay lớp ngữ nghĩa bên ngoài.
- Viết về chiến tranh, việc chọn điểm nhìn từ những nhân vật “phía bên kia” gây khó khăn gì cho anh?
- Trong tôi không có những nỗi sợ vô hình vì hơn ai hết tôi biết tâm mình hoàn toàn trong sáng. Tôi cố gắng sống và viết với cái tâm như thế. Những lúc còn gì đó lợn cợn trong người tôi dứt khoát chưa viết. Tôi không bị sức ép, nếu cần tiền để sống, để nuôi con, tôi làm báo, dạy học.
- Và chụp hình dịch vụ nữa chứ?
- Trong hàng chục nghề tôi đã trải qua thì đây là nghề tay trái tôi yêu thích. Thoạt đầu, tôi chỉ thuần cầm máy vì cơm áo nhưng sau này nó trở thành những dịp tốt để tôi quan sát cuộc sống ở các cung bậc. Rất nhiều chi tiết trong truyện ngắn, tiểu thuyết của tôi được tái hiện từ những lần quan sát với chiếc máy ảnh trên tay.
Trang bìa cuốn sách mới nhất của Nguyễn Hiệp. |
- Khi công bố tác phẩm, anh ứng xử thế nào khi quan điểm của anh không đồng nhất với quan điểm của các tòa soạn hay các nhà xuất bản?
- Điều đó bình thường mà, không chỉ với mảng đề tài chiến tranh, các đề tài khác cũng thế thôi. Không chỉ tôi, các nhà văn khác cũng vậy. Tôi nghĩ là “có lúc chưa gặp nhau”, chứ không phải là không. Bạn bè thường nhìn nhận tôi là tạng người buồn - lạc quan. Bởi vậy trong tình huống đó tôi thường có được sự an nhiên tự tại trong lòng, cái gì muốn viết đã viết ra rồi, vấn đề đăng tải nhất thời không là yếu tố quyết định cho sự ra đời của tác phẩm.
Chỉ hơn thua với mình
- Vị trí của văn chương trong cuộc sống của anh có thay đổi theo thời gian không?
- Văn chương là cuộc sống của tôi, nó chẳng có vị trí gì đâu, nó là tất cả.
- Từ bi kịch cá nhân đến những điều lớn lao hơn gửi gắm trong văn chương là một khoảng cách, đứng trước trang viết anh đã dùng con mắt nào để phán xét mọi thứ?
- Tôi viết nghĩa là… viết. Tôi không phán xét.
- Nhà văn sống ở tỉnh lẻ sáng tác thường bị giới hạn và nhanh… cạn vốn. Anh thấy ý kiến này thế nào?
- Như tôi đã nói ngay từ đầu: Tôi có nhận thức riêng, nếu biết cách, nhà văn có thể sống và viết ở bất cứ đâu. Điều kiện sống ở tỉnh lẻ, ở nơi heo hút dưới chân núi Tà Cú của tôi có cái được hơn những nhà văn ở các thành phố đó là nỗi cô đơn lớn hơn. Không phải tôi “AQ”! Tôi không tin với khối cô đơn lớn như vậy vốn sống lại cạn cợt.
- Và cách để đi đến thành công của anh là gì?
- Là không nghĩ đến thành công hay thất bại nhất thời! Tôi từ nhỏ đã có một cái bệnh không biết hơn thua với ai, tôi chỉ tự chiến đấu để thắng được mình.
- Rất nhiều sáng tác của anh mang hơi hướng nhà Phật, điều gì đã mang đến yếu tố Phật giáo trong văn chương Nguyễn Hiệp?
- Tôi tìm thấy lối thoát nơi tư tưởng Phật giáo.
- Nghĩa là anh đến với Phật giáo trước khi đến với văn chương. Cơ duyên nào đã dẫn anh đến cửa thiền?
- Nhà tôi có năm anh chị em, tôi là con út nên từ thơ ấu đã suốt ngày lẽo đẽo theo chân má tôi hết sân chùa đến cửa vạn. Khi trưởng thành, tôi có nhiều người bạn là đại đức tu hành ở các chùa trong vùng nên tiếp cận được nhiều kinh sách nhà Phật. Tôi nghĩ đó là khởi duyên.
- Là người rất coi trọng cách kể một câu chuyện, có khi nào anh cảm thấy khó khăn về thi pháp khi viết một tác phẩm mới?
- Trong khi viết, tôi coi trọng mọi thứ chứ không riêng gì cách kể chuyện. Tôi hiểu về thi pháp một cách thoáng rộng chứ không sách vở cứng nhắc nên chưa bao giờ tôi bị khó khăn về thi pháp cả. Cái tôi luôn trăn trở là “viết gì, viết để làm gì?”.
- Vậy anh viết… để làm gì?
- Viết để… viết. Có lẽ vậy, điều này tôi còn đang tiếp tục trăn trở.
- Cách đây 4 năm, khi trả lời phỏng vấn anh nói rằng cuốn sách tâm huyết vẫn đang ở phía trước, thế còn bây giờ, nó đã lùi về… phía sau chưa?
- Vẫn còn ở phía trước, hình như nó luôn luôn ở phía trước. (Cười)
- Đến lúc này có thể nói sự nghiệp văn chương của Nguyễn Hiệp đã tương đối ổn định. Có điều gì anh thấy mình chưa làm được trong văn chương và trong cuộc đời?
- Tôi ước mơ có điều kiện để đầu tư cho một tác phẩm dài hơi, nhưng quả thật là không dám đùa với chuyện áo cơm và trách nhiệm đối với con cái.
- Con trai anh, dịch giả trẻ Nguyễn Vũ Hưng cũng hoạt động trong lĩnh vực văn học. Anh có định hướng hay cháu tự nguyện theo nghề bố?
- Cả hai. Bởi vì cách định hướng của tôi là yêu cầu các con nên trung thực với niềm đam mê chính của mình, đừng vì một sức ép nào đó để rồi phải làm lại từ đầu khi tuổi đã lớn, sức đã tàn.
- “Từ xa người ta có thể nhìn thấy người đứng trên cao” là câu nói yêu thích của anh, anh có thể diễn giải về nó?
- Tôi thích nhất cái cách “nhìn thấy”, nghĩa là từ xa mới tránh được những cái không đáng nhìn. Cũng như nhờ ở xa con người mới “nhìn thấy” trăng đẹp lộng lẫy, đến gần có khi chỉ nhìn toàn sỏi đá hang hốc. Ở gần dễ bị khuất lấp, mà đã khuất lấp thì sao biết ai cao ai thấp. Cái “từ xa” ở đây cũng có thể hiểu thêm một nghĩa nữa là độ lắng, độ lùi, độ suy ngẫm.
- Đó là nhận định chủ quan hay anh đã có những trải nghiệm để nhận ra điều này?
- Với những bầm dập, te tua trong đời sống của tôi, có thể nói mạnh dạn là tôi đã trải nghiệm và tin như vậy.
Nguyễn Hiệp tên thật là Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1964 tại Bình Thuận. Hiện anh sống và viết tự do tại thị trấn Thuận Nam, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Giải nhì cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ 2003-2004. Tác phẩm đã xuất bản: Mang cả chiều đi (Thơ, NXB Văn nghệ Bình Thuận, 1996); Trả áo về trời (Thơ, NXB Văn học, 1999); Ngã hai (Tiểu thuyết, NXB Trẻ, 2001); Dưa huyết (Tập truyện ngắn, NXB Phụ nữ, 2007); Bông cỏ Giêng (Tập truyện ngắn, NXB Hà Nội, 2008); Làng Người Xanh (Tiểu thuyết, NXB Văn nghệ, 2008); Trần gian nhìn từ sau lưng (Tập truyện ngắn, NXB Văn Nghệ, 2009); Âm thanh đổ bóng (Tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà Văn, 2012). |
Tác giả: Dương Tử Thành
Ý kiến bạn đọc