Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Làm thơ, cho nỗi buồn chắt lại

Thứ bảy - 30/01/2010 21:05 2.349 0

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Làm thơ, cho nỗi buồn chắt lại

Dạo này, Ngọc Tư “sa đà” thêm vào việc làm thơ. Gần đây tôi đọc được chùm thơ của Nguyễn Ngọc Tư trên tạp chí Thơ của Hội Nhà văn và vội vàng nhắn tin hỏi: “Phải thơ của chị trên tạp chí Thơ không?”, Tư nhắn lại: “Ừa, sao? Lạ lắm hả?! Tui lấn sân tí thôi mà!”.
 
Hò hẹn mãi, cuối cùng Nguyễn Ngọc Tư cũng ra Hà Nội. Lần này, chị ra để tham dự Hội nghị giới thiệu Văn học Việt Nam ra thế giới. Ngọc Tư vẫn như cách đây gần chục năm, hồi chị mới ra Hà Nội lần đầu tiên cho đến nay đã là lần thứ 10. Dường như, cả ngoại hình lẫn tính cách của chị chẳng hề thay đổi, mặc dầu, so hồi đầu tiên ấy, tác phẩm của chị không chỉ nổi danh ở một vùng, một lãnh thổ mà đã đến với nhiều nước trên thế giới.
 
Gặp Ngọc Tư, bao giờ cũng thế, luôn thấy chị giản dị, nhỏ nhẹ, điềm tĩnh nhưng cũng rất hóm hỉnh trong những câu chuyện. Đối với chị, dường như không có chuyện gì quá quan trọng, mà cũng không có gì là quá bình thường. Đối diện với chị, có thể thỏa sức tưởng tượng về những thứ thuộc về chị, liên quan đến chị vì chị chẳng màng đến việc người khác đang nghĩ gì, đang bàn gì (về mọi người hoặc ngay cả về mình)... Đối với Ngọc Tư, những thứ thuộc về những lễ nghi, hoa mĩ, chị đều đứng ngoài lề. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là, trông Tư tỉnh bơ vậy, phớt lờ vậy, nhưng trong óc quan sát của Tư lại luôn có một ngăn kéo dữ liệu về tất cả những điều chị gặp, chị đối diện, để đứng trước trang viết, như thể những hồi ức ấy có thể ào ra trên ngòi bút.

Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 tại Đầm Dơi, Cà Mau. Trước khi viết truyện ngắn đầu tiên, chị là một cô gái thôn quê, bỏ dở học hành, ở nhà nấu cơm nuôi ông ngoại, chăm sóc vườn rau, chiều chiều cắt rau cho má đi bán chợ đêm. Thế rồi, trong một ngày đẹp trời, nổi hứng thế nào, Ngọc Tư viết văn. Truyện ngắn đầu tiên của chị được in ở tạp chí Văn nghệ Cà Mau đã làm cho Ngọc Tư cảm thấy rất phấn chấn và mê mẩn. Cũng từ đó, chị tin rằng, ngoài sự may mắn trời cho, chị đã có duyên nợ với trang viết như là mối duyên đã định sẵn. Thời gian đó, Ngọc Tư tiếp tục đi học bổ túc văn hóa và tiếp tục sáng tác. Lần lượt những truyện ngắn nối nhau ra đời, chị viết như một sự giải tỏa và thể nghiệm. Chẳng mong mình sẽ thành nhà này, nhà nọ, cũng chẳng nghĩ nó là văn chương, chỉ có điều, chị biết rằng chị muốn viết về những điều gần gũi nhất xung quanh cuộc sống của mình, những điều đó khi được viết ra, khiến lòng Tư thanh thản. Khi có cái bằng bổ túc văn hóa trong tay, cũng là lúc, lưng vốn về tác phẩm của chị cũng đã đủ để chị tự tin rằng, chân trời sáng tác, đã mở ra cho chị một con đường sáng.
 
Âm thầm đến với văn chương và bùng sáng khi được nhận giải Nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 của NXB Trẻ, Nguyễn Ngọc Tư đã trở thành tâm điểm của sự hy vọng vào một nền văn trẻ đương đại. Chị đã tiếp tục có những cú nhảy ngoạn mục trên chặng đường văn với một lối văn dung dị, nhẹ nhàng, giàu tính nhân văn. Đặc biệt, năm 2005, tác phẩm truyện dài Cánh đồng bất tận đã trở thành một cuốn sách best-seller, một hiện tượng văn học nổi bật của văn chương Việt Nam. Liên tục sau đó, Cánh đồng bất tận đã mang đến cho Nguyễn Ngọc Tư những niềm vui bất ngờ với giải thưởng Hội Nhà văn, giải Văn học ASEAN. Đặc biệt, trong năm 2009, tác phẩm Cánh đồng bất tận đã được chuyển thể và công diễn thành công bằng loại hình sân khấu và kịch bản phim nhựa, bộ phim vừa đóng máy…

Khi ôn lại những kỷ niệm hồi viết Cánh đồng bất tận, Ngọc Tư tâm sự rằng, khi đặt bút viết, chị vô cùng mệt mỏi, chông chênh. Chị không ngờ, mình đã nhón chân hái trái ở một cành quá cao, đến nỗi dường như chị đã nhảy thót lên nhiều lần mới chạm được nó. Đôi khi chị cần thời gian để mình đủ cao, đủ sức để có thể đi trọn một lối nhỏ mà chị đã trót rẽ vào vì thấy lạ. Khi hoàn thành tác phẩm, chị chỉ mơ ước người đọc, bạn bè đồng nghiệp ghi nhận sự cố gắng, sự lao động nhọc nhằn của mình. Văn hóa đọc đã đìu hiu đến mức, chị chẳng mảy may nghĩ sách của mình vượt quá con số 5.000 bản… Nhưng, không ngờ, Cánh đồng bất tận lại có được sự ghi nhận ngoài mong đợi đến vậy, chị đã được “nương bóng” nó quá lâu, lâu đến nỗi, người ngoài cuộc, hoặc các nhà phê bình thì cho rằng Ngọc Tư khó mà bứt khỏi “cánh đồng” ấy được!

Cái giỏi của Ngọc Tư là chị cứ rủ rỉ với một lối văn phong dung dị, ngôn ngữ truyện cứ như được bê vào từ đời thường, câu chuyện ấy như thể mình là người được chứng kiến đủ điều từ đầu đến cuối và kể lại cho mọi người cùng nghe. Không có một lời phán xét nào mà như cứa vào tâm thức những nỗi niềm trắc ẩn. Làm được vậy, Ngọc Tư khẳng định, bởi trong cõi văn chương, chị là người cực kỳ cô đơn, nên chị rất dễ dàng để nhân vật của mình sống trong cô đơn tận cùng, trong hoang hoải, chán chường. Chị, cũng như những con người trong Cánh đồng bất tận, sống giữa nhiều người, sống giữa cộng đồng, sống giữa biển người nhưng có cảm giác như bị bỏ rơi… Cũng phải cảm ơn mảnh đất, mà theo như Ngọc Tư đã nhiều lần chiêm nghiệm rằng, nếu tách chị ra khỏi nó, chị sẽ không thể sống nổi. Mảnh đất ấy đã cho chị nguồn cảm hứng không bao giờ cạn, nguồn cảm hứng từ con người, từ thiên nhiên, từ những phận người dân nghèo, từ cả một vùng nước lớn nước ròng mênh mông. Dường như, chỉ có người biết lắng nghe âm vang từ sâu thẳm bên trong như Nguyễn Ngọc Tư mới có thể thấu hiểu được. Điều này lý giải vì sao, sau khi nổi danh, chị đã từ chối không ít lời mời về thành phố lớn để sống và làm việc. Chị bảo rằng, nếu lên Sài Gòn, thay vì viết văn, chị sẽ ra đường... bán chuối nướng!

Dạo này, Ngọc Tư “sa đà” thêm vào việc làm thơ. Gần đây tôi đọc được chùm thơ của Nguyễn Ngọc Tư trên tạp chí Thơ của Hội Nhà văn và vội vàng nhắn tin hỏi: “Phải thơ của chị không?”, Tư nhắn lại: “Ừa, sao? Lạ lắm hả?! Tui lấn sân tí thôi mà!”. Tôi không nhắn lại cho chị, vì nghĩ rằng, nói về thơ của Nguyễn Ngọc Tư, lại là một câu chuyện khác. Nhưng, cũng như văn xuôi, thơ của chị là những khúc buồn của tâm hồn được lọc qua một lăng kính khác. Có lần, Ngọc Tư bảo, ở thơ, nỗi buồn của chị như được chắt lại. Đó là khi chị viết về gia đình: “Bốn ngàn trưa con nằm co bên thềm như con chó nhỏ/ ngủ và mơ giấc của riêng mình/ những chiêm bao bị cơn thèm ăn ngấu vào quay quắt/ con chưa bao giờ kể ai nghe/ sợ tay má khóc/ mãi không búi được tóc/ sợ lòng ba đau/ miết cuốc vào giồng rau”. Hay khi chị viết về tình yêu: Những nhớ thương, chờ đợi, tủi buồn/ bỗng một ngày em không nhốt được/ tan chảy từ khối ngày đông đặc/ chúng chực tràn ràn rụa phía anh/ Từng chữ từng chữ tuôn trên những ngón tay/ chữ mặn và trong/ chữ xót ròng ròng/ em không sao dừng lại được/ anh sẽ ướt/ anh sẽ ướt. Em sợ anh sẽ ướt/ khoét một vết sâu, em dẫn nhớ chảy vào/ mỗi thư nháp là một dấu đau/ một vũng chữ anh không bao giờ nhìn thấy/ Mỗi thư nháp là một cơn bão/ Đã từng…”. Năm 2009, bận rộn với việc sinh thêm một cậu quý tử, nên Ngọc Tư có vẻ không dư sức “mặn mà” với văn chương. Vì như chị đã từng nói rằng, nhà văn thì cũng phải sống bình thường chứ. Con người văn chương và con người đời thường của Tư chẳng có sự khác biệt là mấy, chị viết văn lúc chị rỗi, về nhà vẫn phải lo cho gia đình. Nếu phải hy sinh gia đình vì văn chương thì Tư thấy không đáng. Bởi vì đó là thiên chức của người phụ nữ. Cũng chính vì thiên chức cao cả ấy, nên đáp máy bay một chặng đường dài ra Bắc dự buổi giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới vừa được nửa chặng đường, Tư đã vội về. Chị bảo: “Thằng con nó gọi rồi. Phải về thôi!”.

Tư về trong ngày Hà Nội rét đậm và mưa phùn. Chị trầm ngâm với vài câu cụt lủn khi nói dăm ba câu chuyện tạm biệt. Dường như, bao nhiêu âm sắc, chị đã để dành hết cho trang viết. Ngọc Tư là vậy. Dường như, quả “sầu riêng” ấy luôn là một bí ẩn. Như có lần chị đã nói: “Đôi lúc tôi ví văn của mình như một quả sầu riêng (tôi rất muốn làm một quả sầu riêng) người thích thì nói thơm còn người không thích thì chê thối. Nhưng trời đã cho vậy thì biết làm sao. Tôi tin vào số phận!”.

Tác giả: Trần Hoàng Thiên Kim

Nguồn tin: TT&VH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây