Thanh có hai quê. Nơi Thanh sinh ra là quê ngoại U Minh Thượng (Kiên Giang). Khoảng lên năm, ba Thanh gởi cô và anh hai về nội ở Châu Phong, An Giang để thuận tiện hơn cho việc học hành. Thanh gắn bó với xóm Cây Dương của Châu Phong từ đó cho tới khi lấy chồng. Cho nên trong văn của Thanh có rất nhiều những trang viết về quê nội. Tuổi thơ Thanh vừa lặng lẽ bề ngoài, nhưng dữ dội bên trong. Thanh là cô bé lặng lẽ ngỗ nghịch. Thanh đã trổ ván trên sàn chui khỏi nhà để lòn theo mấy đứa bạn cùng xóm chơi u, năm mười, chuyền chuyền..., quậy "đục nước" xóm Cây Dương. Nội của Thanh là người có bề dầy kiến thức về dân gian, hay dùng ca dao, tục ngữ để dạy con cháu. Lúc nội dạy, Thanh không để vô lỗ tai, nhưng lớn lên hồi tưởng lại Thanh thấy quý lắm. Đó là cái vốn rất lớn để sau này viết văn Thanh đem ra xài.
Thời đi học, Thanh học văn rất "ba trợn". Có bài viết cũng được khen nhiều, được đọc trước lớp, có bài cũng bị điểm gần như thấp nhất lớp. Thanh không thể nào học thuộc dàn ý của một bài tả cảnh, tả người cũng như khôncà g phân biệt được đâu là bình luận đâu là chứng minh. Thanh tưởng mình không thích văn, nhưng thật ra Thanh thích văn mà chị không hay. Thanh rất quý thầy cô dạy văn. Còn sách thì đã mê đọc từ khi biết đọc. Có nhiều khi nội biểu đi mua đinh, tiệm tạp hóa gói đinh bằng một mẩu báo, thấy có truyện ngắn thì Thanh liền đổ đinh ra đọc hết rồi mới gói lại đem về cho nội. Lớn lên, ai nói sách nào hay Thanh đều đọc thử, thấy quá hay thì đọc tiếp, thấy dở cũng ráng đọc chút, coi qua cái dở này có cái nào hay không. Còn cuốn sách ấn tượng mạnh với Thanh từ thời niên thiếu là cuốn Tuổi thơ im lặng của Duy Khán. Hồi lớp bảy Thanh đọc nó nhừ tử. Thanh luôn tự hỏi, sao mà miền quê ông ấy nó có gì đó rất thu hút, rất kỳ bí. Khi viết văn, Thanh ao ước được như ông, đưa hồn vào xứ sở để dù nghèo, dù quê nhưng sống động, ấm cúng.
Gạt nước mắt đi - Tập truyện của Võ Diệu Thanh
Năm 18 tuổi Thanh bắt đầu viết về những ẩn ức làm chị tức tối, phiền muộn và cả viết về những ước mơ. Những trang viết đầu đời ấy đã giúp Thanh đoạt một giải thưởng mà chị hằng ao ước: Giải nhất văn chương Thủ Khoa Nghĩa (Giải do Hội Văn học-Nghệ thuật An Giang kết hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang tổ chức). Nhưng sau đó Thanh bỏ cuộc vì nhiều thứ, trong đó có cả ý nghĩ mình không năng khiếu. Bảy năm sau đó của Thanh chẳng còn ý nghĩa gì. Mọi mơ ước tự nhiên tan biến, Thanh thấy mình như một người thừa dù không hề tơ tưởng văn chương. Tình cờ Thanh viết trở lại và thấy có một sức sống khác nảy nở trong chị. Biết là viết không bằng ai, nhưng ngừng lại càng tụt hậu nên Thanh quyết định mình phải kiên trì. Bị chê viết dở, Thanh càng viết dữ dội hơn. Năm 2009, tập truyện ngắn Lời thề đá của Thanh được Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật trao giải C. Giải thưởng ấy như là động lực, giúp Thanh tự tin hơn với ngòi bút của mình. Năm 2010, với tập truyện Cô con gái ngỗ ngược, Thanh nhận được giải nhì cuộc thi Văn học tuổi hai mươi lần thứ IV do Báo Tuổi Trẻ tổ chức. Tháng 8 vừa qua, với truyện ngắn Người đàn bà đa tình, Thanh tiếp tục nhận được giải nhất cuộc thi viết truyện ngắn YuMe. Đây là cuộc thi văn học mạng đầu tiên được tổ chức, thu hút đông đảo các cây bút trên toàn quốc tham gia.
Thanh có khoảng thời gian chịu sự xung đột gia đình đến mức muốn đi tự tử. Xung đột không phải bằng những cuộc cãi vã mà bằng những bất bình không nói ra được, vì sợ làm người khác tổn thương. Vậy là Thanh tự mình làm tổn thương hệ thần kinh của mình. Lập gia đình, hạnh phúc kéo dài không được bao lâu thì tan vỡ. Nỗi hẫng hụt khiến Thanh chơi vơi. Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống nên văn của Thanh dữ dội và khốc liệt. Chính vì vậy, khi đọc truyện của Thanh có cảm giác bị dồn nén đến nghẹt thở. Tuy nhiên, khi đi đến cùng truyện của Thanh, người đọc lại thấy bật lên cái thiện, cái tình thấm đẫm của những con người mộc mạc, chân quê. Thanh giải thích: "Thật ra trong cuộc sống có nhiều lúc người ta còn bị nghẹt thở nhiều hơn nữa, tưởng như không biết sao mình sống nổi. Tôi có khi muốn bỏ cơm vì chứng kiến những phiền muộn đó".
Một số người viết trẻ hiện nay có xu hướng khoe kiến thức, khoe những trải nghiệm về cuộc sống hiện đại. Còn Thanh chọn viết về nông thôn với những câu chuyện về tình người, tình đời da diết và đầy vị tha. Thanh giải thích: "Vì tôi quê muốn chết, khoe cái hiện đại thì múa rìu qua mắt thợ rồi. Tôi viết quê vì tôi biết quê. Nếu mai mốt rủi mà tôi có biết gì đó về chợ búa thì tôi cũng viết chợ chớ hổng có bỏ qua đâu. Mà biết chừng nào mới hiểu được phố thị. Tôi lên thành phố một chút thấy ngột. Có lẽ tôi trả chưa xong nợ quê". Thanh cũng đang ấp ủ viết về thiếu nhi, vì Thanh là giáo viên dạy mỹ thuật, hiện đang công tác ở Trường Tiểu học C Chợ Vàm, Phú Tân, An Giang. Hàng ngày, học trò của Thanh kể rất nhiều câu chuyện xảy ra trong đời chúng. Nhưng bây giờ Thanh chưa viết được, vì đang bị cuốn theo nhiều nỗi sầu muộn vẩn vơ của người lớn. Thanh tự nhận không viết về các em học sinh của mình là chị bất tài.
Hỏi Thanh giải nhì Văn học tuổi hai mươi có phải là đỉnh cao nhất hay còn mục tiêu nào khác trong sự nghiệp viết văn của chị, Thanh chia sẻ: Nếu ai viết văn hay là đang học, đang làm việc mà nhắm vào một giải thưởng, một địa vị nào đó thì khi đạt được sẽ ngừng ngay thôi. Thanh viết văn không nhắm vô cái gì hết. Giải thưởng là phương tiện để mọi người đọc Thanh, góp ý Thanh nhiều hơn, để cô có chỗ đứng mà định hình rồi đi tiếp. Còn đi tới đâu, có khi đi xuống, có khi đi lên, ai mà biết. Chỉ biết là cứ đi, mệt thì đứng lại nhìn tới nhìn lui, thở, khỏe lại len chân kiếm lối. Còn được đi là sẽ còn được thấy cái gì đó, coi như còn đáng sống. Đích chỉ là giai đoạn. Với Thanh, viết văn là để mình lớn lên được một chút, có khi cũng là để giải trí, để thấy mình gần gũi với cuộc sống xung quanh. Văn chương còn có ích cho Thanh và cho nghề dạy của chị. Từ khi đọc nhiều, viết nhiều, Thanh thấy tự tin và dễ cảm thông hơn. Nhờ đó, Thanh biết cách dạy làm sao cho học trò đừng thấy sợ học. 36 tuổi, bút lực của Thanh đang trong giai đoạn chín muồi và cần giải phóng nó qua những trang viết.
Tác giả: Nguyên Chương
Ý kiến bạn đọc