Nhà văn Phan Hồn Nhiên, tác giả của tập truyện ngắn “Cánh trái” vừa được trao Tặng thưởng Hội nhà văn TPHCM 2010 cho rằng: “Lúc mới vào nghề, người viết trẻ thường dựa vào cảm xúc để viết. Nhưng đến một lúc nào đó, trang bị được một mức nhất định vốn sống cũng như nắm vững một số kỹ thuật thì người viết có thể tự do hơn trong quá trình hình thành tác phẩm. Tôi đã qua thời điểm sáng tác chỉ dựa vào cảm hứng. Giờ đây, đôi khi tôi cũng tự thấy mình khá giống một cỗ máy khi mà mọi hoạt động, trong đó có viết văn được lập trình theo kế hoạch và tuân thủ đúng kỷ luật… Viết văn với tôi giống như làm toán. Thật hứng thú khi tôi có thể tự đặt ra cho mình một bài tập khó, phải giải cho được bài tập đó trong một thời hạn nhất định và phải tìm được cách giải tốt nhất thuyết phục chính mình. Đây là một công việc thuần túy đầu óc, hoàn toàn cá nhân và thật tự do, nên tôi không bao giờ hết hứng thú với sáng tác”.
LÁ THƯ CỦA NGƯỜI NỔI TIẾNG
Công việc chủ yếu của Phan Hồn Nhiên hiện nay là phụ trách nội dung của Báo Sinh Viên Việt Nam. Nhưng có lẽ chị được biết đến nhiều hơn ở vị trí một nhà văn thuộc thế hệ 7X với những tác phẩm khai thác tinh tế và sâu sắc thế giới người trẻ trong đời sống đô thị hiện đại - những con người năng động, luôn bị thử thách khi đứng trên lằn ranh mong manh giữa khát vọng và tham vọng, giữa phấn đấu và bon chen. Hơn hết, đó là những người trẻ luôn đấu tranh với bản thân để tìm kiếm và phát hiện ra con người thật của chính mình. Có thể tìm thấy các nhân vật như thế trong nhiều tác phẩm của chị như: Công ty, Mắt bão, Cánh trái, The Joker…
Phan Hồn Nhiên lớn lên trong một gia đình làm khoa học kỹ thuật. Sinh ra tại Hà Nội nhưng chị sống ở Sài Gòn từ lúc lên 5 cho đến hiện tại. Ba chị là kỹ sư nông nghiệp người miền Nam, còn mẹ là phụ nữ Hà Nội, làm bác sĩ thú y. Ngay từ nhỏ, Nhiên đã được gia đình hướng theo con đường học thuật, trở thành người làm khoa học hoặc nghiên cứu. Sau khi tốt nghiệp trung học ở Trường THPT Lê Quý Đôn, theo mong muốn của ba mẹ, chị thi đậu và học Khoa Ngoại ngữ của Trường Đại học Tổng hợp. Sau đó, do có năng khiếu hội họa và say mê mỹ thuật, chị xin phép gia đình theo học thêm chuyên ngành Thiết kế tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh.
Truyện ngắn đầu tiên của Nhiên xuất hiện trên báo cũng là một sự tình cờ. Một người bạn đọc được sáng tác đầu tay của chị nên gửi đến Báo Thanh Niên. Cùng với bài đăng, sau đó là một lá thư khuyến khích chị nên viết tiếp của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, người giữ trang mục sáng tác trẻ của tờ báo này lúc bấy giờ. Thói quen viết của Nhiên bắt đầu từ đó.
Từ những sáng tác ngắn, rồi sau đó là truyện ngắn của Nhiên xuất hiện đều đặn trên Báo Thanh Niên, với sự chỉ giáo nghiêm khắc của nhà văn Thế Vũ - người biên tập trang văn học của báo: “Viết là một công việc đòi hỏi sự khổ luyện và riêng tư. Người viết trẻ tuyệt đối không nên để cho mình bị tác động bởi ngoại cảnh hay trào lưu. Phải khiêm tốn và nhẫn nại cho đến khi tìm được phong cách của riêng mình”. Với định hướng này của nhà văn đàn anh, Phan Hồn Nhiên đã có hơn 10 năm làm việc kiên trì với văn chương, nhưng chị vẫn ít được biết đến. Sau ngày tốt nghiệp đại học, khi khả năng viết dần được rèn luyện, Nhiên trở thành phóng viên của Báo Sinh Viên Việt Nam và chuyên tâm làm đến bây giờ.
TỰ ĐẶT NHỮNG BÀI TOÁN
Là một nhà văn nhưng Phan Hồn Nhiên luôn đề cao kỷ luật. Mọi công việc của chị như được lập trình sẵn. Cách làm việc kỷ luật, đúng giờ này ảnh hưởng từ nếp sinh hoạt khoa học của gia đình. Thậm chí nhờ nó, Nhiên có thể tách bạch “nhiều con người trong một con người”: nhà văn, nhà báo và một người hưởng thụ nghệ thuật nhẹ nhàng, vui vẻ. 8 giờ công sở mỗi ngày, Nhiên tập trung cho công việc báo chí, tổ chức bài vở, biên tập. Còn thời gian viết văn, chị cho biết: “Tôi có rất ít thời gian cho văn chương. Nhưng ý thức sáng tác là sự rèn luyện nên tôi xem việc viết mỗi ngày là hoạt động không thể thiếu. Và tôi kiểm soát chặt chẽ quá trình này”.
Không như quan niệm của phần lớn nhà văn là phải lăn lộn thực tế để có sự trải nghiệm, Phan Hồn Nhiên tin rằng với người viết văn, quan trọng là óc quan sát, nhất là khả năng phân tích những gì mình quan sát được một cách độc đáo. Chị cũng nhận mình sống lý trí và không dễ rung động. Nhưng chính công việc ở một tòa soạn đã cho Nhiên các trải nghiệm quý giá và có nhiều góc nhìn bất ngờ về giới trẻ thành thị. Đó là lý do văn chương của chị thấm đẫm cảm xúc chân thành bên trong sự chuyển động, những khao khát thay đổi, những bước đi đa dạng trong sự lớn lên của mỗi cá nhân người trẻ… Những người trẻ ấy, mở đầu thường được đặt trong một hoàn cảnh của người bắt đầu xuất phát, chưa biết mình là ai. Để rồi, trải qua những biến cố, thử thách, các nhân vật sẽ tìm thấy bản chất của mình. Hỏi Nhiên có mang cuộc đời thật của chị ra viết, liệu những nhân vật ấy có “dính líu” gì đến Nhiên không, chị đáp: “Tôi không viết về bản thân vì tôi không có thói quen “ăn vào chính mình”. Quan sát, phân tích thế giới nội tâm và hóa thân vào những con người khác nhau là một niềm hứng thú đặc biệt mà chỉ có văn chương mới có thể mang lại cho tôi”.
Được nhắc đến với khá nhiều tác phẩm, song Phan Hồn Nhiên cho biết chị viết văn không vì mục đích được in hay tìm kiếm tên tuổi. Viết với chị đơn thuần là một cách kiểm tra năng lực: “Viết văn với tôi giống như làm toán. Thật hứng thú khi tôi có thể tự đặt ra cho mình một bài tập khó, phải giải cho được bài tập đó trong một thời hạn nhất định và phải tìm được cách giải tốt nhất thuyết phục chính mình. Đây là một công việc thuần túy đầu óc, hoàn toàn cá nhân và thật tự do, nên tôi không bao giờ hết hứng thú với sáng tác”.
Mới đây, tác phẩm Công ty của Phan Hồn Nhiên được chuyển thể thành 40 tập phim Phía cuối cầu vồng do VTV3 phát sóng. Sau khi phim phát sóng, dù nhận được nhiều ý kiến trái chiều song chị không mấy bận tâm. Nhiên quan niệm: “Phim là của đạo diễn. Phim lên sóng thì khen chê sẽ dành cho nhà sản xuất và cho đạo diễn. Nhà văn nên biết địa hạt của mình. Họ chỉ cần ý thức chịu trách nhiệm trước tác phẩm và bạn đọc của mình là đủ”.