Trần Tiễn Cao Đăng: Văn chương hay bí mật của điều tối thượng

Thứ sáu - 31/07/2009 12:58 3.128 0

Trần Tiễn Cao Đăng và con trai

Trần Tiễn Cao Đăng và con trai
Thỉnh thoảng tôi may mắn có dịp gặp gỡ và đàm đạo với các nhà văn thành danh đi trước. Câu hỏi, trăn trở, hoặc sự cật vấn của mà họ hay đặt lên vai thế hệ trẻ hôm nay là “các cậu bây giờ không còn mê văn chương như lớp chúng tôi ngày xưa…”. Mỗi thời có một cách mê văn chương. Cái “chuẩn” của sự mê thì khó ai chịu ai về mức độ quyết liệt “dữ dằn” của nó. Bây giờ có nhiều phương tiện, thuận lợi để đi và đến với tình yêu chữ nghĩa hơn. Và tôi muốn viết về một tình yêu không giống ai của một người bạn để minh chứng độ cấp “dữ dằn” ấy như thế nào khi đã chấp nhận cuộc chơi và xem đó như một giá trị tối thượng.

Cách đây khoảng ba năm, đài truyền hình TP.HCM có mời tôi làm kịch bản cho chương trình Tôi và chúng ta giới thiệu ba phong cách, ba gương mặt nổi bật của làng ca nhạc, thời trang và văn học lúc bấy giờ. Về âm nhạc tôi mời nhạc sĩ Dương Thụ. Vừa gặp nhau ở Chu Bar, ông đã hỏi ngay tôi về tình hình cơn sốt văn học Nhật Bản, hiện tượng Rừng Na-uy và bập luôn vào chuyện đã đọc xong cuốn Biên niên ký chim vặn dây cót của Haruki Murakami chưa? “Tất nhiên, Biên niên ký không dễ đọc. Khó hơn Rừng Na-uy nhiều lần” ông nhận xét. “Mà này, - Dương Thụ hỏi - cái tay dịch cuốn này mình thấy lạ lắm. Đề tên là Trần Tiễn Cao Đăng. Mình chưa thấy xuất hiện bao giờ. Vậy mà dịch rất được!”. Tôi thấy Dương Thụ khen Trần Tiễn Cao Đăng thì rất khoái. Tại sao khoái thì xin cứ đọc hết bài này sẽ hiểu. Tôi hứa với nhạc sĩ là sẽ có dịp đưa Đăng đến chơi với anh. Anh Thụ cũng ngạc nhiên khi biết hiện Đăng đang ở Hà Nội. Vì anh “dây dưa” trong giới “nghệ” lâu nhưng cũng chưa nghe tên này bao giờ. “Trần Tiễn Cao Đăng nhà ở Sài Gòn anh à! Ra Hà Nội cũng mới thôi! Chỉ để làm văn chương!...”.


***

 

Một người Sài Gòn ra Hà Nội chỉ để làm văn chương. Tưởng nói chơi, nói đùa nhưng mà thật. Và nói kể tội, trên văn đàn thêm có gã “lận đận” lậm vào cuộc chơi chữ nghĩa bởi tại sự “xúi giục” của tôi. Tôi quen biết Đăng cách đây hơn mười năm khi anh hẹn gặp để chuyển một món quà của bạn Hà Nội. Khi đó anh đang là trưởng phòng biên dịch một công ty phần mềm máy tính nước ngoài có văn phòng đặt tại Sài Gòn. Lương của anh cao ngất ngưởng, cách đây hơn mười năm mà lương đã hơn “chục vé” một tháng. Đăng khá giỏi về chuyên môn nhưng anh quả quyết đã chọn sai đường. Anh Đăng đam mê văn chương và khởi đầu bằng truyện ngắn. Vốn giỏi ngoại ngữ, tiếng Nga và tiếng Anh, anh đọc khá nhiều văn học nước ngoài từ nguyên bản và đã tự làm một cuộc bứt phá cho riêng mình. Tôi đã đọc hầu hết những cái anh viết. Nhìn chung, đó là những truyện phi hiện thực được cắt dán dưới sức tưởng tượng ngoạn mục và phi thường. Nội dung gần như rất khó tìm thấy ở đời sống Việt Nam. Bạn đọc có thể tìm đọc tập truyện ngắn Ba-rốc Ẩn hoa (Nxb. Hội Nhà văn, 2005) để có thể thấy điều đó. Theo quan điểm của anh, hiện thực và cái có sẵn, chẳng còn gì để khai thác. Nhà văn phải bay bổng trên các cấp độ hiện thực để tái hiện một thế giới là cái mình muốn.
Cách nhìn đó của Trần Tiễn Cao Đăng cũng chiết từ quan điểm của nhà văn bậc thầy người Ý, người mà anh rất mê, là Italo Calvino. Ông viết như sau: “Những dự án mang tham vọng quá trớn có thể bị chối từ trong nhiều lĩnh vực nhưng không thể bị chối từ trong lĩnh vực văn chương. Văn chương chỉ còn sức sống nếu chúng ta tự đặt ra cho chính mình những mục tiêu bất khả lượng đạt, vượt quá tất cả những hy vọng về sự thành tựu. Chỉ chừng nào các nhà thơ và nhà văn tự đề ra cho chính mình những công tác không có bất cứ ai dám tưởng tượng đến thì văn chương ấy mới đạt được tác dụng của nó...”.

Trong suốt thời gian tôi chuyển về Sóc Trăng để sống và viết, thường cuối mỗi tháng Đăng tranh thủ xuống thăm chúng tôi. Thị xã nhỏ yên tĩnh với cái màu vàng lam chùa Miên thật khó lẫn lộn hương vị. Nỗi cô đơn chỉ còn tình yêu thi ca và văn chương thắp lửa. Chúng tôi đã cùng nhau chạy xe máy xuyên suốt các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long từ Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau... Dọc ngang trên các cánh đồng và mỗi cuộc đời châu thổ. Tôi nhận ra văn chương và cuộc sống quá cách xa nhau. Đôi khi sự phản ánh hiện thực đã trở thành che giấu, khỏa lấp hiện thực. Và thực tại quá đỗi ngột ngạt. Chỉ còn những giấc mơ vượt thoát để giải cứu và tạm thời tiếp thêm sinh lực cho thực tại. Những buổi chiều chúng tôi chạy trên những cánh đồng vắng. Nhìn về những chân trời mây đùn ụn u ám và đe dọa như báo bão. Có những chuyến đi trên vỏ vãi bương đồng nước tung trắng xóa. Tình yêu văn chương đã giúp chúng tôi gần nhau khi đồng suy nghĩ về các quan điểm và cá tính sáng tạo.

Khi Đăng quyết định nghỉ việc để dành hết thời giờ cho văn chương, bạn bè ai cũng nghĩ là anh hâm. Nhưng là người bạn thân, tôi hiểu anh đã có một quyết định đúng đắn khi gần hết những năm tháng tươi đẹp nhất của tuổi trẻ anh đã quần quật đi làm và lo lắng cho gia đình quá nhiều. Và mỗi lúc văn chương không chỉ là giấc mơ thoáng qua mà dữ dội sóng ngầm thúc hối quặn đáy. Nếu không làm được, cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa trơ lậu như cái chết.

***

Bìa tiểu thuyết Xứ Cát, cuốn tiểu thuyết khoa học viễn thưởng được chp là lớn nhất mọi thời đại do Trần Tiễn Cao Đăng dịch, phát hành 7/2009
Đăng quyết định ra Hà Nội với một túi xách áo quần nhỏ và cái máy vi tính để bàn “khổng lồ” được gói ghém đóng thùng cẩn thận gửi theo tàu hỏa. Không ai có thể nghĩ được tình yêu văn chương có thể mê đắm đến thế. Mà như anh vẫn nói với tôi “đó là ẩn ngữ tối thượng đầy thiêng liêng không thể giải thích”. Thời gian đầu anh gặp rất nhiều khó khăn phải nhờ đến nhiều bạn bè văn chương của chúng tôi như Ngô Tự Lập, Nguyễn Thanh Sơn, anh Văn Thành, Dương Thắng... Anh biên tập và dịch cho tạp chí Tia Sáng, tủ sách Tri Thức cũng như “ngoáy” đủ thứ nghề khác để có tiền đảm bảo cuộc sống. Nhìn dáng vẻ bên ngoài hiền lành của anh khó có thể hình dung bên trong tâm hồn anh cháy dữ dội như thế. Khi anh “châm ngòi” đầu tiên báo động hiện tượng “Dịch thuật là một thảm họa” với cuốn tiểu thuyết Mật mã DaVinci của Dan Brown (tác giả Best Selling Author, theo tờ NewYork Times) dịch và in ẩu ở Việt Nam thì giới văn nghệ đã bắt đầu biết đến cái tên Trần Tiễn Cao Đăng. Một loạt cuốn sách “nặng ký” khác như Biên niên ký chim vặn dây cót của Haruki Murakami, Từ điển Khazar của Milorad Pavic, tiểu thuyết từ điển gồm 100.000 mục từ, Súng,Vi trùng và Thép - Định mệnh của các xã hội loài người của Jared Diamond, Thế giới như tôi thấy của Anbe Anhxtanh và gần đây nhất là Xứ cát của Frank Herbert, tiểu thuyết khoa học, cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng được cho lớn nhất mọi thời đại... lần lượt ra đời cho thấy anh phần nào giải mã được bí mật tối thượng của niềm đam mê văn chương mà lúc nào anh cũng tự tin ẩn náu trong mình.

Với những gì đã làm, anh nhận được giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Hà Nội. Nhưng chưa dừng lại ở đó, tôi biết anh đang nung nấu viết một cuốn tiểu thuyết với những kinh nghiệm rút tỉa được khi tiếp cận “tận nguồn” các tác phẩm văn chương nước ngoài. Và tôi tin, anh sẽ tiếp tục có những thành công. Cũng như giấc mơ của nhà văn. Tại sao không cho họ thỏa sức tưởng tượng những chân trời mà họ sẽ đến khi mà từ trong nội lực, họ tin rằng đang nắm giữ chìa khóa của “tối thượng” thành công?

Tác giả: NGUYỄN HỮU HỒNG MINH

Nguồn tin: TTVH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây