Nhà thơ Văn Công Hùng dấn thân trong miền lục bát

Thứ tư - 18/04/2012 20:47 5.197 0

Từ trái sang, các nhà văn Phan Đình Minh, Văn Công Hùng, Văn Giá, Phan Hoàng tại Hà Nội - 2.2012

Từ trái sang, các nhà văn Phan Đình Minh, Văn Công Hùng, Văn Giá, Phan Hoàng tại Hà Nội - 2.2012
Đọc lục bát Văn Công Hùng, tuy tư tưởng chuyển tải trong thơ lục bát chưa đa dạng, còn nặng về tình, ít những cảm hứng về thế cuộc, ít nhựa sống nhân sinh so với mảng thơ tự do nhưng nhờ sự tinh tế, chắt lọc trong từng con chữ, trong từng cấu trúc thơ đan xen với giọng điệu vừa buồn nhớ vừa hài hước, nhà thơ đã làm nên cái riêng nhất định cho lục bát của mình.

Nếu thử làm một phép so sánh đối chiếu, hiện nay, thơ tự do đang lên ngôi. Thứ nhất, thơ tự do không bị bó hẹp về dung lượng lẫn tư tưởng, nhà thơ được tự do bay nhảy trong thế giới ngôn từ và cảm xúc của mình. Thứ hai, thơ tự do thích ứng với các trào lưu thi ca, nhạy bén với bất kì “thời trang” nào, thị trường nào. Song song với thơ tự do, kiểu thơ truyền thống vẫn được các độc giả đón đợi, hoan nghênh. Trong đó, lục bát, một thể thơ đậm bản sắc văn học văn hoá dân tộc, vẫn trường tồn và không ngừng được làm mới.

Lục bát dễ làm, dễ nhớ. Các nhà thơ bắt đầu hành nghề hầu như không ai bỏ qua thể loại này và cũng ít nhiều có những thể nghiệm nhất định. Vấn đề cơ bản là anh ta có tạo được giọng điệu riêng, sắc thái riêng, phong cách riêng cho mình hay không mà thôi. Làm ra một bài thơ lục bát để không lẫn với bạt ngàn rừng thơ lục bát là điều khó. Nhà thơ cần phải đổi mới cái áo mà mình đang mặc bằng chính đường cắt và chỉ may của chính mình một cách khéo léo, lúc ấy, lục bát mới là của riêng mình. Phạm Xuân Trường, Đồng Đức Bốn, Du Tử Lê, Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Tạo… ít nhiều đã tạo được dấu ấn của mình bằng thể thơ lục bát. Nhà thơ Văn Công Hùng cũng thế, cũng có duyên có nợ với thơ lục bát. Từ tập thơ đầu tiên “Bến đợi” cho đến tập thơ “Văn Công Hùng lục bát” (2010)[1] là một quá trình tích luỹ, chưng cất và khẳng định. Văn Công Hùng đã làm nên lục bát cho riêng mình như cách ông gọi tên tập thơ “Văn Công Hùng lục bát” - một cách gọi bản lĩnh và phong cách. Hay nói cách khác, Văn Công Hùng muốn khẳng định “sản phẩm” lục bát của chính mình bằng kho chữ khá cách tân, bằng những nguồn cảm xúc đầy tâm trạng.

Theo Inrasara, có 4 dòng/khuynh hướng lục bát: Dòng lục bát dân gian, dòng lục bát trí tuệ, dòng lục bát huyền ảo, dòng lục bát hậu hiện đại. Thơ Văn Công Hùng hội tụ đủ 4 dòng lục bát trên, nhưng mức độ đậm nhạt khác nhau. Với dòng lục bát dân gian, nhà thơ vận dụng các chất liệu, thi ảnh của ca dao trên tinh thần cải biến một cách sáng tạo, tạo nên kho trời riêng: "người ơi vai chẳng kề vai/ mà sao thương mãi thương hoài ngàn năm/ thương từ thuở nhớ xa xăm/ để cho câu hát lặng thầm trên môi...// mắt lá răm chẳng về đâu/ gửi nhau lúng liếng làm cầu nhớ thương" (Thôi đành quan họ). Đặc biệt, kĩ thuật sắp đặt, lắp ghép các thi ảnh dung dị bên cạnh những thi ảnh siêu thực tuôn chảy tự nhiên: “có người giăng lưới hải hà/ nhặt lên tia nắng để mà ngắm chơi/ ta ngồi đốt một mù khơi/ lắng lên hạt cát đầy vơi biển bờ" (Tự khúc biển). Bên cạnh những câu lục bát chứa chan tình, giọng điệu sâu lắng còn có những câu lục bát phảng phất giọng điệu tinh nghịch, hóm hỉnh: “em đừng thả gió vào chùa/ thả anh vào giữa cơn mưa tơ hồng/ thân cò lạc ở đằng đông/ mơ con sông mẹ hái ngồng cải tơ // thì còn một cái lơ ngơ/ ta đem đổi lấy nửa bờ cau non/ anh xin em một bồ hòn/ ngậm cho củ ấu cũng tròn như em” (Thả gió vào chùa). Chính sự pha trộn giọng điệu này làm nên nét riêng cho thơ lục bát của Văn Công Hùng. Ngay cả những vần thơ lục bát về cõi Thiền cũng được đan vào sắc giọng ấy: “đầu năm người đi lễ chùa/ có dòng sông lạ vãn mùa cập kênh/ nam mô câu tụng chênh vênh/ lá bùa mua sẵn gập ghềnh đốt tay” (Vọng xuân); “Sợi lạt nằm dưới bánh chưng/ Xuân thì một thuở tưng tưng cửa thiền” (Đồng dao mùng một tết); “Áo khăn mắc cỡ bờ rào/ tình tang mô phật ta vào thắp hương/ ước gì mắt ở sau lưng/ để rồi ngộ cõi vô thường nhân duyên" (Gió đưa ngồng cải lên chùa). Bằng sự dí dỏm và hài hước ấy, Văn Công hùng tạo được thế cân bằng cho tình cảm của mình. Để tránh sự phân cắt giữa thơ tự do và thơ lục bát, nhà thơ còn xen kẽ lục bát với thể thơ tự do nhằm tạo điểm nhấn, vừa mở rộng chiều kích của lục bát vừa thể nghiệm tinh thần sáng tạo của mình. Trong bài thơ “Sáng nay” là một ví dụ: “Ngày qua cầu rưng rưng cháy gió/ Đội rế lên đầu em hoá cô dâu// Lá chanh hong tóc tìm nhau/ Bờ ao lập loè đom đóm// Tượng đá chênh vênh sườn núi/ Sao bắt tình yêu phải chết một mình// Sáng nay hoa nở đầy phố/ Người đàn bà răng đen/ Người dàn bà mặc váy/ Người đàn bà ôm con/ Ngơ ngác”. Ở bài "Tượng mồ" lại thiên về kiểu dàn trải câu lục và câu bát theo kiểu bậc thang:

“Hoang sơ
chiều rót tràn vai
ché và chiêng
và đầy vơi rượu cần
nằm đây một nắm xương tàn
đứng dậy tượng hát một ngàn lời yêu

                 (Tượng mồ)

Bậc thang chia theo cấp độ tăng dần: 2-4; 3-5 và cuối cùng là cặp 6-8. Cách bố trí như thế, không chỉ tạo ra hiệu ứng đảo nhịp (từ chẵn sang lẽ và trở về chẵn) mà còn gợi được hình dáng, tư thế của tượng nhà mồ - nét đẹp văn hóa tâm linh của người Tây Nguyên – đang dần bị hủy diệt bởi sự tàn phá của thiên nhiên và sự "vô tâm" của con người. Văn Công Hùng tôn tạo bức tượng gỗ bằng chính chất liệu ngôn từ, nhờ thế, ông đã vĩnh cửu bức tượng mồ trong cảm xúc của biết bao thế hệ. Vậy, cách sắp đặt cấu trúc ngôn từ lục bát đã mang đến lợi thế cho ý tưởng của nhà thơ không khác gì kiểu bố trận của thơ tự do. Một đoạn trong bài "Miền đi", tác giả không sử dụng kiểu bậc thang mà sử dụng dấu chấm liên tục trong một câu bát: "đành về nhặt cái lặng im/ chợt nghe một phía nổi chìm sương giăng/ người xa ngóng lạnh mùa trăng/ quật quăng thân phận. nhung nhăng. thôi thì/ bước chân qua miền sân si/ con sông trước mặt miền đi cuối trời...". Hai dấu chấm liên tục là một hiện tượng bất thường. Nhưng chính nó lại làm nên sự biệt. Vừa có tác dụng ngắt nhịp dài vừa nhấn mạnh những biến chuyển trong tình cảm: từ sự dấn thân đến sự nghi ngại, dùng dằng và cuối cùng đành chấp nhận "thôi thì", chấp nhận sự lẻ bóng, đơn chiếc.

Tình yêu làm cho cuộc sống trở nên đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Và “Trên thế gian chẳng có vị thần nào đẹp hơn Mặt Trời, chẳng có ngọn lửa nào kì diệu hơn là ngọn lửa tình yêu” (M.Gorki). Để có được tình yêu, người ta có vô vàn cách bày tỏ cũng như cách níu giữ nó. Ẩn chứa trong trái tim tình yêu của mỗi người là những điều diệu kì. Nhà âm nhạc thổi cái tình của mình qua những giai điệu du dương của tiếng đàn. Nhà điêu khắc chạm vào hình khối bằng những mảng khối khác nhau của tình yêu… Nhà thơ cũng vậy, để bày tỏ tình yêu, anh ta gửi vào ngôn từ của thi ca những miền nhớ thương. Có thể nói, tình yêu là men nồng, chất xúc tác thăng hoa sáng tạo. Trong thơ, tình yêu nồng nhiệt và đa dạng về sắc thái, cung bậc. Thơ lục bát Văn Công Hùng ăm ắp, ấm áp tình. Dẫu “em về phía dốc mong manh”, “em chông chênh ảo vọng nẻo phù du”, “em bủa vào tôi hoang vụn của ngày” và “em đi ngược phía lời thề” nhưng tâm hồn nhà thơ vẫn đồng vọng, khôn nguôi. Cái tình da diết ấy neo vào thơ, bám vào từng lát cắt kí ức của thi sĩ. Dưới lớp áo lục bát, tình yêu ấy càng tinh tế, sâu đậm.

Văn Công Hùng "gói chiều vào mảnh khăn tay" nỗi niềm "thương từ thuở nhớ xa xăm", từ những lần “tôi đem trăng thả vào rằm/ thấy người thuở ấy đang nằm đếm sao” (Bến mê) cho đến khi “em đi ngược phía lời thề”, quên những tháng ngày “dã quỳ thắp nắng triền đồi”. Nhà thơ trở thành “bến đợi”[2], trở thành chàng thi sĩ “hát rong”[3] đi qua từng miền nhớ, nơi có “hoa tường vi trong mưa”[4], bâng khuâng “gõ chiều vào bàn phím”[5] để tình yêu thành “lời vĩnh cửu”[6] dẫu biết rằng tất cả chỉ là “đêm không màu”[7]. Và, khi “em thả lời thề vào đêm”, nỗi buồn ấy cào xé tâm hồn thi sĩ:

“ừ về. Ta ở, mình đi
rượu mềm đến nhạt thiên di cả chiều
liêng biêng phố nhỏ đìu hiu
chân đăm díu đổ bước chiêu vô hình
liêu xiêu nắng tựa bóng mình
nghêu ngao líu lếu nỗi mình mình nghe…”

                   (Đoản khúc say)

Cách đặt đấu chấm ở câu đầu tiên không chỉ tăng độ ngưng nghỉ mà chính độ ngưng nghỉ ấy tạo ra sự bất ngờ: sự chia cắt. Sự chia cắt ấy dù đã được nhân vật trữ tình trấn an bằng lời tự nhủ, đành lòng “ừ về” nhưng sao nghe nghèn nghẹn. Dấu chấm ở đây vừa kiên quyết nhưng vừa xót xa. Sự chia cắt giữa “ta” và “mình” bằng hai hướng đối lập “ở” và “đi” – một cái tứ quen thuộc của ca dao nhưng được mở rộng hơn về không gian thực và không gian tâm trạng: “thiên di cả chiều”. Ở đây, những từ láy như “liêng biêng”, “liêu xiêu”, “nghêu ngao”, “líu lếu” kết hợp với cách phá vỡ cấu trúc thành ngữ (chân đăm đá chân chiêu) đã thể hiện rõ dáng dấp và tâm trạng của nhân vật trữ tình "nghêu ngao líu lếu nỗi mình mình nghe". Phải chăng trong trạng thái say, cái tình trở nên chân thật hơn bao giờ hết?

Cô đơn là cú hích tâm thức sáng tạo của người nghệ sĩ. Nỗi cô đơn ngấu nghiến cả con chữ, vít vào người đọc những nỗi niềm không thể cưỡng lại được. Những cụm từ chỉ sự cô đơn láy đi láy lại, khoét sâu, buồn tê tái: "tôi và bóng tôi", "một mình một cõi", "ngồi hát với một đám mây", "một mình tôi với tôi một mình", "một bóng vô hình", "chỉ còn mình tôi với tôi thôi", "mình tôi ngồi với xưa nơi người ngồi"..., làm nên giọng điệu trầm lắng cho thơ lục bát của Văn Công Hùng. Bởi thế, giữa nhà thơ và em bao giờ sự chia cắt, ngang trái cũng tồn tại:

ngồi hát với một đám mây
câu thơ vụt cháy nửa giây đầu đời
người thì ở phía mù khơi
mong manh ngũ sắc bời bời trái ngang
thì say đến độ lâng lâng
thấy sông thành núi nhìn vàng ra tro
với tay vớt một lơ ngơ
định mang về cất nào ngờ nát tan

             (Ngồi hát với một đám mây)

Một mình mình nhấm nháp sự cắt chia, nẫu lòng. Ước ao được thả hồn chỉ trong giây phút lơ ngơ để hớp chút tình còn lại như gió thoảng qua mà thôi nhưng cũng không được. Tất cả đều "mong manh", hư ảo. Vì thế, một khoảnh khắc được gặp lại, được trở về bao giờ cũng cháy mãnh liệt trong tâm hồn thi sĩ. Khi được trở về Huế, nhà thơ khát khao tìm lại kỉ niệm “người đương ngơ ngẩn tóc thề/ thì tôi đã lại bốn bề Tam Giang” trong những bức tường rêu phong, trong những điệu hò nam ai nam bằng.

“tôi thành một kẻ đa mang
chưa về Huế đã vội vàng phải đi
liễu xanh giăng mắc điều gì
mà rêu Thương Bạc phu thê giữa chiều
phố buồn con dốc đìu hiu
cầu Bến Ngự
chợt
liêu xiêu câu hò”

        (Mùa thu như thể nắng vừa trôi qua)

Cách gọt và gieo vần cho luật lục bát đôi khi gây phản diện cho chính tứ thơ. Nhưng nếu không dày công mài giũa cách gieo thì đâu còn là thơ lục bát. Vì thế, cái dễ của lục bát cũng chính là cái khó. Nhà thơ càng chắc tay, linh hoạt trong cách gieo vần đôi lúc lại làm ý thơ sống sượng, gò bó. Gieo thế nào mà vừa giữ được tình và ý, vừa đảm bảo được tính nhạc của lục bát là điều không dễ chút nào. Tính nhạc phụ thuộc vào cách phối âm, phối thanh, gieo vần. Tuy nhiên, cách phá vỡ tính nhạc bằng cách ngắt dòng cũng góp phần làm cho thơ vừa du dương, nhẹ nhàng, lắng đọng, phù hợp với hành trình tìm về của nhà thơ. Chuyến về quá vội, chưa nói được gì với Huế mà đã phải vội vàng giã từ, chia ly trong nỗi niềm nuối tiếc. Câu bát được tách làm 3 dòng, vừa tạo cái dáng mới, vừa tạo nhịp mới cho câu bát. Nhịp lẽ, đứt gãy ở giữa câu bằng thanh trắc (chợt) vừa làm bối cảnh chia cắt vừa thể hiện nhịp tâm trạng. Sự đứt quãng, xé nhịp đột ngột khiến cho nội lực tình cảm càng mãnh liệt hơn.

Văn Công Hùng là chàng thi sĩ đa cảm. Không chỉ nhớ người ở Huế mà ông còn nhớ người ở Đà Lạt, Nha Trang, Côn Đảo, Krông Pa... Dường như, nơi nào nhà thơ dừng chân là nơi đó có bóng hình của "em". Như vậy, hình tượng "em" đâu phải chỉ là bóng dáng thực của một giai nhân mà còn là nàng thơ của thi sĩ. "Em" trở thành nỗi niềm để nhà thơ bày tỏ tấm lòng của mình trước những vẻ đẹp của đất nước, của từng vùng miền. Huế nên thơ và rêu phong hơn với những hình ảnh hết sức bình dị: “tôi với em với sông Hương/ với bông lựu đỏ với vương vấn chiều/ với nhành cỏ tím phiêu diêu/ với mây thành nội với điều vu vơ/ với mùa phượng cháy tình cờ/ mùa thu như thể nắng vừa trôi qua” (Mùa thu như thể nắng vừa trôi qua). Krông Pa huyền ảo, phiêu diêu hơn trong màn đêm: "Krông Pa một lần sương/ người tan nhòe cõi nhớ thương riêng mình/ ta đong một chén bình minh/ một ly nghiêng ngửa một bình hoàng hôn" (Đêm Krông Pa ). Xứ sương mù và hoa cũng đong đầy tình: "nhấp nhô thung lũng sương mù/ hoa tường vi dẫn phố về lối mưa/ người thì đã của ngày xưa/ cơn mưa lỗi hẹn như vừa hôm qua" (Ta về Đà Lạt)...

"Có gì mong manh hơn nước mắt, những cũng không có gì mạnh bằng nước mắt. Dẫu trong veo nhưng mặn chát nghìn trùng. Ai cũng hiểu nước mắt đâu chỉ là nước mắt, nó là bể dâu sấp ngửa phận người. Nó được chắt ra từ tận cùng khổ đau tận cùng sung sướng, từ tận cùng nhịp thổn thức trái tim. Nó cứng như đá hoa cương mềm như hoa cải ven sông, mềm hơn cả những gì dịu dàng nhất. Nó là tinh hoa của hạnh phúc, là những điều không thể nói người ơi” (Trường ca “Lời vĩnh cửu” – Văn Công Hùng). Vì vậy, dẫu biết đến bao giờ… dẫu biết “ven sông hoa cải nở nhàu” và “và rồi mây gió với ta” nhưng tâm hồn không thôi khát khao về một hạnh phúc tròn đầy. Đó là điều đáng quý trong thế giới lục bát của Văn Công Hùng.

bao giờ lại đến bao giờ
ta đi đến tận bến bờ đời nhau
rồi trèo lên sóng bạc đầu
ru đêm bằng khúc kinh cầu riêng ta…

         (Thả gió vào chùa)

Lục bát là thể thơ truyền thống sang trọng. Nhưng để mang đến cho độc giả cái mùi vị mới, khó quên quả là điều không dễ. Làm sao có một Nguyễn Bính, một Nguyễn Duy không lẫn vào hàng trăm cây lục bát? Điều ấy là tâm trạng chung không chỉ của người viết, mà còn là sự đòi hỏi của một nền thơ trong xu thế đổi mới. Có như vậy thơ lục bát mới không trở thành cổ vật nằm trong bảo tàng thi ca. Đọc lục bát Văn Công Hùng, tuy tư tưởng chuyển tải trong thơ lục bát chưa đa dạng, còn nặng về tình, ít những cảm hứng về thế cuộc, ít nhựa sống nhân sinh so với mảng thơ tự do nhưng nhờ sự tinh tế, chắt lọc trong từng con chữ, trong từng cấu trúc thơ đan xen với giọng điệu vừa buồn nhớ vừa hài hước, nhà thơ đã làm nên cái riêng nhất định cho lục bát của mình: "này em/ vừa thoát bùa mê/ gặp ngay cháo lú bốn bề bủa giăng/ vụng về bật lửa xem xăng/ lửa toang hoang cháy nước lăng xăng đầy...// này em/ còn một mong manh/ trắng trời xứ lạ một mành chỉ tơ/ thôi thì luyện nhớ thành bùa/ thả lên mây trắng/ và chờ/ trống không..." (Này em)

Đồng Hới, ngày 10.1.2011
Hoàng Thụy Anh
Nguồn: Nhà văn TPHCM

____________________

(1). Văn Công Hùng lục bát (thơ - 2010)
(2). Bến đợi (thơ - 1992)
(3). Hát rong (thơ - 1999)
(4). Hoa tường vi trong mưa (thơ - 2003)
(5). Gõ chiều vào bàn phím (thơ - 2007)
(6). Lời vĩnh cửu (trường ca - 2009)
(7). Đêm không màu (thơ - 2009)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây