Tiến Đạt là một trong những gương mặt văn chương 7X khá tiêu biểu của TP HCM. Cuốn tiểu thuyết "Tôi vào đời" của anh đã được dựng thành phim và Tiến Đạt được kỳ vọng như một giọng văn lạ. Nhưng Tiến Đạt đã im lặng nhiều năm.
Tốt nghiệp Đại học Luật, anh làm việc tại Saigontourist và đặc biệt gắn bó với công việc này. Sự trở lại của anh với "Thể xác lưu lạc" - cuốn tiểu thuyết đầu tiên được chọn vào chung khảo giải Văn Bách Việt 2009, được coi như một bước tiến mới...
Xuyên suốt "Thể xác lưu lạc" là những con người với những nỗi cô đơn không thể tỏ bày. Trong đó, Trần - một chàng trai đào hoa, có sức cuốn hút kỳ lạ với phụ nữ, chìm đắm trong những cuộc tình "không đầu không cuối", "những va chạm thể xác thuần túy chỉ thỏa cơn khát và khỏa lấp thời gian".
Trâm - một cô gái xinh đẹp nhưng luôn có những ý nghĩ lạ lùng, chìm trong nỗi suy tư sâu kín và Trần, hai người yêu nhau từ lúc bước chân vào cổng trường đại học và xa nhau vào đúng ngày Trần chở Trâm bằng xe đạp đến trường nhận bằng tốt nghiệp. Một sự "biến mất" đầy uẩn khúc mà Trần không dám tìm hiểu tận tường. Để rồi từ đó, Trâm và đứa con trong bụng cô mà anh không chắc chắn có hay không đã trở thành một vùng ký ức dai dẳng, đeo bám, thậm chí ám ảnh anh.
Nhiều người đàn bà đã đến với Trần, dù sâu sắc hay chỉ duy nhất một đêm thì đều gặp nhau ở một điểm: Không lợi dụng, không vì vật chất. Họ tự nguyện đến với anh bằng thứ đam mê bản năng không đòi hỏi trách nhiệm. Họ đến với anh bởi sự cô đơn trong tâm hồn, bởi sự tẻ nhạt trong cuộc sống và cùng bỏ anh đi mà không một lý do nào. Đã có lúc anh tưởng mình là người đàn ông "hiểu quá rõ những người đàn bà" nhưng rốt cuộc anh chỉ làm họ thỏa mãn trong giây phút đam mê chứ thực ra anh không hề hiểu họ. Những người đàn bà ra đi mang theo nỗi u uẩn, nỗi cô đơn mà anh không thể nào giải thích.
Bằng lối kể đan xen sự kiện và cảm xúc giữa hiện tại và quá khứ, "Thể xác lưu lạc" của Tiến Đạt không dừng lại ở nỗi cô đơn của lớp trẻ mà nỗi cô đơn đó còn lục về quá khứ, nơi cha mẹ anh, cha mẹ Tuyên, cha mẹ Trâm… đã sống cùng những bí mật, những đau đớn không thể nói ra để rồi những đứa con của họ hồ nghi, "mù mờ" về chính bản thân mình. Thể xác lưu lạc hay chính tâm hồn lưu lạc?
Sau những vật lộn, day dứt với quá khứ, sau những sự kiện xảy ra trong hiện tại, anh giật mình nhận ra, "bước chân quay về nhưng tâm lại là kẻ ra đi thì chỉ mang lại phiền toái cho chính mình và xúc phạm sự mong chờ của người thân". Anh đã thấy rằng chính quá khứ về mối tình dang dở, về những uẩn khúc trong cuộc đời đã níu giữ không cho anh được sống yên ổn với hiện tại.
Kết thúc câu chuyện, Trần trở về với căn nhà của mình, nơi có người vợ vẫn đang mong đợi anh về dù rằng cô là người đề nghị ly thân. Anh đã hiểu giá trị của hiện tại, giá trị của tình yêu, của những gì anh có ngay chính lúc này chứ không phải từ một ai đó đã trở thành quá khứ, từ những sự việc đã là quá vãng.
"Ngày mai, câu đầu tiên anh gặp vợ sẽ chính thức thông tin Trâm đã chết, đứa con giữa anh và Trâm đã không bao giờ có. Anh sẽ mạnh miệng trả lời Trâm đã bị tai nạn chết ngay trong chính ngày nàng đang đi đến trường nhận bằng tốt nghiệp". Quá khứ đã ngủ yên, giây phút tỉnh thức với hiện tại đã đưa anh trở về với chính mình. Đưa thể xác anh trở về với linh hồn "mặc những mùa gió cũ quay ngược chở nặng ký ức xao động giữa cố hương".
- "Thể xác lưu lạc", anh nói được viết ở nhiều điểm đến. Hẳn là anh đã viết nó trên những chuyến công tác?
- Đúng là tôi viết cuốn tiểu thuyết này tại nhiều điểm dừng chân trong nhiều cuộc hành trình. Đối với dân làm du lịch chúng tôi, việc xê dịch là điều khó tránh khỏi, và đây cũng rất hợp với tạng của tôi, đam mê thú lang bạt.
- Công việc luôn cắt vụn mạch suy nghĩ và những trang viết của chúng ta. Với anh thì càng rõ ràng hơn. Anh có coi văn chương là một niềm vui ngoài công việc chính? Hay đó là cái nghiệp mà anh trót mang?
- Tôi cũng có nhiều trò vui, những thú mê khác, ngoài văn chương. Đối với tôi, văn chương cũng không phải điều gì quá "thiêng" và cũng chưa bao giờ nghĩ rằng văn chương có khả năng làm thay đổi trật tự xã hội. Tôi đến với văn chương vừa thể hiện sở thích mê chữ, vừa đáp ứng thói hiếu kỳ muốn khám phá thêm những tri thức, đặc biệt những câu chuyện, những bí ẩn, những điều mà cá nhân chưa nắm bắt hết được.
- Anh viết ít, chậm rãi và có phần từ tốn hơn những cây bút cùng thời. Vì khí chất của người viết hay vì điều gì khác?
- Thời khốn khó, tôi từng viết điên cuồng, với mục đích lớn nhất là... diệt đói. Thành ra, đã từng đẻ không ít "lúa non"! Tôi kịp ngẫm ra một điều, viết như thế chỉ có thể no bụng chứ không "sướng", không "đã". Viết văn cũng như những loại hình nghệ thuật khác, trước hết tác phẩm phải tạo độ "sướng" cho tác giả thì may ra mới kiếm tìm sự đồng cảm của độc giả, khán thính giả.
Những năm gần đây, tiền bạc không còn là chuyện quá cấp bách, dù cá nhân luôn rất cần (cười), nhưng tác phẩm in chậm, cứ cách ba năm mới in được một cuốn sách. Có nhiều nguyên nhân: lười viết, bí đề tài; có khi có đề tài thì viết không ra hồn, không như mình mong muốn. Nếu so với bạn bè đồng lứa, số lượng tác phẩm in thành sách của tôi ít hơn. Tôi thực sự khâm phục những bạn bè viết khỏe và in sách đều đặn hàng năm. Tôi có quan niệm nghệ thuật cần phải biết mình biết người, tránh đố kị và ham hố rẻ tiền, quan trọng là cần phải kiên nhẫn.
- Sự trải nghiệm có thực sự là quan trọng đối với những con chữ mà anh viết ra?
- Quan niệm của tôi để viết một bài thơ hay thì nhà thơ không cần nhiều trải nghiệm, nhưng nghề văn thì khác! Với cá nhân tôi, trải nghiệm mang tính quyết định. Tất nhiên, để có một tác phẩm văn học thì không thể thiếu trí tưởng tượng, liên tưởng, bay bổng. Một trang văn chỉ mang tính "văn cảnh", văn "tán gái" chứ không thể là những trang văn sống động, mang nhiều hấp lực, có hồn nếu tác giả ấy thiếu những trải nghiệm cần thiết.
- Anh có cho rằng, cuộc sống của chúng ta hôm nay, ở Sài Gòn, hoàn toàn không thích hợp với văn chương? Mọi thứ quá ồn ào, quá nhanh và, đời sống tiêu thụ làm cho mọi thứ được quy đổi quá rõ ràng. Văn chương thì phải lặn sâu hơn, nhìn kỹ hơn. Mà làm vậy thì quá cực nhọc?
- Tuổi thơ tôi gắn liền với nông thôn, sống từ trong xó chợ nhếch nhác đến những khu làng buồn tẻ. Đời sống đô thị, như Sài Gòn chẳng hạn lại hợp với tạng, đúng với văn của tôi hơn. Không gian đô thị sôi động và "có nhiều thứ" như Sài Gòn là mảnh đất màu mỡ để nhà văn chúng tôi cày xới. Không gian như Sài Gòn cũng là nơi khởi nguồn các vấn đề, phát sinh các khuynh hướng xã hội, là chất xúc tác và nguyên liệu quý cho các nhà văn. May ra có như thế mới tạo được tác phẩm đáng đọc, có sức nặng, mang nhiều chiều kích. Nhà văn, theo cách hiểu của tôi thì cần phải đối diện với nhiều thứ, cần phải tự phát hiện và đi tìm ra câu trả lời cho nhiều vấn đề của thời đại và xã hội, chứ không nên thụ động ở ẩn, lặn ở đâu cả theo cách "hưởng nhàn".
- Anh học luật, viết văn và làm du lịch, ba thứ đó có liên quan gì tới nhau?
- Tôi cũng từng vất vả lăn lộn với những nghề lao động tay chân nặng nhọc khác, trước khi chính thức viết văn. Điều này, với tôi, là những trang bị quý giá để mình trưởng thành, trải nghiệm hơn trong đời sống, chuyên nghiệp hơn trong công việc và tạo hấp lực, thuyết phục hơn trong trang viết.
- Với anh, mục tiêu lớn nhất trong cuộc sống là gì?
- Tôi luôn có nhu cầu tìm kiếm sự thanh thản, tự cân bằng mình, và tập xem nhẹ những thứ phù phiếm mang tính hào nhoáng và bề nổi. Biết sống an nhiên, theo tôi, luôn là môn nghệ thuật khó nhất.
- Xin cảm ơn anh!
Tác giả: Thảo Điền
Nguồn tin: Công An Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc