Không rõ đến khi nào Nguyễn Vĩnh Nguyên có thể phục hồi tâm lực để chuyên tâm viết rồi cho ra mắt những sáng tác mới. Thôi thì, trong lúc những bản thảo truyện ngắn còn nấn ná đâu đó trong máy tính chưa công bố, chúng ta hãy “tạm” đọc trước 30 tản văn, về đủ thứ chuyện đời. Anh in gộp lại thành gần 300 trang sách dày dặn để “dành tặng con trai Harin thân yêu, để con hiểu thêm về những gì đang diễn ra trong thế giới mà mình đang sống” (T.4, sdd).
Ở góc độ nào đó, tản văn của Nguyễn Vĩnh Nguyên, dù đầy tràn những kiến thức, kinh nghiệm chắt lọc thì vẫn gần với con người thực của tác giả hơn là truyện ngắn.
Nếu có dịp vào Sài Gòn công tác, đồng nghiệp mà tôi mong được gặp là Nguyễn Vĩnh Nguyên. Mỗi lần nhớ tới hình ảnh anh chạy thật nhanh, rầm rập qua các bậc cầu thang, với vẻ hồ hởi, trìu mến không giấu diếm mà vô tình tôi nhìn thấy khi đứng chờ anh ngoài cổng tòa soạn Sài Gòn Tiếp Thị, tôi lại thấy lòng ấm áp.
Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên và con trai Harin
Khác với những trang văn đầy chua chát ở điểm nhìn, cay đắng từ cảm nhận, buồn phiền tận cách nghĩ, Nguyễn Vĩnh Nguyên ngoài đời là người đơn giản, nhân hậu, kiên nhẫn và vị tha. Cái gì mà người đời cho là ghê gớm, có thể buồn giận chết đi được, thì anh thả nghiêng cụm từ nhẹ như gió: “kệ đi”, “thế à”, “không phải vậy đâu”. Việc nào mà người khác cậy nhờ, anh tận cùng chu đáo. Lúc còn trai độc thân, chưa người yêu, không con nhỏ, Nguyễn Vĩnh Nguyên có thể bế và chơi với cậu con trai hơn hai tuổi của tôi đến vài tiếng đồng hồ, đủ năng lực để dỗ bé không khóc.
Nhưng anh luôn đi con đường riêng và không bao giờ ngồi lẫn đám đông.
“Tản văn của một người đọc sách”
Giữa con người Nguyễn Vĩnh Nguyên ngoài đời thực với con người tự bộc lộ qua các sáng tác dường như ít có điểm chung. Với truyện ngắn hay tản văn, anh thường viết từ lý trí. Rất ít khi thấy anh viết một câu văn thuần chất tình cảm. Truyện ngắn của anh luôn mang sự mạch lạc, rõ ràng trong hệ thống các câu văn đầy tính ảo giác, trừu tượng. Còn tản văn thì nhẹ nhàng lẫn ngẫm ngợi, và dĩ nhiên, viết ra để người đọc có thể hiểu: Mọi cặp đùi, đơn giản, đều có thể dài (Ngồi cóc, cà phê. T85) Thuốc độc và giá treo cổ, cũng không phải là thiếu. Đơn giản là người ta thích làm tổn thương nhau hơn là chọn chúng. (Khổ dâm hay bạo dâm, T 91).
Khi viết lời giới thiệu cuốn tản văn này, dịch giả Lâm Vũ Thao, đã có lựa chọn hay, khi nói đây là “tản văn của một người đọc sách”. Nguyễn Vĩnh Nguyên là một trong số hiếm hoi nhà báo ham đọc sách, nhờ thế, anh luôn có những bài điểm sách sắc sảo. Cũng bởi vậy, trong tập tản văn, nhiều tên bài dường như được anh “phiêu” từ những cuốn sách (rất có thể đã đọc): Vườn ơi là vườn (Tình ơi là tình – Elfriede Jelinek), Vì sao “sát thủ” thì “đầu mưng mủ”? (Sát thủ đầu mưng mủ - Thành Phong), Mình nói gì khi mình nói? (Mình nói gì khi mình nói chuyện tình - Raymond Carver),Cho tôi mua một vé đi… chết thử (Cho tôi mua một vé đi tuổi thơ - Nguyễn Nhật Ánh)…
Qua tản văn, cũng thấy luôn Nguyễn Vĩnh Nguyên là người ưa đọc kỹ. Cái kỹ của anh dừng lại cả ở bài viết báo chí, ví như: “Tác giả Nguyễn Mỹ trên tờ Thể thao Văn hóa, số ra ngày 16/3/2012 có bài viết nhìn lại “Xemayvietnam: Ngạc nhiên chưa? mô tả chuyện dân Hà Nội thường ra đường đi “bát phố” cuối tuần bằng xe máy…” (Cuộc trò chuyện trên yên xe máy, T 101). Rồi anh tóm tắt lại nội dung bài báo hết gần nửa trang sách qua trí nhớ cùng cảm nhận của mình. Nhớ đến thế, thì tôi chịu thua. Và đọc kỹ nhâm nhi đến thế, chẳng mấy ai ở thời đại này có thể làm được.
Người ưa xê dịch đã “thấm mùi phố xá”
Nguyễn Vĩnh Nguyên ưa xê dịch, niềm vui lớn của anh là: khoác ba lô trên vai, đi các chặng đường dài. Khắp Việt Nam, biết bao chốn hoang sơ đã lưu dấu bước chân anh cùng những tấm hình chụp chậm với góc máy lạ. Gộp lại những trang viết của anh về các vùng miền đã đủ làm nên một cuốn sách dày dặn khác.
Thế rồi, bởi bận bịu gia đình, thấy anh ít hẳn những chuyến đi xa, mà có phải vì nhờ thế, mà 30 tản văn đầy mùi phố xá được ra mắt. Đủ thứ mà anh nhân chuyện có vẻ rất tào lao: Ti vi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng và những thứ khác, anh bắc cầu nói về suy nghĩ cá nhân nhiều khi mang đủ thứ “luận lý”: từ thói quen tâm thức người Việt, phương cách tư duy, các kiểu “đăng ký sở hữu trí tuệ”, văn minh sách giấy…
Đọc hết gần 300 trang Tản văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, mới hay, trong bộ não nhỏ của người đàn ông dáng hình nho nhỏ ấy, sao mà chật đầy suy tư đến thế?
Viết bằng não và sống bằng tim, đó mới thực là Nguyễn Vĩnh Nguyên?
Tác giả: Việt Quỳnh
Nguồn tin: TT&VH
Ý kiến bạn đọc